Hung thủ giết người ở Đan Phượng sống trong đau khổ, nạn nhân chết tủi hờn

Một vụ trọng án đã xảy ra, một người đã chết, một kẻ sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật chỉ vì lý do lãng xẹt là... mất điện! Tuy nhiên, đằng sau vụ án lãng xẹt này đã nổi lên nhiều vấn đề nhân sinh nhức nhối khiến người ta phải lắng tâm suy ngẫm...

[links()] Một vụ trọng án đã xảy ra, một người đã chết, một kẻ sẽ bị nghiêm trị trước pháp luật chỉ vì lý do lãng xẹt là... mất điện! Tuy nhiên, đằng sau vụ án lãng xẹt này đã nổi lên nhiều vấn đề nhân sinh nhức nhối khiến người ta phải lắng tâm suy ngẫm...

Như PLVN đã đưa tin, ngày 15/12 Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Đan Phượng điều tra, làm rõ một vụ án giết người, bắt thủ phạm là đối tượng Đỗ Xuân Tới (36 tuổi, ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Bước đầu Tới khai nhận: Tới là thợ xây tự do, gần đây có nhận xây dựng nhà cho một người tên là Tỉnh ở thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Trong quá trình xây dựng, Tới thuê nhà anh Nguyễn Văn Mão (ở thôn La Thạch) làm chỗ ở cho nhóm thợ, gồm có: Ông Trần Ngọc Liên (54 tuổi, quê ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) và anh Đinh Văn Mùi (20 tuổi, ở xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ).

Khoảng 19h30 ngày 12/12, Tới cùng ông Liên và anh Mùi đang ngồi ăn cơm tại công trình thì mất điện. Tới bảo ông Liên lấy cốc nến để thắp. Do làm vỡ cốc, ông Liên bị Tới đạp vào người, ngã đập đầu xuống đất. Thấy ông Liên bị thương, Tới và anh Mùi khiêng nạn nhân lên phản gỗ để nằm và phủ màn lại. 7h30 sáng hôm sau 13/12, khi phát hiện nạn nhân đã tử vong, Tới đã đốt xác ông Liên rồi ngụy tạo hiện trường vụ cháy do chập điện.

Hiện trường vụ án.
Hiện trường vụ án.
“Không ai khổ bằng thằng Tới”

Theo suy luận thông thường, một kẻ hung bạo và giảo hoạt như Đỗ Xuân Tới nhiều khả năng phải là đối tượng giang hồ cộm cán. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên thì thực tế lại khác xa so với suy luận trên.

Tại địa phương nơi Tới cư trú, ông Nguyễn Văn Tam - Tổ trưởng Cụm dân cư số 1, thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) - tỏ ra bất ngờ khi hay tin Tới phạm trọng tội.

“Ở đây, Tới sống hiền lành, không va chạm với ai, gia cảnh cũng thuộc diện khó khăn nhất làng, một nách hai con nhỏ, vợ lại đau yếu. Ngoài hai sào ruộng khoán, kinh tế nhà này trông cả vào số tiền Tới đi làm thợ xây đem về” - ông Tam nói.

Chưa hết, trong mắt người dân địa phương thì ở vùng quê này, khó có ai... bất hạnh hơn Đỗ Xuân Tới. Lúc Tới còn nhỏ xíu, mẹ đẻ của Tới mắc bệnh phong nên sớm bị cách ly ra khỏi làng. Bố Tới lấy vợ hai, Tới sống trong sự ghẻ lạnh “dì ghẻ con chồng” nên suốt ngày lầm lũi, chùi chũi như con chuột và người cứ quắt queo lại. Đến khi lập gia đình riêng, Tới cũng không có nổi một mảnh đất cắm dùi và ngôi nhà hiện nay gia đình Tới đang ở được dựng nhờ trên đất họ hàng.

Theo quan sát của chúng tôi, căn nhà tạm bợ này chỉ rộng chừng 20m2, bên trong không có tài sản gì đáng giá, nhà ọp ẹp đến độ gió rét cứ từng chập, từng chập lách qua mái, lùa cả vào.

Vợ Tới chị Nguyễn Thị Hiền (28 tuổi) kể khổ: “Từ hôm biết tin anh ấy gây trọng án, em cứ héo hon hết cả người, không ăn, không ngủ mấy đêm trời. Em chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng, mấy năm nay lại đau yếu liên miên. Giờ chỉ trông vào mỗi anh ấy làm trụ cột gia đình, vậy mà xảy ra sự vụ này, không biết mai đây hai đứa con em ăn học thế nào đây...”.

Chị Hiền cho biết, ngày đó Tới nghèo “rớt mồng tơi” nhưng chị vẫn đồng ý nên duyên cùng Tới vì “em thấy anh ấy cũng là người hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó lại sống rất tình cảm”.

Nghĩa tử không là nghĩa tận, ông Liên chết trong tủi hờn

Về thân phận của nạn nhân, được biết ông Trần Ngọc Liên vốn là người gốc Yên Bái nhưng từng có một đời vợ ở thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Dù vậy, khi ông Liên gặp nạn thì những người tận nghĩa vì ông nhất lại là... những người dưng, cụ thể là bà con nhân dân thôn La Thạch, xã Phương Đình (huyện Đan Phượng, Hà Nội)!

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Viên (64 tuổi, Trưởng thôn La Thạch) cho biết: “Cái chết đột ngột của ông Liên khiến hết thảy mọi người trong thôn La Thạch đều thương cảm. Nhân dân đã rất chu toàn trong việc quyên góp tiền, chuẩn bị hậu sự cho người xấu số”.

Nói đến đây, ông Viên bất giác thở dài đầy trăn trở: “Vậy mà người vợ cũ của ông Liên dù đã năm lần bảy lượt được bắn tin mời đến làm các thủ tục cần thiết cho ông Liên nhưng chị ta nhất quyết không tới, coi đó như không phải việc của mình. Mãi đến khi hoàn tất các thủ tục và gia đình ông Liên từ Yên Bái xuống xin nhận thi hài về mai táng, chúng tôi mới thấy chị ta cùng con gái ló mặt tới. Tuy nhiên, thái độ vô cảm không mảy may thắp cho chồng một nén hương tiếc thương của chị ta làm hết thảy mọi người ngỡ ngàng. Thậm chí, lúc thi thể ông Liên được đưa về, chị này cũng lẳng lặng đi về không một lời cảm ơn ai cả. Cư xử như vậy thì bạc bẽo quá”.

Những lời cảm thán của ông Viên đã thôi thúc chúng tôi tìm đến nhà bà T.T.H. - vợ cũ của ông Liên - để tìm hiểu sự tình. Từ đầu ngõ, vừa nghe chúng tôi thăm dò về người phụ nữ này, người dân nơi đây đã đánh giá: “Bà ấy sống cũng bạc bẽo lắm. Chồng gặp nạn như thế, dù có chia tay rồi hay như thế nào thì cũng phải còn chút tình nghĩa chứ. Đã ăn ở với nhau, có hai mặt con đều đã lớn, vậy mà ban đầu bà ấy cũng không định đến. Chỉ khi thấy làng xóm chê bai nhiều, bà ấy mới đánh lận đi, lúc đó trời đã khuya”.

Tiếp chúng tôi, bà H. giãi bày: “Quả thực tôi với ông Liên có duyên nhưng không có phận, vợ chồng như cái áo lìa thân thì cũng thôi luôn, nên từ khi ly dị (năm 2005) đã không còn quan tâm đến nhau nữa. Nhưng ông ấy không về quê mà làm quanh quẩn quanh đây, thi thoảng qua lại thăm nhà nhưng từ ngày mất con trai, ông ấy bỏ bê mẹ con tôi luôn”.

Về điều tiếng cạn tình mà không ít người gán cho bà H., người phụ nữ này không hề thanh minh: “Người ta đặt điều tôi ăn ở bạc bẽo cũng được, cái tiếng, cái oan tôi chịu được. Nhưng đã chia tay nhau rồi thì coi như không có liên hệ nữa, có tình cảm thì tôi cũng chỉ để trong lòng chứ không nhất thiết phải la ó, khóc lóc mới là quan tâm. Khéo như vậy người ta còn cho là mình giả tạo. Sở dĩ tôi còn chần chừ không đến nơi ông Liên tử nạn vì đã ly hôn thì coi như người dưng, mình không còn bổn phận và trách nhiệm. Tôi chỉ có nghĩa vụ báo cho gia đình ông ấy. Nếu mình quan tâm, đụng chạm, khéo còn bị các cháu trên đó (Yên Bái) trách móc rằng tôi có quyền gì mà quan tâm... Như vậy, sẽ làm tôi khó nghĩ lắm”.

Như để củng cố thêm quan điểm “ly hôn là chấm hết”, bà H. còn kể rằng ngay cả khi con trai của bà với ông Liên mất, bà cũng một tay lo liệu. Rồi khi con gái của họ lấy chồng, bà H. cũng... không báo nửa lời cho ông Liên! “Con tôi thì tôi nuôi, tôi có trách nhiệm. Ai nói gì cũng được” - bà H. kết lại.

Tiến Phong - Vũ Hùng

Tin cùng chuyên mục

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

Đồng Nai khởi tố 3 vụ gian lận bảo hiểm

(PLVN) - Liên quan đến hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã gửi 39 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang Cơ quan điều tra. Trong đó đã khởi tố điều tra 3 vụ.

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.