Xét xử cựu Chủ tịch xã Mỹ Bằng: Bị cáo khai sắp về hưu, không có lý do để củng cố địa vị

(PLM) - Ngày 18/01/2024 Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án “lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” đối với ông Bùi Quang Hùng - nguyên chủ tịch xã Mỹ Bằng. Sau một ngày xét xử, chiều tối ngày 18/01/2024, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang nghị án và sẽ tuyên án phúc thẩm vào sáng ngày 19/01.
Bị cáo Bùi Quang Hùng - cựu chủ tịch xã Mỹ Bằng tại Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang
Bị cáo Bùi Quang Hùng - cựu chủ tịch xã Mỹ Bằng tại Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Không còn địa vị gì mà phải củng cố

Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng - Bùi Quang Hùng trình bày trước Hội đồng xét xử (HĐXX) rằng mình bị oan. Tại tòa, bị cáo Hùng nói không tham ô, không vụ lợi cá nhân, lợi ích vật chất trong vụ việc cũng không có.

Theo bị cáo Hùng, ở bản án sơ thẩm, ông bị quy kết nóng vội làm nông thôn mới để củng cố địa vị là không thuyết phục. Bởi theo ông, năm 2015, trước Đại hội Đảng bộ xã Mỹ Bằng, trong đề án nhân sự thì ông và một số người khác không còn đủ tuổi theo quy định nên không thể tái cử, không có tên trong danh sách nên việc triển khai nhiều hoạt động xây dựng nông thôn mới (NTM) không có động cơ để củng cố địa vị, uy tín.

“Tôi sẽ trở về là người nông dân, tôi còn địa vị gì mà tôi phải củng cố địa vị” – bị cáo Bùi Quang Hùng nói.

Quang cảnh phiên xét xử phúc thẩm đối với cựu Chủ tịch xã Mỹ Bằng vào sáng 18/01/2024 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Quang cảnh phiên xét xử phúc thẩm đối với cựu Chủ tịch xã Mỹ Bằng vào sáng 18/01/2024 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang

ÔngHùng khẳng định, động cơ làm nông thôn mới của ông là trong sáng. Bởi các lý lẽ: Thực hiện làm nông thôn mới là chấp hành đúng như Nghị quyết của Đảng từ Trung ương đến địa phương về xây dựng nông thôn mới, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống của người dân.

Trên hết, việc thực hiện nông thôn mới đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Cựu chủ tịch xã Mỹ Bằng giải thích, công trình được thực hiện với sự đồng thuận, ủng hộ của người dân nên thi công rất nhanh, tiết kiệm thời gian, làm nhanh, làm gọn, công trình xây dựng xong người dân được hưởng thụ ngay, không bị trượt giá về vật liệu, nhân công… khi thi công.

Theo ông Hùng, việc xây dựng nông thôn mới ở Mỹ Bằng đã thay đổi toàn bộ bộ mặt của xã Mỹ Bằng. Ông dẫn chứng về những nhận định đánh giá cao của các lãnh đạo cấp cao Trung ương khi về thăm xã Mỹ Bằng; những cảm xúc của người dân trong xã.

Bị cáo Bùi Quang Hùng - cựu chủ tịch xã Mỹ Bằng trong phiên xét xử phúc thẩm sáng 18/01/2024 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Bị cáo Bùi Quang Hùng - cựu chủ tịch xã Mỹ Bằng trong phiên xét xử phúc thẩm sáng 18/01/2024 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Quang Hùng khai, sau khi có mặt bằng, bị cáo này đã xây dựng Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 12/1/2014 “Đề án quy hoạch chi tiết chợ trung tâm xã Mỹ Bằng” trình HĐND xã và đã được HĐND xã Mỹ Bằng thông qua.

Chợ Trung tâm xã Mỹ Bằng được xây dựng vào năm 2014 để thực hiện tiêu chí quan trọng về đích Nông thôn mới

Chợ Trung tâm xã Mỹ Bằng được xây dựng vào năm 2014 để thực hiện tiêu chí quan trọng về đích Nông thôn mới

Nguồn vốn xây dựng được thể hiện là nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (500 triệu UBND huyện Yên Sơn cấp, đã giành cho công tác san ủi, tạo mặt bằng xây dựng chợ); các hộ kinh doanh tự bỏ vốn; các khoản thu xã hội hoá xây dựng nông thôn mới nhưng không đưa ra mức cụ thể.

Khai về việc này, ông Hùng nói việc huy động xã hội hoá từ người dân không biết dân góp được bao nhiêu nên không thể quy định cứng, UBND chỉ trình chủ trương để hội đồng nhân dân (HĐND) xem xét.

Về việc chia ô, ki-ốt ở chợ, bị cáo Hùng cho biết với khu vực ki ốt chợ phiên thu 11,5 triệu; khu vực ki ốt buôn bán thường xuyên thu 100 triệu. Khai trước toà, ông Hùng nói theo quy định, khoản tiền thu được trên không phải nộp vào ngân sách. Toàn bộ số tiền xã hội hoá thu được đều được nhập vào quỹ xây dựng nông thôn mới, thu đến đâu nhập vào quỹ luôn.

Sau khi hoàn thiện xây dựng các hạng mục chợ, còn thừa một số tiền nên đã mời mọi người đến hội nghị tri ân để xin chuyển tiền thừa từ nguồn xã hội hoá của 28 hộ dân sang các công trình nông thôn mới khác. Hội nghị tri ân này có khoảng 500 khách, hầu hết mọi người đều ủng hộ, nhất trí với quan điểm không lấy lại tiền thừa, để lại cho UBND xã thực hiện tiếp các công trình nông thôn mới khác.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung

Tại toà, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Hùng. Bào chữa cho thân chủ, các luật sư của ông Hùng cho rằng, tội danh thân chủ bị truy tố là không thuyết phục.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng – luật sư bào chữa cho nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng, về số tiền 34,5 triệu đồng ông Hùng bị quy kết gây thiệt hại, hiện tại vẫn chưa làm rõ được đây là số tiền nào, rằng là tiền từ nguồn xã hội hoá nêu trên hay có thêm tiền từ các phần thưởng của UBND xã.

luật sư Hoàng Văn Hướng – luật sư bào chữa cho nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng

luật sư Hoàng Văn Hướng – luật sư bào chữa cho nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng

Luật sư Hướng lập luận, tại toà có khoảng 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (những người mua ki ốt đã đóng tiền), họ hoặc đến muộn, hoặc đi vắng, hoặc nấu cơm tại hội nghị nhưng cũng đều nắm được thông tin UBND xã đã công khai tài chính, thông báo tiền thừa và xin ý kiến chuyển sang quỹ nông thôn mới.

Tiếp tục bào chữa, luật sư Hướng nêu, ông Hùng thực hiện các hoạt động không có vụ lợi mà mục đích để làm tốt cho quê hương, làm tốt nông thôn mới.

Mặt khác, vị luật sư của Đoàn luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng việc xác định hậu quả của vụ án chưa khách quan. Từ các phân tích của mình, ông Hướng không đồng tình với bản án sơ thẩm. Vị luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm trả hồ sơ để điều tra, làm rõ một số vấn đề.

Về các quy kết bị cáo Hùng chỉ đạo Oanh, Sâm, luật sư Hướng nêu quan điểm, hiện ông Sâm đã chết không có lời khai, bị cáo Oanh có lời khai đối lập với bị cáo Hùng, từ đó luật sư cho rằng các quy kết thân chủ mình chỉ đạo là chưa thoả đáng.

Đại diện VKS nhân dân tỉnh Tuyên Quang giữ nguyên các quan điểm đã nêu trong cáo trạng

Đại diện VKS nhân dân tỉnh Tuyên Quang giữ nguyên các quan điểm đã nêu trong cáo trạng

Đối đáp với quan điểm của luật sư cũng như bị cáo Hùng, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Hùng chỉ đạo bị cáo Oanh và ông Sâm thu các khoản tiền xây dựng chợ, không nhập vào ngân sách nhà nước để đảm bảo thu chi theo quy định.

Về khoản tiền khen thưởng trích từ quỹ nông thôn mới, phía công tố cho rằng không có tài liệu nào chứng minh bị cáo Hùng xin ý kiến HĐND có nhất trí chi khoản tiền 34,5 triệu đồng này không. Hành vi này Viện Kiểm sát cho rằng đã vụ lợi cho cá nhân.

Sau khi lắng nghe các bên tranh luận, chiều tối ngày 18/01/2024, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang nghị án và sẽ tuyên án phúc thẩm vào sáng ngày 19/01.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2011, xã Mỹ Bằng được chọn là một trong 7 xã điểm của tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phải hoàn thành trong năm 2014.

Để thực hiện Đề án trên, các cấp chính quyền xã và người dân Mỹ Bằng đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành các tiêu chí. Quá trình thực hiện, tính đến cuối năm 2012, xã Mỹ Bằng chỉ còn một vài tiêu chí đang hoàn thiện, nhưng khó khăn lớn nhất thời điểm đó là tiêu chí Chợ. Việc cải tạo, mở rộng, nâng cấp, xây dựng chợ trung tâm xã Mỹ Bằng với tổng diện tích là 6.714,9m² cần nguồn kinh phí rất lớn, tuy nhiên, tại thời điểm đó, UBND huyện Yên Sơn chỉ bố trí cho xã Mỹ Bằng được 500 triệu đồng để thực hiện san lấp mặt bằng. Sau khi san lấp mặt bằng, huyện Yên Sơn không bố trí được kinh phí xây dựng chợ.

Được sự ủng hộ của đại đa số người dân, sau khi được Sở TNMT tỉnh giao mặt bằng cho xã quản lý, đầu năm 2014 ông Bùi Quang Hùng lúc đó là Chủ tịch UBND xã đã tổ chức xây dựng “Đề án quy hoạch chi tiết chợ trung tâm xã Mỹ Bằng” trình Hội đồng nhân dân (HĐND) xã và được thông qua. Đề án và nghị quyết xác định nguồn vốn xây dựng chợ huy động từ nguồn xã hội hóa để xây dựng các hạng mục trong chợ.

Việc thu tiền của các hộ dân được Hùng giao cho kế toán xã Lương Văn Sâm và thủ quỹ xã - Nguyễn Thị Oanh thực hiện. Từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2014, đã thu được tổng số tiền 1.548.500.000 đồng của 28 hộ dân đóng góp.

Sau khi Chợ trung tâm xã Mỹ Bằng được hoàn thiện, tổng số kinh phí được sử dụng xây dựng các hạng mục trong Chợ trung tâm xã Mỹ Bằng đã được UBND xã kê khai, lập hồ sơ quyết toán là 1.241.362.662 đồng. Số tiền còn thừa lại là 307.137.338 đồng được đưa vào “Qũy ủng hộ xây dựng NTM” của xã năm 2014 để quản lý, sử dụng.

Sau đó, trên cơ sở các đề xuất về khó khăn, thiếu thốn ở các thôn, xóm trong xã Mỹ Bằng, ông Hùng đã đồng ý chi số tiền thừa vào các công trình công ích, phúc lợi như: làm mái che trạm y tế xã Mỹ Bằng; Chi mua chăn bông cho học sinh Đình Bằng và trường mầm non Mỹ Bằng; Chi xây dựng phòng bảo vệ, phòng y tế, máy giặt cho trường Mầm non Đình Bằng; Chi tiền hỗ trợ trường Tiểu học Y Bằng xây nhà vệ sinh tự hoại, nhà để xe để đạt chuẩn trường Quốc gia; Chi hỗ trợ vật liệu xây bếp trường Mầm non Mỹ Băng…

Ngoài ra, cáo trạng xác định ông Hùng còn chi 34,5 triệu đồng (từ nguồn thuê ki-ốt chợ và từ Quỹ ủng hộ xây dựng nông thôn mới) để khen thưởng 25 tập thể thôn có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM.

Cùng chuyên mục