Đại án ở OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn nhận án tử, Hà Văn Thắm lĩnh án chung thân

Hà Văn Thắm lĩnh án chung thân (ảnh Vietnamnet)
Hà Văn Thắm lĩnh án chung thân (ảnh Vietnamnet)
(PLO) - Sáng nay (29/9), sau phiên nghị án kéo dài 5 ngày, HĐXX TAND Tp Hà Nội đã tuyên án vụ tham nhũng ở OceanBank.

Phiên sơ thẩm đại án ở Oceanbank là phiên tòa giữ kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng, lên tới 600 người (bao gồm các nhân chứng, giám định viên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…) và hơn 50 luật sư tham gia bào chữa tại tòa. 

Ra trước vành móng ngựa có tổng số 51 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố về các tội: “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo quy định tại Điều 179, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280 và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165-Bộ luật Hình sự. 

Hai bị can chính trong vụ án, là Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) tội Tham ô tài sản. 

Trong số 51 bị cáo này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã truy tố bổ sung thêm 4 bị cáo gồm: Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam), Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín), Trần Văn Bình (Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung) và Hoàng Thị Hồng Tứ (nguyên Chủ tịch Công ty BSC, công ty sân sau của Hà Văn Thắm).

Trong số này, Hoàng Thị Hồng Tứ bị truy tố tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN). Ba bị cáo còn lại bị truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng."

Đáng chú ý, tại phiên tòa lần này, cơ quan tố tụng đã chuyển tội danh của các bị cáo liên quan đến hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”

Cơ quan tố tụng cũng truy tố bổ sung Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn về tội “Tham ô tài sản” với khoản tiền các bị cáo tham ô là hơn 49 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS Nhân dân Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa cho biết, trong khoảng thời gian từ 2009 - 2014, quá trình hoạt động kinh doanh tại Oceanbank đã xảy nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, vi phạm các quy định về cho vay…, dẫn đến nợ xấu của Oceanbank thời điểm 31/3/2014 là hơn 14.900 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế lỗ 10.100 tỷ đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu.

Ngày 6/5/2015, NNHH quyết định mua lại Oceanbank với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương.

Hậu quả trên đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm đã bàn bạc với Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn rồi chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn ký hợp đồng với Nguyễn Văn Bình – cựu TGĐ Công ty Trung Dung không đảm bảo tiền góp vốn, không có tài sản đảm bảo.

Chứng cứ và lời khai tại phiên tòa cho thấy số tiền vay 500 tỷ đã được tất toán cho 5 hợp đồng của nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn, các cá nhân liên quan đều cho rằng được bà Phấn nhờ đứng tên, và khoản tiền này được Phạm Công Danh dùng để tất toán các khoản vay của bà Phấn tại ngân hàng…. Trong hành vi này tòa khẳng định, Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm bồi hoàn.

Về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản số tiền 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC, theo tòa, để được vay vốn hoặc mua ngoại tê, khách hàng phải thực hiện ký hợp đồng dịch vụ thông qua công ty này của Hà Văn Thắm.

Tòa cho rằng, Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao, với vị thế là người của PVN – đối tác chiến lược cử sang tham gia điều hành Oceanbank, từ sự phụ thuộc của Ngân hàng Đại Dương vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN, Nguyễn Xuân Sơn đã đặt vấn đề với Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT Oceanbank về việc cần chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng. 

Khi Hà Văn Thắm quyết định sử dụng Công ty BSC để thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Oceanbank để thu phí, lấy nguồn chi cho Nguyễn Xuân Sơn.

Trong hành vi này, Hà Văn Thắm là đồng phạm chủ mưu giúp sức đắc lực để Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền trên. Xét hành vi, tòa cho rằng, cần phải tuyên phạt Thắm và Sơn mức án cáo mới thỏa đáng hành vi phạm tội.

Trong hành vi liên quan Công ty BSC, tòa nhận định đối với Hoàng Thị Hồng Tứ - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty BSC, chỉ giữ vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo nên cần một mức án phù hợp, việc tuyên phạt bị cáo án treo cũng là phù hợp. Với Phạm Hoàng Giang – cựu TGĐ Công ty BSC tòa cũng có căn cứ để giảm án.

Với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan khoản tiền chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng, tòa khẳng định đã vi phạm quy định pháp luật, vi phạm quy định về trần lãi suất của NHNN. Hành vi của các bị cáo vượt ra khỏi hành vi xử lý hành chính. Số tiền này phục vụ cho nhóm lợi ích của lãnh đạo Oceanbank.

Tòa khẳng định, số tiền 1576 tỷ đồng là thiệt hại hiện hữu, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ, mặt khác hệ lụy dẫn đến Oceanbank không kiểm soát được việc thu chi, thất thoát vốn…

Trong số tiền 1.576 tỷ có khoản tiền 246 tỷ chi cho Sơn và bị Sơn chiếm đoạt. Vì vậy nên thiệt hại chỉ còn hơn 1.300 tỷ.

Căn cứ mức độ hành vi phạm tội trong hành vi cố ý làm trái, Thắm là người chỉ đạo nên phải chịu trách nhiệm lớn hơn các bị cáo còn lại.

Các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng hội sở, không được hưởng lợi, quá trình điều tra giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án, nên đây là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo là cựu cán bộ hội sở của ngân hàng. Tuy nhiên hành vi của các bị cáo gây ra là nghiêm trọng nên cần thiết phải có mức án phù hợp

Các bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng hội sở, không được hưởng lợi, quá trình điều tra giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án, nên đây là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo là cựu cán bộ hội sở của ngân hàng. Tuy nhiên hành vi của các bị cáo gây ra là nghiêm trọng nên cần thiết phải có mức án phù hợp.

Đối với cựu giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch, tòa cho biết hành vi của họ là đồng phạm của lãnh đạo Oceanbank hội sở.

Hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, nhưng hành vi này là phục tùng lãnh đạo, họ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi. Các bị cáo tự nguyện bồi thường và đó là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Đối với các bị cáo này, HĐXX cũng quyết định xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Họ phạm tội với vai trò thứ yếu nên HĐXX quyết định cho bị cáo được hưởng khung hình phạt thấp nhất, cụ thể là chế độ án treo, miễn hình phạt tù đối với một số bị cáo.

 Đối với 4 bị cáo gồm: Nguyễn Việt Hà – cựu GĐ Chi nhánh Thái Bình, Nguyễn Phan Trung Kiên – cựu GĐ Phòng giao dịch Đông Đô, Nguyễn Thị Loan – cựu GĐ Phòng giao dịch Trung Yên và Trần Anh Thiết – cựu GĐ Chi nhánh Hà Nội, tòa xem xét xử phạt theo hình thức cải tạo không giam giữ.

Về các bị cáo có vai trò chính trong vụ đại án này, HĐXX đã nhận định: Trong hành vi lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 69 tỷ đồng của Oceanbank và khách hàng qua Công ty BSC thì Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn giữ vai trò chính.

Các bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ và Phạm Hoàng Giang hành vi không đáng kể, tích cực giúp CQĐT làm việc; cả 2 người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy, cần giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Giang, chỉ cần tuyên phạt bị cáo Tứ án treo là đủ sức răn đe và giáo dục.

Đối với hành vi chi lãi ngoài gây thiệt hại 1.576 tỷ đồng, các bị cáo là lãnh đạo Hội ở Oceanbank đã chỉ đạo việc chi lãi ngoài trên toàn bộ hệ thống của ngân hàng này. Các khách hàng chủ yếu nhận tiền thuộc nhóm dầu khí.

Các bị cáo và luật sư cho rằng việc chi lãi ngoài không gây thiệt hại, chỉ vi phạm và bị xử lý Thông tư 02 năm 2011. Tuy nhiên, kết luận giám định cho thấy, trong số 1.576 tỷ còn phục vụ mục đích cá nhân của lãnh đạo Oceanbank. Việc chi lãi ngoài đã vượt trần lãi suất tối đa mà NHNN quy định (không vượt quá 14,5%/năm), vi phạm các quy định của luật kế toán; chế độ tài chính của Oceanbank và các quy định khác.

Hành vi vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng, vượt qua việc điều chỉnh bằng các biện pháp hành chính.

Toàn bộ số tiền 1.576 tỷ được Oceanbank chi trái quy định, không thu hồi được. Việc này còn tạo cạnh tranh không lành mạnh, làm tăng lạm phát ảnh hưởng tới kinh tế quốc gia, xâm phạm quyền quản lý của Nhà nước…

Đáng chú ý, việc chi lãi ngoài cho các đơn vị dầu khí là chi cho lãnh đạo các đơn vị dầu khí, là điều kiện dẫn đến hậu quả khác.

Ngoài ra, HĐXX xác định các bị cáo là cán bộ Hội sở Oceanbank cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về các khoản đã chi lãi ngoài sai quy định.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn dù không còn công tác ở Oceanbank nhưng vẫn thực hiện chi lãi ngoài thông qua Nguyễn Minh Thu nên phải liên đới chịu trách nhiệm.

Đối với hành vi Tham ô của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm, HĐXX đưa ra nhận định: Tại tòa Nguyễn Xuân Sơn khai đã nhận tiền từ Thắm rồi sau đó chi cho Ninh Văn Quỳnh và dùng để chi ngoại giao, lễ tết...

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn đã hoàn thành, việc xác định bị cáo đã sử dụng tiền như thế nào không có ý nghĩa về việc định tội nên cần có mức án nghiêm khắc dành cho bị cáo Sơn.

Đối với Hà VănThắm, vì đã thành khẩn khai báo, HĐXX cho rằng chỉ cần áp dụng hình phạt có thời hạn với Thắm là đủ răn đe.

Với nhận định nêu trên, HĐXX tuyên phạt:

1. Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT OJB bị truy tố về tội 

a. Tham ô tài sản: Chung thân

b. Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 19 năm

c. Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 20 năm tù

d. Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng: 18 năm

Tổng mức hình phạt mà bị cáo Thắm phải chấp hành là Chung thân

2. Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN bị truy tố về tội

a. Tham ô tài sản: Tử hình

b. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Chung thân

c. Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 17 năm

Tổng mức hình phạt mà bị cáo Sơn phải chấp hành là Tử hình

3. Nguyễn Minh Thu – nguyên Chủ tịch HĐQT OJB bị truy tố về tội 

a. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 9 năm

b. Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 13 năm

Tổng mức hình phạt mà bị cáo Thu phải chấp hành là 22 năm

4. Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó TGĐ OJB bị truy tố về tội 

a. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: 10 năm

b. Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng: 12 năm

Tổng mức hình phạt mà bị cáo Hoàn phải chấp hành là: 22 năm

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

1. Phạm Hoàng Giang – nguyên TGĐ Cty BSC: 4 năm

2. Hoàng Thị Hồng Tứ - nguyên Chủ tịch HĐQT Cty BSC: 36 tháng tù cho hưởng án treo

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Lê Thị Thu Thủy – nguyên Phó TGĐ OJB: 6 năm

2. Vũ Thị Thùy Dương – nguyên GĐ Khối Kế toán  và giao dịch trong nước OJB: 4 năm

3. Nguyễn Thị Nga – nguyên Kế toán trưởng OJB, hiện là GĐ Khối tài chính và Kế hoạch OJB: 42 tháng tù

4. Nguyễn Hoài Nam – nguyên GĐ Khối Nguồn vốn OJB: 42 tháng

5. Nguyễn Thị Thu Ba – nguyên GĐ Khối Ngân hàng bán lẻ OJB: 36 tháng tù

6. Đỗ Đại Khôi Trang – nguyên GĐ Khối Khách hàng cá nhân OJB: 36 tháng tù

7. Nguyễn Xuân Thắng – nguyên Phó GĐ Khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược OJB: 36 tháng

Nhóm 34 bị cáo nguyên là GĐCN, PGD OJB bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy đinh của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từ 18 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng:

1: Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh: 14 năm, cộng bản án cũ 30 năm tù nên tổng hợp hình phạt mà bị cáo Danh phải chấp hành là 30 năm tù.

2: Trần Văn Bình – nguyên TGĐ Cty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung: 4 năm, cộng bản án cũ 4 năm tù nên tổng hợp hình phạt mà bị cáo Bình phải chấp hành là 8 năm tù

3: Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu Tư và Phát triển Phú Mỹ: 17 năm tù

Đồng thời, HĐXX kiến nghị tại tòa: Ninh Văn Quỳnh có vi phạm pháp luật nên sẽ khởi tố vụ án nhưng CQĐT đã khởi tố nên HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra xử lý những cá nhân liên quan.

Đọc thêm

Xét xử vụ án vi phạm trong quản lý đất đai tại Hưng Yên

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) -Ngày 26/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức xét xử 9 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (nay là Phường Dị Sử, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về các hành vi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản.

Vụ án liên quan cựu Bí thư Thị xã Bến Cát: 3/3 yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị từ chối

Ông Khanh tiếp tục gửi đơn kêu oan, đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)
(PLVN) - Sau hơn 5 tháng tạm đình chỉ điều tra, ngày 18/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương (CQĐT) có Quyết định 969/QĐ-CSKT(P4) phục hồi điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và Quyết định phục hồi điều tra bị can với 7 người; ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư TX Bến Cát, người mua đất trong vụ án) tiếp tục có đơn yêu cầu đình chỉ điều tra vụ án vì cho rằng ông bị oan trong vụ án đã kéo dài hơn 7 năm.

Hai phạm nhân trốn trại nhận thêm án

Hai bị cáo Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: PV
(PLVN) - Đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) 2 phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng đã bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ và vừa đưa ra xét xử.

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh
(PLVN) - VKSND cấp cao đánh giá, suốt quá trình giải quyết vụ án, Cty Phúc Thanh Vinh không cung cấp được chứng cứ chứng minh khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, khách cung cấp được các chứng cứ chứng minh Cty Phúc Thanh Vinh đã vi phạm nghĩa vụ, tự ý đơn phương bán lại các căn nhà cho người khác.