Bắc Giang: Nghi án bỏ lọt tội phạm trong một vụ giết người

Bà Hằng trước di ảnh con trai.
Bà Hằng trước di ảnh con trai.
(PLO) - Gia đình bà Đào Thuý Hằng (SN 1968, trú tại thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam, Bắc Giang) nghi ngờ rằng cái chết của Nguyễn Văn Thành (SN 1990), con trai bà chỉ là một vụ dàn cảnh cướp của giết người. Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên tiếp tục phát hiện ra nhiều  điểm “bất thường” trong quá trình điều tra và trong kết luận giám định, dẫn đến có thể bỏ lọt tội phạm. 

Tắc trách trong quá trình điều tra?
Như PLVN đã đưa tin, trong bài viết "Màn kịch cướp của giết người hay xô xát sau tai nạn giao thông": Vụ án xảy ra khoảng 23h ngày 25/10/2012, nhưng đến tận ngày 06/11/2012 cơ quan điều tra mới tiến hành truy tìm vật chứng là hòn đá (dạng bê tông).  Theo đó, Trần Đình Duy khai định dùng đá để ném anh Thành nhưng được can ngăn - nên bỏ hòn đá xuống tại vị trí xảy ra vụ việc. Hậu quả là cơ quan điều tra đã không thu được vật chứng này do hiện trường đã bị xáo trộn.
Ngoài ra, theo phản ánh của bà Hằng, việc thực nghiệm điều tra đã không được tiến hành tại hiện trường mà được dựng lại trong Trại giam Kế (Công an tỉnh Bắc Giang), cơ quan điều tra chỉ chụp hung khí và vết máu tại hiện trường. 
Như vậy, việc cơ quan điều tra không tiến hành khám nghiệm hiện trường ngay sau khi xảy ra vụ án và không thực nghiệm điều tra, có thể khiến không thể xác định được những lời khai của các đối tượng liên quan đến vụ án có đúng hay không? 
Hiện tại, theo nguyện vọng của bà Hằng, gia đình rất mong vụ án được điều tra lại, khi đó cơ quan điều tra phải cho thực nghiệm điều tra tại hiện trường. Từ đó, cơ quan chức năng mới có thể xác định được đúng người, đúng tội và vai trò của những đối tượng liên quan trong vụ án. 
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đồng phạm
Trước hết, theo Kết luận giám định pháp y số 1848 ngày 26/10/2012 của Phòng Giám định Pháp y - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang: Vùng lưng (nạn nhân Thành) có 06 vết thương rách da. Bản Kết luận giám định pháp y bổ sung số 5862 ngày 07/3/2013 của Phòng Giám định Pháp y- Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang kết luận: “Cơ chế hình thành 06 vết thương rách da của tử thi Nguyễn Văn Thành do vật sắc nhọn gây nên. Con dao gửi giám định có thể tạo được các vết thương này”. 
Vật chứng: con dao gấp do bà Vũ Thị Ngọc nhặt được phía sau nhà mình. Con dao này đã được cơ quan tố tụng xác định là hung khí gây án. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang, tại Bản kết luận điều tra số 54 ngày 16/4/2013 đã kết luận: “Tùng lấy con dao nhọn (dạng dao gấp) từ trong túi quần ra đâm liên tiếp 06 nhát vào vùng lưng anh Thành”. 
Tuy nhiên, bản Kết luận giám định pháp y của Viện Pháp y Quốc gia ngày 12/6/2014 theo yêu cầu giám định của bà Đào Thuý Hằng đã cho kết quả hoàn toàn khác. Nội dung kết luận cụ thể như sau: “Căn cứ hồ sơ tài liệu và bản ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp, trên thi thể anh Nguyễn Văn Thành xác định được 08 vết thương, trong đó có những vết thương xuyên thấu ngực và những vết thương không thấu ngực; các vết thương ở lưng, mạn sườn do 02 loại hung khí gây ra: Một vật nhọn có cạnh tương đối sắc, có độ dày khoảng 0,3cm, bản rộng khoảng 0,8cm và một vật sắc nhọn, bản mỏng”. 
Như vậy, tính chính xác của bản Kết luận giám định pháp y số 1848 ngày 26/10/2012 vẫn còn là một dấu hỏi.
Ngoài ra, chứng cứ trong kết luận giám định thiếu tính thuyết phục. Thứ nhất, bản kết luận giám định pháp y không nêu rõ thời điểm nạn nhân chết. Đây là chứng cứ quan trọng để xác định nạn nhân có chết tại thời điểm xảy ra đánh nhau như các lời khai thể hiện hay không? 
Bản Kết luận giám định pháp y bổ sung số 5862 ngày 07/3/2013 kết luận: “Cơ chế hình thành 06 vết thương rách da của tử thi Nguyễn Văn Thành do vật sắc nhọn gây nên. Con dao gửi giám định có thể tạo được các vết thương này”. Như vậy, kết luận không chắc chắn con dao thu giữ được là con dao đã đâm chết nạn nhân Thành. 
Thứ hai, việc trưng cầu giám định và kết quả trưng cầu giám định không phản ánh được bản chất vụ án. Lời khai của Ngô Minh Nhiên (người đi xe máy tự ngã): Nhiên bị chảy máu ở dưới mũi và khuỷu tay. Kiên đã đưa cho Nhiên một tờ giấy ăn để lau máu. Nhiên đã dùng tờ giấy này để lau máu cùng bụi đất dính ở tay và mặt rồi vứt luôn ra đất. Sau đó, tờ giấy này đã được cơ quan điều tra thu giữ và trưng cầu giám định mẫu máu bám dính trên giấy. 
Kết quả giám định kết luận mẫu máu bám dính trên tờ giấy này thuộc nhóm máu O. Tuy nhiên, kết luận về nhóm máu đã không thể khẳng định được máu bám dính trên tờ giấy có phải là máu của Nhiên hay không. Bởi, cũng theo kết quả giám định thì nạn nhân Thành và Nhiên đều cùng nhóm máu O. Đây là chứng cứ quan trọng để xác định có hay không vụ tai nạn tự ngã xe, dẫn đến Nhiên bị chảy máu. Cần nhớ rằng, chính từ vụ ngã xe này, Đức và Thành mới dừng lại xem, dẫn đến vụ án mạng đã xảy ra. Dựa vào những phân tích trên có thể thấy rằng, trong quá trình điều tra cũng như trong kết luận giám định có nhiều điểm “bất thường”.
Nhiều tình tiết mâu thuẫn, không rõ ràng
Xem xét hồ sơ vụ án cho thấy, việc nạn nhân bị ai đâm, đâm như thế nào, hung khí gây án ra sao còn có nhiều tình tiết mâu thuẫn, chưa rõ ràng. Thứ nhất, trong lời khai bản thân Tùng tự nhận đâm nạn nhân đã có mâu thuẫn, không đồng nhất: Khi thì Tùng khai đâm Thành 3 nhát, khi thì khai đâm 6 nhát, khi thì chỉ khai đâm nhiều nhát liên tiếp vào lưng nạn nhân. Trong khi đó, lời khai của các đối tượng khác đều thể hiện sau khi gây án, đều có nghe Tùng nói lại là đã đâm 3 nhát vào lưng Thành?
Thứ hai, lời khai của Tùng tự nhận đâm nạn nhân là lời khai một chiều. Toàn bộ các lời khai của các đối tượng khác cùng nhân chứng trong vụ án đều khẳng định: “Không biết, không nhìn thấy Tùng đâm nạn nhân vào lúc nào, đâm ra sao, tại thời điểm nào?”
Thứ ba, giả thiết Tùng tự nhận đâm nạn nhân 6 nhát là đúng, thì 2 nhát còn lại do ai thực hiện? Toàn bộ hồ sơ vụ án đều thể hiện chỉ có một con dao gây án duy nhất và đã bị thu giữ. Tuy nhiên, bản Kết luận giám định pháp y của Viện Pháp y Quốc gia mới đây đã khẳng định vết thương ở lưng và sườn do 2 vật nhọn gây ra. Như vậy, ngoài Tùng còn đối tượng nào khác đã dùng vật nhọn thứ hai để đâm nạn nhân? 
Từ những phân tích trên có thể thấy, vụ án sẽ phát sinh thêm đồng phạm và cần phải được điều tra lại để làm rõ vấn đề đó. Có như vậy, vụ án này mới không bỏ lọt tội phạm, đồng phạm./.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 42 tháng tù

Bị cáo Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
(PLVN) - Sau 7 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù; Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - hành chính) bị phạt 19 tháng tù; Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên Khoa Dược - Vật tư y tế) bị phạt 1 năm 3 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS.

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) -  Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mai Hương (SN 1985, ngụ Bắc Giang) và Vương Thị Bích Phượng (SN 1991, ngụ Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi nghị án, HĐXX phạt Hương 12 năm tù, Phượng 7 năm tù.

Nữ quái mạo danh Luật sư, lừa chiếm hàng tỷ đồng

 Đối tượng Trần Thị Thủy
(PLVN) -  Trần Thị Thủy thông tin tới các bị hại bản thân là luật sư, có mối quan hệ với lãnh đạo, cán bộ cơ quan Nhà nước, hứa hẹn lo cho bị cáo được tại ngoại, hưởng án treo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng Nai: 82 phạm nhân xét, được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án đợt Lễ 30/4/2024

Công an tỉnh Đồng Nai họp đề nghị giảm thời hạn chấp hành án cho 82 phạm nhân
(PLVN) - Trong dịp lễ 30/4 năm nay, trên địa bàn tỉnh có 82 phạm nhân đủ điều kiện được xét giảm án theo quy định với mức đề nghị xét giảm nhiều nhất là 6 tháng, thấp nhất là 2 tháng và đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian phạt tù có thời hạn, chấp hành tốt nội quy của trại tạm giam, nhà tạm giữ, trong quá trình lao động, cải tạo đạt loại khá trở lên.