Bình yên về trên đại ngàn Mai Châu

Bây giờ để tìm thấy một cây súng treo trên vách nhà làm kỷ niệm ở Mai Châu là chuyện hiếm hoi chứ nói gì đến chuyện người ta nghênh ngang đeo dao, vác súng vào rừng như trước nữa... Cuộc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đặc biệt là các loại súng săn, súng tự chế trên đại ngàn Mai Châu, nơi từng được xem là “kho súng” của tỉnh Hòa Bình đã đem lại nhiều dấu hiệu đáng mừng.

“Mới chớm mùa mưa, nhưng chim muông cò vạc đã trở lại, nhiều loài thú về lại trong rừng”, Thượng tá Hà Thiếu Uýnh, Phó Trưởng công an huyện Mai Châu hồ hởi cho biết. Cuộc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đặc biệt là các loại súng săn, súng tự chế trên đại ngàn Mai Châu, nơi từng được xem là “kho súng” của tỉnh Hòa Bình đã đem lại nhiều dấu hiệu đáng mừng.

Đại ngàn không còn tiếng súng săn
Đại ngàn không còn tiếng súng săn

"Cả đời bố chỉ có cái súng này"

Anh Sùng A Chếnh, Phó trưởng công an xã Pà Cò không giấu được xúc động khi kể về những chiếc súng một thời gắn bó: “Sử dụng súng tự chế đã trở thành một tập quán ăn sâu bám rễ nhiều đời trong bà con người Mông. Súng là công cụ đi săn thú kiếm ăn, là vũ khí tự vệ thiết yếu trong gia đình, đôi khi trở thành vật trang trí, thành thứ tạo nên bản lĩnh đàn ông của mỗi người cũng như sự bề thế của mỗi gia tộc. Lúc một người hết cõi sống, cũng phải nổ 3 phát súng liên tiếp báo cho bà con xa gần biết, rồi súng ấy lại tiễn hồn người ta về trời”.

Ngày ấy, cả Pà Cò chỉ có một thợ rèn biết làm súng, để làm nòng, người ta phải dùng tuýp sắt dài, nhiều khi không có ống tuýp, thì nhặt những mảnh sắt vụt rồi nung, rồi đánh, rồi khoan, rồi giũa. Báng súng chỉ làm bằng rễ cây Plẩu Khi (lá mặt trăng) vừa nhẵn vừa dai mọc trên vách đá. Hoàn thành một khẩu súng có khi phải mất đến hàng tuần lễ. Khẩu súng càng kỳ công, tinh xảo bao nhiêu thì người chủ càng được tôn trọng bấy nhiêu. “Khẩu súng cỡ 16 của bố tôi phải đổi bằng mấy con trâu. Lúc nào bố cũng dặn đi dặn lại: cả đời bố chỉ có khẩu súng này, các con cố mà giữ gìn”, anh Chếnh tâm sự.

Những khẩu súng đã trở thành vật tri kỉ, gắn bó với những chàng trai từ lúc trai tráng băng rừng băng suối theo dấu chân con nai, con hoẵng cho đến khi về già như ánh mặt trời sắp lặn trên đỉnh Phu Si Linh. Thế nhưng, những khẩu súng tưởng chừng vô tri vô giác kia cũng trở thành “hung thần” gieo rắc bao cái ác trên đại ngàn. Theo thống kê của công an huyện Mai Châu thì không năm nào dưới ba vụ người dân sử dụng súng bắn nhầm dính người.

Thợ săn trong vùng Xăm Khoè, Bao La, Piềng Vế, Hang Kia… không ai không biết những câu chuyện rùng mình về các tai nạn khi đi săn đêm. Rừng ban ngày hiền hoà, tĩnh mịch, ban đêm bỗng trở nên ma quái, liêu trai. Lẫn trong bóng tối, có những thợ săn lầm lũi đi săn “chiến lợi phẩm”. Trung tuần tháng 10 năm 2006, anh Hà Văn Thoa bắn chết một thợ săn khác ở Quan Hóa, Thanh Hoá.

Như bao đêm khác, đêm đó, Hà Văn Thoa khoác súng vào rừng. Thoa vốn là thợ săn có tiếng ở vùng Xăm Khoè, đã đi là không bao giờ chịu về không. Trong cái rét cắt da cắt thịt của đêm đại ngàn, bắt gặp một vết chân khá to, đoán đây là dấu vết của một con lợn rừng cỡ bự. Vừa hay, có tiếng sột soạt, đám cỏ lay động. Tiếng khạc lửa đanh gọn vang lên giữa rừng khuya tĩnh mịch.

Khi chạy đến nhặt “chiến lợi phẩm”, trước mặt Hà Văn Thoa không phải là con thú mà là một người đàn ông nằm thoi thóp trên vũng máu. Trước đó, anh Ngần Văn Um người Mai Hạ cũng bắt chết chính người bạn đồng hành của mình là Vi Văn Thạnh khi đi săn thú tại rừng Bá Thước (Thanh Hóa). Và ngay trong khi cuộc vận động thu hồi vũ khí diễn ra, một người dân ở Hang Kia trong lúc dùng súng bất cẩn khiến súng cướp cò đã tự kết liễu đời mình.

Tự nguyện nộp 3.000 khẩu súng

Tính từ khi phát động ngày 20/8/2010 cho đến cuối tháng 7 năm 2011, lực lượng Công an huyện Mai Châu phối hợp với các ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương đã vận động thu hồi được hơn 3300 khẩu súng các loại. Tính ra, số lượng súng tự chế của huyện Mai Châu đã chiếm đến hơn 1/2 tổng lượng súng tự chế của toàn tỉnh (theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 5.886 khẩu). Nhiều xã đã nộp vượt số liệu thống kê như Hang Kia, Chiềng Châu, Mai Hạ, Bao La...

Hơn 3300 khẩu súng đã được giao nộp về công an huyện Mai Châu
Hơn 3300 khẩu súng đã được giao nộp về công an huyện Mai Châu

Thu hàng nghìn khẩu súng của những người yêu quý và gắn bó với những khẩu súng "gia bảo" từ thủa lọt lòng, từ trong mây khói của núi non mây tản như thế mà không phải nổ một tiếng súng. Đó là một câu chuyện cảm động về ý Đảng lòng dân trong thời đại mới.

“Có những khẩu do ông cha mấy đời để lại như vật thiêng liêng trong gia đình, có những khẩu có giá trị đến 15-20 triệu đồng, có những khẩu được người giữ bảo vệ nâng niu, lau chùi sạch sẽ gác trên sừng hươu giữa nhà vậy mà khi được vận động, người dân đều tự nguyện đem đến giao nộp. Khi phải chia tay với chúng, nhiều người đã không dấu nổi giọt nước mắt”, ông Khà Phúc Dằng, Bí thư huyện ủy Mai Châu, Trưởng ban chỉ đạo thu hồi vũ khí vật liệu nổ chia sẻ.

Công tác vận động thu hồi súng tự chế tại Mai Châu đã được thực hiện tuần tự, cẩn trọng, từng bước. Lực lượng quản lý vũ khí vật liệu nổ, công an khu vực, công an xã được lệnh đi yêu cầu các tổ chức cá nhân có đăng ký sử dụng súng kiểm kê định kỳ. Khi có chỉ thị thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, một chiến dịch vận động rầm rộ bắt đầu với việc thành lập một ban chỉ đạo cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ do đồng chí Bí thư huyện ủy làm trưởng ban.

Cuộc ra quân có sự phối hợp của các ngành, đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, được triển khai rộng khắp trên toàn địa bàn. Các cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải nghiêm túc, tự giác chấp hành, giao nộp trước.

Thượng tá Hà Thiếu Uýnh chia sẻ: Điều quan trọng nhất là việc giao nộp vũ khí, súng tự chế được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Khi thu hồi súng trên địa bàn Hang Kia, chúng tôi đã nghĩ là rất khó khăn nhưng chỉ trong vài giờ đồng hồ người dân đã đem nộp vượt số liệu thống kê ban đầu. Bây giờ để tìm thấy một cây súng treo trên vách nhà làm kỷ niệm ở Mai Châu là chuyện hiếm hoi chứ nói gì đến chuyện người ta nghênh ngang đeo dao, vác súng vào rừng như trước nữa.

Với một số lượng súng thu hồi rất lớn, vấn đề đặt ra hiện nay số súng đó sẽ được xử lý như thế nào để không làm thất thoát, không phụ sự tin tưởng của đồng bào?. Thượng tá Hà Công Cẩn, Trưởng Công an huyện Mai Châu cho biết: Mỗi khẩu súng, mỗi viên đạn được người dân giao nộp đều được biên nhận, ghi chú cụ thể trước khi đưa vào bảo quản trong kho. Tuy nhiên việc xử lý một lượng súng lớn như thế là chuyện không dễ dàng. Trong nhiều khẩu vẫn còn chứa một lượng thuốc nổ nên rất dễ gây nguy hiểm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có đề nghị với lãnh đạo cấp trên về phương án xử lý.

Theo truyền thống và phong tục từ nhiều đời nay của đồng bào người Mông thì khi trong xã có một người qua đời, bắt buộc phải bắn ba phát súng chỉ thiên liên tiếp báo hiệu. Tiếng súng thay cho lời thông báo và cũng để tống tiễn vong linh người bà con khi họ lên đường về trời. Nhiều người dân kiến nghị nên giữ lại tại nhà uỷ ban nhân dân xã ít nhất một khẩu súng để dùng trong việc tang.

Trả lời về vấn đề này, Thượng tá Hà Công Cẩn cho biết: Trước mắt, tất cả những người dân có sử dụng súng đều phải giao nộp cho cơ quan chức năng. Việc giao súng lại ủy ban phải nghiên cứu kỹ thêm vì sẽ rất khó khăn trong việc quản lý, giám sát. Tuy nhiên ban vận động cũng sẽ xem xét đề nghị của đồng bào để có phương án phù hợp.

Hoàng Giang  

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.