Kỳ án “Người rừng Ma Seo Chứ” (Kỳ 1)

TAND tỉnh Lào Cai vừa xét xử sơ thẩm một vụ án “Giết người”, “Chiếm đoạt, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo trong vụ án này vốn là người hiền lành, sa vào vòng lao lý bởi lý do... chẳng giống ai.

Trong 20 năm quay lưng với cộng đồng, Ma Seo Chứ trở thành con của núi rừng khi thông thuộc từng bụi cây, vách đá. Bi kịch phát sinh khi anh ta bị đưa về trụ sở xã vì không có giấy tờ tùy thân...

hjnf
Chân dung “người rừng” Ma Seo Chứ.

Ngày 1/3, TAND tỉnh Lào Cai xét xử sơ thẩm một vụ án “Giết người”, “Chiếm đoạt, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” và “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo trong vụ án này vốn là người hiền lành, sa vào vòng lao lý bởi một lý do... chẳng giống ai.

Hạnh phúc giản dị

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm 1954, ông Ma Seo Vàng (hiện ở xã Xuân Hòa, Bảo Yên, Lào Cai) đưa vợ và ba người con đầu của mình về định cư, lập nghiệp tại thôn Phìn Chư 1, xã Nàn Sín của huyện Si Ma Cai.

Ban đầu thôn chỉ có hơn chục hộ gia đình, kinh tế còn khó khăn, chủ yếu là phát nương làm rẫy. Người con thứ hai của ông là Chứ, tên thật là Ma Seo Chứ (SN 1954) vốn khỏe mạnh và thông minh nên ông Vàng thường tin tưởng giao nhiều trọng trách thay mình. Giữa cánh rừng bạt ngàn ngô và lúa nương, Chứ lớn nhanh như thổi và trở thành “con của núi rừng”, đi rừng thạo như lòng bàn tay, kinh nghiệm săn thú giỏi vào bậc nhất bản làng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cần thêm nhiều nhân lực và của cải, Chứ lên xã viết đơn gia nhập bộ đội. Được đồng ý, Chứ mừng lắm, về khoe khắp bản làng. Cũng từ đấy, cuộc đời của Chứ bước sang giai đoạn mới.

Trở về sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chứ tiếp tục cùng bà con, bộ đội biên phòng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 1979. Chiến tranh kết thúc, Chứ ra quân và được bà con bầu làm Phó chủ tịch, xã đội trưởng xã Nàn Sín, quản lý nhiều công việc của chính quyền cơ sở lúc đó. Se duyên với chị Thào Thị Dúa, ngẫm tưởng cuộc sống hạnh phúc sẽ đến với Chứ thì một việc bất ngờ xảy ra.

Cái tát thay đổi cuộc đời

Vào một buổi tối giữa tháng 9/1990, khi các ngôi nhà của bản Nàn Sín chìm trong sương mù phủ trắng, một toán thanh niên (ở bản bên cạnh) đến bản của Chứ chơi. Nghi ngờ nhóm thanh niên này đến tán em vợ mình, Chứ không bằng lòng. Sự việc trở nên trầm trọng khi Chứ ra tát vào mặt một thanh niên không rõ họ tên, khoảng 17 tuổi. Thấy nhóm thanh niên hầm hầm mặt ra về, ngẫm lại hành vi cưỡng tình đoạt lý của mình, Chứ sợ họ sẽ quay lại trả thù.

Thần hồn nát thần tính, Chứ thu xếp hành lý rồi chỉ kịp bảo với vợ mình là chị Dúa rằng: “Tao lên nương lúa của nhà mình ở. Mẹ mày có việc gì thì cứ lên đó tìm, thi thoảng đem cơm nước lên cho tao nữa”. Nói rồi Chứ biến vào màn đêm...

Thời gian đầu, chị Dúa vẫn đem thức ăn và đồ uống lấy làm khó hiểu về hành động bất bình thường của anh ta. Sau nhiều lần khuyên bảo không thành, ông Ma Seo Vàng khuyên chị Dúa mời các thầy cúng nổi tiếng trong vùng đến cúng trừ ma cho Chứ.

Chứ bị mọi người trong gia đình trói lại đem về nhà để cúng trừ ma. Chứ giải thích với mọi người mình không bị ma nhập nhưng không còn ai nghe nữa. Tất cả đều cho rằng, không lẽ gì mà tự nhiên Chứ lại bỏ nhà lên rừng sống một mình và cách ly mọi người như vậy. Thấy ngay cả vợ cũng không tin mình, Chứ chán nản và tuyệt vọng đến độ quyết định sau khi cúng xong sẽ từ bỏ hẳn gia đình để lên rừng sinh sống.

Đến ngày thứ ba của lễ cúng trừ ma, nhân lúc mọi người ngủ say, Chứ lẻn lên núi ở. Trong đêm tối, Chứ băng đường rừng sang khu vực xã Thanh Bình - huyện Mường Khương sinh sống trong các hốc đá, mái đá sẵn. Hàng ngày, Chứ đi lấy mộc nhĩ và bắt tắc kè, thú rừng đem bán, trao đổi lấy thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt. Cuộc sống của “người rừng Ma Seo Chứ” gắn bó với thiên nhiên hết năm này qua năm khác...

Cô đơn giữa biển người

Nhưng rồi những đêm mưa rừng cuối cùng cũng khiến Chứ thấy cô quạnh và nhớ người thân cồn cào. “Người rừng” quyết định về thăm nhà. Đầu năm 1997, Chứ đi ngược theo hướng sông chảy, theo đường rừng về Si Ma Cai thăm vợ con và gia đình nhưng nơi cũ không còn ai ở.

Thôn bản đã di chuyển tới vùng đất mới, không có ai hỏi thăm và nghĩ rằng gia đình đã chuyển về Bảo Yên sinh sống nên Chứ lại theo đường rừng tìm về Bảo Yên. Tại đây, Chứ cũng không có tin tức gì của người thân nên tuyệt vọng quay về khu vực xã Thanh Bình, Mường Khương, tiếp tục cuộc sống hoang dã của mình.

Chiều 28/7/1997, trên đường về qua xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, Ma Seo Chứ bị lực lượng công an và dân quân xã kiểm tra vì không có giấy tờ tùy thân trong người. Ám ảnh bởi chuyện cũ, cho rằng những người này nhất định sẽ hại mình và trả thù nên Chứ đã chống trả quyết liệt. Sau đó, lực lượng chức năng bắt giữ Chứ, đưa thẳng về trụ sở UBND xã Tả Thàng để điều tra về nhân thân lai lịch.

Tối hôm đó, Phó Công xã Tả Thàng là Giàng Pao đã giao cho tổ canh gác và giao cho một tổ viên là Sùng Phử khẩu súng AK (số súng 4C5609) với 05 viên đạn để canh giữ Chứ. Đến khoảng 3h-4h hôm sau (ngày 29/9/1997), lợi dụng dân quân ngủ gật, lơ là việc canh gác, Chứ tháo được dây trói, lấy trộm khẩu súng AK của anh Sùng Phử dựng gần cửa và bỏ trốn.

Thấy động, lực lượng canh gác ùa dậy bao vây, Chứ cầm khẩu súng AK lên đạn và bắn thẳng lên trần nhà trụ sở ủy ban uy hiếp mọi người. Thấy mọi người chững lại, Chứ nhanh như cắt, băng mình vào đêm đen tìm về “nhà” ở cánh rừng xã Thanh Bình, huyện Mường Khương.

Ngọc Trìu

(còn tiếp)

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.