'Giải mã' các vụ án khó nhờ công nghệ dựng chân dung thủ phạm

Ảnh thủ phạm vụ cướp ngân hàng ở Huế giống 99% bức phác họa chân dung thủ phạm.
Ảnh thủ phạm vụ cướp ngân hàng ở Huế giống 99% bức phác họa chân dung thủ phạm.
(PLO) - Dựng lại chân dung thủ phạm dựa vào hình ảnh, lời mô tả đặc điểm nhận dạng thủ phạm là một biện pháp nghiệp vụ đã được lực lượng kỹ thuật hình sự Việt Nam sử dụng cách đây hơn gần hai chục năm, theo phương pháp thủ công truyền thống. 

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc dựng chân dung thủ phạm được thực hiện qua công nghệ vi tính với độ chuẩn xác cao, có thể giống đến 90%, khiến chính bản thân đối tượng cũng phải ngỡ ngàng.

Bị “tóm sống” nhờ bức vẽ chân dung thủ phạm

Ngày 18/12 vừa qua, Cục Cảnh sát Hình sự phía Nam (C45B, Bộ Công an) đã bắt được Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi, quê tỉnh Đắk Nông) - nghi can cướp Ngân hàng BIDV trên đường Mai Thúc Loan (TP Huế) khi nghi phạm đang lẩn trốn tại Đà Nẵng. Khi bị bắt, đối tượng Tâm vẫn còn ngỡ ngàng không hiểu sao công an có thể tìm ra mình nhanh đến vậy khi mà đối tượng gây án đã chuẩn bị hết sức tinh vi: bịt kín mặt, đeo găng tay, mua xe máy “chợ trời” để gây án, sau khi cướp được tiền, thủ phạm đã bỏ lại xe máy và các tang vật gây án liên quan rồi ung dung trốn vào Đà Nẵng mà vẫn bị “tóm sống”.

Có được thành quả này phải nhờ đến bức phác thảo chân dung nghi phạm giống đến lạ kỳ mà lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phác thảo. Sau khi nghi phạm bị bắt giữ, so sánh bức ảnh chụp bị can Nguyễn Hoàng Tâm thấy giống đến 99,9% so với bức chân dung Phòng Kỹ thuật cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phác thảo trước đó.

Như PLVN đã đưa tin, vào khoảng 17h ngày 6/12, tại Phòng giao dịch Thành Nội của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra vụ cướp ngân hàng táo tợn. Vào thời điểm trên, khi các nhân viên ngân hàng đang kiểm đếm tiền, một đối tượng bịt khẩu trang đã mang súng giả xông vào khống chế nhân viên, cướp đi hơn 725 triệu đồng.

Sau khi gây án, đối tượng đã lên xe máy rồ ga tẩu thoát. Quá trình thu thập thông tin điều tra vụ án, lực lượng điều tra đã thu thập được nhiều nguồn tin về nhận dạng nghi phạm, trong đó hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera của ngân hàng rất mờ do kẻ phạm tội mặc quần áo tối màu, đội mũ bảo hiểm đen và bịt kín mặt.

Tuy nhiên, trong số những nguồn tin cung cấp để nhận dạng thủ phạm, có lời khai khá chi tiết của nhân chứng ở một quán phở mà nghi phạm đã vào ăn. Từ các nguồn tin này, lực lượng trinh sát đã phác thảo chân dung của nghi phạm, công bố rộng rãi để mọi người phát hiện, tố giác tội phạm.

Trước đó, vào tháng 1/2016, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã công bố phác hoạ chân dung hung thủ được họa sĩ Võ Tấn Thành vẽ dựa trên hình ảnh từ camera trong vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại căn biệt thự ở TX Cai Lậy (Tiền Giang) khiến 2 người tử vong. Sau khi phác thảo chân dung thủ phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra đã in hình của nghi phạm dán ở các nơi đông người, trên phương tiện truyền thông để người dân có thông tin sẽ cấp báo kịp thời đến công an.

Theo đó, camera hồng ngoại ghi hình cho thấy rạng sáng 24/1, một nam thanh niên (khoảng 25 - 32 tuổi) đeo khẩu trang, găng tay, mặc áo khoác, mang giày đen đột nhập vào ngôi nhà số 113 quốc lộ 1, thuộc phường 2, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bằng ô cửa thông gió nhà vệ sinh. Ô thông gió này dài hơn nửa mét, mới được xây, không được khóa chặt nên kẻ thủ ác đã mở rồi chui vào bên trong. Tại đây, nghi can đã sát hại hai ông bà chủ nhà bằng cách đâm nhiều nhát trúng tim, bị cắt mạch máu ở cổ tay bằng hung khí sắc bén. Sau khi gây án thanh niên rời khỏi hiện trường và mang theo một túi xách.

Chân dung hung thủ vụ giết 2 người, cướp tài sản trong ngôi biệt thự ở Tiền Giang.
Chân dung hung thủ vụ giết 2 người, cướp tài sản trong ngôi biệt thự ở Tiền Giang.

Từ cách vẽ thủ công đến công nghệ vi tính

Thực ra phương pháp dựng lại chân dung thủ phạm không phải là biện pháp nghiệp vụ hoàn toàn mới, mà nó đã được lực lượng kỹ thuật hình sự Việt Nam sử dụng cách đây hơn gần hai chục năm, theo phương pháp thủ công truyền thống. Còn nhớ năm 1999, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận xảy ra nhiều vụ trộm, cướp hết sức liều lĩnh, manh động. Việc truy bắt tội phạm gặp nhiều khó khăn do chúng thường gây án vào ban đêm, xóa dấu vết hết sức tinh vi.

Trước tình hình đó, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thời điểm này là Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh (sau này ông Hùng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an) đã có sáng kiến vận dụng giải pháp “Căn bản họa hình mô tả chân dung trong nghiệp vụ” để vẽ chân dung thủ phạm.

Một họa sĩ có tên tuổi là họa sĩ Võ Tấn Thành (ở TP HCM) đã được mời tham gia vẽ chân dung thủ phạm. Họa sĩ Thành đã phác thảo ra chân dung kẻ gây án mà khi xem xong các nạn nhân đều khẳng định giống đến 80%. Từ tấm hình đó, Ban chuyên án đã xác định được đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhóm cướp là Phó Văn Chính (SN 1963, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) từng có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp.

Mười năm sau, đến năm 2009, người dân TX Hà Tiên (Kiên Giang) chấn động bởi vụ cướp tiệm vàng lớn nhất trên địa bàn. Bọn cướp bịt kín mặt, mang vũ khí nóng đột nhập tiệm vàng vào ban đêm, dùng súng uy hiếp cướp đi 100 lượng vàng. Họa sĩ Võ Tấn Thành lại được mời phục dựng chân dung thủ phạm trong chuyên án cướp tiệm vàng để vẽ chân dung thủ phạm, được các nhân chứng xác nhận là “giống đến 80%”. 

Khoảng 2 tháng sau đó, tại huyện Tịnh Biên (An Giang) một địa bàn tiếp giáp với Campuchia xảy ra một vụ cướp tiệm vàng với thủ đoạn tương tự. Bọn cướp có 6 người đều bịt mặt, trang bị cả vũ khí nóng, uy hiếp tinh thần chủ tiệm để nhanh chóng hốt sạch gần 300 lượng vàng. Sau đó, lực lượng Công an Việt Nam phối hợp với Cảnh sát hoàng gia Campuchia đã truy bắt được băng cướp này. Khi bị bắt, băng cướp chỉ thừa nhận đã thực hiện vụ cướp 300 lượng vàng tại An Giang và một mực khẳng định không liên quan đến vụ cướp tiệm vàng ở Hà Tiên trước đó. Chỉ đến khi cán bộ điều tra đưa ra tấm hình một trong các tên cướp do họa sĩ Thành vẽ thủ công thì chúng mới “cứng họng”, cúi đầu nhận tội.

Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật hình sự đã được bồi dưỡng nghiệp vụ để có thể dựng lại chân dung thủ phạm bằng công nghệ vi tính trên cơ sở mô tả nhận dạng và lời khai của nạn nhân, nhân chứng. Việc dựng chân dung thủ phạm được thao tác trên máy tính đảm bảo chính xác, nhanh gọn, sau đó được in sao ra ảnh màu với độ sắc nét cao, giống thủ phạm tới 90%.

Việc dựng lại chân dung hung thủ Lương Quốc Quyền trong vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra vào 0h ngày 12/6/2012 tại TP Lào Cai là một điển hình. Căn cứ vào những lời mô tả đặc điểm nhận dạng về hung thủ cho thấy: kẻ sát nhân là một thanh niên chừng 25- 26 tuổi, cao khoảng 1m65, tóc húi cua, lực lượng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lào Cai đã dựng lại chân dung sát thủ qua máy tính, sau đó in sao ra ảnh màu để công bố rộng rãi làm căn cứ truy tìm thủ phạm. 

Hơn một năm sau, vào tháng 5/2013, Lương Quốc Quyền bị bắt khi thực hiện vụ trộm cắp tài sản tại địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội). Khi chụp ảnh đối tượng để lập danh chỉ bản, so sánh với tấm ảnh dựng chân dung hung thủ bằng công nghệ vi tính trước đó, Lương Quốc Quyền đã phải kêu lên kinh ngạc: “Sao các chú công an tài thế, vẽ hình cháu giống y như ảnh chụp”.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.