Kỳ 39: Đoạn kết không có hậu của người đàn bà quyền lực sau Năm Cam

Trúc "mẫu hậu"
Trúc "mẫu hậu"
(PLO) - Thấy các con mình cũng bị ảnh hưởng bởi những sai lầm của bố mẹ, lương tâm của người mẹ đã khiến Trúc “mẫu hậu” ngày đêm không thể ăn ngon, ngủ yên...
Năm Cam chết đi, Trúc “mẫu hậu” - người có thế lực thứ hai chỉ sau ông trùm phải thi hành án 20 năm tù giam tại Trại giam Xuân Lộc (Tổng Cục VIII - Bộ Công an), các con đứa đi tù, người đi tu, cuộc sống của gia đình Năm Cam đã trải qua không ít sóng gió.
Đoạn kết không có hậu của Trúc “mẫu hậu”

Trúc “mẫu hậu” trong thời gian thụ án tại Trại giam Xuân Lộc lúc nào cũng ốm yếu, khổ sở với đủ các thứ bệnh hành hạ trong người. Cả gia tộc Năm Cam nao núng vì phải đền tội trước pháp luật, có những ngày tháng thụ án tại trại giam, Trúc “mẫu hậu” nghĩ về cuộc đời và sám hối tội lỗi, biết thế nào là giá trị của sự bình an.

Những ngày đầu mới đến, Trúc “mẫu hậu” sống trong tâm trạng hoảng loạn, tuyệt vọng. Bà ta thường xuyên khóc lóc vật vã khi nghĩ đến những sóng gió của gia đình mình. Nhưng sau một thời gian, sự động viên, quan tâm của cán bộ trại cũng như sự giúp đỡ của các phạm nhân khác, Trúc “mẫu hậu” đã dần lấy lại được cân bằng. Bà ta sống tốt và sống hòa đồng với các phạm nhân khác. Mỗi lần con cái lên thăm nuôi, có nhiều đồ ăn thức uống, Trúc “mẫu hậu” cũng chia sẻ bớt cho các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, nên được mọi người yêu quý. Những ấn tượng của phạm nhân trong trại về Trúc “mẫu hậu” - vợ của trùm giang hồ Năm Cam dần dần không còn rõ nét trong suy nghĩ của phạm nhân ở Trại giam Xuân Lộc.

Hồi chưa bị bắt, Trúc “mẫu hậu” chỉ có vài ba thứ bệnh lặt vặt. Nhưng thụ án tại trại giam Trúc “mẫu hậu” mắc đủ thứ bệnh tiểu đường, bị suy tim, đau phổi, đường ruột và thường xuyên đau đầu, mắt càng ngày càng mờ đục. Nguyên nhân là do những sóng gió và những biến cố quá lớn của gia đình đã khiến Trúc “mẫu hậu” lao tâm khổ tứ, hoàn toàn suy sụp rồi đánh mất sức khỏe một cách nhanh chóng.

Do sức khỏe ốm yếu, lại tuổi đã cao, nên theo chính sách của Đảng và Nhà nước, Trúc “mẫu hậu” được Ban Giám thị trại giam tạo điều kiện cho sống trong một căn phòng nhỏ với hai phạm nhân khác cùng cảnh ngộ bệnh tật. Trúc “mẫu hậu” không phải lao động hay tham gia các hoạt động của trại mà chỉ tập trung vào việc uống thuốc, điều trị bệnh để tránh suy giảm sức khỏe. 
Trúc “mẫu hậu” những năm cuối đời ốm yếu đến việc tự chăm lo vệ sinh cá nhân cũng trở nên khó khăn. Dù được Ban Giám thị trại giam tạo điều kiện cho cải tạo và chữa bệnh nhưng tình hình sức khỏe của Trúc “mẫu hậu” ngày càng sa sút. Sáng ngày 16/8/2012, phạm nhân Phan Thị Trúc đã bất ngờ tử vong tại Trại giam Xuân Lộc.
Trúc “mẫu hậu” và Năm Cam
Trúc “mẫu hậu” và Năm Cam 

Sư cô Diệu Quang, người được Trúc “mẫu hậu” nhắc đến nhiều nhất về tâm nguyện sẽ cùng con gái đi tu khi mãn hạn tù đã tới nhận thi hài bà về chùa Phước An (nằm trên đường Tôn Đản, quận 4, TP.Hồ Chí Minh) an táng, kết thúc cuộc đời người đàn bà có thế lực thứ hai từng làm khuynh đảo thế giới ngầm giang hồ Sài Gòn một thời.

“Mầm” thiện mọc lên từ “giống” ác

Sư cô Diệu Quang, tên là Tư Ánh, là con út của Năm Cam và Trúc “mẫu hậu”, từ nhỏ hiền lành, ngây ngô nhất. Hồi còn bé, sư cô cũng như bao đứa trẻ bình thường, cũng thích vui đùa, nghịch ngợm và đôi khi có thể làm bố mẹ bận lòng về những trò nghịch phá của mình. Thế nhưng càng lớn, tính cách của sư cô càng hiền lành, kín đáo. Sư cô thường trầm ngâm, không biểu lộ tình cảm nhiều và e ngại giao tiếp với xã hội bon chen bên ngoài.

Trúc “mẫu hậu” dù là mẹ nhưng lúc đó luôn cảm thấy lo lắng, vì phát hiện ra con mình có điều gì đó rất khác so với những đứa trẻ bằng tuổi, cái điều đó không cắt nghĩa được là khác như thế nào. Sau đó, thiên hướng của Tư Ánh bắt đầu bộc lộ ngày một rõ rệt. Tư Ánh đã biết theo người ta lên chùa từ những năm 7-8 tuổi. Cứ đi học ở trường thì thôi, về nhà là Tư Ánh lại lên chùa, giúp đỡ các nhà sư và ngồi nghe giảng kinh Phật, đôi khi Tư Ánh lên đó chỉ để ngồi ngắm nhìn và cảm nhận khung cảnh tĩnh mịch và yên bình trong chùa. Tư Ánh không còn chơi với những đứa trẻ cùng tuổi nữa mà thường chìm trong những ưu tư, trầm mặc không ai hiểu được.

Ngay từ lúc đó, vợ chồng Năm Cam đã bắt đầu lo lắng, mỗi lần Tư Ánh đi chùa về, Năm Cam đều mắng và tìm mọi cách hạn chế con gái vì đứa trẻ lên 8 thì chưa cần hướng thiện như thế. Nhưng sự ngăn cản của vợ chồng Năm Cam không ngăn được ý chí của đứa con gái đã hướng cái tâm theo Phật. Năm lên 9 tuổi, Tư Ánh xin phép xuất gia tu hành, lấy pháp danh là Diệu Quang. Năm Cam giận cấm cửa con gái nhưng sư cô Diệu Quang vẫn không thay đổi ý đinh. Liền 2 năm sau đó sư cô ăn cơm chay, niệm Phật và chính thức đi tu.

Bên ngoài cổng chùa là cuộc sống ồn ào, người đời gọi cha sư cô Diệu Quang là “ông trùm”, mẹ cô là “mẫu hậu” nhưng bên trong cánh cổng chùa, tiếng mõ, tiếng chuông và kinh Phật càng làm cho tấm lòng sư cô Diệu Quang nhân từ đức độ hơn. Sư cô Diệu Quang thuyết phục cha hỗ trợ tiền học phí để nuôi 7 người bạn của cô học hết chương trình đại học.

Sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực tu luyện, sư cô Diệu Quang được học ở Học viện Phật giáo bên Trung Quốc. Ngày nhận được tin Năm Cam bị bắt, sư cô Diệu Quang từ Trung Quốc trở về làm chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Mỗi lần lên thăm mẹ, sư cô Diệu Quang căn dặn đủ điều, bảo mẹ: “Đừng nuối tiếc gì nữa. Nếu trong trại giam có phạm nhân nào không có đồ ăn, thức uống, thì hãy chia bớt cho họ để tích đức về sau”. Trúc mẫu hậu bảo: “Má làm đúng y như vậy, hàng tháng má ăn chay vào ngày Rằm và ngày mùng một, để gột rửa tội lỗi và sai lầm của mình trong quá khứ. Điều mong muốn duy nhất của má bây giờ là một ngày nào đó có cơ hội ra khỏi nơi đây, má sẽ theo con lên chùa quy y cửa Phật để được thanh thản cuối đời, để cái tâm của mình được gột rửa, để những sóng gió, giông bão đã qua sẽ vĩnh viễn ở lại phía sau”.

Ngày Năm Cam bị tuyên án tử hình, nhiều người vẫn không thể quên hình ảnh sư cô Diệu Quang khóc ngất đi phía bên ngoài phiên tòa. Ai cũng cám cảnh và thương cảm cho người con gái hiền lành của Năm Cam sớm đã gửi thân nơi cửa Phật, xa lánh bụi trần mà vẫn phải chịu những sóng gió của gia đình. 
Tại trại giam, kể về người con gái đã xuất gia của mình, Trúc “mẫu hậu” ứa nước mắt. Bà gọi cô con gái đã đi tu của mình là sư cô, chứ không gọi là con, vì người đã xuất gia là người đã không còn thờ cha mẹ, chỉ còn thờ Phật. Bà bảo trong nhà, bà thương sư cô nhất, bởi sư cô là người chịu nhiều tổn thương nhất trong bi kịch của cả gia đình.
Dù khi Năm Cam còn sống, Trúc “mẫu hậu” đã từng làm mưa làm gió, khiến bao nhiêu người khổ sở, khiếp hãi, nhưng ở vị trí một người mẹ, bà vẫn hiền dịu và yêu thương các con, vẫn đau đáu mong mỏi các con có được một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Cho nên khi thấy các con mình cũng bị ảnh hưởng bởi những sai lầm của bố mẹ, lương tâm của người mẹ đã khiến Trúc “mẫu hậu” ngày đêm không thể ăn ngon, ngủ yên.

Vì vậy, sư cô Diệu Quang có lẽ là “hạt giống” hiếm hoi trong những người con của Năm Cam và Trúc “mẫu hậu” không nhúng chàm tội ác. Có lẽ cuộc đời ông trùm Năm Cam và người đàn bà quyền lực Trúc “mẫu hậu” tuy đã làm nhiều việc ác nhưng vẫn còn sư cô Diệu Quang ngày ngày tụng kinh niệm Phật làm những điều đức độ để phần nào sẽ chuộc lại tội ác, lỗi lầm mà trước kia hai đấng sinh thành đã gây ra...

Còn nữa...

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.