Toàn cảnh về khủng hoảng Bất động sản Evergrande.

(PLM) -   Từng là niềm tự hào quốc gia, được công nhận là doanh nghiệp bất động sản có giá trị bậc nhất toàn cầu. Thế nhưng trong những tháng gần đây, tập đoàn Evergrande ( Tên Trung Quốc: Hằng Đại) đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng xuất phát từ nợ quá hạn. Tổng số nợ phải trả lên đến 300 tỉ USD đã khiến EverGrande trở thành tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới.
Toàn cảnh về khủng hoảng Bất động sản Evergrande.

Chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Capital Economics, ông Mark Williams, nhận định với CNBC: “Sự sụp đổ của Evergrande có thể sẽ là bài kiểm tra lớn nhất mà hệ thống tài chính của Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm trở lại đây”.

“Bom nợ” khổng lồ:

Những năm gần đây, Evergrande dần lún sâu vào nợ nần vì liên tục vay mượn để chi trả và bù đắp cho tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Trong nửa đầu năm nay, hoạt động kinh doanh phát triển bất động sản của Evergrande bị lỗ khoảng 620 triệu USD và mảng xe điện lỗ khoảng 740 triệu USD.

Hiện tập đoàn Trung Quốc đang phải “oằn mình” gánh khoản nợ là 300 tỉ USD, số nợ cụ thể như sau:

110 tỉ USD nợ trái phiếu, lãi ngân hàng; 190 tỉ USD nợ khách mua nhà và nhà thầu, các nghĩa vụ thuế; 232 tỉ USD nợ cần trả năm 2021.Theo số liệu được công bố, hiện tập đoàn Evergrande chỉ còn 24 tỉ USD tiền mặt.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến Evergrande lâm vào cuộc khủng hoảng. Song, lý do chính của cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu từ khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt tín dụng 2 đầu, năm 2020 Bắc Kinh đã áp đặt các quy định mới nhằm kiểm soát tổng dư nợ tín dụng của các đại công ty đầu tư bất động sản khiến Evergrande phải bán vội, bán rẻ những bất động sản của mình nhằm có được những khoản thu đủ lớn, đủ nhanh để duy trì sự tồn tại.

Những khoản tín dụng dự kiến vay thêm bị phanh lại, khiến nhiều dự án dang dở không cách nào hoàn thiện được. Nhiều khoản nợ đáo hạn cũng vì thế mà không thể thanh toán được khiến chỉ số uy tín tài chính của công ty giảm mạnh, trái phiếu của công ty cũng bị nhiều hãng đánh giá quốc tế hạ điểm liên tục.sự hạ nhiệt của thị trường Bất động sản.

EverGrande trở thành tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới.

EverGrande trở thành tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới.

Khả năng tự giải cứu của tập đoàn Evergrande?

Nhiều nhà phân tích cho rằng số nợ 300 tỉ USD của tập đoàn này sẽ gây ra cuộc khủng hoảng lớn cả trong và ngoài Trung Quốc và sớm muộn Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ tìm ra cách thích hợp để giải cứu công ty này vượt qua "bão" nợ.

Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến trái chiều. Ông Hồ Tích Tiến - Tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) đã nêu quan điểm "Evergrande không nên trông chờ sự giải cứu của nhà nước, thay vì vậy hãy tự cứu lấy mình."

Nếu Evergrande muốn giải quyết khó khăn, cách tốt nhất thậm chí duy nhất chỉ còn là bán nhanh tài sản nhà ở thương mại. Các khu nhà ở thương mại của Evergrande luôn được đánh giá là chất lượng cao và có môi trường sống hiện đại. Hiện Evergrande có 778 dự án chưa hoàn thành, đã giảm giá 25-30% nhưng vẫn chưa bán hết.

Ngày 29/9, Evergrande thông báo sẽ bán cổ phần trị giá 1,5 tỷ USD của một ngân hàng nhằm huy động vốn để thanh toán các khoản lãi trái phiếu đến hạn phải trả. Đây được xem là động thái bán tháo cổ phần đầu tiên của Evergrande trong bối cảnh tập đoàn này đang nỗ lực đáp ứng nghĩa vụ tài chính của mình.

Thông báo của Evergrande nêu rõ đã nhất trí bán 1,7 tỷ cổ phiếu trong Ngân hàng Shengjing (tương đương 19,93% cổ phần) với giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,55 tỷ USD) cho Tập đoàn đầu tư tài chính Shenyang Shengjing - một doanh nghiệp nhà nước liên quan tới quản lý vốn và tài sản.

Những tác động tiêu cực – ai sẽ bị ảnh hưởng nếu EverGrande hoàn toàn sụp đổ?

Uy tín của EverGrande cũng như ông chủ Hứa Gia Ấn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quyết định đầu tư vào sản xuất ôtô điện của ông Hứa Gia Ấn là một sai lầm. “Đây là một công ty kỳ lạ. Họ đổ rất nhiều tiền đầu tư nhưng chẳng sản xuất được gì. Họ lao vào một ngành công nghiệp khó nhằn mà không hề có kiến thức gì cả”- Bloomberg phỏng vấn ông Bill Russo, CEO tư vấn Automobility ở Thượng Hải.

Ông Hứa Gia Ấn - Chủ tịch tập đoàn Evergrande.

Ông Hứa Gia Ấn - Chủ tịch tập đoàn Evergrande.

Phất lên nhanh chóng và xuống dốc thảm hại, nếu EverGrande sụp đổ chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường Trung Quốc nhất là trên phương diện tâm lý, niềm tin.

Được biết, doanh thu của tập đoàn Evergrande chiếm 3-4% cả thị trường, tổng nợ 313 tỷ USD chỉ chiếm 6.5% tổng nợ phải trả của lĩnh vực bất động sản, hơn nữa hệ thống tài chính của Trung Quốc chịu sự kiểm soát khá mạnh từ nhà nước. Bởi vậy, nếu EverGrande có sụp đổ thì cũng khó có thể tác động nghiêm trọng đến thị trường Bất động sản hay Tài chính Trung Quốc cũng như toàn cầu.

Tập đoàn Evergrande nói rằng nếu công ty này mất khả năng trả nợ, sẽ xảy ra một tình huống gọi là “vỡ nợ chéo” – trong đó việc vỡ nợ đối với một nghĩa vụ nợ sẽ loang sang các nghĩa vụ nợ khác, dẫn tới ảnh hưởng lan rộng. Ngành ngân hàng sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên “hứng đòn”. Thiệt hại nặng nề nhất là những người mua nhà và các nhà đầu tư trái phiếu, bên cạnh đó các cổ đông của tập đoàn có thể sẽ trắng tay sau khi số nợ trên được xử lý hết...