Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội trong tuần qua

(PLM) -  Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội vừa có thông tin về công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tuần 2/2022. 
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội trong tuần qua

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 13/01/2022 đến 18h ngày 14/01/2022 tại Hà Nội là 2.993 ca bệnh. Bệnh nhân phân bố tại 475 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (197); Bắc Từ Liêm (194); Long Biên (189); Đống Đa (184); Hoàng Mai (180); Nam Từ Liêm (178). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 85.577 ca.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Về công tác khai báo y tế, theo dõi truy vết, ngày 13/1/2022 có 896 người khai báo tình hình ho sốt khó thở, trong đó: 283 người khai báo ho sốt qua tokhaiyte, 613 người khai báo ho sốt qua PC-Covid; Số smartphone có cài đặt PC-Covid trên tổng số smartphone đến 18h00 ngày 13/1/2022: 4.096.189/6.685.289 (tỷ lệ 61,27%). Tổng số địa điểm quét mã QR đến hết ngày 13/1/2022: 770.421, số địa điểm quét QR tạo mới trong ngày 13/1/2022: 489, trung bình 7 ngày 519.

Theo thông tin từ Tổng đài 102, từ ngày 10/01/2022 đến ngày 14/01/2022, tổng đài đã tiếp nhận 2.002 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 1.586 cuộc, đạt 79,22%. Đã giải đáp/xử lý/tư vấn 1.550 cuộc, chuyển các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 36 cuộc; Tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động (đối với nhánh 3) là 23.072 cuộc; Số người được tư vấn, chăm sóc (F0) là 15.858 người.

Lũy kế từ ngày 20/8/2021 đến nay, tổng đài 102 đã tiếp nhận 58.212 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 43.374 cuộc, đạt 74,51%. Đã giải đáp/xử lý/tư vấn 40.587 cuộc, chuyển các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 2.787 cuộc. Tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động (đối với nhánh 3) là 99.956 cuộc, trong đó số người được tư vấn, chăm sóc (F0) là 64.994 người.

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 10/01/2022 đến ngày 14/01/2022, Sở đã tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về phòng, chống dịch trên Tổng đài 1022 (nhánh 4), tài khoản Zalo “Sở Thông tin Truyền thông thành phố Hà Nội” và ứng dụng PC-Covid: 5.659 cuộc gọi, tin nhắn, trong đó đã xử lý 5.620 phản ánh, chuyển các quận, huyện, thị xã 39 phản ánh.

Lũy kế từ ngày 22/7/2021 đến nay đã tiếp nhận 239.986 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó, xử lý 232.790 phản ánh, chuyển quận, huyện, thị xã 7.196 phản ánh.

Về công tác an sinh xã hội, tính đến ngày 14/01/2022, toàn Thành phố đã quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,51 triệu lượt đối tượng khó khăn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí 6.826,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đảm bảo chi theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 2.293,5 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 4.094,8 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 438,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn ngân sách Công đoàn để chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tổ chức thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu, ủng hộ “Quỹ vắc-xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” Thành phố… với số tiền: 107 tỷ 226,852 triệu đồng (tăng 2 tỷ 994 triệu đồng) cho 180.734 đoàn viên, NLĐ (tăng 2.191 người) và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ An toàn Covid-19”.

Trong một tuần qua, các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành xử lý 204 vụ vi phạm công tác phòng, chống dịch, phạt thành tiền 317.250.000 đồng.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về phòng, chống dịch thành phố năm 2022 nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lan rộng trên địa bàn thành phố.

Trong đó, 100% UBND các cấp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sát với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế-dân số... nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.