Trong khuôn khổ tuần lễ kỷ niệm, nhiều vở kịch nói nổi tiếng, được khán giả yêu mến cũng sẽ được công diễn trong dịp này như: "Người tốt nhà số 5" (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn)- Nhà hát Kịch Việt Nam; Nhà hát Tuổi trẻ vở "Ai là thủ phạm" (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung); Sân khấu Lucteam vở "Bạch đàn liễu" (tác giả: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực); Nhà hát kịch Hà Nội vở "Phải có ba đồng" (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng).
Trích đoạn vở kịch Vũ Như Tô được công diễn trong tuần lễ kỷ niệm |
Theo đó, điểm nhấn của chương trình lễ kỷ niệm được tổ chức vào ngày 21/10. Trong khuôn khổ hoạt động, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ công diễn vở "Chén thuốc độc" (tác giả: Vũ Đình Long, đạo diễn: Bùi Như Lai). Từng được ra mắt lần đầu vào ngày 21/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở kịch “Chén thuốc độc” của cố tác giả Vũ Đình Long là vở diễn khởi đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày 21/10, Thứ trưởng Văn hóa, thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Kể từ khi vở kịch nói “Chén thuốc độc” của nhà văn, nhà viết kịch Vũ Đình Long ra mắt tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây 100 năm, đã tạo bước ngoặt lịch sử cho nền sân khấu Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu việc Việt hóa loại hình nghệ thuật tiếp nhận từ văn hóa phương tây, qua quá trình phát triển đã tiếp thu một cách chọn lọc, đầy sáng tạo để hình thành nên kịch nói Việt Nam - loại hình sân khấu vừa hiện đại vừa mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, giúp sân khấu Việt Nam cân đối về thể loại, phong phú về nội dung phản ánh, hiện đại về nghệ thuật diễn tả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của bản thân sân khấu, nhu cầu thưởng thức của khán giả và nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Vở kịch "Chén thuốc độc" là câu chuyện của gia đình thầy Thông Thu - một gia đình tư sản Âu hóa. Trước cám dỗ của xã hội thành thị thực dân, các thành viên trong gia đình thầy Thông Thu đều xoáy sâu vào những “tệ nạn xã hội” đương thời. Nền nếp gia đình đảo lộn, nợ nần chồng chất, trước cơn bĩ cực thầy Thông Thu tìm cách giải thoát bằng “Chén thuốc độc”. Vở kịch “Chén thuốc độc” không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà thông qua đó còn phê phán, cảnh tỉnh lối sống Âu hóa, ăn chơi hưởng lạc, lãng quên trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội...
Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển"; Gala "Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức.