Ai đã giết Thuợc dược đen?

Jack Anderson Wilson - đối tượng tình nghi số 1 (trái) và Mark Hansen - quản lý hộp đêm Florentine Gardens ở Hollywood là một trong những đối tượng bị tình nghi
Jack Anderson Wilson - đối tượng tình nghi số 1 (trái) và Mark Hansen - quản lý hộp đêm Florentine Gardens ở Hollywood là một trong những đối tượng bị tình nghi
(PLO) - Người cuối cùng nhìn thấy Elizabeth Short còn sống là Robert Manley, một nhân viên kinh doanh 25 tuổi đã có gia đình đồng thời cũng chính là “nhân tình” của Short. Ngày 9/1/1947, Robert lái xe đưa Elizabeth tới khách sạn Biltmore và chia tay cô vào lúc 18h30 để trở về nhà ở San Diego. Đó cũng là lần cuối cùng Manley nhìn thấy Elizabeth còn sống.
Cuộc điều tra gian khổ
Sáu ngày sau, thi thể Elizabeth được tìm thấy tại một con phố trung tâm của Los Angeles. Tang lễ của cô được cử hành một cách lặng lẽ tại nghĩa trang Mountain View, Oakland, với sự tham gia của 6 người trong gia đình. Một số cảnh sát được cử đến bảo vệ đám tang, đề phòng hung thủ xuất hiện. 40 cảnh sát khác được điều động để rà soát, lục tung mọi ngóc ngách xung quanh hiện trường nhằm tìm ra bất kỳ manh mối nào, dù chỉ là nhỏ nhất.
Ngày 25/01, họ tìm được một chiếc ví da và một chiếc giày màu đen tại một thùng rác trên đường 1819 25E, nằm cách hiện trường vài ki-lô-mét. Robert Manley, người cuối cùng nhìn thấy Elizabeth Short lúc còn sống, được mời đến Sở cảnh sát để nhận diện. Khi vừa nhìn thấy những đồ vật trên, Manley đã nhận ra ngay đây chính là đồ dùng của Elizabeth. 
Chiếc giày mà cảnh sát tìm thấy thuộc về đôi giày mà Manley đã mua cho Elizabeth ở San Diego. Còn chiếc ví thì vương mùi nước hoa khá nồng và đặc trưng của Elizabeth. Vì thế, không cớ gì mà Manley lại không nhận ra chúng. Tuy nhiên, những thông tin mà cảnh sát thu thập được chỉ dừng lại ở đó, bởi trên hai đồ vật của nạn nhân không có thêm bất kỳ dấu vết gì có thể dẫn đến hung thủ.
Tiếp tục mở rộng cuộc điều tra, cảnh sát chuyển sang điều tra các cửa hàng giặt là trong thành phố để tìm kiếm những bộ quần áo dính máu. Mặt khác, họ tiến hành thẩm vấn người thân, hàng xóm, bạn bè, khách hàng của Elizabeth và thậm chí là cả người qua đường để phục vụ cuộc điều tra. Số người bị thẩm vấn lên đến hàng ngàn, với lượng hồ sơ ghi lại lời khai chật kín một chiếc tủ.
Có thời điểm, cảnh sát chuyển hướng điều tra đến các sinh viên y khoa của Trường Đại học Nam California, ngôi trường gần nơi phát hiện thi thể, với suy luận hung thủ phải là người có kiến thức y khoa thì mới có thể  phanh thây nạn nhân và xoá dấu vết hoàn hảo đến vậy. Song, cuộc điều tra vẫn chẳng đi đến đâu.
Cuộc điều tra có một bước ngoặt mới khi vào ngày 3/2, cảnh sát bỗng nhận được một bưu kiện không người gửi, bên trong có chứa nhiều vật dụng cá nhân của Elizabeth. Những vật dụng đó bao gồm: những bức ảnh, giấy khai sinh, chứng minh thư và cáo phó của Matt Gordon - chồng chưa cưới đã tử trận của Elizabeth. 
Ngoài ra, bên trong bưu kiện còn chứa một bản danh sách tên của 75 người. Theo suy luận của cảnh sát, người gửi bưu kiện này nhiều khả năng chính là hung thủ và hắn vẫn rất khôn khéo khi không để lại bất kỳ dấu vân tay nào. 
Điều tra bản danh sách, cảnh sát ngạc nhiên khi biết rằng 75 cái tên trong đó đều là nam giới và họ đều đã từng qua lại với Elizabeth. Mặc dù vậy, tất cả bọn họ đều chỉ quen qua loa với Elizabeth, cùng lắm là đi uống cà phê hoặc ăn tối với nhau chứ chưa bao giờ làm chuyện “chăn gối”. 
Rốt cuộc, cảnh sát chẳng thể chỉ ra được một cái tên nào đáng nghi vấn trong bản danh sách, bởi không ai có mối thâm thù sâu sắc để giết nạn nhân một cách dã man đến vậy.
Robert Manley thực hiện bài kiểm tra nói dối của cảnh sát
Robert Manley thực hiện bài kiểm tra nói dối của cảnh sát 
Những nghi phạm hàng đầu
Trong suốt một thời gian dài điều tra về cái chết của Elizabeth, cảnh sát đã điều tra hàng ngàn người, trong đó có khoảng 60 người, chủ yếu là đàn ông tự nhận mình là hung thủ. Tuy nhiên, cảnh sát không đủ bằng chứng để khẳng định một ai.
Trong số những người mà cảnh sát tình nghi có “nhân tình một đêm” của Elizabeth Short là Robert Manley. Tuy vậy, anh ta lại dễ dàng vượt qua cuộc kiểm tra nói dối của cảnh sát. Năm 1954, Manley nhập viện tâm thần sau một thời gian dài mắc bệnh thần kinh. Cảnh sát đã lợi dụng thời cơ này, yêu cầu bác sĩ tiêm một liều thuốc để moi lời khai của Manley nhưng họ vẫn chẳng thu được thêm thông tin gì. Năm 1986, Manley qua đời.
Một kẻ bị tình nghi khác Mark Hansen (55 tuổi, gốc Đan Mạch, quản lý hộp đêm Florentine Gardens ở Hollywood). Cảnh sát tìm thấy tên ông này trong cuốn sổ ghi địa chỉ của Elizabeth. Ngoài ra, ông này vốn có lịch sử “tằng tịu” với nhân viên nữ ở hộp đêm. 
Qua quá trình điều tra, cảnh sát biết được Elizabeth đã từng có thời gian là khách quen ở hộp đêm của Hansen. Nhiều người nghi ngờ rằng Hansen đã từng gạ tình Elizabeth nhưng không thành, nên chính vì thế Hansen đã giết Elizabeth. Song, vẫn không có căn cứ để khẳng định điều này.
Trong số những kẻ bị tình nghi, Arnols Smith (còn được gọi là Jack Anderson Wilson) là đối tượng tình nghi số một. Wilson là một kẻ nghiện rượu và có tiền sử bạo hành tình dục. Cảnh sát tin chắc rằng Wilson chính là thủ phạm giết Elizabeth nhưng hắn lại có chứng cứ ngoại phạm cực kỳ chắc chắn. 
Thế nhưng khi cảnh sát đang trong quá trình điều tra chứng cứ của Wilson thì hắn bất ngờ thiệt mạng trong một vụ hoả hoạn. Cái chết của Wilson khiến mọi hy vọng khám phá ra bí ẩn cái chết của “Thược dược đen” trở nên dang dở.
Cho đến nay, chuyện gì xảy ra với Elizabeth sau khi cô đến San Diego vào ngày 9/1/1947 vẫn còn là một ẩn số. Giới điều tra viên, phóng viên, tiểu thuyết gia cũng đã bớt đồn đoán về nhận dạng của kẻ giết người, bởi sự thực là gần 70 năm sau vụ việc, kẻ đã giết Elizabeth Short nhiều khả năng đã chết và sẽ không bao giờ lọt lưới pháp luật.
Nữ diễn viên “nổi tiếng”
Cái chết thảm khốc của Elizabeth Short đã làm rung chuyển cả thành phố Los Angeles. Tên tuổi của Elizabeth Short và biệt danh “Thược dược đen” bỗng chốc nổi như cồn. Đi đến đâu, người ta cũng bàn tán xôn xao về vụ án mạng cũng như đời tư phức tạp.
Từ một nữ diễn viên, người mẫu vô danh, Elizabeth bỗng trở thành nguyên mẫu cho rất nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “The Black Dahlia” (Thược dược đen) của nhà văn James Ellroy. 
Cuốn tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim và được công chiếu rộng rãi tại Los Angeles. Dù không được giới phê bình đánh giá cao nhưng bộ phim cũng mang cái tên Elizabeth Short trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết mặc dù chủ nhân của nó chẳng tham gia một phân cảnh nào, cũng như chưa từng có vai diễn nào để đời. 

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.