Vu Lan còn được gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Việt Nam, Trung Hoa.
Ngày Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ truyền thuyết Tôn giả Mục Kiền Liên - một trong hai đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích Ca cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Theo truyền thuyết này, khi Mục Kiền Liên tu luyện thành công, đạt được chính quả, ông đã dung phép thần thông tìm kiếm người mẹ đã mất của mình là bà Thanh Đề. Trong quá trình tìm kiếm, ông phát hiện ra rằng mẹ mình đã bị đày xuống địa ngục và phải chịu đựng những nỗi đau khổ, đói khát vì những nghiệp ác bà gây ra khi còn sống.
Đau lòng trước tình cảnh của mẹ, với tấm lòng hiếu thảo, Mục Kiều Liên đã mang cơm đến cho mẹ mong bà vơi đi cảnh đói khát. Nhưng mẹ của ông vì phải trả giá cho những nghiệp ác của mình, nên khi thức ăn vừa đưa lên miệng bà thì bất ngờ biến thành lửa đỏ.
Tranh phật giáo Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ. |
Mục Kiền Liên cầu cứu Đức Phật Thích Ca. Đức Phật chỉ dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Theo lời dạy của Đức Phật, Mục Kiền Liên đã thực hiện lễ cúng Tam Bảo, cúng dường tất cả các phương Tăng, bao gồm cúng Phật, cúng Pháp và cúng Tăng. Nhờ sự cúng dường này, bà Thanh Đề đã được giải thoát khỏi cuộc sống đau khổ và được cứu thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Đức Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng thực hiện theo cách này. Ngày Lễ Vu Lan đã ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.
Từ truyền thuyết cảm động về Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, Lễ Vu Lan đã trở thành dịp để con cháu tưởng nhớ công ơn và thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và tổ tiên. Đó là lý do vào mùa Vu Lan của Phật giáo, các Phật tử thường cầu siêu cho những người đã qua khuất, đồng thời hướng thiện, tích đức, cầu mong đấng sinh thành được gia tăng phúc, thọ và giải trừ những nghiệp chướng.
Con cháu tưởng nhớ công ơn và thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và tổ tiên. |
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, Lễ Vu Lan còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở mỗi người về cội nguồn dân tộc, truyền thống hiếu đạo, tôn kính tổ tiên. Ngày lễ vì thế càng trở nên nhân văn khi thể hiện được lòng hiếu kính và tinh thần đền ơn đáp nghĩa của người Việt
Trong tín ngưỡng Phật giáo và phong tục Việt Nam, Lễ Vu Lan hàng năm diễn ra nhiều nghi lễ trang trọng, từ cỗ cúng tại gia đến các hoạt động ý nghĩa ở các ngôi chùa.