Hàng ngàn hộ dân ở vùng đất nhiễm phèn đang khát thèm nước sạch

Cũng như hàng ngàn hộ dân khác trong xã, nước giếng nhà bà Hoa bị nhiễm phèn rất nặng.
Cũng như hàng ngàn hộ dân khác trong xã, nước giếng nhà bà Hoa bị nhiễm phèn rất nặng.
(PLVN) - Nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân của xã Triệu Đông (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) vẫn đang sống trong tình cảnh khát thèm nước sạch sinh hoạt do nguồn nước nơi đây bị nhiễm phèn và nhiễm bẩn trầm trọng.

Hơn 96% hộ dân phải dùng nước nhiễm phèn, kim loại nặng

Triệu Đông là xã đồng bằng, có vị trí gần trung tâm huyện lỵ và chỉ cách thị xã Quảng Trị 3km. Toàn xã có 4 thôn Nại Cửu, Bích La Đông, Bích La Trung và Bích La Nam, gồm 1.557 hộ dân với gần 6.560 nhân khẩu. Trong đó chỉ mới 54 hộ dân thuộc Đội 1 của thôn Nại Cửu được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ công trình cấp thoát nước nối từ xã Triệu Thành ở giáp ranh về.

Theo phản ánh của bà con trong xã, nguồn nước mà người dân ở đây đang sử dụng chủ yếu là từ giếng đào và giếng khoan, tuy nhiên tất cả đều bị nhiễm phèn vôi hoặc phèn đỏ rất nặng. 

Để hạn chế phèn, cũng như có nguồn nước sinh hoạt dùng tạm, nhà nào trong xã cũng xây dựng thêm bể lọc. Tuy vậy, nước dù đã lọc lắng qua bể đến khi sử dụng vẫn ngả màu và hôi mùi phèn. Còn các vật dụng đựng nước chỉ sau thời gian ngắn đều bị phèn nhuộm vàng. Mặc dù biết nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn phải cắn răng “đánh liều” sử dụng vì không còn nguồn nước nào khác. 

Bà Phan Thị Hoa (SN 1965, trú thôn Bích La Nam) cho hay, dù gia đình đã khoan giếng sâu hàng chục mét nhưng nước vẫn còn bị phèn và khi bơm lên hôi mùi tanh. Để một lúc trên mặt nước sẽ đóng váng, còn dưới đáy đóng từng lớp cặn sệt vàng như nghệ. 

“Trước đó, dù biết nguồn nước rất bẩn nhưng gia đình tôi vẫn cố dùng nước đã lọc thô qua bể để ăn uống. Tuy nhiên về sau, lo ngại mắc bệnh tật khi sử dụng trực tiếp nguồn nước này vào cơ thể, nên tôi mua thêm nước đóng bình bán ở các quán tạp hóa với giá từ 7 – 10 nghìn đồng để uống. Đến lúc nước máy nối về thôn Bích Khê (xã Triệu Long) ở gần nhà, gia đình tôi chuyển sang mua nước có giá rẻ hơn, với giá 2.000 đồng/can 10 lít”. 

Vẫn lời bà Hoa: “Vào mùa nắng, mỗi ngày tôi phải đạp xe hơn 1km để mua 20 lít nước mới đủ uống và nấu thức ăn trong ngày. Tuy vậy, vì kinh tế còn khó khăn nên gia đình tôi chỉ có khả năng mua nước để uống, còn rửa thức ăn cũng như tắm giặt hay lau chùi... thì chủ yếu vẫn phải dùng nước từ giếng khoan. Ngoài ra, vị trí của thôn lại nằm cạnh sát khu nghĩa địa nên chúng tôi càng bất an hơn về nguồn nước”.

Cùng chung hoàn cảnh, nguồn nước từ giếng khoan của gia đình chị Võ Thị Hồng Ánh (SN 1991, trú tại thôn Nại Cửu) cũng bị nhiễm phèn rất nặng.

Chỉ tay vào bể nước vàng đục ngầu, chị Ánh cho biết, cách vài tuần chị lại phải vệ sinh bể lọc, thay cát. Những vật dụng trong gia đình hay áo quần sáng màu, chỉ vài lần dầm nước đều chuyển màu ố vàng, nhanh hỏng.

Bể lọc và các vật dụng chứa nước bám đầy phèn chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
 Bể lọc và các vật dụng chứa nước bám đầy phèn chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

“Việc sử dụng nguồn nước nhiễm phèn vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa bất tiện đủ đường. Người dân trong xã ai cũng mong mỏi có nguồn nước sạch để sinh hoạt đảm bảo đời sống dân sinh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy gì”, chị Ánh nói.

Nhu cầu chính đáng bao giờ mới được đáp ứng?

Cũng theo người dân địa phương, những năm gần đây, ở xã có một số trường hợp người dân chết do mắc các loại bệnh tật như ung thư. Bà con hoài nghi, liệu nguyên nhân của bệnh tật có phải do nguồn nước mà mình đang sử dụng hàng chục năm nay? 

Trao đổi với PV, ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Triệu Đông cho biết, năm 2011, có đoàn cán bộ Trung ương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh về lấy mẫu nước tại địa phương để kiểm nghiệm, kết luận là nguồn nước tại xã bị nhiễm phèn nặng và nhiễm asen, cùng một số kim loại nặng như sắt, chì...

Ngoài ra, thêm một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đây ngày càng trầm trọng phải kể như: Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư, xả rác thải và vứt xác động vật bị dịch bệnh ra các dòng nước...

Khảo sát sơ bộ, thời gian qua ở địa phương đã có khoảng 250 người bị mắc bệnh ung thư các loại. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp bị mắc bệnh về hô hấp, tiêu hóa, đau mắt, da liễu, phụ khoa. 

Đời sống còn vất vả, chật vật lại cõng thêm khoản chi phí mua nước, vừa mất công lại đắt đỏ khiến người dân rất bức xúc. Nhiều lần tại các cuộc họp hay tiếp xúc cử tri, mọi người đã kiến nghị lên cấp trên quan tâm đầu tư để dân trong xã được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo vệ sinh. Thế nhưng, đến nay niềm khao khát và là nhu cầu chính đáng ấy vẫn chưa được đáp ứng. 

“Người dân và ngay cả lãnh đạo xã, huyện nhiều lần có ý kiến với các cơ quan liên quan, thậm chí xã cũng đã làm việc trực tiếp với Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị, tuy nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Bởi phía đơn vị này cho hay, công suất vận hành không đảm bảo, trong khi nhu cầu sử dụng gia tăng. Địa phương rất mong các cấp, ban ngành quan tâm, tìm hướng giải quyết, sớm hỗ trợ để bà con có thể tiếp cận nguồn nước sạch đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày”, ông Bắc trình bày.

Được biết, năm 2017, xã Triệu Đông được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, khi đạt được 17/19 tiêu chí. Theo đó, tiêu chí môi trường được đánh giá “Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 99.1%”. Tuy nhiên, trên thực tế việc người dân “kêu trời” vì thiếu nước sạch và cho biết thêm tình trạng nước nhiễm phèn nặng tại xã vốn đã tồn tại hàng chục năm nay. 

Nhiều ý kiến đánh giá việc sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh luôn là tiêu chí quan trọng trong thực thi xây dựng nông thôn mới, là điều kiện để bà con “an cư lạc nghiệp”. Vì thế, với một xã đã về đích nông thôn mới như Triệu Đông, việc để người dân khổ sở “vật lộn” với cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt là điều rất đáng buồn. 

Đọc thêm

Lâm Đồng nỗ lực tìm giải pháp phòng ngừa sạt lở

Chuyên gia khảo sát tìm nguyên nhân sạt trượt đất tại TP Đà Lạt hồi năm 2017.
(PLVN) - 2023 không phải là năm đầu tiên ở Lâm Đồng xuất hiện các sự cố sạt trượt đất nghiêm trọng. 8 năm về trước, vào năm 2017, tại trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đã xuất hiện sự cố sạt trượt nghiêm trọng, phương án khắc phục đến nay đã mở ra hướng để nhà chức trách tham khảo, áp dụng trên diện rộng.

Bắc Bộ có mưa dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều tối và đêm 17/4 đến sáng sớm ngày 18/4, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng vùng núi cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Hậu quả nặng nề từ sự cố sạt trượt đất

Cùng với tốc độ phát triển nhanh, vấn đề sạt trượt là thách thức của Lâm Đồng.
(PLVN) - Chưa bao giờ sự cố sạt trượt đất lại gây ra nhiều hậu quả nặng nề như năm 2023, nhất là với tỉnh Lâm Đồng. Các sự cố xảy ra liên tiếp, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ra những nỗi đau khó khắc phục.

Ngày mai, 17/4, khu vực nào nắng nóng nhất?

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày mai (17/4), nắng nóng tiếp tục duy trì ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên, Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất tại những khu vực này phổ biến 35 – 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

'Hiu hắt' tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội

Hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp ở Hà Nội vắng người qua lại.
(PLVN) - Hơn 2 tháng được khánh thành và đưa vào hoạt động, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp tại Hà Nội vắng vẻ, ít người qua lại. Nhiều điểm trên đường thành nơi tập kết rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.

Đừng để rừng già trở thành điều “từng là”...

Hoa hậu H’Hen Niê đã góp 1.000 cây cho rừng Bến En trích từ cát xê lần đi hát đầu tiên. (Ảnh: Gaia).
(PLVN) - Xin trích lời bài hát “Nhạc của rừng” của ca sĩ Đen Vâu đã và đang đứng top thịnh hành nhiều bảng xếp hạng âm nhạc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả làm tiêu đề cho bài viết này. Tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh do hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán này.