[Truyện ngắn] Thương một bờ vai

[Truyện ngắn] Thương một bờ vai
(PLVN) - Đêm ngợp mùi khê nồng chát chúa từ cánh đồng hắt lên. Chập tối, hai tía con ra mỏm mương ngồi canh nước, cái gầu còn vứt chỏng chơ ở đó, đất nẻ bong lên từng mảng lớn nhỏ. Phía chân trời xa tít âm thầm kia như đang chọc tức người dưới này, dăm ba ánh chớp lóe lên rồi tắt lịm, nhưng tuyệt không thấy gió lạnh. 

Ở quê bao năm Út biết khi có gió gai người thì sau đó mới có mưa. Út giục tía về ăn cơm, đợi hoài mắt cũng chỉ đỏ thêm, môi khô bợt vì nắng nóng, dân miền này cũng không khác chi mấy thửa ruộng đang trông mưa.

Hôm nhận được thư tía, Út còn chần chừ. Tía bảo đến ngày chuyển mộ cho má, thu xếp công việc về mấy ngày. Lúc đầu Út định chối, chỉ nên gửi tiền về là đủ, chứ ở đây, người ta có cho nghỉ nhiều đâu. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại Út cũng nhớ quê quá chừng, hơn nữa còn phải về nói với người ta dăm ba lời, chứ chờ đợi mãi Út thấy mình bạc.

Vừa chạm tới con kênh nước, ruột gan Út như bị người ta thò tay bóp một cái thiệt mạnh. Cái con kênh đi qua hai làng, muốn sang bên kia phải nhờ ghe xuồng chở giúp, giờ trơ đáy, những mảng bùn bong lên cứng quèo như giãy chết. Mấy nay, nghe thời sự trên vô tuyến Út biết quê mình đang gặp hạn, nước sông Mê Kông bị giảm, lúa đang heo hét chờ chết. Nhưng Út không tưởng tượng được nó lại thế này.

Trời nắng như đổ lửa, như muốn hút sạch chút nước trên cánh đồng. Út băng qua cánh đồng đang ngả màu cháy xém, lưa thưa mấy người tay xách những can nước to xuống đổ vào ruộng lúa. Nhưng chao ôi có thấm gì, nước vừa ộc xuống, đất hút thiệt nhanh rồi lại khô khèo. Mấy người đàn ông lắc đầu ngao ngán “Muối bỏ bể mấy cha ơi.”

Về đến đầu xóm, Út gặp con nhỏ Trinh hàng xóm, chèng đéc ơi, mới mấy năm không gặp mà nó trổ giò nhanh dữ. Nó đi đâu mà lọc tọc đạp xe rõ vội. Nó nhìn thoáng qua là nhận ra Út liền.

- A Út đã về, tối em qua Út chơi nghe.

Nói thế rồi nó phóng đi thật vội, chẳng kịp nói gì. Con nhỏ thiệt tình bao năm vẫn vậy.

Mùa hạn, xóm nghèo cũng xơ xác, nhìn mặt ai cũng võ vàng, mắt ai cũng đỏ au hết cả. Út xót xa khi thấy bóng tía sau nhà. Tía gầy đi nhiều quá. 

- Chờ chi vậy tía, về ăn cơm thôi.

Tía dằn điếu thuốc trên tay rít một hơi thiệt mạnh như cả lồng ngực phồng căng khói để nén tiếng thở dài.

- Đêm nay mà mưa là lúa sống, mình sống con à.

Chẳng còn tiếng ếch ộp oạp như đêm xưa Út về. Bốn bề đều vắng lặng, cái sự yên ắng khó chịu, bức bối lạ thường.

- Mình về ăn cơm rồi mưa ra cũng chưa vội, chớ hai tía con ngồi đây có ích chi.

Nghe nói hoài, tía cũng xuôi xuôi. Hai tía con đứng dậy ra về, bước thấp bước cao, trời không hột gió.

- Trên ấy công việc con thế nào?

- Dạ, cũng được tía à - Út ngập ngừng - Con có mang tiền về phụ tía đây, đừng lo quá nữa.

Tía im lặng một hồi.

- Nếu vụ này nước không về, tía theo người ta lên phố đi phụ hồ.

- Tía ốm thế đi sao được. Con sẽ cố làm để gửi về cho tía.

- Trên phố tía biết, làm có được bao nhiêu, rồi chi tiêu nữa, con gái phải có chút vốn dắt lưng, mai này lấy chồng người ta không khinh. Tía nghèo…

Tiếng tía gần phía trước mà Út nghe xa vắng quá, nước mắt vội trớ ra lúc nào không hay. Út không nói gì, cặm cụi đi. Tía ơi, rồi đây còn có ai người ta dám lấy con nữa…

Bữa cơm thật lẹ làng bên ngọn đèn dầu, xong bữa tía ra võng ngồi hút thuốc, còn Út rửa chén sau hồi. Nghe loáng thoáng đâu đó tiếng nhỏ Trinh ngoài ngõ. Tiếng nó trong vắt, vừa ngây thơ vừa có chút chanh chua.

- Út Hai! Út Hai ơi!

- Chèng đéc ơi, mày kêu gì lớn vậy.

Nó đi vòng qua bếp, trên tay ôm một túi nilong lớn.

- Em qua rủ Út xuống giếng đồng tắm chung. Ở nhà hết nước rồi. Đi một mình sợ lắm.

Út toét miệng cười. 

- Trời chớp mà có trăng thì sao mà mưa được. Thế mà chú Hai cứ mong, ngộ ghê. Năm nay tập xác định là mất mùa rồi. Mai mốt Út cho em theo lên trển làm nha. 

- Uả mà mày học xong chưa?

- Em học xong lớp mười hai rồi, mà thi rớt, ở nhà má la quá trời. Lúc nào cũng lấy Út ra làm gương mệt ghê. Mà nói thiệt em hờn với Út đó.

Út im lặng, lòng chợt chùng xuống xao xót. Có gì mà hờn với Út đây. Lạ thiệt, đứa con gái quê nào cũng nghĩ trên phố giàu sang, lên đó là kiếm bạc triệu dễ như chơi. Ngày trước, Út cũng thế, học xong lớp mười xin tía lên phố làm với người ta. Thân con gái, giữa phố thị lừa lọc Út vào làm gái bia ôm, rồi qua gái vũ trường. Đôi lúc thèm đến cháy lòng một bữa cơm quê, thèm nghe tiếng tía la rầy. Nhưng xung quanh Út chỉ toàn tiếng nhạc, tiếng cười đùa cợt nhả.

Út sợ về quê, cũng sợ biết đâu người làng lên phố bắt gặp Út trong quán bia nào đó. Tía sẽ chết mất. Nếu biết đứa con ngoan ngày nào giờ thành gái nhảy, gái bia ôm. Hơn một lần Út nghe thấy tiếng người ta trong điện thoại cứ da diết hoài “Về đi Út!” mà não ruột gan. Bây giờ Út về rồi, nhưng thấy những gì? Cảnh cánh đồng chờ chết, cảnh người làng cũng sắp tứ tán muôn nơi để kiếm ăn. Sẽ có biết bao cô gái khác cũng sẽ theo gót Út lấy thanh xuân và nhan sắc để đổi miếng ăn?

Trăng sáng quá, soi rõ cả cái rốn nước sâu hoắm trong lòng giếng. Nhỏ Trinh hì hụi múc, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Làn da sáng lên dưới trăng như sứ. Gái quê mình vẫn đẹp nức tiếng. Nhìn nó mà Út lại chợt xót xa.

- Thôi đừng lên phố, ở quê sang năm thi lại. 

- Có đậu đại học thì cũng chẳng có tiền mà học đâu Út. Em quyết rồi. Lần này em đi. Kiếm thiệt nhiều tiền cho má em khoái.

- Thành phố nhiều lọc lừa. Lên đó em biết làm gì?

- Em hỏi đứa bạn rồi, lúc đầu em sẽ phụ cửa hàng ăn rồi sau tính tiếp. Bạn em mấy đứa lên đó thấy bảo cũng vui. 

Út im lặng, không muốn dội thêm gáo nước lạnh vào cái quyết tâm đang hừng hực của nó. Rồi đời sẽ dạy khôn.

- À… Anh Ba Đậu vẫn chờ Út đó. Ảnh mới sắm cái xe ba gác, chạy vòng vòng chở đồ trong xóm. Thỉnh thoảng lại ghé qua nhà.

- Con nít biết gì mà nói.

Nó cười khanh khách, cởi cái áo mỏng bên ngoài và bắt đầu dội nước. Mùi nước phèn hơi chua sực lên. Mà lạ thiệt, cái phèn chao chát không làm mất đi cái đẹp ở làn da gái quê mình. Đám con trai trong làng nói gái quê mình sinh ra để cho kẻ khác, chứ trai làng có đứa nào lấy được đâu. Tụi nó chê nghèo, sợ chân lấm tay bùn quanh năm.

Tháng trước, anh Ba Đậu lại gửi thư cho Út, Đậu nói đã gom được tiền mua xe ba gác. Cố chờ một hai năm nữa Đậu giầu, Đậu sẽ cưới Út. Út không hồi âm. Từ ngày bước chân vào vũ trường, lòng Út đã không còn ở quê nữa rồi. Tim Út cũng bị xé ra làm nhiều mảnh, mảnh nào cũng chai sạn, cứng quèo. Út muốn Đậu thôi hy vọng. Cái tình cảm yêu đương mới lớn đầu đời không bao giờ có kết quả tốt đẹp. Như ở trên phố người ta thường nói “chàng trai bên bạn năm mười bẩy tuổi sẽ không cùng bạn đi hết cuộc đời.” Út mỉm cười. Út thấy mình không còn xứng với mối tình trong sáng ấy nữa.

Trời không gợn gió. Tía vẫn ngồi đó chờ mưa, chẳng biết chờ đến bao giờ. Chớp không còn nữa, và trăng sáng vằng vặc còn có cả sao. Như thế báo hiệu ngày mai sẽ là ngày nắng gắt. Út thiu thiu ngủ trong cái nóng nồng nực của ngày hè, tiếng muỗi vo ve đầy mệt mỏi.

Ngày chuyển mộ cho má, sớm thiệt sớm đã thấy Ba Đậu đứng chờ ngoài ngõ, tay xách cái làn, vai vác cuốc. Bao năm rồi Út vẫn nhớ cái dáng đứng hơi xô về phía trước như ngóng đợi điều gì. Vừa thấy Út ló đầu ra Đậu đã cười. Tía cũng có vẻ vừa ý. Có lẽ bao năm, tía thầm ưng thằng con rể tương lai, chứ đâu có nghĩ rồi đây nó lại là thằng rể hụt. Ba Đậu làm thuần việc, việc nào cũng gọn gàng nhanh nhẹn, đúng chất một anh ba miền lúa thứ thiệt. Mồ hôi nhễ nhại cả buổi, đến chiều công việc đã được xếp đặt đâu vào đấy. Mộ má được di chuyển lên gò đất cao phòng mùa mưa ngập. Hai tía con khẽ thở ra một tiếng nhẹ lòng.

Mọi người về hết, chỉ còn hai đứa đi thong dong trên cánh đồng. Út im lặng, thỉnh thoảng Đậu liếc sang nhìn. Tức ghê, Ba Đậu thầm chửi mình. Cả đêm qua không ngủ được, đã định hôm nay sẽ nói hết tất cả những thương nhớ hờn giận mấy năm qua ủ trong lòng, nó đang bùng lên nóng rực đây này. Thế mà gặp Út, mắt chạm mắt là bao điều muốn nói lại bay đi đâu hết.

- Đậu định nói gì đúng không? 

Nghe Út nói Đậu giật mình. Ấp úng mãi mới thốt được nên câu.

- Đậu muốn nói với Út là... Út làm vợ Đậu nghe.

- Rồi lấy gì để sống?

Câu nói của Út khiến tim Đậu bị người ta cầm hai đầu dây thiết lại. Bỗng nhiên Đậu tự ái, cái tự ái của một thằng chân tình. Vậy ra với Út chỉ có cơm áo gạo tiền. Vậy ra tình cảm thiệt của Đậu bao lâu không đủ để Út quay gót.

- Út biết Đậu thương Út nhiều. Nhưng... Út không còn xứng đáng với Đậu nữa đâu. Út sẽ không về quê lấy chồng nữa. Đậu hãy tìm người khác đi. Đừng chờ Út nữa.

Chân Đậu chết sững như bị người ta đào cái hố sâu thiệt sâu rồi chôn xuống đó.

- Út khác xưa nhiều quá!

Út vẫn không dừng lại, chỉ là đôi dòng nước mắt lặng lẽ lăn dài. 

Út về đến nhà đã thấy tía chuẩn bị mâm cơm thật ngon để đãi khách, khách là thằng con rể hụt thiệt lòng thiệt dạ thương con tía. Thấy Út về một mình, tía nhòm ra sau như hỏi “thằng Đậu đâu?”. Út không trả lời. Bữa ấy, tía ngồi trước mâm cơm nhưng chỉ uống rượu khan một mình.

Hôm sau, Út lên phố. Con đường băng qua cánh đồng đã xô sang màu vàng ệch. Những ruộng lúa đang trổ bông khô đét. Người ta cũng không ra đồng nữa mà tính chuyện đi nơi khác kiếm ăn. Qua con kênh khô cạn, Út quay lại nhìn. Út biết, cuối con đường kia có một bờ vai gầy đen sạm vì nắng đang đứng như xô người về phía trước trông theo bóng Út…

Truyện ngắn của  Cao Nguyệt Nguyên

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.