Những anh hùng trong cuộc chiến với...lửa

 Yếu tố nào thúc đẩy các anh xông vào vùng lửa cháy trong khi mọi người cố gắng thoát ra? "Phục vụ, hy sinh, cứu người". Đó là câu trả lời mà mỗi người lính cứu hỏa đã nhập tâm từ khi “tập tọe” bước chân vào nghề.

Yếu tố nào thúc đẩy các anh xông vào vùng lửa cháy trong khi mọi người cố gắng thoát ra? "Phục vụ, hy sinh, cứu người". Đó là câu trả lời mà mỗi người lính cứu hỏa đã nhập tâm từ khi “tập tọe” bước chân vào nghề.

Những người lính cứu hỏa lên đường làm nhiệm vụ
Những người lính cứu hỏa lên đường làm nhiệm vụ

Chuông reo là chạy

Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi nụ cười trước khi chết của người lính cứu hoả tập sự Jack Morrison trong bộ phim Nấc thang lửa (Leadder 49). Jack đã chết trong đám lửa hung bạo mà đáng lẽ anh đã có thể thoát ra ngoài an toàn. Sự kêu gào, cầu cứu của người dân đã giữ anh lại và Jack bị mắc kẹt trong tòa nhà 20 tầng rừng rực lửa cháy. Giữa đống tro tàn đổ nát, người lính trẻ đã ngời sáng như một anh hùng trong cuộc giành giật với giặc lửa.

Sức mạnh của “bà hỏa” thật là ghê gớm, những thiệt hại do hỏa hoạn gây nên khó mà tính toán hết được. Đám cháy xảy ra. Lửa. Khói. Sự hoảng loạn. Nỗi kinh hoàng của người trong cuộc và tất cả những ai chứng kiến. Trong cơn hiểm nguy ấy, trong lúc mọi người chạy ra thì những người lính cứu hỏa lại lao vào, dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, chạy đua với thời gian để cứu người, cứu tài sản. 

18h ngày 10/3/2011, trung tá Ngô Thanh Lâm, Đội trưởng phòng cảnh sát PCCC Ba Đình nhận được điện của chỉ huy Phòng điều động lực lượng xuống ngay chung cư 18 tầng (Lê Văn Lương, Hà Nội) vì có đám cháy. Đội chữa cháy lập tức lên đường, anh Lâm yêu cầu xe hú còi liên tục và lao vào đường ngược chiều để tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất. Các chiến sĩ trên xe lúc này mới kịp sửa soạn trang phục, người thì khoác chiếc áo bảo vệ, người thì chỉnh lại mũ bảo vệ… để sẵn sàng đối mặt với lửa!

 “Bão lũ còn có thể dự báo chứ hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên người lính cứu hỏa lúc nào cũng phải sẵn sàng lên đường, thường trực chiến đấu. 24h là lịch của một ngày làm việc. Một phút là thời gian tối đa để các chiến sĩ triển khai từ lúc nhận tin báo cháy tới khi xe chạy. Vì thế, anh em chiến sĩ đang làm bất cứ việc gì, nghe tiếng chuông là phải chạy liền”, Thượng tá Trần Văn Vụ, trưởng phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hoàn Kiếm cho biết.

Nói về những chuyện dở khóc dở cười khi nghe thấy chuông báo cháy của các chiến sĩ chữa cháy thì nhiều vô cùng: Có khi đang ăn nhưng nghe tiếng chuông cũng phải lập tức buông bát lên đường. Nhiều chiến sĩ đi chữa cháy với cái đầu “nửa ngắn nửa dài”, hỏi ra mới biết là anh ta đang cắt tóc thì phải…chạy. Thậm chí, có trường hợp lỡ “mắc” trong nhà vệ sinh nếu xe cứu hỏa xuất phát mất rồi thì bằng mọi giá phải tự bắt phương tiện khác để đến hiện trường rồi chịu “khiển trách” sau.

Anh Nguyễn Văn Nguyện, đội trưởng đội chữa cháy chuyên nghiệp Hoàn Kiếm đã có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghề chữa cháy kể, nhiều khi cả ngày, cả tuần không có một vụ cháy nào nhưng cũng có ngày cháy dồn dập, báo động tới 5-6 lần. Các sắc lính khác còn có chuyện “lên ca (trực) xuống ca”, còn lính cứu hỏa gần như phải “lên ca” thường xuyên, do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ. Có khi hết ca trực về gần đến nhà thì lại bị điều động quay trở lại. Một phòng PCCC có bao nhiêu xe thì hàng ngày phải bố trí tương ứng bấy nhiêu chiến sĩ trực đủ trên số đầu xe để lúc nào cũng có thể… hoạt động hết công suất!

Triển khai chữa cháy trên một tuyến phố
Triển khai chữa cháy trên một tuyến phố

Cứu cái còn trong cái mất

“Khi một đám cháy xảy ra người dân thường hoảng loạn, bỏ chạy ra ngoài, để mặc lửa hoành hành. Thế nhưng nhiệm vụ của người lính chữa cháy là phải cứu cái còn trong cái mất. Nhanh chóng dập tắt đám cháy để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản” – Thượng tá Vụ chia sẻ. Theo ông, không những phải dũng cảm, mưu trí người lính chữa cháy còn phải sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp, nhanh trí trong việc xử lý các tình huống chữa cháy. Cháy trong khu phố cổ, cháy nhà cao tầng hay cháy công xưởng. Mỗi loại lại có những khó khăn riêng, không có vụ nào giống vụ nào. Chính vì vậy phải có “mưu kế” đánh lửa phù hợp. Khi ngồi trên xe xuống hiện trường, người lính cứu hỏa phải nắm được 90% về kiểu “giặc lửa” mình sắp đối mặt, để áp dụng “thế trận” chữa cháy tối ưu nhất.

“Tất cả chúng tôi luôn tâm niệm: tài sản của người khác cũng như tài sản của mình, người thân của người khác cũng như người thân của mình. Chính vì vậy khi phát hiện có người mắc kẹt trong đám cháy thì bằng mọi biện pháp phải xông vào cứu chữa”, anh Nguyễn Văn Chanh, người có thâm niêm 36 năm cầm vòi chữa cháy chia sẻ. Lúc chúng tôi đến phòng cảnh sát PCCC Long Biên viết thương của đại úy Phạm Văn Tuấn vẫn chưa lành, anh bị ngạt khói, gãy ba xương sườn trong khi dũng cảm cứu ba công nhân trong đám cháy tại Công ty TNHH Kinh doanh ứng dụng trang thiết bị bảo hộ lao động Hương Dũng ngày 18/8/2011.

“Hôm đó vào khoảng 18h, nhận được tin báo cháy, tôi cùng với anh em trong đội Chữa cháy chuyên nghiệp, đội cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp và toàn bộ ca trực của đơn vị cùng 4 xe chữa cháy đến nơi xảy ra vụ việc.Trước diễn biến phức tạp của đám cháy, tôi được giao nhiệm vụ trinh sát đám cháy, đồng thời giải cứu ba cô gái đang bị kẹt trên tầng 3 của toà nhà. Đeo mặt nạ chống độc, lần lượt đưa ba công nhân xuống đất an toàn. Khi quay trở lại tiếp tục tìm kiếm thì tôi bị ngạt khói ngất lịm, ngã xuống và nằm bất động trên sàn nhà”, - Anh Tuấn nhớ lại.

Còn cuộc giải cứu những người bị nạn trong vụ cháy tòa chung cư 18 tầng JSC ngày 10/3/2011 vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lính cứu hỏa Ba Đình và Từ Liêm. “Đám cháy xảy ra ở tầng 16, từ tầng 14 trở lên, anh em phải dùng bình oxy mới leo lên được. Mặc dù dùng đèn chiếu sáng công suất lớn, nhưng đứng cách nhau chừng 3-4m là không nhìn thấy nhau bởi khói đặc quánh. Để tìm được vào các phòng, chúng tôi phải dùng tay lần theo bờ tường. Ưu tiên cao nhất là tìm kiếm người còn mắc kẹt trong đám cháy”- trung tá Ngô Thanh Lâm, Đội trưởng phòng cảnh sát PCCC Ba Đình nhớ lại.

Hạ sĩ Đặng Tuấn Anh từng tham gia nhiều vụ cháy lớn như cháy kho hàng ở phố Ngụy Như Kon Tum, cháy tòa nhà 13 tầng tại 25 Vũ Ngọc Phan...Có mặt tại hiện trường, anh cùng đồng đội nhanh chóng tỏa đi tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân. Tại tầng 14, nghe tiếng kêu cứu, anh mò mẫm trong làn khói đen và phát hiện người phụ nữ đang mang bầu ngồi trên chiếc ghế ở ngoài lan can với vẻ mặt hoảng sợ. Tuấn Anh kể lại: "Nhường nạn nhân chiếc mặt nạ phòng độc, tôi dùng khăn ướt quấn vào mặt và bế chị ấy rời khỏi đám khói. Chạy được xuống tầng một thì cũng gần kệt sức nhưng cũng thấy hạnh phúc vì đã cứu được hai người".

Không nhớ mình phải chạy lên xuống tòa nhà 18 tầng bao nhiêu lần, nhưng hạ sĩ Trương Quang Sơn nhớ như in trường hợp cứu hai bố con người nước ngoài ở căn hộ tầng 17. Mất thời gian lâu tìm và hô hoán, Sơn phát hiện hai bố con ở trong phòng sâu nhất trong căn hộ. Sau vài câu giao tiếp bằng tiếng Anh thông thường, chàng lính cứu hỏa đã hướng dẫn họ vượt qua đám khói một cách an toàn. Chứng kiến cảnh những người thân ôm nhau khóc nức nở vì thoát nạn, Sơn bảo không riêng anh, nhiều người có mặt ở đó cảm động rơi nước mắt.

“Chỉ là hạt cát thôi”

Những người lính cứu hỏa mà tôi gặp đã khiêm tốn nói về mình như thế. “Nghề của chúng tôi có gì đâu mà kể, cứu người cứu tài sản của người bị nạn là nhiệm vụ, là trách nhiệm rồi!”, anh Chanh chia sẻ. Băn khoăn tự hỏi không biết trước đám cháy hung tàn, trước sức nóng khủng khiếp, khói độc mà chỉ vài phút có thể tử vong, những người lính cứu hỏa có khi nào mảy may run sợ. “Cái cảm giác nguy hiểm chỉ diễn ra một tích tắc nào đó thôi, còn thấy đám cháy, thấy người bị nạn còn mắc kẹt là mình phải lao vào cứu chữa. Đó là nhiệm vụ, là bản lĩnh nghề nghiệp nếu có hy sinh thì cũng chấp nhận thôi”, đại úy Phạm Văn Tuấn nói.

Tất cả lính cứu hỏa đều thừa nhận công việc họ đang làm rất nguy hiểm. Với họ, chữa cháy trong những công trình sắp sập, trong tầng hầm, có chất nổ hoặc mạng lưới dây điện không an toàn… là đồng nghĩa đối mặt với cái chết. “Nhiều khi chúng tôi chữa cháy ròng rã nhiều giờ liền, nóng muốn chảy cả người! Nếu không có sức khỏe tốt, chưa cần nhà sập, tường đổ, có khi anh em chúng tôi đã “quỵ” rồi”-anh Nguyễn Văn Nguyện chia sẻ. Trong khi đó, điều kiện bảo hộ an toàn cho cảnh sát PCCC còn nhiều hạn chế, thu nhập cũng chưa thực sự đảm bảo điều kiện sống cho người lính.

Mặc dù vậy, vượt lên tất cả những người lính PCCC vẫn đang từng ngày, từng giờ giữ gìn sự bình yên, giảm thiểu thiệt hại do “giặc lửa” gây ra. “Trong quá trình chữa cháy, anh em luôn xác định dù có nguy hiểm, dù biết có thể hy sinh vẫn phải bám trụ. Dập tắt được đám cháy, cứu được người bị nạn là hạnh phúc lớn nhất, là nguồn động viên cao nhất. Chỉ cần giúp được người khác chút gì, chỉ cần chứng kiến giọt nước mắt đoàn tụ của những người thoát lưỡi hái giặc lửa là mình thấy vui, thấy hạnh phúc rồi!”, thượng tá Trần Văn Vụ tâm sự.

Hoàng Toản

Đọc thêm

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.

Bắt tạm giam người điều khiển tàu khách gây tai nạn trên sông Tiền

Lực lượng chức năng tống đạt các Quyết định và Lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Được.
(PLVN) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường thuỷ trên sông Tiền, đoạn thuộc ấp 1, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, làm 1 người chết và 2 người bị thương. Chiều ngày 22/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Được (SN 1982, trú xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ”.

Gia Lai: Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lĩnh 12 tháng tù treo

Gia Lai: Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lĩnh 12 tháng tù treo
(PLVN) - Sáng 22/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa bị cáo Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”; bị cáo Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.