[Truyện ngắn] Vịn vào ngọn lúa bay lên

[Truyện ngắn] Vịn vào ngọn lúa bay lên
(PLVN) - “Nếu không có những gã săn bắt, thì loài cò sẽ gần gũi với con người biết bao nhiêu. Gần gũi như cây lúa với con người. Cây lúa được con người bảo vệ. Lúa trĩu hạt vàng thì người vui. Còn cò, loài chim trời không phải lúc nào cũng được bảo vệ hay thoát khỏi cảnh truy đuổi, dù cò vạc thân thương, làm đẹp cho đồng điền và cuộc sống con người”.

1. Chíu. Xoạt. Viên đạn chì sượt qua cánh. Đau điếng. Một cảm giác gãy vụn. Mấy cọng lông của mình bung ra, lòa xòa rơi xuống mặt nước. Mình không bay lên. Mình trốn vào lúa. Hai kẻ săn cò đuổi theo vì tưởng mình trúng đạn sẽ không chạy nhanh được. Hai gương mặt tớn tác xách súng lội nước, lội lúa. Bốn con mắt lục lọi kiếm tìm. Mình chạy nhanh. Lúa che mặt người. Mình đứng lại khi không thấy bốn cái chân rào rào.

- Rõ ràng đã trúng rồi. - Tên cao to nói.

- Nó sẽ không chạy được xa. Cũng không bay được nữa. - Tên thấp đậm nói.

Cả hai bảo nhau sục sạo thêm một hồi. Không thấy, chúng bảo nhau bỏ đi. Ruộng lúa xiêu vẹo bởi những vết chân người vừa cắm xuống bùn đã nhấc lên.

Cảm ơn lúa với màu xanh rộng lượng, đã cho ta nương náu cuộc đời. Thật may. Đây là lần thứ mấy mươi, không nhớ nữa, mình bị bắn. Nặng nhất là lần ở đồng Bún, hai gã săn đã bắn khiến một mỏm cánh của mình bị bắn cụt. Viên đạn chì sượt bên phần lưng. Phải mất nửa tháng vết thương mới lành. Những lần khác chỉ bị sượt qua. Cũng bởi càng sống đủ lâu, mình càng tăng sự nhạy cảm để có thể đề phòng. Như loài lúa đề phòng loài chuột và cỏ dại. Có lẽ giác quan trên cơ thể mình đã tinh nhạy đến độ biết cảnh báo. Mỗi khi nguy hiểm cận kề là cảm giác trời cho ấy trỗi dậy, giúp mình bản năng nấp vào chỗ kín hoặc xòe cánh bay lên. Lần này mải mê kiếm cá trên vũng nước cạn, mình hơi chủ quan. Khi thấy nguy hiểm đang thổi tới, mình lẩn thật nhanh. Bây giờ thì mình đã an toàn trong bời bời lúa xanh. 

Bạn đời của mình không may đã trúng đạn vào đúng mùa yêu của hai năm về trước. Anh ấy mất cũng vì che chở cho mình. Trong khi đi kiếm mồi, bao giờ sự tỉnh táo của anh ấy giúp cả hai và đàn cò vạc vượt qua lưới vây, qua những cạm bẫy bị giăng khắp các xứ đồng. Hôm ấy như mọi lần anh ấy đứng về mé bờ kênh, những nơi bọn săn bắn có thể phục chờ. Anh ấy nhường phía ít hiểm nguy cho mình. Với sức vóc của con đầu đàn, một con đực khỏe khoắn vạm vỡ, anh ấy sẵn sàng hy sinh cho bạn đời và đồng loại. Mất bạn đời là nỗi đớn đau chẳng biết bao giờ mới nguôi ngoai trong tâm hồn nhiều thổn thức của mình.

Một thân mình chăm lo cho bốn cò con. Bốn con và một cò già. Thế gian rộng mở đời ta nhọc nhằn. Một mẹ chăm được bốn con nhưng khó có chuyện ngược lại. Làm mẹ mới biết có con là một hạnh phúc và chăm con là một thiên chức tuyệt vời. Giờ các cò con đã sức dài vai rộng, được mình dạy bản năng sinh tồn, sự nhạy cảm trong bước đường kiếm ăn. Mình dặn các con phải dựa vào cây xanh, bờ lúa, không kiếm ăn nơi trống trải và không ham mồi, để bản thân trơ ra trước dã tâm. Bọn chúng cũng biết bảo vệ nhau, tối tối về đàn mách mẹ những kỹ năng mới rút ra được. Mình mừng lắm.

2. Mình đã thấy những thân lúa bị chuột bọ tấn công và nhiều năm năng suất lúa giảm sâu. Loài gặm nhấm đó ăn đủ thứ và cướp đi công lao của người nông dân chăm chỉ. Chúng tàn phá mùa màng và trở thành kẻ thù không đội trời chung với con người. Mình cay đắng ghét bọn chúng. Chập tối, lúc loài cò còn mải mê kiếm ăn muộn thì loài chuột chui ra khỏi hang, cõng theo dã tâm loài gặm nhấm. Chúng kéo theo từng đàn với những cái răng được vót nhọn bởi bản năng tai ác của một lũ giặc cỏ. Có lần cây lúa rì rào nói với mình: “Nếu không có những gã săn bắt, thì loài cò sẽ gần gũi với con người biết bao nhiêu. Gần gũi như cây lúa với con người. Cây lúa được con người bảo vệ. Lúa trĩu hạt vàng thì người vui. Còn cò, loài chim trời không phải lúc nào cũng được bảo vệ hay thoát khỏi cảnh truy đuổi, dù cò vạc thân thương, làm đẹp cho đồng điền và cuộc sống con người”.

Lúa nói đúng. Loài chim trời luôn tạo vẻ đẹp cho những cánh đồng. Chả phải con người đã lấy vẻ đẹp của đồng làm chất xúc tác để sinh thơ đó sao? Chả phải nhiều bài thơ hay được phổ ra từ sóng lúa và cánh chim dập dờn đó sao? Các con chim chích, chiền chiện, chim sâu… luôn hòa nhịp cùng giọng lúa hát để làm thành những bài ca đồng điền tươi đẹp trên các xứ quê. Đó là bức tranh thanh bình khi cái ác vắng mặt. Đúng hơn là lưới bẫy, họng súng và những cặp mắt rình mò đi vắng. Nhưng cuộc đời đâu có gì toàn vẹn. Vẻ đẹp thanh bình đó sẽ chỉ vững bền, vĩnh cửu trong các bức ảnh, bức tranh và những kỹ xảo của con người. Thực tế ngoài đồng điền luôn biến động như gió nghìn năm trôi mãi. Cây cối ngoài đồng cũng đổi thay theo mùa vụ, theo nắng tháng tư khác chiều vàng tháng tám, mây tháng năm xanh hơn mặt mây tháng mười và không phải lúc nào chim trời cũng có thể đến gần con người.

Năm nào mùa lúa cũng vận động. Vòng quay của lúa chỉ hơn bốn tháng. Nhưng cò luôn đón đợi những mùa lúa được cấy xuống và trổ bông. Cò vạc tạo đồng minh bằng bản tính loài, có khả năng bắt côn trùng để chén và diệt kẻ thù thay lúa. Cò vạc cũng bắt được những chú chuột nhỏ bé bằng thế đứng bất động chờ chuột đi qua rồi giáng cái mỏ dài nhọn vào trúng đầu chuột. Một tiếng “chít” vang lên đau đớn, sau đó nạn nhân chuột oằn oại giãy giụa rồi khép lại với một cái chết. Chuột thành mồi của cò. Nhưng cò chưa bao giờ là mồi của chuột. Cũng như cò là mồi của con người chứ đâu có chuyện ngược lại.

3. Mình lại bị săn. Không ra ngoài kiếm ăn thì bụng đói mà bay ra thì chấp nhận đối mặt hiểm nguy. Lần này bản năng mách bảo sớm, mình đã bay vút lên không trung, trong một tích tắc. Mấy gã săn ập từ ba phía, rồi chúng thót tim khi thấy mình lao lên trời lẫn vào màu mây. Những con mắt giương ngẩn tiếc. Kiếc, kiếc, kiếc, kéc, kéc… Mình kêu lên, thở phào. Mừng vì vừa thoát nạn. Mình gặp đàn vừa bay về từ phía nam và nhận tin một đồng loại đã bị hạ bằng súng. Đó là cò Cổ Xám xấu số. Cò Mỉa nói cả đàn suýt dính bẫy. May mắn cò Tía sớm phát hiện mấy con cò đậu trên bờ ruộng đang kêu cứu là gỗ, được đẽo gọt và phết màu tinh vi, giống cò thật. Một thứ mồi bẫy.

Sao con người có thể bắt cò

Khi cánh cò đã đi vào ca dao và tiềm thức

Là biểu tượng cho sự an nhiên

Bở con người là con người, là chủ vũ trụ

Mọi muông thú phải phục tùng và đều phải hiến thân…

Biết bao lần loài cò hát bài đó và ngẫm nghĩ về phận mình. Nhưng cò cũng ăn sâu bọ, cá tôm đấy thôi. Đó là cuộc sống và quy luật trong chuỗi thức ăn tự nhiên.

Con người có giá trị của họ. Bản năng họ luôn muốn tìm hiểu mọi thứ và điều khiển tự nhiên xung quanh, tìm hiểu những lời giải thích hợp lý cho những hiện tượng thiên nhiên. Họ đã tạo ra khoa học, tôn giáo, tâm lý và thần thoại. Bản năng tò mò đó đã giúp họ tạo ra những công cụ và học được kỹ năng mới mà động vật không làm được.

Vậy phải chấp nhận sống chung với lũ. Muốn sinh tồn loài cò phải thích nghi khôn khéo.

- Chúng ta đi đâu đây? - Cò Tía hỏi.

- Cứ về khu của chúng ta đã. - Mình nói - Hôm nay chắc hẳn tất cả chúng ta đều mệt. Về nghỉ ngơi rồi bàn tiếp.

Cả đàn cưỡi gió, lên hướng bắc, phía bãi sông cây cối rậm rạp. Ở độ cao này không súng săn nào có thể bắn được cò.

4. Người họa sĩ ngồi vẽ cánh đồng, mái tóc lòa xòa phất phơ bay nghệ sĩ. Chẳng phải lần đầu tiên mình thấy họa sĩ vẽ đồng, nhưng bao giờ trong mình cũng gợi về cảm giác bình yên, dễ gần. Cây lúa, gặp người họa sĩ vẽ chắc chắc an tâm bởi chẳng họa sĩ nào lại muốn hại lúa. Không có lợi ích nào chen vào đó. Hôm nay cò Mỉa, cò Tía và bốn cò con theo đàn đi cùng mình. Mình nghĩ cũng sẽ an toàn khi đến gần ông họa sĩ đang chăm chú công việc, tãi những sắc màu lên tranh. Mình chẳng chê bai con người, nhưng tận sâu bên trong mình không nể họ ở khoản này. Bản thân cánh đồng bao giờ cũng là một tuyệt tác, mình ngắm thường ngày, còn con người phải chép lại để giữ. Mà vẻ đẹp ấy bị giới hạn bởi khung tranh. Họa sĩ thấy mấy cò bay lượn trên lúa, rồi kiếm ăn, chốc chốc lại lượn lên duyên dáng thì mừng. Ông ấy có thêm cảm hứng. Lúa rì rào reo. Lúa đang vui vì đã thắng loài chuột.

Cò gần người. Không một chút hoài nghi. Bỗng những tiếng đạn vang lên. Chíu chíu. Cả đàn xòe cánh vụt lên trong hoảng sợ, tớn tác. Mình dẫn đàn tiến về phía đầm nước và nâng dần độ cao. Lúc bình tĩnh lại thì không thấy hai cò con. Bốn con thiếu hai. Đau lòng rồi. Nỗi lo lắng ập vào tim, phổi khiến mình khó thở và cánh mỏi nhừ.

Để cả đàn về tổ ấm trước, mình quay lại tìm con. Phải biết hai con nhỏ ra sao. Chúng còn dại và đáng thương. Nếu chúng thành mồi nhậu… Trời ơi! Mình không muốn nghĩ nữa.

Mình bí mật đến gần nơi đàn bị bắn. Mấy tên săn cò vai khoác súng, tay xách ngược hai cò con, những cái chân cò được bó lại bởi dây đay. Hai cò con còn sống, thi thoảng giãy giụa. Hẳn là hai đứa đau lắm. Chúng kéc kéc kêu.

Bọn săn cò lợi dụng ông họa sĩ. Họ ra đồng thấy ông ngồi vẽ thì tò mò lại gần ngắm. Khi chúng phát hiện đàn cò thì bảo nhau nấp đi, đạn lên sẵn sàng. Cò làm duyên và thấy ông họa sĩ ngồi vẽ trong khung cảnh thanh bình nên chẳng mảy may nghi ngờ. Hậu quả là hai cò nhỏ bị bắt. Chính mình đã gây ra chuyện này. Mình đã xúc động trước cái đẹp và muốn đến gần cái đẹp. Giờ phải trả giá.

5. Lúc buồn mình hỏi lúa: Vì sao con người quan tâm lúa hơn chim cò? Lúa bảo rằng tuổi đời lúa ngắn. Lúa luôn quay vòng để dâng hiến đời mình, làm thực phẩm nuôi con người. Điều đó đã thành quy luật. Con người không cần phải đi săn lúa, ngược lại họ bảo vệ lúa, là thành quả, mùa màng của mình.

Ước gì loài cò cũng là lúa. Mình đã nói thế với một số cò khác. Cò khác bảo mình đau lòng nên nói vậy thôi. Lúa chỉ đứng một chỗ trong bùn đất mà ngước lên trời cao. Còn cò chinh phục độ cao, không gian. Cò tự do tung cánh. Phải rồi. Các cò nói đúng. Đó là chức phận của lúa và cò. Mỗi loài một chức phận, để dòng đời là dòng đời, cuộc sống là cuộc sống.

Cò con nghỉ kiếm ăn mười ngày. Mười ngày vẫn chưa đủ vơi nỗi sợ hãi của một cò từ cõi chết trở về. Sau này cuộc sống của cò con cụt chân sẽ khó khăn hơn.

6. Mình dẫn đàn đi kiếm ăn. Cả đàn ấn tượng một họa sĩ ngồi vẽ ngoài cánh đồng, mình đã nghĩ tới khả năng bọn săn chim mật phục ở đâu đó. Nhưng mình vẫn muốn hỏi họa sĩ câu hỏi, rằng loài săn bắt có dã man không? Sao họ có thể triệt hạ những bức tranh của đồng?

Trời xanh và sóng lúa êm đềm, không gian vắng lặng, mình không cảm thấy nguy hiểm. Mình thấy con người có cách thưởng thức của họ. Ngồi vẽ trong cánh đồng cũng là một trải nghiệm và là cách tận hưởng cuộc sống. Cách người họa sĩ ngồi trên bờ ruộng dõi mắt xa xăm cũng là một tác phẩm trác tuyệt.

Đàn cò sà xuống vũng nước cạn nhiều cá tôm con. Mình tìm cách lại gần người họa sĩ đang lặng lẽ làm việc. Con người luôn muốn chinh phục những vẻ đẹp và bức tranh đồng điền có thể là một vẻ đẹp vĩnh cửu. Như con người nơi này vĩnh cửu cần lúa gạo.

Mình tìm cách tiến gần họa sĩ. Vẻ đẹp đó đã dụ dỗ mình và khiến mình mê mị. Chưa kịp cất tiếng hỏi người thì tiếng súng nổ. Mình giật thót khi viên đạn xoáy vào không gian. Đàn bay ngược phía tiếng súng thì ập vào lưới cước. Loại lưới căng ngược ánh mặt trời sẽ trở nên vô hình và mắt cò không phát hiện ra. Kẻ kinh nghiệm như mình cũng không phát hiện ra. Giác quan loài đâu mất rồi? Hay giác quan nhạy cảm ấy đã bị thói tò mò của mình cũng như vẻ đẹp người họa sĩ thả bùa mê? Mình đã già thật rồi. Trời ơi. Đó là một cái bẫy. Người họa sĩ ngồi vẽ cũng là giả, là cái bẫy. Mấy gã săn cò cử một gã giả làm họa sĩ, cũng bồng bềnh lãng tử. Bọn họ kẻ ngồi vẽ, kẻ nấp vào bóng cây cùng họng súng. Làm sao họ nghĩ ra được mưu ma chước quỷ này?

Tám cò dính lưới. Chỉ mình và hai cò khác thoát thân. Ba con lao về phía tổ ấm. Phải làm sao bây giờ? Trong đầy rẫy hiểm nguy, lúc nào bọn mình cũng dễ tổn thương, khi họng súng và cách săn bắt ngày càng tinh vi thì những con cò dày dặn kinh nghiệm cũng khó bảo vệ mình để khỏi bị tóm.

Phải đi đâu bây giờ hở bầu trời, để thoát khỏi cảnh bị săn đuổi? Bầu trời thì rộng. Cây cối xanh tươi và đồng bãi màu mỡ. Hỏi lúa xanh yêu thân thuộc nghìn đời đã đỡ nâng che chở, cùng loài cò làm đẹp cuộc đời, nhưng sao loài cò khó có chỗ nương thân?!

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

Tin cùng chuyên mục

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.