Muốn đưa người chết từ Thái Bình sang Nam Định hỏa táng, phải cắt “phế” cho băng nhóm Đường "Nhuệ"?

Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình, tỉnh Nam Định.
Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình, tỉnh Nam Định.
(PLVN) - Theo một số người làm dịch vụ tang lễ, từ khoảng đầu năm 2017 đến thời điểm vợ chồng Dương Đường và một số đàn em bị bắt, nếu muốn được yên ổn thì mỗi một ca đưa người chết từ Thái Bình sang Nam Định hỏa táng họ sẽ phải cắt lại 500 nghìn đồng cho băng nhóm tội phạm này. Số tiền phát sinh được ghi vào mục "từ thiện" này gia đình nhà hiếu phải trả, ước tính tổng cộng lên đến nhiều tỷ đồng.
Năm 2019, trong quá trình báo Pháp luật Việt Nam triển khai đăng tải loạt bài dài kỳ "Tín dụng đen", "xã hội đen" lộng hành ở Thái Bình: Xót xa những phận đời ngang trái", PV đã cất công đi lại nhiều lần ở hai tỉnh Nam Định, Thái Bình để tìm kiếm nhân chứng, xác thực nội dung tin đồn Cty Dương Đường bảo kê, thu "phế" hỏa táng.
Tuy nhiên, dường như vào thời điểm đó thế lực tội phạm băng nhóm do vợ chồng Đường Nhuệ quá mạnh, không một ai từ Đài hóa thân Hoàn vũ Nam Định đến các dịch vụ tang lễ tại Thái Bình dám lên tiếng tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí.

Chỉ đến những ngày vừa qua, khi thông tin cặp vợ chồng Dương Đường và một số đàn em bị cơ quan công an bắt giữ phục vụ điều tra làm nức lòng những người dân yếu thế tại quê lúa thì PV mới có thể tiếp cận được một số nguồn tin là nạn nhân bị côn đồ bảo kê, thu "phế" những gia đình tang hiếu trong suốt khoảng thời gian dài. 

Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình, tỉnh Nam Định.

Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình, tỉnh Nam Định.

Trưa ngày 14/4, chúng tôi có mặt tại tư gia của ông Chủ tịch HĐQT Cty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long (đơn vị quản lý, vận hành Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình, tỉnh Nam Định). Tại đây tình cờ chúng tôi gặp được thêm anh Nguyễn Thế Việt là cán bộ của Cty Thành Phát (đơn vị được Cty CP tang lễ Hoàng Long ủy quyền phát triển thị trường, khách hàng sử dụng dịch vụ hỏa táng tại tỉnh Thái Bình) và anh Quách Việt Cường (Phó Giám đốc Cty dịch vụ tang lễ Vĩnh Hằng, một công ty lớn và lâu năm nhất tại TP Thái Bình). 

Thông tin vợ chồng Dương Đường và một số đàn em sa lưới pháp luật đương nhiên khiến những người này rất vui mừng, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, thẳm sâu trong mắt họ vẫn còn chút gì đó sợ sệt bị trả thù, triệt đường làm ăn, bởi đàn em của Nguyễn Xuân Đường dường như còn rất nhiều. 

Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Cty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long, mở dịch vụ hỏa táng tại tỉnh Nam Định có tên Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình. Để phát triển kinh doanh, Cty Hoàng Long ký hợp đồng ủy quyền cho Cty Thành Phát lập văn phòng kinh doanh tại tỉnh Thái Bình, tiếp nhận các trường hợp thân nhân gia đình người mất đăng ký dịch vụ hỏa táng. Mỗi một trường hợp, gia đình có tang sẽ chịu mức phí 4,3 triệu đồng/người hỏa táng. 

Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Cty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long.
 Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Cty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long.

Cuối năm 2017, anh Nguyễn Thế Việt (phụ trách văn phòng Cty Thành Phát tại Thái Bình) được một nhân viên của Công ty Đường Dương yêu cầu đến “tham gia họp” với anh Đường (Nguyễn Xuân Đường - PV). Tại đây, không riêng anh Việt mà còn có khoảng 23 đầu mối cùng làm lĩnh vực dịch vụ tang lễ trên toàn tỉnh Thái Bình đều bị “triệu hồi” tới. 

Tại cuộc họp này, Đường Nhuệ yêu cầu các văn phòng trên phải ký vào một văn bản “liên doanh”. Theo đó, mỗi một ca mai táng, sẽ nộp về cho công ty Đường Dương 500 ngàn đồng.

“Tất cả chúng tôi đều không đồng tình vì đài hóa thân đã có hợp đồng ký kết với Cty Thành Phát, sau đó Cty Thành Phát nhận ca kíp từ các đàu mối dịch vụ báo về, trước đó không hề liên quan gì tới công ty Đường Dương. Tuy nhiên, ai có biểu hiện chống đối, không hợp tác đều có đàn em của Đường dằn mặt ngay tại chỗ. Dưới sức ép đó, tất cả đều phải chấp hành vì nếu không, sẽ không được phép hoạt động”, anh Việt cho biết. 

Để “dằn mặt”, đầu năm 2018, Đường cho tay chân chặn tất cả các xe tang lễ không cho chở người đi hỏa táng tại Nam Định, bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng. Do chi phí hỏa táng tại Hải Phòng cao hơn, quãng đường xa hơn nên thân nhân của người mất đã “biểu tình” với các đầu mối làm dịch vụ, nếu không được hỏa táng ở Nam Định thì họ sẽ đưa người thân đi chôn cất theo phong tục tại địa phương. 

Anh Nguyễn Thế Việt, cán bộ của Cty Thành Phát trao đổi với PV.
 Anh Nguyễn Thế Việt, cán bộ của Cty Thành Phát trao đổi với PV.

Do chưa có Đài hóa thân Hoàn Vũ, mỗi một tháng, trung bình trước đây Thái Bình có khoảng 200 - 250 ca, một vài năm gần đây nâng lên khoảng từ 300 - 400 ca hỏa táng. Không thể để mất thị trường cũng như bị triệt đường làm ăn, các đầu mỗi làm dịch vụ buộc phải chấp thuận, cắt lại mỗi ca 500 nghìn đồng nộp cho người của Nguyễn Xuân Đường. 


Anh Quách Việt Cường (thường gọi Cường Sơn La, Phó Giám đốc Cty Vĩnh Hằng) cho biết, công ty anh nhiều lần bị o ép, khống chế; trực tiếp anh đã phải “báo ca” thu tiền các ca hỏa táng, sau đó nộp theo tháng cho nhóm người của Nguyễn Xuân Đường.

“Thời điểm cuối 2017, ở Thái Bình có 23 dịch vụ. Có 1 cuộc họp cách đây 2 năm, hồi đó Lợi làm cho Đường mời hết các văn phòng lên, đưa ra một văn bản là các dịch vụ phải ký kết thông qua “Hiệp hội tang lễ Thái Bình” do Công ty Đường Dương lập ra. Các dịch vụ phải báo qua Đường Dương sau đó mới được về Đài (đài hỏa táng). Nếu các dịch vụ không báo mà vẫn làm thì “bỏ kèn đi” tức là không thể làm nữa" - anh Quách Việt Cường nói.

Anh Cường cho biết thêm: "Mình biết nhiều nhất bởi sau một thời gian Vĩnh Hằng hoạt động, Đường có nhờ mình, đưa “máy báo ca” cho mình - tức là các dịch vụ báo ca vào máy đó, sẽ tổng hợp các ca theo tháng, sau đó căn cứ trên tổng số này nhân với 500 ngàn đồng/ca thành tiền giao nộp cho Đường. "

"Tổng cộng, 2 lần mình nộp được hơn 100 triệu. Mỗi một ca dịch vụ đi sang Đài mất 500 nghìn đồng và cứ tổng kết lại trên máy báo ca xem bao nhiêu, ông 10 ca nộp 5 triệu, 100 ca nộp 50 triệu, cứ như vậy diễn đều 2 năm nay. Trực tiếp Vĩnh Hằng, mình vừa làm Phó giám đốc, vừa làm phòng kinh doanh và chính tay mình đi nộp tiền ca đó" - anh Cường nói - "Mỗi tháng, Vĩnh Hằng phải nộp cho Đường 45 - 50 triệu tiền phế. Đây đúng là tiền phế vì tự nhiên chúng tôi phải trích 500 nghìn ra cho các ông, các ông ăn trên đầu chúng tôi, không có vai trò gì cả”.

Việc “ăn chặn” dịch vụ hỏa táng của công ty Đường Dương khiến nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực này uất ức. Anh Cường, anh Việt xác nhận, khoản tiền 500 ngàn đồng nộp về công ty Đường Dương, cuối cùng gia đình có đám phải chịu, vì số tiền nộp về Đài hỏa táng bất di bất dịch (4,3 triệu đồng/lượt hỏa táng).

Với những trường hợp chống đối, bất hợp tác, ngoài việc không cho xe tang lễ chở về Đài hỏa táng ở Nam Định, bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng, những “sự cố” như đập vỡ cửa kính xe, đập phá văn phòng… đã từng xảy ra.

Anh Nguyễn Thế Việt cho biết thêm: “Năm 2016, Cty Thành Phát có mở văn phòng đại diện ở TP Thái Bình, do tôi phụ trách. Được 1 năm, cuối 2017, có Đường ra đặt vấn đề muốn làm hỏa táng. Đến cuối 2017, không được đồng ý của các dịch vụ ở Thái Bình nhưng Đường gây sức ép, buộc phải để Đường Dương làm bên Thái Bình. Đường vào dọa tôi, bắt phải về, Cty Thành Phát lo tôi có 1 mình nên bảo về. Đầu năm 2018, Đường Dương tiếp nhận hỏa táng của Thái Bình dù không được đồng ý của phía Đài hóa thân".

Ông Trần Ngọc Giao (Chủ tịch HĐQT Cty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long) cho biết: “Tự các dịch vụ ở Thái Bình bàn nhau, ví dụ như 1 dịch vụ được làm trong mấy xã, chia nhau cho đều. Tức là ví dụ 1 huyện có 8 - 9 xã, có 3 dịch vụ thì mỗi dịch vụ quản lý 3 xã, chia với nhau cho khỏi tranh giành. Hoặc Đường Dương đứng lên phân cho, anh làm dịch vụ chia cho anh 3 xã, trong đó có người chết báo cho anh".

Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, một nguồn tin từ Công An tỉnh Thái Bình cho biết những ngày qua Cơ quan CSĐT đã, đang yêu cầu rà soát tại tất cả các trường hợp sử dụng dịch vụ hỏa táng trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình từ năm 2017 đến nay, thống kê ngay TP Thái Bình đã có khoảng hơn 5.000 trường hợp. Như vậy, với số tiền 500 ngàn đồng/ca hỏa táng, băng nhóm Đường Nhuệ thu "phế” nhiều tỷ đồng…

Tin cùng chuyên mục

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 42 tháng tù

Bị cáo Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
(PLVN) - Sau 7 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù; Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - hành chính) bị phạt 19 tháng tù; Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên Khoa Dược - Vật tư y tế) bị phạt 1 năm 3 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS.

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) -  Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mai Hương (SN 1985, ngụ Bắc Giang) và Vương Thị Bích Phượng (SN 1991, ngụ Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi nghị án, HĐXX phạt Hương 12 năm tù, Phượng 7 năm tù.