Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn " Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".
Còn trong buổi nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, Bác cũng căn dặn: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”
Hai lời dặn, tưởng như trong bối cảnh khác nhau, dành cho những đối tượng khác nhau, nhưng lại rất có ý nghĩa với những nhà báo trẻ - những người hội tụ đủ 2 yếu tố: là thanh niên và cũng là người làm báo. Qua đó, chúng ta có thể hiểu những nhà báo trẻ là cán bộ chính trị của Đảng và đoàn thể, là lực lượng xung kích đi đầu trong bảo vệ nền tảng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Vừa qua, chủ đề của Đại hội XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.Do đó, tăng cường đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết, nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ.
Trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng luôn diễn ra trong bối cảnh phức tạp, khó khăn. Trong từng thời điểm cụ thể, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới nảy sinh để tăng cường, quyết liệt chống phá ta bằng hàng loạt các luận điệu, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt, gần đây có thể kể đến như dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, môi trường mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ tập trung chủ yếu là sử dụng internet, không gian mạng, chủ yếu là mạng xã hội để chống phá cách mạng nước ta. Thông qua việc thiết lập các website, blog, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok để tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc nhằm: Phá hoại tư tưởng, đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân; Gây nhiễu loạn thông tin, làm phức tạp về chính trị xã hội; và làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, những thông tin và tài liệu có nội dung xấu, độc trên mạng xã hội là nhiệm vụ quan trọng của những nhà báo, phóng viên trẻ.
Thứ nhất, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ấy, bên cạnh việc học tập, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, đòi hỏi nhà báo phải có một bản lĩnh chính trị vô cùng vững vàng. Để nâng cao bản lĩnh chính trị của nhà báo trẻ, tạo hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đoàn thanh niên cần phải coi đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, phóng viên báo chí, có thể thông qua các hình thức như tổ chức: Hội thảo, tọa đàm, Siminar,… nhưng không nặng nề, khô khan, cứng nhắc. Có thể lấy chủ đề từ chính những vấn đề nóng mà dư luận quan tâm, những vấn đề mà chính các nhà báo, phóng viên trẻ đang quan tâm theo dõi để phục vụ tác nghiệp.
Đứng trước những thông tin bịa đặt, xấu độc, những người làm báo, đặc biệt là những nhà báo, phóng viên trẻ cần phải rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ tốt, để chọn lọc những nguồn thông tin chính thống, lập luận, đưa ra các hệ thống quan điểm để đấu tranh, phản bác thậm chí là “triệt tiêu” những thông tin sai trái, bịa đặt trên các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông.
Thứ hai, người làm báo cần thông qua cây bút, trang giấy, có những bài viết mang “sức nặng” để đập tan những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Hiện nay, các cơ quan báo chí đã xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh trên internet và mạng xã hội. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên cần tổ chức đoàn viên thanh niên, những người nắm rõ, thông thạo về khoa học kỹ thuật tham gia đấu tranh ngay trên nền tảng mạng xã hội, ví dụ như trên các trang Facebook, Youtube, Tiktok của báo. Bồi dưỡng thêm về kỹ năng, kiến thức cho đoàn viên, để họ có thể tranh luận trực tiếp với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối.
Lực lượng hoạt động có thể không chỉ gói gọn trong Đoàn thanh niên của báo, mà có thể liên kết với một số Đoàn thanh niên các Trường Đại học, Học viện,… đào tạo báo chí, bồi dưỡng xây dựng những sinh viên báo chí, tham gia vào cộng đồng, biến mỗi cá nhân thành một chiến sĩ cách mạng.
Có thể phát huy, xây dựng những đội, nhóm chuyên biệt trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, từ các nhân tố là phóng viên, cộng tác viên, thành viên các CLB báo chí,... Khi những tin đồn, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, nhà báo, phóng viên trẻ là lực lượng tiên phong để kiểm chứng thông tin, dập tắt tin đồn. Từ đó, giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Rõ ràng, ở trong bất cứ thời kỳ nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của đoàn viên thanh niên cũng luôn luôn được phát huy.
Thứ ba, là phát huy trách nhiệm xã hội của nhà báo, phóng viên trẻ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với ưu thế của công việc báo chí, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, đặc biệt với những nhà báo, phóng viên trẻ còn có sức khỏe, cần tận dụng những lợi thế này để gặp gỡ, đặc biệt là những bà con ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền miệng, đoàn viên thanh niên có thể tổ chức các chương trình có ý nghĩa tuyên truyền, mang dấu ấn của vùng đất, con người nơi ấy, để tạo sự gần gũi, thân thuộc.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên có thể liên kết với các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ,… để tổ chức các chương trình, hoạt động, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.