Vạn phong thành thiện - Bảo tháp kỳ vĩ thời Lý nơi đất Thành Nam

Bệ đá chạm rồng thời Lý - báu vật của phế tích Chương Sơn, hiện đang được lưu giữ ở chùa Nề (Long Chương tự).
Bệ đá chạm rồng thời Lý - báu vật của phế tích Chương Sơn, hiện đang được lưu giữ ở chùa Nề (Long Chương tự).
(PLVN) - Cách đây gần 1.000 năm, bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện danh tiếng được xây dựng trên đỉnh núi Chương Sơn (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) mang đậm giá trị văn hóa Phật giáo thời Lý. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử của dân tộc, giờ đây trên đỉnh núi Chương Sơn chỉ còn lại dấu vết nền móng của bảo tháp. Tuy nhiên, nhiều bảo vật đã được tìm thấy nơi đây, minh chứng cho một thời kỳ vàng son của nghệ thuật điêu khắc thời Lý. 

Phật giáo vốn đã du nhập vào nước ta từ lâu và ăn sâu trong tâm thức của người Việt. Dưới triều đại nhà Lý, Phật giáo phát triển thịnh vượng và trở thành quốc giáo của nước Đại Việt. Bởi lẽ đó mà Vua, quan, dân chúng thời Lý thường xuyên góp tiền xây dựng chùa, đúc chuông, tô tượng, viết giáo lý nhà Phật. Chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi và bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện là một trong số đó. 

“Linh sơn” 3 lần rồng vàng hiện hữu

Được nhắc đến nhiều trong các thư tịch cổ như “Việt Sử lược”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục”… Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện hay bảo tháp Chương Sơn là công trình Phật giáo kỳ vĩ được xây dựng dưới thời Vua Lý Nhân Tông. 

Bảo tháp Chương Sơn được khởi dựng từ năm 1108 và hoàn thành vào năm 1117. Sách Việt sử lược chép rằng: “Năm Mậu Tý, hiệu Long Phù Nguyên Hòa năm thứ 8 (1108), mùa xuân, tháng Giêng, xây tháp Chương Sơn”. Còn trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, tại phần Nhân Tông hoàng đế, Đinh Dậu, năm thứ 8 (1117) (Tống Chính Hòa) năm thứ 7 có ghi chép lại rằng: “Tháng 3, ngày Bính Thìn, vua ngự đến núi Chương Sơn để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Có rồng vàng hiện”.

Về huyền tích này, trong “Việt sử lược” cũng ghi lại, tại đỉnh núi Chương Sơn khi xây dựng bảo tháp có 3 lần rồng vàng xuất hiện vào các năm 1107, 1114, 1117. Điều đó cho thấy đây là vùng đất thiêng và các vua nhà Lý thường lui tới. 

Tra trong sử sách, thấy ít nhất 12 lần địa danh bảo tháp Chương Sơn được ghi chép trong Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư. Một loạt sự kiện xảy ra quanh núi Chương Sơn được “Việt sử thông giám cương mục” ghi lại như: vua ngự chơi Chương Sơn năm 1106; dừng chân thưởng ngoạn, vua lại trên đường tới hành cung Ứng Phong (Ứng Phong là phủ Nghĩa Hưng thời Lê, tức là đất ba huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay) xem cày ruộng… 

Chùa tháp Chương Sơn còn có tên khác là Bảo Đài Sơn. Trong kho tàng thơ văn xưa của Việt Nam còn thấy thơ phú của các bậc vua Lý, chúa Trịnh ghi ở Bảo Đài Sơn. Vua Lý Nhân Tông (1279-1293) có thi phẩm truyền đời Đăng Bảo Đài Sơn (Lên núi Bảo Đài). Xin ghi lại thi phẩm của Nhân Tông hoàng đế như sau: 

“Ðịa tịch đài du cổ,

Thời lai xuân vị thâm.

Vân sơn tương viễn cận.

Hoa kính bán tình âm.

Vạn sự thủy lưu thủy,

Bách niên tâm dữ tâm.

Ỷ lan hoành ngọc địch,

Minh nguyệt mãn hung khâm”.

Dịch nghĩa:

“Đất hẻo lánh, đài thêm cổ kính,

Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu.

Núi mây như xa, như gần,

Ngõ hoa nửa rợp, nửa nắng.

Muôn việc như nước tuôn nước,

Trăm năm lòng lại nhủ lòng.

Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc,

Ánh trăng sáng chan hoà trước ngực”.

Trong bài thơ, chữ “Đài” Nhà vua nói đến chính là ngọn tháp Bảo Đài - Chương Sơn bên chùa Đông Sơn. Nơi mà Nhà vua “Tựa hiên ôm sáo ngọc” dưới ánh trăng trong lấp lánh đầy người. Không chỉ có các vị vua, quan thời nhà Lý mới ngây ngất trước vẻ đẹp của bảo tháp Chương Sơn, cùng phong cảnh hữu tình nơi đây mà ngay cả Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) khi tới đây cũng cảm tác bài thơ “Bảo Đài Sơn”. 

Thành bậc lan can (tay vịn thành bậc) của phế tích Chương Sơn.
 Thành bậc lan can (tay vịn thành bậc) của phế tích Chương Sơn.

Người dân nơi đây vẫn thường nhắc lại rằng, ngôi chùa xưa được xây dựng trên đỉnh núi vào thời nhà Lý có quy mô rất lớn, khoảng 100 gian. Khi đó, trên đỉnh núi còn có ngôi chùa thờ Phật bằng gỗ trạm trổ vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Thế nhưng, khi nhà Minh sang xâm lược vào thế kỷ XV, chúng đã phá hủy hoàn toàn bảo tháp và ngôi chùa.

Sau khi phá hủy xong bảo tháp, chúng bắt ép dân ta gánh đất từ dưới chân núi lên đổ trên đỉnh Chương Sơn nhằm mục đích chôn lấp tất cả những tàn tích còn sót lại. Đến năm 1670, có hai chị em gái Lương Thị Ngọc Phú và Lương Thị Ngọc Vinh cùng là quý phi của Tây Định vương Trịnh Tạc đã bỏ tiền ra xây chùa ở phía Tây sát dưới chân núi, đưa một số bảo vật còn sót lại của phế tích Chương Sơn xuống.

Nay chùa thuộc thôn Ngô Xá, còn có tên chữ Phi Lai tự. Ngày nay, hai ngôi chùa Nề và Ngô Xá tại xã Yên Lợi là nơi lưu giữ hai bảo vật quan trọng gồm: chân đế bia đá chạm rồng thời Lý và một bức tượng phật A Di Đà bằng đá xanh thời Lý cùng hàng chục hiện vật quý giá khác còn lại của bảo tháp Chương Sơn. 

Đặc sắc nghệ thuật kiến trúc thời Lý

Bắt đầu từ cuối năm 1966 đầu năm 1967, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật tìm kiếm trên đỉnh núi Chương Sơn với diện tích 900m trong nhiều năm. Theo TS. Hoàng Văn Cương, Bảo tàng tỉnh Nam Định. Trong suốt quá trình khảo cổ, cả đoàn đã vô cùng bất ngờ khi tìm ra chân móng của tháp cổ cùng hơn 200 di vật đá và 50 viên đất nung.

Vết tích còn lại của bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện trên núi Chương Sơn là bốn bức tường ghép bằng những tảng đá lớn, quây thành nền hình vuông, hai cửa có bậc lên xuống ở phía Đông và phía Tây, phía dưới là sân lát gạch. Vòng ngoài chân tháp hiện còn mỗi bề rộng 19m.

Đá dùng để xây tháp được liên kết với nhau bằng cá chì theo kiểu đục lỗ mộng, đổ chì nấu lỏng vào hoặc khoan lỗ rồi dùng dây đồng xâu lại thắt chặt. Các bộ phận kiến trúc bằng đá như đố dọc, mí cửa, bệ cửa cuốn, thành bậc, chân cột... của bảo tháp phần lớn đều được phủ kín bằng các hình tượng trang trí đặc trưng thời Lý như: rồng, phượng, khỉ, tượng đầu người mình chim...

Nổi bật trong số đó là chân đế bia đá chạm rồng thời Lý, nặng gần 9 tấn, với kích thước dài 2,4m, rộng 1,76m, dày 0,9m, hiện đang được lưu giữ tại ngôi chùa Nề. Ngôi chùa nằm ở phía Đông núi Chương Sơn, ngay dưới chân núi và mới được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Mặt bệ nổi đôi rồng to lớn chầu vào một lá đề, thân rồng trơn không có vảy, chân rồng khỏe khoắn khoe móng vuốt sắc nhọn.

Xung quanh bệ là hình hoa văn sóng nước. Trên bệ đá này có tấm bia được chế tác vào năm 1670, văn bia chữ Hán có đoạn được dịch: “Đến quân Minh sang xâm lược nước ta, chúng sinh lòng gian ác phá hỏng các tượng Phật bằng đá, chỉ còn tượng trên bệ đá ở tầng thứ hai giữa đỉnh núi. Tháp Chương Sơn đã bị phá hủy tan tành”.

Một tảng đá xây dựng được chạm trổ công phu còn sót của bảo tháp được lưu giữ tại chùa Ngô Xá.
 Một tảng đá xây dựng được chạm trổ công phu còn sót của bảo tháp được lưu giữ tại chùa Ngô Xá.

Pho tượng được nhắc đến trong bia đá trên chính là Bảo vật quốc gia tượng Phật A Di Đà bằng đá xám xanh tại chùa Ngô Xá. Về kích thước, tượng có tổng thể bệ và tượng cao 2m. Trong đó, phần tượng cao 0,92m, hai đầu gối khuỳnh rộng 0,72m, phần bệ cao 1,08m, bệ sen có đường kính 0,76m. Tượng có khuôn mặt và dáng hình nam giới, gần gũi với đồi thường.

Phật ngồi trong tư thế thiền định, hai chân xếp bằng, đầu gối khuỳnh rộng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước. Đầu tượng và thân tượng ghép với nhau bằng mộng có thể tháo rời. Mình tượng thon thả, bụng mảnh dẹt, mặc pháp y với hai lớp áo mỏng bó sát người, xếp thành nhiều nếp.

Thân tượng liền khối với cổ bệ. Cổ bệ hình tròn dẹt, 2 mặt trên dưới phẳng, xung quanh chạm nổi 2 con sư tử trong tư thế nhìn nghiêng, miệng cùng ngậm chung một viên ngọc, đuôi chụm nâng hình lá đề. Bệ tượng có phần trên là đài sen dùng để đặt tượng.

Đài sen hình tròn dẹt, mặt ngoài tạo 2 lớp cánh sen nổi ôm sát nhau. Lớp cánh trên to mập, cứ một cánh to xen một cánh nhỏ. Lớp dưới cánh dài nhỏ, bố trí so le với lớp trên. Trên mặt các cánh sen chạm nổi hình một đôi rồng chầu, thân hình mềm mại, đầu hướng lên trên, với các chi tiết hoa văn dày đặc được chạm đục tinh tế.

Tượng Phật A Di Đà từng được thờ tại phế tích bảo tháp Chương Sơn.
Tượng Phật A Di Đà từng được thờ tại phế tích bảo tháp Chương Sơn. 

Đây là điểm đặc trưng của nghệ thuật trạm khắc thời Lý, rồng thời kỳ này không giống rồng Trung Hoa hay thể hiện uy quyền. Con rồng thời Lý dù trên bất cứ chất liệu nào cũng được chạm khắc không quá sâu, hoặc có thể hiểu là hình khối không nổi quá cao. Có lẽ thẩm mỹ thời Lý không thích hình khối mà quan tâm nhiều đến hình dáng. 

Ngoài bức tượng Phật A Di Đà thì hiện vật là thành bậc lan can hay còn gọi là tay vịn thành bậc của di tích bảo tháp Chương Sơn được công nhận là bảo vật Quốc gia. Di vật này gồm hai tấm đá lớn ghép lại, chạm hình sóng cuộn, tay vịn được chạm cả hai bên mặt, mỗi mặt có 7 hình người, trong điệu múa dâng hoa, mỗi người ở tư thế khác nhau.

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở đây những viên gạch lớn ghi chữ Hán “Lý gia đệ tứ đế Long Phù Nguyên Hòa ngũ niên tạo”. Nghĩa là được chế tạo vào đời vua thứ tư nhà Lý, niên hiệu Long Phù Nguyên hóa năm thứ năm - tức 1105, chứng tỏ những viên gạch này được sản xuất trước khi xây dựng tháp 3 năm.

Nhiều di vật độc đáo thời Lý được tìm thấy tại quần thể di tích bảo tháp Chương Sơn; đình - chùa Ngô Xá và chùa Nề là minh chứng cho một vùng địa linh, còn lưu giữ bao giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, nghệ thuật. 

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.