Tiếp vụ tranh chấp liên quan giao dịch ngay tình ở Thạch Thất (Hà Nội): Có “vi phạm điều kiện chuyển nhượng” như nhận định trong Quyết định kháng nghị?

(PLM) -  Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, TAND tối cao cho rằng, “trong khi đất đang có tranh chấp và vẫn trong quá trình giải quyết khiếu nại nhưng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thạch Thất, Hà Nội lại cập nhật đăng ký biến động sang tên thửa đất là vi phạm về điều kiện chuyển nhượng”. Nhưng có thể thấy, diễn biến thực tế vụ việc lại có phần khác so với nhận định trên.
Khu đất xảy ra tranh chấp
Khu đất xảy ra tranh chấp

Bị kiện đòi đất sau 11 năm được cấp Sổ đỏ

Như PLVN đã thông tin, năm 2018, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Minh và bà Kiều Nguyệt Nga nhận chuyển nhượng 2 thửa đất của bà Nguyễn Thị Vinh (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào các năm 2008 và 2017) tại xã Kim Quan (huyện Thạch Thất). Sau đó, vợ chồng ông Minh đã được Sở TN&MT Hà Nội gộp thửa và cấp GCNQSDĐ thửa số 280, tờ bản đồ số 17, thôn 8 xã Kim Quan, diện tích 1.648m2 (847 m2 đất ở và 801 m2 ).

Đến tháng 4/2019 thì bà Đỗ Thị Trà (SN 1932; thím dâu bà Vinh) đã khởi kiện bà Vinh ra Tòa, yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đất thửa đất vợ chồng ông Minh đã đứng tên vì cho rằng đây là phần đất do chồng bà Trà (ông Thi) được chính quyền trả lại sau khi sửa sai trong cải cách ruộng đất và được đứng tên trên Sổ mục kê năm 1964.

Cùng với đó, bà Trà yêu cầu Tòa hủy GCNQSDĐ đứng tên bà Vinh, hủy GCNQSDĐ mới cấp đứng tên vợ chồng ông Minh, hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Vinh và vợ chồng ông Minh; buộc những người đang quản lý đất phải trả lại toàn bộ đất cho bà Trà.

Không đồng ý với yêu cầu trên, bị đơn (bà Vinh) cho rằng, bố bà là ông Mưu (anh trai ông Thi) mới là người được chính quyền trả lại đất 1956, chứ không phải ông Thi. Quyền sử dụng đất của bố mẹ bà đã được thể hiện trong kê khai lý lịch đảng của ông Mưu và phần “Cước chú” trong Sổ mục kê năm 1964. Năm 2006, gia đình bà đã lập “Biên bản họp gia đình về việc chia thừa kế”, với sự tham dự làm chứng của ông Thi (chồng bà Trà) và một số cán bộ xã, ghi nhận việc bà Vinh được thừa kế quyền sử dụng 2 thửa đất hiện đang tranh chấp. Từ những tài liệu này, bà Vinh đã kê khai và được UBND huyện cấp GCNQSDĐ.

Ngoài việc trực tiếp đóng thuế đất, quá trình sử dụng vào năm 2012, bà Vinh đã thuê chính con trai của ông Thi và bà Trà san lấp, làm tường bao phần đất trên nhưng cả ông Thi, bà Trà đều không có ý kiến gì. Sau khi ông Thi mất và bà Vinh chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Minh thì bà Trà mới khởi kiện đòi quyền sử dụng phần đất trên.

Xét xử sơ thẩm vụ kiện, TAND TP Hà Nội đã chấp nhận các yêu cầu của bà Trà, trong đó có việc công nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn và tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bị đơn (bà Vinh) và vợ chồng ông Minh (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan).

Xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có phán quyết ngược lại khi “bác” toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trà, công nhận 2 GCNQSDĐ đứng tên bà Vinh do cho rằng việc bị đơn sử dụng đất liên tục từ trước đến nay là phù hợp với kê khai trong lý lịch đảng của ông Mưu (bố bà Vinh), phù hợp với phần ghi tại Sổ mục kê năm 1964, phù hợp với thừa nhận của ông Thi (chồng bà Trà) trong “Biên bản họp gia đình về việc chia thừa kế” năm 2006.

Đất có tranh chấp từ thời điểm nào?

Những tưởng quyền lợi của mình đã được đảm bảo vì việc nhận chuyển nhượng đất là ngay tình, vợ chồng ông Minh lại bất ngờ nhận được kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2024/KN-DS (26/2/2024) của Chánh án TAND Tối cao, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội (tức là hủy hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất giữa bà Vinh và vợ chồng ông Minh).

Trong đơn đề nghị Chánh án TAND Tối cao rút kháng nghị nêu trên, vợ chồng ông Minh cho rằng mình đã nhận chuyển nhượng đất khi đất đã có GCNQSDĐ đất là giao dịch ngay tình nên không thể coi bị vô hiệu.

Một số Luật sư cũng cho rằng, việc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội cấp GCNQSDĐ mới cho vợ chồng ông Minh vào tháng 2/2019 là đúng quy định vì lúc đó, không cơ quan có thẩm quyền nào gửi văn bản đến Sở này hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cho biết đất có tranh chấp; đề nghị tạm dừng thủ tục sang tên.

Luật sư Hoàng Văn Tùng (VPLS Trung Hòa, Đoàn LS Hà Nội) cho biết, Quyết định kháng nghị của TANDTC có đề cập tới việc, “ngày 24/9/2018, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thạch Thất có Công văn giải quyết khiếu nại việc cấp GCNQSDĐ cho bà Vinh”, từ đó cho rằng đất có tranh chấp tại thời điểm Sở TN&MT cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Minh. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ kiện không có tài liệu trên, mà ngày 24/9/2018 chỉ có Công văn số 1859/UBND-TN&MT của UBND huyện Thạch Thất “trả lời đơn của bà Đỗ Thi Trà và ông Nguyễn Văn Chi”.

Công văn số 1859/UBND-TN&MT trên không thể hiện việc giải quyết tranh chấp đất đai, hoặc khiếu nại về việc cấp GCNQSDĐ mà chỉ có nội dung trả lời đơn của bà Trà, ông Chi đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Vinh đối với thửa 621 do ông Thi để lại (đơn bà Trà không đề cập đến thửa đất số 129 mà bà Vinh đã được cấp GCNQSDĐ năm 2017 và chuyển nhượng cho vợ chồng ông Minh năm 2018).

Tại văn bản trên, UBND huyện Thạch Thất cho biết, “việc cấp GCNQSĐ cho bà Vinh năm 2008 đối với thửa 145 (thửa 621 cũ) là đúng quy định. Nếu có phát sinh tranh chấp, đề nghị các bên gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết”

Theo Luật sư Tùng thì công văn trên chỉ đề cập tới 1 trong 2 thửa đất mà bà Vinh chuyển nhượng cho vợ chồng ông Minh . Đồng thời, nội dung, hình thức văn bản đều không thể hiện việc UBND huyện Thạch Thất giải quyết tranh chấp đất hay giải quyết khiếu nại việc cấp GCNQSDĐ như nhận định tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Cũng theo Quyết định kháng nghị thì vào các ngày 1/3/2019, 5/3/2019 và ngày 12/3/2019, UBND Kim Quan đã tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai giữa bà Trà và bà Vinh.

Đánh giá về tình tiết này, LS Tùng cho hay, cho đến tháng 4/2019, TAND TP Hà Nội mới thụ lý đơn khởi kiện “yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất” của bà Trà. Như vậy, vào thời điểm Sở TN&MT Hà Nội cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Minh ngày 12/2/2019 thì giữa bà Trà và bà Vinh chưa xuất hiện tranh chấp đất (tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất). Diễn biến này phù hợp với việc, Sở TN&MT TP Hà Nội đã không nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền nào cho biết đất có tranh chấp.

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT thì trường hợp này không thuộc trường hợp từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp GCNQSDĐ vì cơ quan cấp GCNQSDĐ không nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai cho biết đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai của bà Trà.

Như vậy, có thể thấy việc Sở TN&MT TP Hà Nội tiến hành các thủ tục đăng ký, gộp thửa sang tên cho vợ chồng ông Minh là đúng quy định chứ không vi phạm về điều kiện chuyển nhượng, cấp GCNQSDĐ. Đồng nghĩa với việc, dù việc tranh chấp đất giữa bà Trà và bà Vinh ra sao thì giao dịch nhận chuyển nhượng đất của vợ chồng ông Minh từ bà Vinh cần được công nhận để đảm bảo quyền lợi của người thứ 3 giao dịch ngay tình theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 (trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu).

PV.

Cùng chuyên mục