Vẫn đau đầu bài toán tái chế bao bì

Chất thải nhựa từ bao bì đang là bài toán đau đầu đối với ngành môi trường.
Chất thải nhựa từ bao bì đang là bài toán đau đầu đối với ngành môi trường.
(PLVN) - Bao bì nhựa phát triển từ nhu cầu tất yếu của con người về chứa đựng vật phẩm, bảo vệ hàng hoá, nay lại trở thành “cơn ác mộng” đối với môi trường tự nhiên. Chất thải bao bì nhựa không được thu gom, tái chế có mặt tại hầu hết các quốc gia gây ô nhiễm môi trường đô thị, nông thôn và “rò rỉ” thành rác thải biển. 

Trách nhiệm tái chế, xử lý bao bì nhựa

Từ xa xưa, con người đã tận dụng các loại lá cây, vỏ cây, da thú để tạo ra các bao bì thô sơ để chứa đựng các vật phẩm. Cùng với thời gian và sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại, bao bì ngày càng đa dạng về chất liệu, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của con người; từ các loại bao bì bằng gốm sứ, thuỷ tinh xuất hiện đến các bao bì bằng chất liệu giấy, nhựa, nilon, carton, gỗ…

Đáng nói, ngành công nghiệp bao bì nhiều năm nay hầu như bị “thống trị” bởi bao bì nhựa bởi những ưu thế về độ bền và chi phí rẻ. Tuy nhiên, tính tiện lợi của bao bì nhựa mang tới một “gánh nặng” to lớn về ô nhiễm môi trường, khiến giới chức trách nhiều quốc gia phải ban hành quy định thắt chặt quy trình sản xuất và xử lý bao bì nhựa. 

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định hai trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu gồm: Trách nhiệm tái chế (Điều 54) và trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55). Theo đó, dự kiến trong năm 2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó có nội dung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu về tái chế và xử lý sản phẩm, bao bì là chất thải. Nói cách khác, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến giai đoạn thải bỏ của vòng đời sản phẩm, bao bì.

Về trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc. Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong bốn hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; Thuê các đơn vị có chức năng tái chế; Liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; Đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.

Mục tiêu chính sách của quy định này nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động tái chế, tăng tỷ lệ tái chế; từng bước thiết lập ngành công nghiệp tái chế và phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Về trách nhiệm xử lý, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp các hoạt động thu gom, xử lý, nghiên cứu, sáng kiến quản lý chất thải sinh hoạt.

Theo đó, các loại bao bì không có khả năng tái chế bao gồm: Bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật, bao bì sản xuất, nhập khẩu có sử dụng nhựa như một thành phần nguyên liệu...  Mục tiêu chính sách của quy định này nhằm thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường; đồng thời chia gánh nặng tài chính của Nhà nước trong công tác quản lý rác thải rắn tại Việt Nam.

Vì sao người dân thờ ơ?

Việc gắn trách nhiệm tái chế chất thải bao bì đối với đối với doanh nghiệp đã được quy định lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường 2005. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên quy định này gần như chưa được triển khai trên thực tế.

Một số chuyên gia môi trường cho rằng, để triển khai được mô hình này, cần nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của các chính sách thuế phù hợp. Trong đó, có hai câu hỏi lớn nhất cần được giải quyết. Một là, tính chi phí tái chế vào giá bán sản phẩm như thế nào để hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng? Hai là, bao bì có khả năng tái chế sẽ được thu gom như thế nào?

Quả thực, bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều phải cân đối bài toán giữa lợi nhuận và việc thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đối với những sản phẩm, bao bì trong quá trình sản xuất, nhập khẩu. Song, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lo ngại, quy định về trách nhiệm mở rộng có thể làm “đội” giá bán, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm. 

Theo đó, quá trình xác định chi phí tái chế để cộng vào giá bán sản phẩm cần phải do một cơ quan trung gian tính toán để có thể xác định mức giá phù hợp, đảm bảo sự công bằng cho người tiêu dùng và tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng chính sách trên để tính giá sản phẩm cao hơn. Không dừng ở mục tiêu thu hồi rác thải mà các nhà sản xuất cùng cần hướng tới giải pháp chuyển đổi sang công nghệ sản xuất bao bì thân thiện với môi trường để có giá thành cạnh tranh hơn. 

Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng hiện nay chỉ quan tâm tới giá thành sản phẩm chứ không quan tâm tới bao bì tái chế hay không tái chế. Điều quan trọng đối với họ là bao bì tái chế được có tốt hơn so với bao bì không tái chế hay không, có tăng thêm giá trị cho người dùng hay không. Nếu vì tái chế mà giá thành sản phẩm gia tăng, người tiêu dùng có thể từ chối mua sản phẩm và hướng đến những sản phẩm rẻ tiền hơn. 

Mặt khác, hầu hết người tiêu dùng vẫn cho rằng vứt đi một, hai bao bì cũng không ảnh hưởng gì đến môi trường, hoặc sẽ có ai đó phân loại và xử lý. Ví dụ một số vật dụng hàng ngày không thể thiếu của phái nữ như sữa rửa mặt, sữa tắm, dầu gội, nước hoa, phấn phủ, son môi… đều đi kèm với những loại bao bì khác nhau. Tuy nhiên, ít thấy bao bì của những sản phẩm này được thu hồi để tái chế. 

Lâu nay rác tái chế đa phần được thu gom, phân loại qua những người bán “đồng nát” và thu gom phế liệu. Một tín hiệu tích cực là các tổ chức, doanh nghiệp đã bắt tay với nhau để thúc đẩy công tác thu gom chất thải bao bì từ người dân, đơn cử như Liên minh tái chế bao bì (PRO Việt Nam). Tuy nhiên, rác tái chế thu gom tại các tỉnh, thành trên toàn quốc vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế sử dụng. 

Để phát triển nền kinh tế tuần hoàn nói chung và hoạt động tái chế rác thải nói riêng, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ thực hiện được khi người dân, doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm của họ đối với môi trường, khi cơ quan quản lý về môi trường địa phương sát sao trong việc xây dựng những mục tiêu, kế hoạch cụ thể. 

Đọc thêm

Truyền cảm hứng bảo vệ thiên nhiên đến cộng đồng

Hoa hậu H’Hen Niê (thứ tư từ trái sang) góp 1.000 cây cho rừng Bến En. (Nguồn: Gaia)
(PLVN) - Nhân Ngày thế giới trồng cây 21/03, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê đã cùng Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia triển khai các hoạt động trồng rừng Bến En và Xuân Liên nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và truyền cảm hứng bảo vệ thiên nhiên đến cộng đồng. Đặc biệt, ở lần tham gia trồng rừng này, H’Hen Niê đã góp 1.000 cây cho rừng Bến En trích từ cát xê lần đi hát đầu tiên.

Thanh niên tham gia tích cực vì khí hậu

Các chuyên gia lĩnh vực biến đổi khí hậu trao đổi tại Lễ công bố báo cáo của công tác thanh niên về chính sách khí hậu. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Với sự sáng tạo và sức trẻ năng động, thanh niên Việt Nam được coi là lực lượng nòng cốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vì khí hậu suốt thời gian qua.

Ra quân đạp xe hưởng ứng giờ Trái đất năm 2024

Các đoàn viên thanh niên đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024.
(PLVN) - Sáng nay - 23/3/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức Chương trình ra quân đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô

 Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô
(PLVN) - Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống cháy nổ, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức trong việc phòng cháy, chữa cháy, nhất là vào thời tiết nắng nóng như hiện nay.