Nguồn cơn sâu xa vụ PGS kiện trường ĐH đòi bồi thường 1.000 đồng

Phó giáo sư- tiến sĩ khoa học Phan Dũng.
Phó giáo sư- tiến sĩ khoa học Phan Dũng.
(PLO) -Vụ kiện đã thu hút đông đảo người quan tâm. Phòng xử A của TAND quận 5 (TP HCM) không còn chỗ trống. Ngoài hàng chục phóng viên, còn có rất nhiều sinh viên và bạn bè của PGS Phan Dũng tham dự. Tòa án phải bố trí thêm rất nhiều ghế, quạt để phục vụ cho buổi xét xử.
 

Ngày 29/4, TAND quận 5 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm vụ Phó giáo sư - tiến sĩ khoa học (PGS - TSKH) Phan Dũng (65 tuổi) kiện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN) TP.HCM “yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín” 1.000 đồng. 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Hiệu trưởng Trần Linh Thước và Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Phan Ngô Hoang của Trường ĐH KHTN TP HCM.

“Người đương thời” khởi kiện

Trong đơn kiện, nguyên đơn cho rằng, ông là người duy nhất của trường ĐH KHTN có học vị tiến sĩ khoa học, cũng là người sáng lập Trung tâm Sáng tạo Khoa học - kỹ thuật (Trung tâm TSK) và đưa môn học "phương pháp luận sáng tạo" vào Việt Nam (trước cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc).

Một trong các văn bản của Trường ĐH KHTN bị cho là phủ nhận công sức, trù dập PGS Dũng.

Một trong các văn bản của Trường ĐH KHTN bị cho là phủ nhận công sức, trù dập PGS Dũng.

Ông đã cùng đồng nghiệp dạy hơn 460 khóa phương pháp luận sáng tạo cho hơn 20 ngàn người; có 52 công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng báo cáo hội nghị, bài báo, sách công bố ở Việt Nam, Anh, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan. Ông là khách mời của chương trình “Người đương thời” với đề tài “Người gieo mầm sáng tạo”…

Thế nhưng, theo nguyên đơn, năm 2014, ông đã bị Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH KHTN báo cáo sai sự thật, có những thông tin bịa đặt về quá trình giảng dạy, công tác tại Trung tâm. Báo cáo này lại được Hiệu trưởng Trần Linh Phước nhắc lại trong cuộc họp Ban giám hiệu để phủ nhận toàn bộ đóng góp của nguyên đơn và Trung tâm TSK với nhà trường và xã hội, nhằm bôi nhọ danh dự và cho ông nghỉ hưu. 

Theo nguyên đơn, hai người trên đã dùng rất nhiều từ “không” để đánh giá gần 40 năm làm việc của ông như: “Không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại đơn vị”, “không có bài báo công trình khoa học nào”, “không hiệu quả”, “không có đóng góp cho nhà trường cả về nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực hay phát triển đội ngũ”… 

Đánh giá của hai người trên còn cho rằng: “Ông Dũng cũng không thấy sự ưu ái của nhà trường đối với việc thành lập và phát triển của Trung tâm mà lúc nào cũng kêu ca Trung tâm được mình tạo ra và phát triển”… Từ đó, Ban giám hiệu Trường ĐH KHTN đã quyết định không kéo dài thời gian làm việc và cho ông Dũng nghỉ hưu (theo quy định, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ được kéo dài thời gian giảng dạy, làm việc qua tuổi nghỉ hưu).

Theo nguyên đơn, việc làm cố ý của Trường ĐH KHTN và sự giúp sức của người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đã xâm phạm nặng nề đến nhân phẩm, danh dự và uy tín của ông. Từ đó, ông Dũng yêu cầu tòa: Buộc bị đơn và những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan phải cải chính các thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống; xin lỗi công khai bằng văn bản; bồi thường danh dự cho ông với giá trị 1000 đồng.

Ngay sau đó, Trường ĐH KHTN yêu cầu phản tố. Phía trường cho rằng có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh ông Phan Dũng đã có những hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của Trường ĐH KHTN. Cụ thể, theo phía bị đơn: ông Dũng đã có hành vi cung cấp các thông tin không chính xác cho báo chí dẫn đến việc các báo đăng thông tin không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Trường.

Do đó, Trường đề nghị Tòa án giải quyết các yêu cầu phản tố, buộc ông Phan Dũng phải cải chính các thông tin đã cung cấp sai và xin lỗi công khai Trường ĐH KHTN trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời phải đăng nội dung xin lỗi và cải chính trên ba số báo.

Vì sao chỉ đòi bồi thường 1.000 đồng?

Tại phiên tòa, ông Dũng trình bày: “Suốt cả cuộc đời, tôi dốc tâm huyết vào Trường ĐH KHTN, vào Trung tâm Sáng tạo Khoa học kỹ thuật. Tôi có mấy chục công trình nghiên cứu khoa học đăng tải ở nhiều tạp chí trên thế giới, đã tham gia giảng dạy hàng vạn học viên, viết mấy chục đầu sách. Vậy mà họ lại kết luận tôi “không hoàn thành nhiệm vụ…” và hoạt động của Trung tâm mà tôi phụ trách suốt 20 năm qua “không có sự đóng góp gì cho nhà trường". 

Đối với một nhà giáo, một người làm khoa học thì đó là sự xúc phạm quá lớn. Thiệt hại về vật chất và tinh thần là rất nhiều nhưng là một nhà giáo, nhà khoa học, tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc nên chỉ yêu cầu bồi thường 1.000 đồng, mang tính tượng trưng”.

Tại tòa, đại diện bị đơn cho rằng những văn bản ông Dũng viện dẫn thực chất chỉ lưu hành trong nội bộ, không đưa ra ngoài. Vì vậy, không có căn cứ cho rằng phía bị đơn có hành vi vu khống, xúc phạm đến với ông Dũng.

Theo luật sư của nguyên đơn, Trường ĐH KHTN kết luận ông Dũng là giảng viên thuộc khoa Vật lý – kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm TSK để xác định ông Dũng không giảng dạy, không đóng góp cho khoa, sau đó kết luận ông Dũng không hoàn thành nhiệm vụ là sai sự thật.

Ông Dũng trình bày: “Nhà trường chỉ có một căn cứ duy nhất là tên tôi nằm trong sổ lương của bộ môn chất rắn, khoa Vật lý. Tuy nhiên, trong quyết định thành lập Trung tâm vào năm 1991 không hề có dòng nào nhắc đến việc tôi kiêm nhiệm vừa làm giảng viên vừa làm Giám đốc Trung tâm. Suốt 23 năm qua cũng không có được văn bản nào của nhà trường phân công tôi kiêm nhiệm giảng viên của khoa Vật lý”. 

Ông Dũng cũng chỉ ra những điểm vô lý trong việc nhà trường đánh giá quá trình công tác của ông: “Trải qua nhiều đời tổ trưởng, ban lãnh đạo không ai trong số họ giao hay phân công nhiệm vụ cho tôi tại khoa Vật lý. Mỗi năm đánh giá cán bộ công nhân viên chức, tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ”. 

“Vậy nếu tôi thuộc khoa Vật lý, sao mấy đời hiệu trưởng, trưởng khoa không ai phát hiện ra để nhắc nhở kỷ luật?. Phải đến khi tôi góp ý với hiệu trưởng trong Hội nghị cán bộ công nhân viên chức thì mới đưa ra là tôi thuộc khoa Vật lý để đánh giá tôi không hoàn thành nhiệm vụ”? Nghe đến đây, mọi người có mặt trong phòng xử vỗ tay không ngớt.

Bị “trù dập” vì góp ý lãnh đạo?

Cũng theo ông Dũng, việc ông bị “xử ép” như vậy là do ông đã góp ý thẳng thắn với hiệu trưởng trong Đại hội đại biểu cán bộ viên chức các đơn vị của trường ĐH KHTN năm 2013, nên đến tháng 4/2014, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính và Hiệu trưởng của trường mới có nhận xét thiếu khách quan về quá trình công tác của ông. 

Tuy nhiên, đại diện Trường ĐH KHTN khẳng định việc ông Dũng cho rằng Ban giám hiệu có mâu thuẫn cá nhân với ông là không có cơ sở. Đại diện nhà trường cũng chia sẻ: Ban giám hiệu nhà trường cảm thấy bị “tổn thương” khi nguyên đơn đẩy sự việc đi quá xa.

Phần tranh luận diễn ra căng thẳng. Các luật sư, nguyên đơn, bị đơn liên tục giơ tay xin phát biểu. Nhiều lần ông Phan Dũng và luật sư của ông phát biểu xong, cả phòng xử đồng loạt vỗ tay. 

Phiên xử kéo dài cả buổi trưa, đến gần 14h mới kết thúc phần tranh luận. Trong giờ nghị án, nhiều sinh viên và bạn bè quây lại xung quanh PGS Phan Dũng để hỏi han động viên.

HĐXX thông báo do tính chất phức tạp của vụ án nên cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định, do vậy sẽ tuyên án vào ngày 5/5.

Sau gần một tuần nghị án, ngày 5/5, TAND quận 5 bác yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường danh dự 1.000 đồng của nguyên đơn. Sau khi xem xét, HĐXX nhận định, những văn bản ông Dũng nêu là lưu hành nội bộ, chỉ nhằm đánh giá cán bộ, công chức, không phát tán ra ngoài. Nên nhà trường cũng như những người ký văn bản không có hành vi xúc phạm đối với ông Dũng.

Nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại cũng như việc lãnh đạo nhà trường, Trưởng phòng Tổ chức có hành vi phát tán thông tin ra bên ngoài nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường về tinh thần và vật chất của ông Dũng.

Theo HĐXX, hành vi xin lỗi là của cá nhân, không phải của tổ chức, do đó, không chấp nhận yêu cầu buộc nhà trường xin lỗi của ông Dũng.

Đồng thời, HĐXX chấp nhận yêu cầu phản tố của ĐH KHTN, cho rằng ông Dũng cung cấp thông tin cho báo chí mà không có sự xác nhận của trường đã làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của trường; buộc các báo đăng tin phải gỡ bỏ và đính chính.

Dù “thua kiện”, nhưng PGS – TSKH Phan Dũng vẫn vẻ vui vẻ chia sẻ: “Cả đời tôi tham gia giảng dạy, làm khoa học; tranh cãi, kiện tụng là điều tôi không hề mong muốn. Hôm nay tôi rất cảm ơn các đồng nghiệp, phóng viên và các em sinh viên đã có mặt ở đây. Với một người làm nghề giáo thì sự ghi nhận của học trò, đồng nghiệp mới là sự ghi nhận cao nhất”.

Trường vô trách nhiệm, đổ lỗi giảng viên

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát hỏi đại diện Trường ĐH KHTN: “Phía bị đơn cho rằng nguyên đơn không tham gia giảng dạy, vậy ai là người có trách nhiệm phân công lớp, môn, tiết cho nguyên đơn?”

Đại diện trường: “Mỗi cán bộ đề xuất lên khoa, dựa vào đề xuất đó, khoa sẽ sắp xếp lịch giảng dạy”.

Kiểm sát viên: “Vậy nếu cán bộ không đề xuất thì có xử lý thế nào?”.

Đại diện trường ĐHKHTN không trả lời được câu hỏi này.

Kiểm sát viên nói tiếp: “Trường có chức năng quản lý, vậy mà không phân công cũng như giám sát quá trình giảng dạy của cán bộ, sau đó đổ lỗi hoàn toàn cho giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, vậy đúng hay sai? Vậy trách nhiệm của nhà trường là ở đâu?."

Đọc thêm

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả
(PLVN) -   Tẩn Seo Lụ đã mua thỏi vàng giả trên mạng xã hội với giá 5 triệu đồng rồi cấu kết với đối tượng Deng Fuqiang (quốc tịch Trung Quốc) lập facebook dàn dựng kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.

Bắt tạm giam người điều khiển tàu khách gây tai nạn trên sông Tiền

Lực lượng chức năng tống đạt các Quyết định và Lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Được.
(PLVN) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường thuỷ trên sông Tiền, đoạn thuộc ấp 1, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, làm 1 người chết và 2 người bị thương. Chiều ngày 22/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Được (SN 1982, trú xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ”.

Gia Lai: Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lĩnh 12 tháng tù treo

Gia Lai: Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lĩnh 12 tháng tù treo
(PLVN) - Sáng 22/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa bị cáo Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”; bị cáo Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.