Đường dây điệp viên nam chuyên dùng tình đổi tin mật

Markus Wolf
Markus Wolf
(PLO) -Nổi tiếng với biệt danh “Người đàn ông không có khuôn mặt” do biệt tài che giấu thân phận nhưng người đàn ông này lại muốn người đời nhớ đến ông ta với thành tích “hoàn hảo hóa” việc sử dụng tình dục trong hoạt động gián điệp. 

Markus Wolf sinh năm 1923 tại Hechingen, một thị trấn nhỏ ở phía Tây Nam nước Đức. Cha của ông là bác sỹ kiêm nhà văn nổi tiếng người Do Thái Friedrich Wolf, cũng là một đảng viên cộng sản. 

Cuộc trốn chạy định mệnh

Vì thế nên ngay sau khi Hitler nắm quyền vào năm 1933 và chĩa mũi dùi về phía những người cộng sản, ông Friedrich Wolf đã lập tức phải bỏ trốn sang Áo. Còn ở trong nước, Wolf và mẹ thường xuyên phải chịu đựng những cuộc lục soát nhà cửa, chứng kiến những vụ bắt bớ người của Đức quốc xã. Chính vì thế nên khi có cơ hội, cả gia đình đã chạy trốn sang Thụy Sỹ, Pháp rồi sau đó là Liên Xô ngay trước khi bị quân Đức bắt giữ. 

Với danh nghĩa chạy trốn chế độ Đức quốc xã, cả gia đình Wolf sau đó được cấp quyền tị nạn ở Liên Xô. Vốn ủng hộ Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản nên cuộc sống của cả gia đình tại nơi ở mới tương đối thuận lợi. Khi mới tới Liên Xô, Markus Wolf theo học ở trường dành cho người Đức Karl Liebknecht Schule ở Moscow rồi đến năm 1937 thì chuyển sang học trường của người Nga.

Trong khoảng thời gian từ năm 1940 đến 1942, ông ta theo học ở Học viện kỹ thuật hàng không Moscow rồi được cử tới theo học ở trường Quốc tế cộng sản tại Kuschnarenkowo sau khi gia nhập Đảng cộng sản. Kết thúc khóa học, ông ta được điều tới làm việc cho chi nhánh ở Đức của một đài truyền hình Nga với nhiệm vụ thực hiện các chương trình tuyên truyền cho Liên Xô.

Năm 1951, khi Cơ quan tình báo nước ngoài (HVA) thuộc Bộ an ninh quốc gia của Cộng hòa dân chủ Đức – thường được gọi là Stasi – được thành lập, Wolf đã ngay lập tức ghi danh tham gia. Với năng lực và sự nhanh nhạy của mình, chỉ một thời gian sau khi được tuyển mộ, ông ta đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Stasi, đặt nền móng cho việc trở thành người điều hành đường dây gián điệp hoạt động hiệu quả nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cơ quan tình báo “khủng”

Là mặt trận trung tâm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đức là môi trường màu mỡ cho hoạt động gián điệp. Cơ quan tình báo nước ngoài của chính phủ Đông Đức khi đó được giao nhiệm vụ đánh cắp các báo cáo tình báo của chính phủ Tây Đức, do thám mọi khía cạnh trong cuộc sống ở phía ở nước này cùng nhiều hoạt động mang tính chính trị khác. 

Là người đứng đầu mạng lưới đó, với vốn hiểu biết sâu sắc về tình hình thế giới cũng như sự nhanh nhạy trong chiến thuật, Wolf đã thành công trong việc dùng tiền bạc và tình dục để lôi kéo các chính trị gia và các doanh nhân trở thành người cung cấp thông tin cho ông ta. Có những thời điểm, mạng lưới tình báo của Wolf có đến hàng chục nghìn người.

Vào năm 1989, Stasi có khoảng 85.000 nhân viên thường xuyên, trong đó có 21.000 người trực tiếp tác nghiệp, tức là các điệp viên hoặc những người giám sát hoạt động của các điệp viên. Còn những nhân viên không chính thức – tức những người cung cấp thông tin cho Stasi để đổi lấy các lợi ích - có thời điểm lên đến 109.000 người. Hàng nghìn người trong số này đến nay vẫn chưa bị phát giác. 

Ngay cả những điệp viên của Tây Đức cũng bị Wolf dùng cách này cách khác để mua chuộc, khiến họ lật mặt quay trở lại do thám chính chủ nhân của mình, trở thành những điệp viên 2 mang. Điển hình trong số đó có thể kể đến Rainer Rupp, có bí danh “Topaz”.

Người này vừa làm gián điệp cho Wolf vừa làm việc trong suốt 25 năm trời tại trụ sở NATO và chỉ bị phát giác làm gián điệp vào năm 1993. Những quan chức cấp cao khác bị Wolf chiêu mộ còn có thể kể đến phó phụ trách bộ phận Liên Xô trong cơ quan tình báo Tây Đức, người đứng đầu cơ quan phản gián Tây Đức...

Markus Wolf và vợ
Markus Wolf và vợ

Người đàn ông không có khuôn mặt

Giới phân tích cho rằng Stasi là một trong những, nếu không muốn nói là cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sự thành công trong hoạt động của cơ quan này trước hết là do trong số 12 triệu người sống ở Tây Đức những năm 1950 là những người xuất thân từ phía Đông nước Đức.

Chính vì thế nên các điệp viên của Stasi có thể dễ dàng ẩn nấp và trà trộn vào đám đông để che giấu đi thân phận thực sự. Trong số những điệp viên được Wolf đưa tới Tây Đức có nhiều người đã sử dụng giấy tờ tùy thân giả của những đứa trẻ được sinh ra theo chương trình Lebensborn với ý đồ tạo ra một cuộc chạy đua chủng tộc của Hitler. 

Nhưng, chỉ chừng đó sẽ không thể đủ để tạo ra một đường dây hoạt động gián điệp hiệu quả đến mức được cho là lấn át cả CIA nếu không có sự chỉ huy tài tình của Wolf. Nói đến người đàn ông này, các nhà phân tích hay các cơ quan tình báo chắc chắn sẽ nhớ ngay tới biệt danh “người đàn ông không có mặt” – biệt danh mà tình báo phương Tây đặt cho Wolf. Cái tên này xuất phát từ việc Wolf rất giỏi trong việc che giấu bản thân.

Vì thế nên tình báo phương Tây suốt hơn 20 năm trời tích cực tìm kiếm mà vẫn không có bất cứ tấm hình nào của Wolf, không biết được hình dung của người đàn ông đứng sau mạng lưới điệp viên hoạt động hiệu quả ở Đức ra sao. Thậm chí, Wolf được nhiều nhà phân tích đặt cho biệt danh “Bậc thầy gián điệp của thế kỷ” vì tài năng của mình.

Còn về chiến thuật hoạt động gián điệp, như Wolf tự nhận, ông ta thành công nhất trong việc thực hiện chiến thuật sử dụng tình dục trong hoạt động gián điệp, trong đó có chiến thuật được đặt tên là “Romeo”. Theo kịch bản này, những người đàn ông cao to, đẹp trai của Stasi được chỉ đạo bủa đi khắp nơi, tìm mọi cách làm thân với những nữ thư ký cô đơn làm việc cho các quan chức cấp cao và cả những người đứng đầu các cơ quan tình báo của các nước khác. 

Từng bước một, những anh chàng “Romeo” này sẽ kiên nhẫn, từng bước lấy lòng tin của con mồi rồi sau đó là lấy những thông tin giá trị từ họ. Một trong những điệp viên “Romeo” nổi tiếng của Wolf là Gunter Guillaume. Không chỉ moi tin thành công, hoạt động được trong suốt một thời gian dài mà Guillaume còn ngoi lên vị trí trợ lý hàng đầu của Thủ tướng Đức Willy Brandt, phụ trách việc lập kế hoạch công tác và quan hệ đối nội cho thủ tướng.

Năm 1974, khi điệp viên này bị lật mặt, ông Brandt thậm chí đã phải từ chức vì sai lầm của mình. Trong một cuốn hồi ký về sau, Wolf nói rằng ông muốn thế giới nhớ về ông với tư cách người “hoàn hảo hóa” việc sử dụng tình dục trong hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, công việc của Wolf cũng không phải là hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Trong số những thất bại mà ông ta phải nếm trải trong thời gian điều hành mạng lưới gián điệp là việc một điệp viên tên Werner Stiller đã đào tẩu và chuyển hơn 20.000 tài liệu cho phía Tây Đức cũng như một tấm hình chân dung của ông ta. Đây cũng là bức hình đầu tiên của Wolf mà tình báo phương Tây có được sau mấy thập kỷ cố công thăm dò chân dung “người đàn ông không có khuôn mặt” nguy hiểm.

Khi nhà nước Đông Đức tan rã, Wolf bị truy nã ở Đức nên đã phải chạy trốn sang xin tị nạn ở Liên Xô. Trong một bài phỏng vấn về sau, ông ta cho biết từng được CIA đề nghị làm việc cho họ để đổi lấy một cuộc sống ổn định đến cuối đời nhưng ông ta đã từ chối. 1 năm sau, ông ta về lại Đức và bị bắt giữ khi vừa tới biên giới. Trong quá trình bị thẩm vấn, Wolf từ chối tiết lộ tên bất cứ điệp viên nào từng làm việc cho ông ta.

Năm 1991, ông ta bị kết án tù 6 năm vì tội phản quốc nhưng bản án sau đó đã bị hủy bỏ với lý do chính phủ Tây Đức mà Wolf từng làm việc là một nhà nước có chủ quyền nên ông ta không thể bị buộc tội phản quốc. Thoát được bản án này, Wolf lại dính vào cáo buộc bắt cóc nhưng cũng không phải ngồi tù. 

Cuối đời, Wolf sống khá thảnh thơi với thú vui viết sách về công việc tình báo, xuất hiện trong những buổi nói chuyện trên truyền hình hay phim tài liệu. Ngày 9/11/2006, Wolf qua đời tại nhà riêng ở Berlin, Đức…/.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.