Vẫn chưa thể kết án vụ “cho ở nhờ hóa bắt cóc chiếm đoạt tài sản”

Bị cáo Giang (bên trái) và bị cáo Cường tại tòa
Bị cáo Giang (bên trái) và bị cáo Cường tại tòa
(PLO) - Chiều 28/9, phiên phúc thẩm vụ “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Trường Giang (SN 1988, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa) và bị cáo Nguyễn Xuân Cường (SN 1995, ngụ phường Long Bình) của TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục bị hoãn sau phần nghị án. Đây là lần thứ hai tòa hoãn xử vụ án này do một số chứng cứ buộc tội hai bị cáo chưa được làm rõ. 

Bị cáo kêu oan

Đối tượng chủ mưu trong vụ án được xác định là Trần Nghị Luật (SN 1988, ngụ phường Long Bình) đang lẩn trốn. Phiên tòa xét xử hai bị cáo Giang, Cường được xem là đồng phạm giúp sức.

Theo bản án sơ thẩm, bị hại là anh Bùi Văn Dũng (SN 1986, ngụ phường Long Bình) mượn 40 triệu đồng của Luật nhưng hơn một năm chưa trả. Đến khoảng 17h ngày 15/6/2015, tại một quán nước ở khu phố 3 (phường Long Bình), Luật giữ anh Dũng lại và yêu cầu gọi điện cho người thân mang 10 triệu đồng đến trả nợ. 

Sau đó, Luật gọi điện cho Giang, nhờ Giang cho mượn nhà giữ Dũng để đòi nợ. Luật tiếp tục nhờ Cường chở “con nợ” đến nhà Giang phụ canh giữ. Cường và Giang đồng ý. 

Khoảng 23h, Cường chở anh Dũng đến nhà Giang. Giang mở cửa và sau đó khóa toàn bộ cửa, cổng ra vào và giữ anh Dũng ở phòng khách. Đến sáng 16/6/2015, anh Dũng điện thoại yêu cầu mẹ mình chuẩn bị tiền trả cho Luật. Người mẹ đồng ý, hẹn giao tiền ở nhà Dũng. 

Khoảng 7h45 cùng ngày, Luật nhờ Cường chở “con nợ” về nhà lấy tiền thì bị công an phường Long Bình phát hiện bắt giữ.

Phiên sơ thẩm tuyên Giang 18 tháng tù, Cường 24 tháng tù giam với vai trò đồng phạm giúp sức. Riêng Luật đã trốn khỏi địa phương và đang bị truy nã. Luật được tách ra xét xử riêng khi nào bắt giữ được.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Cường xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng mình có phạm tội nhưng hành vi bị chi phối, điều khiển của Luật.  Bị cáo này cũng cho rằng mình không có lợi ích và Luật không hứa hẹn sẽ cho tiền sau khi lấy tiền xong. 

Còn bị cáo Giang kêu oan, cho rằng hành vi của mình không cấu thành tội phạm. Bị cáo Giang cho rằng mình không hề bàn bạc, không cùng chung mục đích với Luật mà đơn thuần chỉ cho bị hại ngủ nhờ một đêm.

Mẹ bị cáo Giang cho rằng con mình bị oan
Mẹ bị cáo Giang cho rằng con mình bị oan

Bị cáo Cường khai rằng mình không biết hành vi đã thực hiện là phạm tội cho đến khi được điều tra viên giải thích. Cường kể: “Vì quen biết với anh em của Luật, nghe Luật nhờ nên lấy xe của bị cáo chở anh Dũng đến nhà Giang cách quán cafe chừng 100m. Do không biết nhà Giang nên bị cáo đi chậm để quan sát. Dũng ngồi sau im lặng. Từ lúc chở đi đến lúc bị bắt, bị cáo không đe dọa anh Dũng và cũng không canh giữ”.

Theo bị cáo này, đến sáng hôm sau, nghe Luật nhờ chở anh Dũng về nhà để lấy tiền, Cường tiếp tục dùng xe chở đi. Đến nhà anh Dũng, không thấy ai ở nhà nên cả hai cùng ngồi chờ và bị công an ập vào bắt. Việc giao nhận tiền chưa xảy ra.

Còn bị cáo Giang khẳng định mình không hề hay biết chuyện anh Dũng bị Luật bắt giữ để đòi tiền. Giang kể: “Bị cáo đã từ chối việc cho ngủ nhờ vì không biết Cường và Dũng là ai. Nhưng sau đó, Luật tiếp tục gọi điện và cam kết: “Nếu có đồ, tài sản gì thì anh chịu cho”.

Lúc Cường và Dũng đến trời mưa, khoảng 23h30, nếu bị cáo không cho ngủ, cả hai phải về tới hồ Trị An cách gần 20km, rất xa. Nhà bị cáo có hai cửa. Bị cáo chỉ khóa cửa trước như thường ngày, cửa sau chốt, người ở trong nhà có thể mở ra được.

Khóa cửa xong, bị cáo lấy chăn mền cho Dũng ngủ và để chìa khóa, điện thoại gần đó. Thấy Dũng có vẻ sợ, bị cáo hỏi thì biết được sự việc. Nhưng bị cáo chỉ khuyên “khuya rồi, ngủ đi, mai tính”. Bị cáo ngủ với Cường ở dưới sàn nhà, Dũng nằm trên ghế sô pha”.

Có sự đồng thuận của bị hại?

Bị hại Dũng cho biết mình mượn 40 triệu đồng của Luật và đã nướng sạch vào cờ bạc. Bị hại này kể: “Là bạn bè, vay tiền không lãi suất và không có thời hạn trả nợ, tôi hứa đi làm sẽ trả hàng tháng nhưng chỉ trả được tháng đầu tiên là 5 triệu đồng. Một năm qua, tôi chưa trả đồng nào.

Luật nhiều lần tới nhà đòi tiền, gia đình tôi biết và có đứng ra xin khuất, để tôi đi làm được bao nhiêu trả dần bấy nhiêu. Hôm xảy ra sự việc, Luật yêu cầu phải trả gấp 10 triệu, tôi gọi điện hỏi bạn và gia đình nhưng không được”.

Trả lời câu hỏi tại sao không bỏ trốn, bị hại Dũng cho rằng ở quán cafe đã bị anh của Luật dùng chìa khóa xe đánh, đâm vào cổ, lưng và Luật đe dọa: “Tao thả mày được thì bắt mày được. Chạy không thoát đâu”. Vì thế, dù không bị Cường khống chế, trên đường đi có cơ hội nhảy xuống, kêu cứu nhưng anh Dũng không dám.

Theo bị hại, anh có nhiều cơ hội để trốn thoát hoặc cầu cứu với người thân, công an. Thứ nhất là trên đường đi đến nhà Giang, Cường lái xe rất chậm và bị hại không bị ai kềm kẹp. Thứ hai, ở nhà Giang, bị hại được sử dụng điện thoại, chìa khóa nhà để ở gần đó.

Lời khai của bị hại cho thấy, ở nhà Giang đến khuya, có mở cửa sau đi vệ sinh nhưng cũng không bỏ trốn. Thứ 3, bị hại Dũng không bị khống chế. Lý do không trốn, bị hại cho rằng sợ bị Luật bắt lại.

HĐXX cho rằng một phần lỗi là do bị hại, nếu vay mượn tiền trả sòng phẳng thì không xảy ra sự việc. Còn mẹ bị hại cho biết, lúc khuya, nghe con gọi bảo Luật bắt giữ đòi 10 triệu đồng nhưng đến sáng lại tăng lên 40 triệu đồng. Bà lo sợ cho sức khỏe của con nên đến 5h sáng 16/6/2015 đến công an trình báo. Tiếp đó, bà gọi điện báo cho Dũng biết đã chuẩn bị được tiền, yêu cầu về nhà lấy.

Phiên tòa hoãn xử để làm rõ một số chứng cứ
Phiên tòa hoãn xử để làm rõ một số chứng cứ

Bị hại khẳng định Giang và Cường không hề có hành vi bắt giữ, đe dọa, canh giữ mình khi ở nhà Giang và Luật chỉ đòi 10 triệu đồng. Tuy nhiên, bị hại không lý giải được tại sao mình lại gọi điện cho gia đình và nâng giá lên thành 40 triệu đồng.

Đại diện VKS cho rằng hành vi của bị cáo Giang và Cường là nguy hiểm, xâm hại đến sức khỏe, tài sản của người khác. Dù không đánh nhưng các bị cáo dùng hành vi đe dọa, thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền không phải của mình. 

VKS cho rằng bản án sơ thẩm đã áp dụng đúng tình tiết giảm nhẹ, mức hình phạt cho hai bị cáo là phù hợp. Đại diện VKS đề nghị tuyên y án đối với hai bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Cường phân tích những vi phạm về tố tụng mà chủ yếu là lỗi đánh máy “lấy râu ông này cắm cằm bà kia”. 

Ngoài ra, vị luật sư còn nghi ngờ có sự đồng thuận của bị hại trong việc đến nhà Giang ngủ nhờ để buộc gia đình mình đưa tiền cho Luật. Tình tiết thể hiện Luật chỉ đòi 10 triệu đồng nhưng bị hại tự nâng lên 40 triệu đồng.

Và bị hại có nhiều cơ hội trốn thoát nhưng không thực hiện. Lời đe dọa của Luật không làm tê liệt hoàn toàn ý chí của bị hại. Cho rằng Cường không phạm tội, luật sư đề nghị HĐXX tuyên vô tội.

Bào chữa cho bị cáo Giang, luật sư cho rằng bị cáo không phải đồng phạm giúp sức trong hành vi “bắt cóc chiếm đoạt tài sản” của Luật. Vì Luật không chiếm đoạt tài sản của người khác mà chỉ lấy lại số tiền bị hại Dũng nợ, đơn giản chỉ là thỏa thuận ở lại làm tin để đòi nợ. 

Theo luật sư, bị cáo Giang không hề bắt giữ, không canh gác và so về tương quan, Dũng to con, là bảo vệ cho công ty nên không thể nói bị khống chế được. Ngoài ra, mặc dù kêu oan nhưng vẫn có thể áp dụng những tình tiết giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự nếu có cho các bị cáo. Luật sư bào chữa cho bị cáo Giang cũng đề nghị tuyên các bị cáo vô tội.

Sau khi nghị án, HĐXX trở lại phần xét hỏi đối với bị hại Dũng và quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ một số chứng cứ. 

Tin cùng chuyên mục

Hai bị cáo tại phiên xét xử.

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 42 tháng tù

Bị cáo Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
(PLVN) - Sau 7 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù; Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - hành chính) bị phạt 19 tháng tù; Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên Khoa Dược - Vật tư y tế) bị phạt 1 năm 3 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS.

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) -  Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mai Hương (SN 1985, ngụ Bắc Giang) và Vương Thị Bích Phượng (SN 1991, ngụ Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi nghị án, HĐXX phạt Hương 12 năm tù, Phượng 7 năm tù.

Hoãn phiên xử đường dây tội phạm Jibian

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) - Sáng nay, TAND TP Hà Nội đưa 21 bị cáo ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” thuộc đường dây tội phạm Jibian. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn vì bị cáo đi cấp cứu.

Cảnh báo về đường dây tội phạm xuyên quốc gia Jibian

Hình minh họa.
(PLVN) - Từ lời trình báo của người phụ nữ bị chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng, công an đã bắt được nhiều “mắt xích” trong Jibian - một tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo như một cổng thanh toán trung gian.

Ông Đỗ Hữu Ca bị tuyên 10 năm tù

Phiên xử diễn ra tại TAND tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đông Bắc)
(PLVN) - Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 12/4, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án với bị cáo Trương Xuân Đước cùng 12 bị cáo khác về các tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế". Trong đó, ông Đỗ Hữu Ca (cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng) bị tuyên 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lời xin lỗi của ông Đỗ Hữu Ca

Dự kiến, hôm nay (12/4) HĐXX TAND Quảng Ninh sẽ tuyên án. (Ảnh trong bài: Đông Bắc)
(PLVN) - Hôm nay(11/4), TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phiên sơ thẩm bị cáo Trương Xuân Đước cùng 12 bị cáo khác về các tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế". Trong đó, ông Đỗ Hữu Ca (cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đánh phóng viên gãy răng, chủ quán nhậu và nhân viên lãnh án

Các bị cáo tại phiên toà
(PLVN) - Toà án nhân thành phố Huế vừa đưa ra xét xử bị cáo Hoàng Trọng Nam (SN 1981, ngụ phường Thuỷ Biều, TP. Huế) và Nguyễn Đắc Lành (SN 2000, ngụ phường Phước Vĩnh, TP. Huế) - đây là ông chủ và nhân viên quán nhậu đã đánh một phóng viên gãy răng.