Chủ hụi bất ngờ chưng ra giấy “tâm thần” khiến cả huyện miền núi sững sờ

Người dân bức xúc tố cáo bà Ph
Người dân bức xúc tố cáo bà Ph
(PLO) -Hàng chục người dân huyện miền núi Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã gom góp gia tài gửi cho bà Nguyễn Thị Ph (SN 1956, ngụ thôn Trung Phước 1, xã Quế Trung, Nông Sơn) với hy vọng sẽ nhận được món hời từ việc góp hụi. Thế nhưng, bà Ph lại bỗng dưng "mất tích". Càng bất ngờ hơn khi mới đây khi trở về, bà Ph lại chưng ra "bệnh án tâm thần" khiến các chủ nợ đứng ngồi không yên.

Hết "mất tích" đến "tâm thần"

Tính đến ngày 22/9, đã có 77 người dân xã Quế Trung ký đơn tập thể gửi các cơ quan chức năng huyện Nông Sơn tố cáo bà Nguyễn Thị Ph “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. 

Kèm theo đơn, 77 nạn nhân này liệt kê số tiền họ hùn biêu hụi hoặc cho bà Ph vay lên đến gần 4 tỷ đồng. Vụ việc đang xôn xao vùng quê bởi đây là xã miền núi khó khăn và số tiền thiệt hại với người dân là cả gia tài. Đa phần các nạn nhân đứng ra tố cáo là tiểu thương chợ Trung Phước, còn một số nạn nhân khác nhưng sợ ảnh hưởng đến công việc, uy tín nên không đứng đơn tố cáo.

Trong số các nạn nhân, có người thiệt hại chỉ vài triệu nhưng với họ đó là khoản tiền lớn vì họ rất nghèo. Có nạn nhân lớn tuổi như cụ Dương Thị Mận (85 tuổi) vẫn đang trông ngóng ngày được nhận số tiền mà mình đã tích cóp. Thậm chí có người đã qua đời nhưng chưa lấy lại được số tiền mà mình đã đóng hụi. Nhiều trường hợp thiệt hại số tiền lớn giờ mất ăn mất ngủ như bà Phạm Thị Bé (SN 1975), góp hụi với số tiền 230 triệu và cho vay 4 cây vàng.

Nhiều nạn nhân cho hay, mấy năm trước bà Ph cùng gia đình làm ăn chân chính mà phất lên. Cùng với đó, bà này hiền lành, hòa nhã khiến ai cũng mến thương. Có thời điểm, bà Ph sở hữu 2 tiệm vàng lớn nhất nhì huyện. 

Chính vì vậy, dù biết chơi hụi, cho vay rủi ro nhưng mọi người vẫn tin tưởng gửi gắm tài sản cho bà Ph. Ban đầu bà cũng đăng tiền hụi và đóng tiền lãi đầy đủ cho những người chơi. Đến khi số tiền được người dân đóng lên đến gần 4 tỷ đồng thì bà Ph bỗng dưng "biến mất". 

“Chỉ vì quá tin tưởng nên tôi đã góp vào cho bà Ph mượn tổng cộng 826,5 triệu đồng. Đấy là số tiền vợ chồng dành dụm để chữa bệnh nhưng bây giờ không biết làm sao lấy lại”, bà Nguyễn Thị Liên đau buồn. Rơi vào tình cảnh như bà Liên, hàng chục nạn nhân của bà Ph hiện tại đều bế tắc, suy sụp khi mất số tài sản lớn mà chưa đòi được. 

Sau khi nhận đơn của các nạn nhân, công an huyện Nông Sơn đã xác minh vụ việc và nhận thấy hành vi của bà Ph không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự mà vụ việc thuộc tranh chấp dân sự theo Điều 31 Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ. 

Còn Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn, sau khi nhận đơn tố cáo của người dân, đã mời bà Ph lên làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều lần Tòa mời nhưng bà Ph vắng mặt. Liên quan tới đơn khiếu nại của bà Liên về việc cho bà Ph mượn 826,5 triệu đồng, Tòa đã ra quyết định buộc bà Ph phải chấp hành trả số tiền trên. Thế nhưng đến thời điểm này bà Ph vẫn không chịu trả. 

“Quyết định do Tòa đưa ra và bà Ph hứa trả lại nhưng vẫn chưa thấy đâu. Bà Ph quá coi thường luật pháp nên chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt giúp tôi lấy lại tiền để chữa bệnh” - bà Liên nói. 

Người dân bức xúc tố cáo bà Ph
Người dân bức xúc tố cáo bà Ph

Một điều khiến người dân Quế Trung bức xúc, cùng nhau tập trung lên trụ sở UBND huyện Nông Sơn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự địa phương, đó là sau thời gian "mất tích", bà Ph trở về địa phương với bệnh án “tâm thần”. 

Làm việc với Công an huyện Nông Sơn, bà Ph khai, do sợ những người chơi biêu hụi, cho vay mượn tiền hành hung nên bà ra Đà Nẵng sống với con gái đồng thời đi điều trị bệnh “trầm cảm nặng, có dấu hiệu loạn thần” tại Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng. 

Nhiều nạn nhân cho rằng đây là chiêu trò giả tâm thần của bà Ph, là “lá bùa” để bà ta trốn tránh pháp luật. Hiện người dân rất mong cơ quan chức năng có hướng xử lý để bà Ph trả tiền lại cho người dân.

Hoa thơm trái đắng

Hoạt động chơi biêu, hụi đã được luật pháp quy định cụ thể tại Nghị định số 144/2006/NĐ-CP. Nghị định này đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. 

Theo đó, hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán, trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Với 2 hình thức hụi không có lãi và hụi có lãi, hoạt động chơi hụi nhằm mục đích tích cực là tương trợ trong nhân dân. Luật pháp nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động chơi hụi hầu như không theo quy định của pháp luật. Trừ trường hợp chơi hụi không có lãi (còn gọi là chơi góp xoay vòng), còn hầu hết biêu hụi là hình thức cho vay nặng lãi, còn gọi là hụi mua. Hàng tháng, mọi người đóng một khoản tiền nhất định, ai muốn nhận số tiền đó (gọi là hốt hụi) thì phải bỏ tiền mua hụi, ai bỏ tiền cao nhất thì được hốt hụi trong tháng đó. 

Với hình thức này, thường phần thua thiệt rơi vào những người cần tiền, bởi họ phải bỏ thăm cao để mua hụi, do đó, số tiền phải đóng sau khi hốt hụi lớn hơn số tiền được nhận. Về mặt lý thuyết, người hốt hụi cuối cùng là người có lợi nhất, vì được hưởng một phần lãi suất khá lớn. Nhưng họ cũng là người chịu rủi ro nhiều nhất nếu lỡ một vài thành viên tham gia hụi vì lý do nào đó không đóng hụi.

Với hình thức chơi biêu hụi, nhiều chủ hụi đã lợi dụng lòng tin, tham lãi của hụi viên để lừa đảo. Ban đầu, các chủ hụi chung chi sòng phẳng, nhằm lấy lòng tin của các hụi viên. Từ đó, người này rỉ tai người kia khiến số lượng người tham gia ngày càng đông, số tiền đóng góp ngày càng lớn.

Đến lúc các con hụi hoàn toàn mất cảnh giác, các chủ hụi thường dùng hình thức vay mượn tiền hụi của các hụi viên với lãi suất cao, sau đó bỏ trốn để chiếm đoạt. Việc giải quyết tranh chấp sau đó không hề đơn giản, do giấy tờ chứng cứ giao nhận tiền hụi rất mơ hồ và hầu như không có gì chắc chắn để chứng minh.

Dù chơi biêu hụi rất nhiều rủi ro, song vì ham “hoa thơm” lời lãi, nhiều người đã đánh cược tài sản của mình vào các chủ hụi để rồi nhận “quả đắng”. Trong những trường hợp đó, người chơi hụi xem như đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo hoặc sự nhẹ dạ, chủ quan của chính mình. 

Tại tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần xảy ra vỡ hụi, trốn nợ với số tiền khai báo hàng tỷ đồng. Mới đây, ngày 25/8, dư luận địa phương rúng động khi một cặp vợ chồng tại huyện Duy Xuyên nhảy sông tự tử vì vỡ hụi. Những người thân còn lại trong gia đình phải bán hết gia sản trả nợ nhưng vẫn không đủ.

Vì vậy, mọi người cần thận trọng, chỉ nên chơi hụi khi biết rõ hoạt động nằm trong khuôn khổ của pháp luật qui định và nhận định được mức độ an toàn. Có như vậy, mới có thể tránh được hoặc hạn chế tối đa những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bắt 3 đối tượng thu giữ hơn 6,5kg ma túy đá

Các đối tượng (từ trái qua phải): Hiệp, Anh, Dũng và số ma túy thu giữ. Ảnh: CACC
(PLVN) - Công an huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) vừa bắt giữ 3 đối tượng mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với số lượng lớn, thu giữ 148 viên hồng phiến và hơn 6,5 kg ma túy đá.

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.