Người “giấu” mùa thu vào cõi nhạc...

 Người “giấu” mùa thu vào cõi nhạc...
(PLVN) - Mùa thu Hà Nội vốn đẹp, lãng mạn, nên thơ, khiến không chỉ người Hà Nội say lòng, mà khách phương xa phải tương tư. Phú Quang, như một nhà ảo thuật tài tình, đem mùa thu Hà Nội “giấu” vào trong âm nhạc, khiến mỗi lần nghe thứ âm nhạc ấy, người nghe dù thời điểm nào, đang ở đâu, vẫn thấy thu Hà Nội ùa về khắp không gian, ngập tâm hồn. Có một thu Hà Nội được âm nhạc Phú Quang chưng cất, càng mộng mị, lung linh đến nao lòng…

“Giấu” nỗi nhớ trong mùa thu Hà Nội

Với mỗi một người nhạc sĩ tài hoa, tác phẩm âm nhạc luôn mang một màu sắc, một cá tính riêng mà khi nhắc đến, người ta hình dung ra ngay không lẫn vào đâu được. Có nhạc sĩ, tác phẩm là những bữa tiệc đầy màu sắc rực rỡ, tươi như mùa xuân của tuổi trẻ.

Có nhạc sĩ, âm nhạc là những chiêm nghiệm về cuộc đời, thâm trầm như bóng đêm. Cũng có người, âm nhạc nồng nàn, cháy bỏng như ánh nắng rực rỡ mùa hạ. Có người nhạc sĩ, âm nhạc được ví như một dòng suối mát réo rắt khôn nguôi. 

Còn Phú Quang, âm nhạc của ông mang sắc màu, mang hương vị của mùa thu, của mùa thu Hà Nội. Đó là thứ âm nhạc khiến người ta phải sống chậm lại, phải lắng vào bên trong. Phải thưởng thức từng giọt từng giọt một, như thưởng thức ly cà phê đen đá, phải đắm mình vào hương thơm, như thoảng hương hoa sữa, phải tan vào trong những làn sương hư ảo, như sương của hồ Tây một sớm mùa thu…

Ma mị ư, không hẳn. Mùa thu Hà Nội trong nhạc Phú Quang có cái gì đó hư ảo. Nhưng cũng rất giản dị và đời. “Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ/ Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương/ Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya không gian dạ hương sâu thẳm/ Từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về…” (Mùa thu và em). 

Trầm buồn ư? Nhạc Phú Quang đâu thể gọi là buồn. Nếu có, đó cũng là nỗi buồn rất ư là “thu Hà Nội”. Không bi lụy hay sầu thảm, không nức nở hay cô liêu, đó là sự trầm lặng, dịu dàng, thấm đẫm mang mác mà tự thân mùa thu Hà Nội toả ra, tự tâm hồn sâu lắng của người nhạc sĩ cất thành lời hát. Cái buồn ấy là nỗi buồn - mà không buồn, rất đỗi đẹp và thơ. 

Âm nhạc Phú Quang được nhiều người yêu thích. Nhưng, có một điều cần nói rõ, nhạc của ông không phải là âm nhạc đại chúng. Nếu cần đến một thứ nhạc dễ nghe, thuận tai, hợp thời, người ta sẽ không tìm đến nhạc của Phú Quang.

Nhạc Phú Quang là âm nhạc dành cho những người có tâm hồn thẳm sâu, những người có nhiều trải nghiệm với cuộc đời, những người muốn tìm về phút giây thoát ly cái rộn ràng của cuộc sống để đối mặt với chính trái tim mình. Cũng như thu Hà Nội vậy, người người đều khen đẹp. Thế nhưng, để thực sự yêu thương và tương tư, thì phải thấu hiểu, thì phải lặn sâu vào bản thể, phải là một phần của Hà Nội. 

Nói như thế, không có nghĩa là nhạc Phú Quang là âm nhạc cao cấp hay chỉ dành cho những người ở “tầm cao”. Thực ra, âm nhạc ông rất giản dị. Giản dị từ những lời hát ông phổ thơ hay 

sáng tác. Giản dị đến từng giai điệu không làm dáng, không phức tạp, luyến láy cầu kì. Như một lần, Phú Quang tự sự rằng: “Tôi nghĩ thật ra trong cuộc đời này, giống như người ta lọc mãi để lấy ra một thứ tinh chất, thì cái điều giản dị cũng như một thứ tinh chất người ta đã lọc ra đến tận cùng rồi thì điều giản dị tưởng thế thôi nhưng rất khó.

Tất cả mọi điều trong cuộc đời này đến tận cùng của nó đều rất giản dị. Ngay cả tình yêu, những điều tốt đẹp, sâu xa đến lúc nhận ra thì hoá ra nó rất đơn giản. Cuộc đời giản dị lắm, chỉ có đúng và sai… Ngay từ rất nhỏ, tôi đã được va vấp để được hiểu rằng đau khổ và cái hạnh phúc là những cái luôn đồng hành với mọi người.

Tất cả những gì lớn lao nhất, chính là những điều nhỏ bé nhất. Tôi nghĩ rằng nếu không có tình yêu và niềm tin thì con người sẽ không có gì cả. Tất cả mọi cái phải xuất xứ từ những điều rất nhỏ bé. Người ta cứ thích nói những điều lớn lao. Nhưng tôi thì nhận ra rằng sau những điều nhỏ bé ấy đủ để nói lên hết cuộc đời rồi”.

Những giai điệu nhẹ như ru, êm như hơi thở, mộc mạc như cuộc đời, lan chảy trong tâm hồn người, khiến người ta xuyến xao. Không đột ngột như sa vào lưới tình, nhưng mà thấm sâu, khiến người ta ám ảnh, cả đời không thoát khỏi. Không thể ra khỏi cả nhạc Phú Quang và mùa thu Hà Nội là bởi thế… 

Da diết những đoản khúc mùa thu

Viết về thu Hà Nội không chỉ có mình Phú Quang. Nổi tiếng với những bài hát về thu Hà Nội cũng không chỉ có ông. Còn có Trịnh Công Sơn, có Trần Tiến, Trọng Đài, Hồng Đăng... Nhưng vì sao, nhắc đến mùa thu Hà Nội trong âm nhạc, người ta lại thường nghĩ ngay đến những bài hát của Phú Quang. Và nhắc đến Phú Quang, người ta nghĩ đến một người nhạc sĩ của mùa thu, của mùa thu Hà Nội?

Mùa thu Hà Nội, ai cũng yêu, nhưng với Phú Quang, tình yêu đó có điều gì rất khác. Đó là thứ tình yêu day dứt của một người từng ở và đã ra đi, một người từng thuộc về và không thuộc về, một người yêu hết lòng nhưng phải phụ tình Hà Nội. 

Phú Quang là một người Hà Nội, từ trong sâu thẳm tâm hồn. Hà Nội là tình yêu trọn đời. Nơi ông gắn bó suốt thuở ấu thơ cho đến thanh xuân đẹp đẽ. Nơi ghi dấu ấn tuổi ngây thơ, trong trẻo. Nơi có những rung động đầu tiên, những say đắm và dở dang của tình đầu. Chứng kiến những tan vỡ và chia ly. 

“Anh hôn em ngoài phố đêm/ Nơi ánh đèn chợt sáng chợt tối/ Từng hàng cây bé nhỏ dường như đắm say ngàn giấc mơ/ Ta bên nhau những nẻo đường mơ hồ sương khói/ Lặng im em nghe thành phố thở bằng tiếng gió heo may”. (Mùa thu và em). 

Nhưng rồi, một ngày ở tuổi trung niên, Phú Quang dứt áo rời Hà Nội, bắt đầu cho một cuộc chia ly hơn 20 năm. Chính vì thế, Hà Nội mùa thu trong âm nhạc Phú Quang không giống một mùa thu Hà Nội của bất cứ ai khác. Đó không chỉ là tụng ca, là tình ca. Đó còn là những tiếng lòng day dứt, những lời từ tạ, lời cảm ơn, lời xin lỗi.

Kí ức thì luôn đẹp đẽ, vì nó được phủ lên bởi một lớp màu có tên là nỗi nhớ. Bởi vậy, những đoản khúc thu Hà Nội của Phú Quang, còn là đoản khúc của kỉ niệm, của nỗi nhớ, của những gì đẹp lắm tan chảy trong tâm hồn nhưng không sao chạm tay vào được. Thương, rồi để đó nhung nhớ mà thôi…

“Hàng sấu cũ rơi đầy lá vàng/ Tôi đã hát cho từng con phố ấy/ Tháng năm qua đi ngồi nhớ dòng sông Hồng/ Ngỡ lại gặp em trong chiều Hồ Tây/ Tình yêu xưa sao còn mãi vậy/ Hà Nội ơi con đường xưa lối cũ/ Mãi vẫn là bao kỷ niệm tuổi thơ” (Phố cũ của tôi).

Cái tâm tư của một người con Hà Nội phải xa quê hương mình, cứ đau đáu, nhớ thương. Nâng niu từng góc kí ức, từng mẩu kỉ niệm, từng góc phố, con đường, hàng cây… chỉ có ai xa Hà Nội mới hiểu. Nhất là khi, đó lại là một người nghệ sĩ, với tâm hồn nhạy cảm, với trái tim đầy cảm xúc. Nhưng, là nghệ sĩ thì mới có cái cách rất hay để giải tỏa nỗi nhớ ấy, là bằng nghệ thuật.

Thế nên, trong thơ ông, những đoản khúc thu Hà Nội luôn thấp thoáng. Khi thì ngay từ ở nhan đề bài hát, đã thấy Hà Nội thu (Có phải em mùa thu Hà Nội, Im lặng đêm Hà Nội, Khúc mùa thu…). Nhưng cũng có khi, mùa thu Hà Nội không nằm trong phần lời, không hiển hiện. Nó tan trong những hình ảnh giản dị mà gợi nhớ, như mặt hồ lăn tăn sóng, như chiếc lá vàng rơi, mái nhà rêu phong, cơn gió nhẹ nhàng, hàng cây xù xì, mùi hương hoa sữa…

Mùa thu Hà Nội tan trong những giai điệu nghe lằng lặng, nghe mong manh, nghe da diết đầy hoài niệm. Cất lên một câu hát, là thấy được Hà Nội vào thu.

Những đoản khúc thu Hà Nội của Phú Quang đã trở thành dòng chảy riêng trong âm nhạc của ông, và trong âm nhạc Việt nói chung. Đó không chỉ là “tài sản âm nhạc” của Phú Quang, mà của tất cả những người yêu nhạc.

May mắn làm sao, khi còn có những đoản khúc như thế. Để người Hà Nội thấy mình lắng sâu hơn, thấy Hà Nội của mình còn duyên dáng hơn cả thực tại vốn đã quá đỗi nên thơ. Để người phương xa nghe mà hiểu, cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp thâm trầm Hà Nội phố. Và để những người tha hương, vịn vào những câu hát, trong kí ức tìm về…

Đọc thêm

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.