Kể lại kỳ án 1.309 ngày oan trái

Được minh oan thoát khỏi tròng tố tụng hình sự, ông Hoàng Minh Tiến lại tiếp tục rơi vào vòng tố tụng dân sự. Bao giờ, ông Tiến mới đòi lại được tài sản hợp pháp chính đáng của mình?

Được minh oan thoát khỏi tròng tố tụng hình sự, ông Hoàng Minh Tiến lại tiếp tục rơi vào vòng tố tụng dân sự. Bao giờ, ông Tiến mới đòi lại được tài sản hợp pháp chính đáng của mình?

          Kỳ 1:

1.309 ngày oan trái

- Ông ơi, có khách! - Cháu ngoại Tô Hoàng Minh (11 tuổi) chạy ùa lên bậc thềm ôm lấy chân ông Tiến rồi vấp ngã. Bà Lâm (vợ ông Tiến) vội đỡ cháu Minh dậy, dỗ: "Thôi nào..., nín cho ông Tiến oan nói chuyện với các chú nhà báo". Coi bộ, ông Tiến dạo này má tóp, đầu gối củ lạc, hom hem lắm. Bộ dạng chân tay loằng ngoằng, ông Tiến lọt trong bộ áo may ô, quần xoóc lửng, ngồi uống trà mà trông cứ rung rinh như hiện thân của con "gọng vó".

1
Ông Tiến đang soạn lại chồng đơn kiện...

Giờ đây, cả gia đình ông Hoàng Minh Tiến chuyển về quê (thôn Thuỵ Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín - Hà Nội) sinh sống, trông coi gia sản điềm viên của gia tiên để lại. Thường ngày, ông Tiến và bà Lâm vẫn phụ giúp gia đình đứa em trai Hoàng Tiến Mùi đánh bóng đũa và làm lược truyền thống. Ngoài ra, ông Tiến còn thường xuyên tư vấn cho các cơ sở làng nghề thu mua, chế biến da trâu, da bò xuất khẩu trên quê hương Hoà Bình của mình. "Cái nghiệp mua bán da trâu, da bò này đã khiến tôi vào vòng lao lý, oan khuất 1.309 ngày" - ông Tiến rùng mình nhớ lại.

 Năm 1990 - 1992, trong các thương vụ làm ăn có 2 thương vụ mà cuộc đời ông Tiến không thể nào quên. Đó là, ngày 2/11/1990, ông Hoàng Minh Tiến (tức Huỳnh Đệ) làm Cửa hàng trưởng Cửa hàng xuất nhập khẩu Đồng Tiến cùng ông Trần Văn Lai là Cửa hàng trưởng Cửa hàng dịch vụ được Tổng Cty xây dựng Hà Nội uỷ quyền ký hợp đồng kinh tế góp 200 triệu đồng để mua và tái chế xuất khẩu da trâu, da bò. Tiếp đến, ngày 17/4/1992, ông Tiến đại diện cho Liên hiệp khoa học sản xuất Việt Nam ký hợp đồng liên doanh góp vốn với ông Nguyễn Văn Quyền (ở số 33 phố Huế - Hà Nội) góp 6.000 USD để mua da trâu, da bò xuất khẩu, với lãi suất 4% trong vòng quay vốn 30 - 45 ngày. Cả hai hợp đồng này đến nay vẫn chưa được các bên thanh lý. Số lượng da trâu, da bò từ các thương vụ  theo các hợp đồng đều được xuất khẩu sang Trung Quốc và Thái Lan, nhưng vì những lý do khác nhau nên đều bị thua lỗ.

Thế là tai hoạ "hình sự hoá các quan hệ dân sự" ập đến với ông Tiến và gia đình. Ngày 22/11/1992, ông Hoàng Minh Tiến bị bắt tạm giam. Ngày 14/12/1992, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Tp. Hà Nội mới ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tiến để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tài sản công dân.

Ngày 16/7/1993, Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hà Nội ra Lệnh số 15 kê biên tài liệu, con dấu doanh nghiệp và tài sản của gia đình. Ông Tiến kể, ngày 29/7/1993, cán bộ công an Lê Hồng Thái đại diện cho Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hà Nội "chứng kiến" cho ông Trương Đình Mỹ (Tổng Giám đốc Tổng Cty xây dựng Hà Nội) cầm "Biên bản thoả thuận" viết sẳn vào tận trại giam ép ông Tiến ký, có nội dung: "Ông Tiến và bà Lâm xin thế chấp với Tổng công ty ngôi nhà số 6 ngõ 295 Bạch Mai (Hà Nội) diện tích 61,4 m2 (cả nhà và đất) làm điều kiện tại ngoại. Tổng Cty xây dựng Hà Nội sẽ đề nghị cơ quan công an xem xét để cho ông Tiến được tại ngoại...". Có biên bản này, ngày 30/7/1993, ông Thiếu tá Vũ Ngọc Chi thay mặt Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hà Nội tiếp tục ký biên bản kê biên ngôi nhà số 6 ngõ 295 Bạch Mai (Hà Nội) nói là để phục vụ công tác điều tra.

Thế nhưng, ông Hoàng Minh Tiến bị lừa và vẫn không được tại ngoại. Trong thời gian này, bà Lâm bơ vơ không nhà cửa; các con Hoàng Thu Thuỷ (16 tuổi), Hoàng Thu Hương (14 tuổi) và Hoàng Hoài Thu (12 tuổi) phải bỏ học. Cả bốn mẹ con đi thuê nhà, sớm hôm đạp xe về quê Hoà Bình mua rau bán dạo, tần tảo nuôi nhau và kiếm đồng dư dật cho các con vào trại giam thăm nuôi bố.

Ngày 28/9/1993, ông Tiến nhận được Cáo trạng số 47/KSKT do bà Kiểm sát viên Nguyễn Thị Thiện thừa uỷ quyền của Viện trưởng VKSND Tp. Hà Nội ký. Quý viện truy tố ông Hoàng Minh Tiến về hai tội, đó là: Tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN" theo khoản 3 Điều 135; và Tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" theo khoản 3 Điều 158 của BLHS 1986.

Có điều lạ, trong cáo trạng không có dòng nào ghi về việc kê biên tài sản cũng như việc kê biên căn nhà số 6 ngõ 295 Bạch Mai (Hà Nội). Lúc này, ông Tiến mới hiểu rằng: "Một số cán bộ trong cơ quan tiến hành tố tụng Hà Nội cố ý ra các quyết định trái pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông chẳng qua là "đòi rút vốn thuê" cho một vài người liên quan đến nghĩa vụ của các hợp đồng thu mua, chế biến da trâu, da bò xuất khẩu?"

2
Ông Tiến "rơi" vào rất nhiều vòng tố tụng dân sự mà vẫn chưa đòi được tài sản bồi thường thiệt hại...

Tuy nhiên, TAND Tp. Hà Nội cũng đã mở phiên toà sơ thẩm đưa ông Tiến ra xét xử. Ngày 30/12/1993, HĐXX sơ thẩm ra Bản án 957/HSST chỉ tuyên phạt Hoàng Minh Tiến về "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN", với mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và hạn thử thách 36 tháng kể từ ngày tuyên án.

Ông Tiến kháng cáo kêu oan. Ngày 12/10/1994, TAND tối cao mở phiên toà phúc thẩm tuyên huỷ Bản án 957/HSST, giao hồ sơ vụ án về cho cấp sơ thẩm để điều tra và xét xử lại từ giai đoạn điều tra, với thành phần HĐXX mới. Theo đó, ngày 15/12/1995, TAND Tp. Hà Nội ra Bản án sơ thẩm (lần 2) số 993, tuyên bố: "Hoàng Minh Tiến không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN". Mặt khác, bản án này huỷ bỏ Biên bản kê biên ngày 30/7/1993 do Thiếu tá Vũ Ngọc Chi đại diện Cơ quan CSĐT Công an Tp. Hà Nộ ký; huỷ Biên bản thoả thuận giữa Hoàng Minh Tiến và vợ là Phạm Thị Lâm với Tổng Cty xây dựng Hà Nội và anh Nguyễn Văn Quyền ngày 15/12/1993 đối với căn nhà số 6 ngõ 295 Bạch Mai...

Ngày 26/12/1995, VKSND Tp. Hà Nội có Quyết định số 03 kháng nghị bản án sơ thẩm 993 nói trên. Kháng nghị này vẫn giữ quan điểm "cố đấm ăn xôi", rằng: "Đề nghị cấp phúc thẩm xét xử Hoàng Minh Tiến về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo khoản 3 Điều 135 BLHS 1986...".

Tuy vậy, ngày 15/6/1996, TAND tối cao ra Bản án hình sự phúc thẩm số 815, tuyên bố: "Hoàng Minh Tiến không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Anh Tiến được hưởng mọi quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...".

***

Như vậy, theo tính toán của bà Lâm, kể từ ngày (22/11/1992) chồng bà bị bắt cho đến ngày 15/6/1996 được TAND tối cao tuyên vô tội, thì ông Tiến phải trải qua hai tròng tố tụng hình sự với 1.309 ngày oan trái. Gần 4 năm trời oan trái của chồng, bà Lâm cùng các con bà sống trong chuỗi ngày tủi nhục, lay lắt. Con cái thất học. Gia đình mất nhà cửa, tán gia bại sản. "Hơn 6 năm qua, ông Tiến oan nhà tôi rạc người như "con gọng vó" đi kiện đòi nhà, đòi bồi thường oan sai, nhưng sự thật này lại đang rơi vào vòng "bát quái" của tố tụng dân sự", bà Lâm hổn hển nói./.

Phóng sự của: Lê Trọng Hùng 

Kỳ 2: Kiện đòi "củ khoai"

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.