Lộn xộn phiên xử vụ án “sếp” mất mạng vì đuổi việc công nhân

Bị cáo Quân liên tục la hét khiến cán bộ hỗ trợ tư pháp phải can thiệp.
Bị cáo Quân liên tục la hét khiến cán bộ hỗ trợ tư pháp phải can thiệp.
(PLO) -Dù không quen biết, các bị cáo vẫn ra tay đánh chết bị hại chỉ vì lời nhờ vả của một người quen. Tại phiên tòa, bị cáo phản cung và bắt bẻ đại diện VKS ngay phần xét hỏi.

Sau ba lần hoãn, sáng 19/7, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử vụ án “giết người” đối với ba bị cáo Nguyễn Văn Nguyên (SN 1992, quê Phú Thọ), Huỳnh Văn Quân (SN 1991, quê Sóc Trăng) và Lê Văn Huynh (SN 1988, quê Trà Vinh). 

Đánh chết người không quen 

Vụ án xảy ra vào khoảng 16h ngày 22/11/2014, tại cổng Công ty Xe đạp Bình Minh (gọi tắt là Cty Bình Minh, khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Nạn nhân là anh Vũ Xuân Dương (SN 1985, quê Ninh Bình) tử vong do chấn thương sọ não.

Theo cáo trạng, Quân quen biết với Lầu Sú Há (SN 1989, quê Đồng Nai) làm công nhân ở Cty Bình Minh. Đầu tháng 11/2014, Há xin việc cho Quân và Nguyên vào công ty mình làm việc. Tuy nhiên, chỉ làm được một ngày, hai người này xin nghỉ vì công việc không phù hợp.

Các bị cáo đều chối tội, kêu oan.
Các bị cáo đều chối tội, kêu oan.

Ngày 18/11/2014, Há nghe được tin anh Dương làm quản lý xưởng hàn tại Cty Bình Minh chuẩn bị đuổi công nhân mới tuyển vào, trong đó có em của Nguyên (cũng do Há giúp xin vào). Trưa 22/11/2014, Há gọi điện hẹn gặp Nguyên ở quán cafe, bảo Nguyên đi gặp quản lý xưởng nói chuyện để không đuổi việc người em. 

Khoảng 15h30 cùng ngày, Quân, Nguyên, Huynh đang đánh bi da thì Há điện thoại báo tin chiều nay Cty không tăng ca, hẹn đến trước cổng Cty gặp mình. Nghe xong, Nguyên rủ Quân, Huynh đi cùng, cả hai đồng y 

Nguyên lấy xe máy của mình chở Huynh đi đến cổng Cty. Còn Quân nhờ bạn chở đi sau vài phút. Đến ngã tư cách cổng Cty khoảng 140m, Quân xuống xe đi bộ tới chỗ Nguyên và Huynh đang đứng.

Các bị cáo đều chối tội, kêu oan.
Các bị cáo đều chối tội, kêu oan.

Đến 16h cùng ngày, Cty tan ca, Há chạy xe từ Cty ra gặp ba người và chỉ tay về phía anh Dương đang điều khiển xe máy vừa ra khỏi cổng. Quân điều khiển xe máy chở Nguyên chạy theo, còn Huynh đi bộ đuổi theo anh Dương. 

Được khoảng 100m, Quân đuổi kịp và ép xe anh Dương vào lề. Nguyên bước xuống xe và nói với anh Dương: “Mày lại đây, nói chuyện với tao một chút”. Anh Dương xuống xe và trả lời: “Tao không có chuyện gì để nói với chúng mày”. Hai bên cự cãi, anh Dương dùng tay đánh Nguyên nhưng không trúng. Nhóm Quân lao vào đánh và xô anh Dương ngã xuống đường ngất xỉu.

Sau khi gây án, cả ba lên xe tẩu thoát. Nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do chấn thương sọ não, xuất huyết não, dập não, anh Dương tử vong vào ngày 24/11/2014. Nghe tin nạn nhân tử vong, Quân, Nguyên, Huynh đều ra đầu thú. Cơ quan công an truy tố cả ba về tội giết người. Đối với Há và người chở Quân đến gần Cty, cơ quan chức năng xác định đều là nhân chứng.

Các bị cáo đều chối tội, kêu oan.
Các bị cáo đều chối tội, kêu oan.

Bị cáo đôi co với công tố viên

Dù ra đầu thú, nhưng tại tòa, cả ba bị cáo đều phản bác lại cáo trạng. Nhất là bị cáo Huynh cho rằng mình không tham gia đánh nạn nhân nhưng vẫn bị truy tố là oan.

Tại tòa, bị cáo Nguyên vòng vo không nhận tội, cho rằng mình chỉ đánh anh Dương do mâu thuẫn bộc phát chứ không có ý định giết người. 

Theo bị cáo, em trai Nguyên cũng được Há xin việc giúp vào Cty. Nguyên cho rằng mình không biết chuyện em trai sắp bị đuổi việc. Vào trưa 22/11/2014, Há gặp Nguyên và nhờ đi nói chuyện với quản lý Dương về việc tại sao nhắm vào những người Há đưa vào Cty để đuổi việc.

Bị cáo Nguyên khai: “Bị cáo không quen biết với anh Dương, nhưng do mấy lần trước có nhờ vả Há nên khi Há nhờ lại thì giúp. Buổi chiều xảy ra sự việc, Há đến chỉ vào người anh Dương thì bị cáo mới biết để đuổi theo. Ý định của bị cáo là nói chuyện phải trái, chứ không có ý đánh nhau”.

Ngoài ra, bị cáo Nguyên cho rằng mình chỉ đá nạn nhân rồi quay lưng bỏ đi nên không biết việc nạn nhân bị đánh, và không nhìn thấy bị cáo Huynh có đánh hay không. 

Khi được hỏi về những tình tiết bất lợi cho bản thân mà Nguyên đã khai trong các bút lục, bị cáo cho rằng do điều tra viên ghi thêm vào, còn những tình tiết có lợi thì bị cáo cho rằng đã có hết trong hồ sơ.

Còn bị cáo Huynh cho rằng mình đứng từ xa, không tham gia đánh anh Dương. “Khi bị cáo đầu thú, cán bộ điều tra ghi biên bản đã khai thêm vào tình tiết đánh anh Dương. Do bị cáo tin tưởng cán bộ điều tra nên không đọc lại mà ký tên vào”, bị cáo Huynh kêu oan.

Nhân chứng đã chở Quân đến gần Cty Bình Minh cho rằng mình thấy cả bị cáo Huynh xông vào đánh nạn nhân. 

Còn nhân chứng Há, người khởi nguồn sự mâu thuẫn và bị gia đình bị hại đánh giá là “kẻ chủ mưu” thì cho biết: “Tôi không chỉ mặt anh Dương cho các bị cáo biết mà chỉ nói anh Dương đi xe Wave màu đen, biển số 35. Sau khi nói cho bị cáo Nguyên biết về anh Dương, tôi đi thăm bạn bị tai nạn nên không biết có chuyện đánh nhau.

Khi quay lại thì thấy anh Dương nằm ở ngoài đường. Trước đó, khi gặp Nguyên ở quán café, tôi cũng không bảo đi đánh nhau mà chỉ báo tin cho bị cáo Nguyên biết là em trai sắp bị đuổi việc”.

Tuy nhiên, cả ba bị cáo đều khai Há là người chỉ mặt anh Dương cho mình biết. Một số nhân chứng khác cho rằng Há không bỏ đi mà có mặt tại hiện trường, chứng kiến cảnh đánh nhau. 

Ngoài ra, lời khai của Há về việc vào ngày 18/11/2014 nghe tin em trai Nguyên sắp bị quản lý đuổi việc đã bị phản bác. Phía Cty Bình Minh cung cấp chứng cứ cho thấy vào ngày 19/11/2014, em trai Nguyên mới nộp đơn xin việc và vào ngày 20/11/2014 mới được nhận vào làm.

Trong hai ngày, làm sao có chuyện bị đuổi và anh Dương không có quyền đuổi công nhân. Như vậy, việc Há nhờ bị cáo Nguyên giải quyết mâu thuẫn của mình với anh Dương là có thật, chứ không phải chuyện em trai Nguyên bị đuổi việc.

Gia đình bị hại cho rằng “kẻ chủ mưu” bị bỏ lọt
Gia đình bị hại cho rằng “kẻ chủ mưu” bị bỏ lọt

Mặc dù đang ở phần xét hỏi, tuy nhiên, thấy các bị cáo phản cung, khai khác so với hồ sơ, không đồng ý với cáo trạng, đại diện VKS không thực hiện phần xét hỏi mà đứng dậy “cãi” tay đôi với bị cáo. 

VKS khẳng định bị cáo Nguyên, bị cáo Huynh có khai nhận phạm tội nhưng lại chối, tại tòa khai lung tung. Khi bị cáo Huynh chất vấn: “Tại sao điều tra viên ép bị cáo ký khống vào bản khai về việc thừa nhận đánh anh Dương, bị cáo có phản ánh với đại diện VKS ngay nhưng VKS chỉ im lặng, ký tiếp vào bản lời khai khống đó”. Bị cáo Huynh bắt bẻ khiến VKS im lặng.

Thậm chí, khi HĐXX hỏi ý kiến đại diện VKS có đồng ý với đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các luật sư hay không, vị đại diện VKS cũng không đi vào trọng tâm trả lời mà tiếp tục “cãi” với các luật sư.

Về bị cáo Quân, tại phiên tòa, Quân bị xét hỏi một lúc thì kêu đau đầu. Bị cáo liên tục dùng tay đập vào đầu và liên tục kêu la khiến lực lượng hỗ trợ tư pháp phải làm việc. Bị cáo này tiếp tục kêu khóc và than nhức đầu. Đây không phải lần đầu bị cáo Quân có biểu hiện bất thường.

Ở một phiên tòa bị hoãn trước đó, bị cáo còn tự đập đầu vào vành móng ngựa liên tục kêu đau đầu. Được biết, trước đây Quân từng bị tai nạn giao thông và bị thương ở phần đầu. Phiên tòa phải tạm dừng vì bị cáo Quân không còn giữ được bình tĩnh.

“Kẻ chủ mưu” bị bỏ lọt?

Sau đó, buổi xét xử được tiếp tục, luật sư của bị cáo Quân đề nghị tòa cho hoãn phiên tòa để giám định tâm thần cho bị cáo Quân, nhằm đảm bảo việc xét xử đúng theo quy định của pháp luật. 

Còn luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại cho rằng hồ sơ còn nhiều thiếu sót, gia đình bị hại lại ở xa nên đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung về vai trò của Há trong vụ án, mâu thuẫn của Há với anh Dương trong Cty và anh Dương có thẩm quyền đuổi việc công nhân hay không. 

“Cần thực hiện một lúc như thế để đỡ phải tốn kém cho người bị hại đi từ miền Bắc vào đây. Nếu bây giờ chờ kết quả giám định, tiếp tục xét xử lại trả hồ sơ thì rất tốn thời gian”, luật sư phía bị hại nêu.

HĐXX nghị án và chấp nhận đề nghị của các luật sư. Theo đó, HĐXX tuyên trả hồ sơ về cho VKS điều tra bổ sung làm rõ những tình tiết tại tòa không thể bổ sung được. Cần giám định trước, trong và sau khi gây án, bị cáo Quân có bị tâm thần hay không, có kiểm soát được hành vi của mình hay không?

Cần làm việc với phía Cty Xe đạp Bình Minh về mâu thuẫn nội bộ giữa Há và nạn nhân. Cần làm rõ thẩm quyền của nạn nhân có được đuổi việc công nhân hay không để xác minh lời khai của Há là đúng hay sai? Yêu cầu làm rõ vai trò của Há trong việc có tham gia đánh nạn nhân hay không và có vai trò gì trong vụ án.

Chứng nhận của Cty Xe đạp Bình Minh về việc em trai Nguyên được nhận việc vào ngày 20/11/2014
Chứng nhận của Cty Xe đạp Bình Minh về việc em trai Nguyên được nhận việc vào ngày 20/11/2014

Vụ án đã được lên lịch xét xử nhiều lần nhưng hoãn lại, gia đình bị hại cho biết, mỗi lần nghe tin vụ án được đưa ra xét xử, gia đình lại khăn gói bắt xe từ Ninh Bình vào Nam, rất tốn kém. “Tới nơi, có lúc chưa kịp đến tòa đã được thông báo hoãn. Mỗi lần đi vào Nam tốn không dưới 10 triệu đồng. Gia đình chúng tôi khó khăn lại càng khó khăn hơn”, người thân bị hại nói. 

Phía bị hại còn bức xúc vì ba lần hoãn xử nhưng hoãn mà không có kết quả khả quan, vì theo họ, “kẻ chủ mưu” là Há vẫn không bị đưa ra trước pháp luật.

Theo gia đình bị hại, cơ quan tố tụng đã bỏ sót Há - “kẻ chủ mưu”,  bởi theo họ, Há mới là người có mâu thuẫn với anh Dương trong Cty. Một số người do Há đưa vào làm trong Cty không có năng lực, không phù hợp công việc nên bị lãnh đạo đuổi. Há nghĩ anh Dương là người đề xuất đuổi việc nên thù hằn anh này.

Được biết, anh Dương là công nhân có tay nghề, đi xuất khẩu bên Đài Loan. Khi Cty thành lập chi nhánh ở Bình Dương, lấy tên là Cty Xe đạp Bình Minh, anh Dương được lãnh đạo tin dùng đưa về nước tiếp tục công việc.

Anh Dương là lao động chính trong gia đình. Một mình anh đi làm nuôi vợ con và cha mẹ già. Hai con anh Dương còn nhỏ, một mới lên 5 tuổi, một mới lên 3 tuổi. Từ ngày anh mất đi, vợ anh phải một mình bươn chải cáng đáng gia đình.

Về bồi thường thiệt hại, gia đình bị hại yêu cầu tổng cộng là hơn 1,5 tỷ đồng, bao gồm tiền viện phí, mai táng, cấp dưỡng cho hai con anh Dương và tiền tổn thất tinh thần. Cha bị hại Dương nói: “Về xét xử, nghe tòa yêu cầu làm rõ hành vi của Há, gia đình rất mừng, dù lần này vụ án kéo dài thêm nhưng kẻ đứng đằng sau vụ án phải được pháp luật trừng trị. Còn về bồi thường, gia đình cũng chỉ mong làm sao thi hành được một ít tiền bồi thường từ các bị cáo để nuôi hai con của Dương”.

Tin cùng chuyên mục

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Đọc thêm

Cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 42 tháng tù

Bị cáo Huỳnh Văn Dõng, cựu Giám đốc CDC tỉnh Khánh Hòa bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù.
(PLVN) - Sau 7 ngày xét xử và nghị án, bị cáo Huỳnh Văn Dõng (cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa) bị TAND tỉnh tuyên phạt 42 tháng tù; Trần Quốc Huy (cựu Trưởng phòng Tổ chức - hành chính) bị phạt 19 tháng tù; Phan Phương Ngọc (cựu nhân viên Khoa Dược - Vật tư y tế) bị phạt 1 năm 3 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 BLHS.

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tiền của ngân hàng

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) -  Ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Mai Hương (SN 1985, ngụ Bắc Giang) và Vương Thị Bích Phượng (SN 1991, ngụ Hòa Bình) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Sau khi nghị án, HĐXX phạt Hương 12 năm tù, Phượng 7 năm tù.

Hoãn phiên xử đường dây tội phạm Jibian

Các bị cáo tại tòa.
(PLVN) - Sáng nay, TAND TP Hà Nội đưa 21 bị cáo ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” thuộc đường dây tội phạm Jibian. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải hoãn vì bị cáo đi cấp cứu.

Cảnh báo về đường dây tội phạm xuyên quốc gia Jibian

Hình minh họa.
(PLVN) - Từ lời trình báo của người phụ nữ bị chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng, công an đã bắt được nhiều “mắt xích” trong Jibian - một tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo như một cổng thanh toán trung gian.

Ông Đỗ Hữu Ca bị tuyên 10 năm tù

Phiên xử diễn ra tại TAND tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đông Bắc)
(PLVN) - Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 12/4, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án với bị cáo Trương Xuân Đước cùng 12 bị cáo khác về các tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế". Trong đó, ông Đỗ Hữu Ca (cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng) bị tuyên 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Lời xin lỗi của ông Đỗ Hữu Ca

Dự kiến, hôm nay (12/4) HĐXX TAND Quảng Ninh sẽ tuyên án. (Ảnh trong bài: Đông Bắc)
(PLVN) - Hôm nay(11/4), TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phiên sơ thẩm bị cáo Trương Xuân Đước cùng 12 bị cáo khác về các tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Trốn thuế". Trong đó, ông Đỗ Hữu Ca (cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đánh phóng viên gãy răng, chủ quán nhậu và nhân viên lãnh án

Các bị cáo tại phiên toà
(PLVN) - Toà án nhân thành phố Huế vừa đưa ra xét xử bị cáo Hoàng Trọng Nam (SN 1981, ngụ phường Thuỷ Biều, TP. Huế) và Nguyễn Đắc Lành (SN 2000, ngụ phường Phước Vĩnh, TP. Huế) - đây là ông chủ và nhân viên quán nhậu đã đánh một phóng viên gãy răng.