Doanh nhân bị kết án oan ở Quảng Trị: Đòi 18 tỷ, chỉ được bồi thường hơn 264 triệu

Ông Hòa cùng người thân tỏ ra bức xúc trước phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm
Ông Hòa cùng người thân tỏ ra bức xúc trước phán quyết của Tòa cấp sơ thẩm
(PLO) - Trước những thiệt hại do bị oan sai, ông Dương Văn Hòa (SN 1957; trú tại Khu phố 3, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị bồi thường gần 18 tỷ đồng. Thế nhưng, suốt hơn một thập kỷ bị hàm oan đầy tủi nhục, phải chịu bao đắng cay, tổn thất… vị doanh nhân già chỉ nhận được mức bồi thường ít ỏi - hơn 264 triệu đồng.   

Vừa qua, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự”, giữa nguyên đơn là ông Dương Văn Hòa và bị đơn là VKSND tỉnh Quảng Trị. Ông Hoà yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vì truy tố ông oan sai trong vụ án “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”, cụ thể là dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại Quảng Trị vào năm 2007.

Hơn 10 năm về trước, ông Dương Văn Hòa là Giám đốc Cty TNHH Thuận Thành, chuyên cung cấp giống cây trồng và vật nuôi cho khách hàng trong nước và nước bạn Lào. Ông Hoàn đã ký hợp đồng bán bò cho Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm tỉnh Quảng Trị để cấp 142 con bò cái giống lai sin và 148 con bò cái giống nội cho 290 hộ dân tại 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa theo dự án giảm nghèo của tỉnh.

Sau đó, ông Hòa ký hợp đồng mua 104 con bò của Xí nghiệp truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi Thanh Ninh (Thanh Hóa) và được cơ quan thú y của Thanh Hóa  xác định bò sạch bệnh. Khi đưa về Quảng Trị, kết quả nghiệm thu xác định có 2 con không đạt tiêu chuẩn (bị thải loại). Số bò còn lại đạt tiêu chuẩn làm giống hậu bị và được đồng ý cho làm thủ tục kiểm dịch. Việc bàn giao bò cho các hộ dân hoàn tất vào ngày 4/6/2007.

Thời gian này, một số hộ dân phát hiện bò dự án bị sưng chân. Sau đó dịch LMLM bùng phát ở 6 huyện, thị xã trên địa bàn Quảng Trị và xảy ra ở một số bò do ông Hòa cung ứng.

Tháng 7/2007, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hòa về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”  (áp dụng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Cuối tháng 6/2008, TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù về tội danh trên. Đến tháng 9/2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ vụ án để điều tra lại vì chưa đủ cơ sở buộc tội ông Hòa. 

Sau hơn 10 năm ôm đơn kêu oan nhiều nơi, đến tháng 8/2017, ông Hòa đã được VKSND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can sau khi thừa nhận việc truy tố oan sai cho ông. Cơ quan này cũng đưa ra mức bồi thường cho ông Hòa là 249,5 triệu đồng. Không đồng tình, ông Hòa khởi kiện VKSND tỉnh Quảng Trị yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất gần 18 tỷ đồng vì cho rằng trong hơn chục năm bị hàm oan, ông phải gánh chịu những thiệt hại hết sức nặng nề.

Trình bày trước tòa về căn cứ khởi kiện, ông Hòa cho biết, từ một doanh nhân thành đạt, công việc làm ăn tiến triển thuận lợi, các đối tác khách hàng ngày càng mở rộng…, ông bỗng phải mang tiếng là kẻ phạm tội. Từ việc bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú mà các trang trại, cơ sở sản xuất giống của Cty tại địa phương và nhiều tỉnh, thành và cả ở Lào phải ngừng hoạt động. Vườn ươm cây bị hư hại, cây giống quá lứa, chuồng trại bị bỏ hoang điêu tàn…  Các đối tác kinh doanh thì đột ngột từ chối giao dịch, hủy hợp đồng… vì nghi ngờ chất lượng cây giống từ Cty ông. Hoạt động kinh doanh của Cty rơi vào trì trệ, cuộc sống của lãnh đạo công ty và người lao động khốn đốn. Từ một người làm ở dự án giảm nghèo, ông Hòa đã  trở thành một người nghèo ở địa phương.

Không chấp nhận bồi thường thiệt hại về thu nhập bị mất như trên, VKSND tỉnh Quảng Trị cho rằng, ông Hòa không thuộc trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, hay chấp hành hình phạt tù. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng không thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý tài sản của ông Hòa. Vì vậy, VKSND tỉnh Quảng Trị chỉ chấp nhận bồi thường tổn thất tinh thần và một số khoản khác với tổng số tiền hơn 264 triệu đồng.

Căn cứ vào những chứng cứ và ý kiến tranh luận, HĐXX cho rằng, ông Hòa không bị tạm giữ, tạm giam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú không hạn chế, hay ảnh hưởng đến quyền sản xuất, kinh doanh của ông Hòa. Không những vậy, ông Hòa cũng không cung cấp được những chứng cứ chứng minh những thiệt hại của mình. Hơn nữa, những thiệt hại về tài sản mà nguyên đơn liệt kê cũng không phải do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra nên không có căn cứ để buộc VKSND tỉnh Quảng Trị phải bồi thường. Vì vậy, HĐXX tuyên chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn ông Dương Văn Hòa, buộc VKSND tỉnh Quảng Trị phải bồi thường cho ông Hòa hơn 264 triệu đồng. 

Sau phiên xử, ông Hòa cho biết sẽ gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với mong muốn được đền bù thỏa đáng những thiệt hại trong suốt hơn một thập kỷ bị hàm oan. 

Đọc thêm

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả
(PLVN) -   Tẩn Seo Lụ đã mua thỏi vàng giả trên mạng xã hội với giá 5 triệu đồng rồi cấu kết với đối tượng Deng Fuqiang (quốc tịch Trung Quốc) lập facebook dàn dựng kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.