Người phụ nữ chiến thắng nạn cưỡng dâm

Bà Bilkis Bano nói rằng bà muốn những tên sát nhân phải sám hối cho tội lỗi đã gây ra
Bà Bilkis Bano nói rằng bà muốn những tên sát nhân phải sám hối cho tội lỗi đã gây ra
(PLO) -Bà Bilkis Bano đã bị cưỡng hiếp và kinh hãi nhìn thấy cảnh lần lượt 14 người thân trong gia đình bà bị sát hại bởi một toán giang hồ. Thời điểm cay nghiệt ấy là năm 2002. Ngày hôm nay, Bano là một nữ anh hùng trong cuộc chiến vì công lý cho những nạn nhân bị cưỡng dâm. 

Hành trình đằng đẵng 15 năm đi tìm công lý của bà Bikis Bano cuối cùng đã kết thúc với thắng lợi giòn giã khi Tòa án Tối cao ở Bombay tuyên án tù chung thân cho 11 gã đàn ông với lời buộc tội hiếp dâm và giết người. Tòa án này cũng kết tội 5 cảnh sát và 2 bác sĩ – những người này trước đó đã bị tòa án điều tra – về tội đã cố tình hủy sạch bằng chứng. 

Phán quyết lịch sử

Tại New Delhi, bà Bikis Bano đã có buổi trò chuyện thân mật với báo chí rằng, phán quyết của Tòa án Tối cao là một quyết định mang tính bước ngoặt, cuối cùng đã mang lại cho bà cơ hội hòa bình. “Tôi luôn đặt niềm tin trọn vẹn về hệ thống tư pháp của Ấn Độ, tôi rất biết ơn phán quyết của Tòa án Tối cao Bombay. Đó là một phán quyết đúng đắn. Tôi cảm thấy mình đã được minh oan khi tòa án cuối cùng đã buộc cảnh sát và bác sĩ cùng nhận tội. Công lý đã chiến thắng”. 

Hành trình dài 15 năm đòi công lý cho mình và cho các thành viên trong gia đình bà đã bị chết oan uổng đối với bà Bilkis Bano là một cơn ác mộng, song bà nói rằng không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Có những tài liệu nặng ký cho thấy cảnh sát và giới chức bang Gujarat đã cố tình hăm dọa Bano, hủy bằng chứng, không thực hiện khám nghiệm tử thi.

Các bác sĩ từng xét nghiệm cho bà Bano trắng trợn khẳng định, nạn nhân không bị hãm hiếp, bản thân nạn nhân liên tục nhận được lời đe dọa giết. Mặc dù vụ án diễn ra rõ rành rành và thực tế Bano đã ngó tận mặt những kẻ thủ ác tấn công gia đình bà, thế nhưng các vụ bắt giữ đầu tiên của nhà cầm quyền chỉ mới được thực hiện vào năm 2004 sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ chuyển giao hồ sơ vụ án cho các nhà điều tra liên bang, Cục Điều tra trung ương (CBI).

Tòa án Tối cao Ấn Độ cũng chấp nhận lời cáo buộc của nạn nhân Bilkis Bano rằng tòa án Gujarat đã không thực thi công lý, chuyển hồ sơ của bà sang cho một tòa án ở Mumbai.

Bạo động từ một chuyến tàu

Cuộc chiến đòi công lý của Bilkis Bano đã gây không ít bất ổn cho gia đình của bà Bano. Trong vòng 15 năm qua, bà và ông xã Yakub Rasool đã dọn nhà không dưới 10 lần, chuyển tới sống ở trong và ngoài bang Gujarat, 5 đứa con cũng không được yên.

Ông Yakub Rasool đau xót kể: “Chúng tôi không dám về nhà vì sợ hãi. Cảnh sát và giới chức chính quyền cố tình bao che cho lũ ác ôn. Khi ở Gujarat, chúng tôi luôn che mặt ngụy trang, không dám khai địa chỉ thật nơi ở”. 

Vụ tấn công bà Bilkis Bano và gia đình là một trong những tội ác kinh khủng nhất, khơi mào bằng một vụ hỏa hoạn trên tàu chở khách ở thành phố Godhra làm chết 60 tín đồ hành hương người Ấn giáo. Người Hồi giáo bị quy chụp là kẻ gây ra vụ hỏa hoạn, những tên du đãng Ấn giáo điên cuồng tấn công vào các khu dân cư của người Hồi giáo, hủy hoại tài sản của họ.

Trong 3 ngày bạo động, chính quyền bang Gujarat và cảnh sát đứng khoanh tay làm ngơ, hơn 1.000 người đã chết, phần đông là người Hồi giáo.

Chỉ trong 3 ngày của năm 2002, những kẻ cuồng nộ Ấn giáo đã phóng hỏa khắp nơi ở bang Gujarat
Chỉ trong 3 ngày của năm 2002, những kẻ cuồng nộ Ấn giáo đã phóng hỏa khắp nơi ở bang Gujarat

15 năm sau, nạn nhân Bilkis Bano vẫn không ngăn nổi dòng nước mắt khi chạnh lòng kể về những ám ảnh kinh hoàng của những ngày đau thương cũ. Lần đó, Bano về  thăm cha mẹ sống tại làng Randhikpur, không xa thành phố Godhra.

Năm đó, Bano mới 19 tuổi, là mẹ của cô con gái 3 tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai. “Buổi sáng hôm đó, khi chuyến tàu hỏa bốc cháy, tôi đang nấu bữa trưa cho cả nhà thì dì tôi và đứa con đầu chạy xổ đến, nói nhà tôi bị kẻ khác phóng hỏa. Chúng tôi ù té chạy, mất sạch mọi tài sản, thậm chí không kịp xỏ dép”.

Chỉ ít phút ngắn ngủi, tất cả các ngôi nhà trong khu phố Hồi giáo đều cùng chung số phận, 50 gia đình trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Bà Bilkis Bano nằm trong toán 17 người bao gồm cả đứa con gái 3 tuổi, mẹ ruột, người em gái đang mang thai, mấy người em, cháu trai và cháu gái và 2 người đàn ông trưởng thành tìm đến người đứng đầu hội đồng làng – một người Ấn giáo – nhờ bảo vệ. Nhưng đám côn đồ dọa sẽ giết trưởng làng nếu ông dám lấy nhà mình làm nơi tá túc cho người Hồi giáo. 

Dành cơ hội sám hối cho kẻ thủ ác

Trong vài ngày sau đó, toán 17 người lặng lẽ rời sang làng khác, tá túc trong một nhà thờ Hồi giáo, sống dựa vào lòng tốt của hàng xóm Ấn giáo, nhưng bi kịch vẫn diễn ra. Sáng ngày 3/3, 17 người bị một toán đàn ông đi trên 2 chiếc xe Jeep chặn đầu. Bà Bano kinh hoàng nhớ lại: “Bọn chúng tấn công chúng tôi bằng kiếm và gậy. Một tên trong đám cô hồn đó đã túm lấy đứa con gái 3 tuổi của tôi và đập đầu nó vào đá”.

Oái oăm thay, những kẻ tấn công Bano lại là hàng xóm trong làng cũ, là những người mà hàng ngày gia đình nhà Bano thường chạm mặt. Chúng xé toạc quần áo Bano, thay phiên hãm hiếp nạn nhân. Bano quỳ lạy, cầu xin nhưng vô ích. Người em gái họ của Bano – người đã sinh ra một bé gái từ 2 ngày trước đó – cũng bị hiếp và giết chết, đứa bé sơ sinh chịu chung số phận với mẹ.

Bilkis Bano sống sót sau khi đám cô hồn rời đi vì đinh ninh rằng bà đã chết, ngoài ra còn có 2 bé trai tuổi từ 4 và 7. Lê lết trong tấm thân mệt nhoài, Bano khoác vội chiếc áo lót đẫm máu, leo từng bước một lên một ngọn đồi và náu mình trong hang suốt một ngày. “Ngày hôm sau, khát cháy họng, tôi đành bấm bụng xuống ngôi làng cạnh đó để xin nước uống. Dân làng hoài nghi nhìn tôi, nhưng sau rồi cũng giúp tôi. Họ cho tôi áo và khăn choàng để khoác lên người”.

Bạo loạn bùng phát sau khi chuyến tàu chở theo 60 tín đồ Ấn giáo bỗng dưng bị cháy, làm thiệt mạng 60 người này
Bạo loạn bùng phát sau khi chuyến tàu chở theo 60 tín đồ Ấn giáo bỗng dưng bị cháy, làm thiệt mạng 60 người này

Bano nhác thấy xe cảnh sát và họ chở bà về đồn, nghe bà kể lại phút giây kinh hoàng trong đời mình: “Tôi mù chữ, vì thế tôi đề nghị cảnh sát đọc cho tôi tấm giấy mà họ đang viết nghĩa là gì, nhưng họ khước từ. Họ hí hoáy viết những gì mà họ muốn. Tôi biết rõ những kẻ tấn công chúng tôi, đọc tên chúng, nhưng cảnh sát không hề viết cái tên nào”.

Ngày hôm sau, Bano được cảnh sát chở tới một trại tị nạn ở Godhra, nơi ở cho những người sống sót sau vụ bạo loạn. 15 ngày sau, Bano đoàn tụ với ông xã, hai người sống ở đây thêm vài tháng. 

Kỳ diệu thay, đứa trẻ mà Bano mang thai vẫn sống sót sau khi mẹ bị hãm hiếp, và lọt lòng an toàn. 15 năm trôi qua rất nặng nề, nhưng hai vợ chồng Bao nói rằng phán quyết của Tòa án giúp nhà họ sát lại gần nhau hơn. Một ngày sau phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ về vụ án của Bilkis Bano, Tòa chính thức xác nhận án tử hình dành cho 4 tên đã gây tội ác khi giết hại nữ sinh viên 23 tuổi trên xe buýt ở New Delhi.

Nhưng trong vụ án của bà Bano, những kẻ thủ ác lại không nhận sự trừng phạt bằng bất kỳ án tử nào, trong khi các công tố viên đề nghị nên áp dụng hình phạt tử hình cho 3 trong số 12 bị cáo. Nhưng Bilkis Bano không tin việc mình có thể bị trả thù:

“Các tội ác thảy đều kinh hoàng, nhưng tôi cũng chả muốn kẻ thủ ác phải chịu án tử hình. Tôi muốn chúng dành thời gian “bóc lịch” để sám hối cho tội ác đã gây ra. Rồi một ngày nào đó, tôi hy vọng chúng sẽ nhận ra lỗi lầm, làm sao nỡ lòng giết hại trẻ con và hiếp dâm phụ nữ. Tôi không sợ bị trả thù. Tôi muốn chúng hiểu rằng, chúng tôi đã chiến thắng!”.

Đọc thêm

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả
(PLVN) -   Tẩn Seo Lụ đã mua thỏi vàng giả trên mạng xã hội với giá 5 triệu đồng rồi cấu kết với đối tượng Deng Fuqiang (quốc tịch Trung Quốc) lập facebook dàn dựng kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.