Ngồi trước một tấm biểu ngữ và đang nói với một giọng đặc trưng vùng Koh Kong ở Campuchia, gần biên giới Thái Lan, người đàn ông trong đoạn video tuyên bố về một kế hoạch không rõ ràng “nhằm giải phóng đất nước khỏi chế độ độc tài Hun Sen”.
Xác định danh tính
Người đàn ông trong đoạn video nói: “Đơn vị ở khu vực Tây Nam thông báo đến tất cả các đơn vị và các bộ, ngành ở trong khắp cả nước nhanh chóng chuẩn bị để đối địch lại với chế độc độc tài do đảng CPP của ông Hun Sen lãnh đạo. Đơn vị chúng tôi không thừa nhận chính phủ hiện nay của Hun Sen”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, Đại tướng Chhum Socheat ngày 20/7 nói rằng đã xác định được danh tính người đàn ông trong đoạn video nói trên. Quan chức này phát biểu: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại danh sách cả những người trong quân đội và giới dân sự”, song từ chối tiết lộ về nơi ở hay nghề nghiệp của người này.
 |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen
|
Người phát ngôn Lực lượng Quân cảnh Campuchia Eng Hy cũng không nêu tên họ cụ thể và xác nhận liệu người này có thực sự là quân nhân của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia (RCAF) hay không? Ông Eng Hy nói: “Hiện chúng tôi đang điều tra vụ này, và trong thời gian điều tra, chúng tôi không thể đưa ra danh tính cũng như bình luận chi tiết về việc này”.
Tuy nhiên, báo chí địa phương ngày 20/7 đã cho biết tên người này là Som Vichea, trong khi trên một tài khoản Facebook có tên như trên có một số ảnh và video cho thấy người này mặc quân phục và đứng cùng với các binh sĩ khác.
Cảnh báo cộng đồng mạng
Trong khi đó, người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Campuchia, Tướng Kirt Chantharich, kêu gọi: “Cộng đồng Facebook cần hết sức lưu ý, đặc biệt là không chia sẻ tuyên bố về kế hoạch đảo chính này, vì nó sẽ trở thành hành động ủng hộ hoạt động này”.
Ngày 20/7, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Khmer (KNLF), có trụ sở tại Đan Mạch, ra tuyên bố khẳng định người xuất hiện trong đoạn video là thành viên của KNLF nhưng bác bỏ việc người này kêu gọi tiến hành đảo chính, vì “mục đích của KNLF là thảo luận trong hòa bình và người này chỉ kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân nhận thức được các vấn đề của đất nước”.
Khun Chanto, người phát ngôn của KNLF, một tổ chức từng bị ông Hun Sen cáo buộc là một tổ chức khủng bố, nói rằng người đàn ông trong đoạn video là một thành viên lâu năm của nhóm này.
Ông Khun Chanto nói: “Người đàn ông trong đoạn video trên có tên là Som Sovannara, nhưng ông ta hiện sống ở nước ngoài. Khi KNLF mới thành lập vào tháng 12/2012, tôi đã thấy tên người này trong danh sách tổ chức này”.
 |
Người đọc tuyên bố kêu gọi đảo chính trong đoạn clip xuất hiện trên YouTube
|
Đoạn băng hình 4 phút
Trước đó, Đại tướng Chhum Socheat cho biết quân đội nước này đang khẩn trương điều tra một kế hoạch đảo chính chống lại Thủ tướng Hun Sen.
Vụ việc bắt đầu từ một đoạn băng hình được đưa lên "Youtube" và mạng xã hội "Facebook" ngày 17/7 trong đó có một người đàn ông tự xưng là người “Siem Reap Angkor” với lời kêu gọi quân đội chuẩn bị cho một cuộc đảo chính quân sự:
"Đơn vị ở khu vực Tây Nam thông báo đến tất cả các đơn vị và các bộ, ngành ở khắp cả nước nhanh chóng chuẩn bị để chống lại chế độ độc tài do đảng CPP của ông Hun Sen lãnh đạo. Đơn vị chúng tôi không thừa nhận chính phủ hiện nay do Hun Sen, Chủ tịch CPP lãnh đạo".
Đoạn băng hình dài khoảng 4 phút, đưa ra nhiều cáo buộc đối với ông Hun Sen như vi phạm nhân quyền trong suốt 31 năm cầm quyền và coi đó là lý do để thực hiện một cuộc đảo chính quân sự.
Đoạn băng hình này trước đó không được phát tán rộng rãi cho đến khi trang mạng "Fresh News" - được coi là có mối liên hệ với đảng CPP - đưa lên ngày 19/7 kèm một bài viết về kế hoạch cuộc đảo chính.
Cùng khoảng thời gian này, nhiều đoạn băng hình khác được lan truyền trên "Facebook" cho thấy cảnh nhiều xe tăng đang được di chuyển từ căn cứ quân sự gần đền Preah Vihea ở khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan về Phnom Penh ngày 18/7.
"Hành động này hết sức điên khùng và các lực lượng vũ trang của chúng tôi đang tìm kiếm người đàn ông kêu gọi tổ chức một cuộc đảo chính chống lại chính phủ hợp pháp. Chúng tôi sẽ không cho phép một cuộc đảo chính quân sự xảy ra ở Campuchia. Đây là một hành động điên khùng mà chúng tôi không thể chấp nhận" - Nhật báo Campuchia trích lời tướng Chhum Socheat.
 |
Một đơn vị xe tăng của quân đội Campuchia
|
Tuy nhiên, Tướng Chhum Socheat nói rằng việc di chuyển xe tăng không liên quan đến mối đe dọa đảo chính bởi các xe tăng này được di chuyển đến một căn cứ quân sự lớn ở tỉnh Kompong Speu, cách Phnom Penh khoảng 45 km về phía Tây, dọc quốc lộ 4.
Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Một số xe tăng được đưa từ tỉnh Preah Vihear về căn cứ quân sự ở tỉnh Kompong Speu để sửa chữa". Trong lúc đó, Tư lệnh sư đoàn 3 đóng quân ở tỉnh Preah Vihear, Tướng Srey Doek, từ chối bình luận về việc di chuyển xe tăng và đề nghị chuyển câu hỏi này đến Đại tướng Hing Bunheng, Tư lệnh đơn vị bảo vệ Thủ tướng Hun Sen.
Tuy nhiên, tờ Nhật báo Campuchia cho biết không thể liên lạc được với Tướng Hin Bunheng và Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh.
Nhà nghiên cứu Long Kimkhorrn, chuyên gia về quân sự và các mối quan hệ quốc tế của Đại học Tổng hợp Panasastra ở PhnomPenh, nói rằng căn cứ quân sự ở Kompong Speu có vị trí chiến lược quan trọng bởi nó ở sát thủ đô Phnom Penh đồng thời là nơi đóng quân của trung đoàn nhảy dù cơ động 911.
Do vậy, "việc di chuyển này dứt khoát không phải để sửa chữa, hoặc chỉ do một vài vấn đề kỹ thuật, mà việc di chuyển những phương tiện này về Kompong Speu, vốn là một khu vực quân sự đặc biệt, là do vấn đề an ninh ở thủ đô".
Ông này nói thêm rằng việc di chuyển xe tăng có thể liên quan đến việc xuất hiện đoạn băng hình đe dọa đảo chính quân sự hoặc để đảm bảo an ninh trong lễ tang nhà phân tích chính trị nổi tiếng Kem Ley được dự đoán là sẽ có hàng chục nghìn người đến viếng.
 |
Dòng người đến viếng ông Kem Ley
|
Tuy nhiên, Bun Buntenh, một nhà sư bất đồng chính kiến, thành viên ban tổ chức lễ tang ông Kem Ley cho rằng hành động di chuyển xe tăng là để đe dọa những người kéo về Phnom Penh viếng nhân vật này. Trong khi đó, ông Phay Siphan, Quốc vụ khanh Nhà nước, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng thì nói rằng chính quyền không có ý định đe dọa ai cả.../.