Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết nối, đồng hành cùng phát triển

(PLM) - Sau 5 năm đi vào hoạt động, Ủy ban lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày một chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết nối, đồng hành cùng phát triển

Ngày 30/9/2018, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức được ra mắt và đi vào hoạt động, tiếp nhận nguyên trạng 19 tập đoàn, tổng công ty với tổng vốn, tài sản lớn, hoạt động trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng.

Sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã hiện thực hóa chủ trương của Đảng về tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với một số Bộ, tạo điều kiện quan trọng cho các Bộ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước và việc ban hành cơ chế, chính sách pháp luận và thực hiện quản lý nhà nước bình đẳng, công bằng đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Nguồn Vinataba: Lễ ký biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp từ Bộ Công thương về Ủy ban quản lý vốn tại Doanh nghiệp

Nguồn Vinataba: Lễ ký biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp từ Bộ Công thương về Ủy ban quản lý vốn tại Doanh nghiệp

Thúc đẩy đổi mới, kết nối, đồng hành cùng phát triển

Trải qua 5 năm hoạt động, trong đó gần một nửa chặng đường chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội để hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn 2018 - 2023, dù tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhưng Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực cao độ, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đến năm 2023, ước tính về thị phần trong nước, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đã đóng góp khoảng khoảng 87% điện năng, 50% xăng dầu bán lẻ, 70% phân bón, 70% khí hóa lỏng… Về khối lượng hàng hóa, dịch vụ, các tập đoàn, tổng công ty đã cung cấp cho nền kinh tế 242,7 tỷ kWh điện; 10,84 triệu tấn dầu thô; 8,08 tỷ m3 khí, 42,2 triệu tấn than sạch; 13,76 triệu m3 xăng dầu, 280.000 tấn chất giặt rwarl 25.025 tấn cao su; 41,6 triệu cây giống…

Đến năm 2023, ước tính về thị phần, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban chiếm khoảng 49% vận tải hành khách hàng không nội địa, quản lý 21/22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước, 16% hàng hóa vận tải biển, 100% điều hành và vận tải giao thông đường sắt, 45 % thuê bao di động, 41% băng rộng cố định mặt đất.

So với năm 2018, thời điểm bắt đầu chuyển về Ủy ban, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 417 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng; các chỉ tiêu SXKD hàng năm về cơ bản đều tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103 nghìn 310 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Những dấu ấn đạt được trong chặng đường 5 năm đã khẳng định chủ trương thành lập Ủy ban là đúng đắn và phù hợp với tính chất, đặc điểm, vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà nước.

Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có sự phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt được mục tiêu tổng quát.Tuy nhiên, thời gian tới, trước bối cảnh tình hình thế giới vẫn có nhiều rủi ro, thách thức, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thị trường giảm sút, khu vực DNNN sẽ phải tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trụ cột, đặt ra mạnh mẽ hơn nữa yêu cầu chuyển mình trong thời đại kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, trong đó tăng trưởng xanh, đầu tư xanh là lựa chọn cấp thiết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, doanh nghiệp.

Đứng trước bối cảnh đó, Ủy ban đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung: Hoàn thiện mô hình Ủy ban với nhiệm vụ định hướng xây dựng và phê duyệt chiến lược, kế hoạch SXKD, đầu tư phát triển của doanh nghiệp…; Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; Hoàn thiện chính sách, quy hoạch, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật còn bất cập, chưa rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động…

Mặt khác, để phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban cũng đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các doanh nghiệp:

Một là, xây dựng chiến lược, kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển gắn với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ SXKD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đảm bảo nguồn thu cho nhân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho 722 nghìn người lao động.

Ba là, chủ động đầu tư theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, đảm bảo hiệu quả tổng thể, phát triển bền vững, phù hợp cơ chế hị trường và đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động, thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ xanh, năng lượng xanh, thân thiện môi trường...

Năm là, tăng cường quản lý và thu hồi công nợ, đảm bảo tình hình tài chính của doanh nghiệp lành mạnh; tiếp cận có hiệu quả các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để bảo đảm nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Trong hành trình 5 năm đầy ý nghĩa và nhiều dấu ấn, Ủy ban đã trở thành ngôi nhà chung kết nối sức mạnh, nguồn lực của khối các DNNN chủ lực của nền kinh tế. Những kết quả đã đạt được sẽ là nền móng quan trọng để các doanh nghiệp và Ủy ban tiếp tục đổi mới hơn nữa, phát huy tính hiệu quả, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số với nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn quốc tế, tiếp tục khẳng định vị trí then chốt của khối doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt đưa kinh tế đất nước phát triển bứt phá hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng chuyên mục