Người bảo vệ quần thể thông đỏ quý hiếm bậc nhất Việt Nam

Già K’Ten bên những gốc thông đỏ cổ thụ quý hiếm
Già K’Ten bên những gốc thông đỏ cổ thụ quý hiếm
(PLVN) - Để bảo vệ quần thể thông đỏ quý hiếm hàng nghìn năm tuổi ở núi Voi, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), gần 20 năm qua, già làng K’Ten bất chấp hiểm nguy rình rập, dựng lều án ngữ ngay lối vào độc đạo dưới chân núi làm “đồn trú”, bảo vệ rừng già.

Bản lĩnh người mang ơn núi rừng

Là người đã gắn bó với rừng già ở Núi Voi, thuộc tiểu khu 268, 277, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) từ ngày mới lọt lòng, K’Ten hiểu rõ những cánh rừng nơi đây hơn ai hết. Thời còn chiến đấu, tiêu diệt tổ chức phản động Fulro, chính ông là người nằm vùng trên đỉnh núi Voi, cùng lực lượng chuyên án của Công an tỉnh Lâm Đồng cô lập Fulro đến những đối tượng cuối cùng. 

Già làng K’Ten thuộc lòng từng gốc thông đỏ quý hiếm cả nghìn năm tuổi trên núi Voi mà không cần đến thiết bị xác định tọa độ mà cán bộ Kiểm lâm đi rừng vẫn phải thường dùng tới. Nhưng sau năm 2000, sự bình yên của quần thể thông đỏ cổ thụ này bị hoàn toàn phá vỡ khi có thông tin cho rằng giá trị đặc biệt của loại cây vốn đã ngự trị rừng già cả nghìn năm qua: Thông đỏ có thể chiết xuất chất chữa bệnh ung thư. Khi các đại gia lắm tiền nhiều của bắt đầu chú ý, giá trị gỗ thông đỏ tăng mạnh cũng là lúc quần thể thông đỏ ở núi Voi bắt đầu gục ngã dưới những đường cưa máy lạnh lùng ngày đêm gầm rú. 

Một thời gian dài, lực lượng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng không ai biết, nhưng K’Ten thì biết rất rõ: Thông đỏ đang bị giết. Chính ông là người đầu tiên can đảm đứng ra bảo vệ quần thể thông đỏ cả nghìn năm tuổi đặc biệt quý hiếm trên núi Voi.

Thấy “máu” thông đỏ chảy, từng cây ầm ầm đổ xuống, già K’Ten xót xa, quyết định bỏ lại vợ con sinh sống dưới buôn, một mình lên lưng chừng núi Voi, dựng lều án ngữ ngay lối ra vào rừng. 

Bị chặn cửa lên núi, nhiều toán lâm tặc kéo đến “hối lộ” K’Ten nhưng đều bị ông lắc đầu. Mua chuộc không được, chúng chuyển sang uy hiếp, đe dọa, già K’Ten vẫn không hề nao núng. Một mình ông dù đơn độc nhưng vẫn kiên quyết đương đầu với những đối tượng định phá rừng. “Mình sống đến ngày nay là nhờ vào rừng. Núi Voi đã che chở cho mình. Bây giờ mình có bị lâm tặc gây hại ra sao thì cũng là để sống trọn nghĩa với rừng già!..”, K’Ten nói. 

Lâm tặc uy hiếp không thành, chuyển sang châm lửa đốt cháy căn lều, đổ thuốc độc xuống ao của gia đình K’Ten khiến cá chết trắng không còn một con. Lều cháy rụi, K’Ten lại gọi con cháu tới phụ giúp dựng lại căn lều mới. Bản lĩnh gan dạ của người từng xông pha trận mạc, nằm vùng đánh đuổi Fulro lại giúp ông đương đầu với kẻ xấu để bảo vệ bằng được quần thể thông đỏ quý hiếm. 

K’Ten kể có lần bị những kẻ lạ bịt mặt, chặn đường đánh phải nhập viện cấp cứu. Vết thương còn chưa lành, sợ thông đỏ ở núi Voi những ngày vắng ông sẽ bị “lâm tặc” tàn sát, già K’Ten lại đòi về chòi nằm.  

Bình yên trở lại

“Cửa rừng” từ ngày có ông canh gác, bình yên thấy rõ. Một doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao rừng để triển khai dự án du lịch sinh thái đã tới mời ông về trông coi, bảo vệ quần thể thông đỏ. Từ đó tới nay, quần thể thông đỏ quý hiếm nghìn năm tuổi này không còn “chảy máu”. 

Già K’Ten đang nhận trông coi, bảo vệ quần thể thông đỏ với 57 cây, trên diện tích 32ha rừng nguyên sinh, thuộc tiểu khu 268, 277, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Nếu tính toàn bộ khu vực núi Voi, thông đỏ hiện đang có trên 400 cây. Sau những vụ tàn sát thông đỏ, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã gắn chíp vào từng cây để theo dõi quản lý, bảo vệ. 

Già K’Ten mời chúng tôi vượt rừng cao lên núi Voi thăm quần thể thông đỏ. Ở cái tuổi đã gần 70 nhưng già K’Ten vẫn leo núi nhanh nhẹn như một con sóc. Ông thoăn thoắt băng rừng, thuộc lòng từng vị trí có cây thông đỏ như trong lòng bàn tay. Khi chúng tôi lên tới độ cao khoảng 1.600m so với nước biển, cây thông đỏ cổ thụ đầu tiên gắn số 206 bắt đầu lộ diện. Đây là cây thông rất lớn, ngự trị, nổi bật nhất khu rừng già mà chúng tôi gặp. 

“Chưa ăn thua gì đâu, lên nữa đi, tới độ cao gần 1.900m sẽ có một cây rất to nhưng chưa phải là lớn nhất đâu. Cây lớn nhất đánh số 100 nằm ở độ cao gần 2.000m kia, đường khó đi, sợ không lên nổi thôi!..”, K’Ten nói. Cây thông đỏ đầu tiên chúng tôi tiếp cận có đường kính gốc khoảng 1,5m, thân cây to lớn, vươn thẳng, cao vút nổi trội giữa cánh rừng già nguyên sinh, bộ rễ chắc khỏe quanh gốc nổi cộm lên khỏi mặt đất. 

Mặt trời đứng bóng, cũng là lúc già K’Ten đưa tôi đặt chân tới gốc cây thông được gắn số 143 ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Đây là cây thông đỏ được cho là to lớn bậc nhất ở khu vực núi Voi. Cây cao thẳng tắp tới hơn 30m, đường kính gốc gần 3m, rễ to lớn nổi lên mặt đất, vươn ra xa trong vòng 1.000m². Dáng cây sừng sững như già làng K’Ten không ngại vất vả hiểm nguy vẫn hiên ngang giữ rừng. Cả những cây thông đỏ và già làng K’Ten đều là báu vật của núi Voi, của rừng Đức Trọng.

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.