Thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa cho các start-up về công nghệ

(PLM) - Trong những nghiên cứu mới đây từ PwC Việt Nam và các đơn vị tư vấn, hiệp hội chuyên ngành thì Proptech được đánh giá là một thị trường mở, nhiều tiềm năng, thu hút được sự quan tâm lớn của các tổ chức, quỹ đầu tư…
Người dùng tìm kiếm, tra cứu thông tin quy hoạch trên các nền tảng Proptech
Người dùng tìm kiếm, tra cứu thông tin quy hoạch trên các nền tảng Proptech

Chuyển đổi số bất động sản tại Việt Nam còn chậm

Nhận định về khả năng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ nói chung tại Việt Nam, bà Khuất Kiều Trang - Chuyên viên đầu tư tại KK Fund (Quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu như Blockchain, Proptech, Fintech…) chia sẻ: “Từ việc so sánh với các nhóm ngành truyền thống, chúng ta thấy được Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để cho các Tech startup phát triển trong thời gian tới. Khi có làn sóng Blockchain, Việt Nam đã được chú ý hơn rất nhiều về Tech Talent. Vì vậy, ngày càng có nhiều hơn các chương trình đổ về. Đồng thời, các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản…cũng dành nhiều sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.”

Trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trở thành “cuộc đua sống còn” của doanh nghiệp Việt thì lĩnh vực bất động sản cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nhất là khi, ở Việt Nam, quy mô ngành bất động sảnđược dự báo sẽ tăng trưởng 6 lần, đạt 1.232 tỷ USD, tỷ trọng ngành trên GDP cũng được kỳ vọng tăng và đạt mức 13,6% vào năm 2030 (Nguồn: Hiệp hội Bất động sản Việt Nam).Trong khi đó, một số báo cáo đánh giá nhận định: Để thúc đẩy cho thị trường bất động sản có thể thanh khoản hiệu quả thì chi phí của các chủ đầu tư cho hoạt động này trung bình là 15% và có thể lên tới 25% tùy từng thời điểm, tức tới năm 2030 sẽ khoảng 246,4 tỷ đô. Đây chính là cơ hội kiếm tiền cho các Proptech trực tiếp tham gia ứng dụng công nghệ vào việc giảm khoản chi phí hỗ trợ cho giao dịch bất động sản này. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số cho ngành bất động sản nhằm khai thác và gia tăng giá trị cho ngành cũng như giúp cho Chính phủ, Nhà nước thực hiện việc quy hoạch và quản lý sự phát triển ngành là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Nhìn chung, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản (Proptech) ở Việt Nam đang trong giai đoạn 2.0 và dần chuyển mình sang 3.0, chậm hơn so với tốc độ chung trên thế giới và các nước phát triển. Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi như các chính sách của Nhà nước, sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và đô thị hóa, nguồn vốn FDI…thì Proptech vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần khắc phục như: Sự hiểu biết về ứng dụng công nghệ số trong ngành còn hạn chế; Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghệ cho lĩnh vực bất động sản vẫn chưa rõ ràng và đủ lớn; Tư duy đổi mới sáng tạo chưa phổ biến khiến “cái mới” khó được nhìn nhận đúng, đầy đủ, khách quan và nhận được sự ủng hộ cần thiết từ thị trường cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó dễ sinh ra tâm lý ngại chuyển đổi số của các doanh nghiệp kinh doanh, các nhà môi giới bất động sản và khách hàng.

Cũng giống như cách các nền tảng thương mại điện tử trong giao dịch hàng hóa hoặc Uber/Grab định hình lại thị trường “gọi xe” tại Việt Nam thì không thể phủ nhận vai trò của Proptech trong việc sẽ sớm tái định hình các hoạt động và dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững ngành bất động sản.

Theo JLL và Tech in Asia, năm 2021, các start-up Proptech tại Việt Nam đã gọi được hơn 40 triệu USD. Nửa đầu năm 2022, thị trường cũng ghi nhận thêm 2 startup gọi vốn thành công. Việc thu hút vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD phần nào minh chứng cho tính khả thi của mô hình Proptech tại Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ đầu tư so với nhu cầu phát triển thực sự của mô hình Proptech Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé. Cần phải có nguồn vốn đầu tư tối thiểu 400 triệu đô (9,400 tỷ VNĐ- chỉ chiếm 0.03% so với giá trị thị trường vào năm 2030) mỗi năm mới có thể tương xứng với tiềm năng của thị trường. Để thực sự tạo ra cú hích lớn, một cuộc cách mạng cho ngành Bất động sản, các Start-up trong lĩnh vực Proptech Việt Nam còn cần nhiều nguồn lực lớn hơn, sự đầu tư và hỗ trợ bài bản, đa dạng hơn.

Đột phá sản phẩm sẽ tăng sức hút đầu tư

Nắm bắt được nhu cầu và tiềm năng của thị trường, trong những năm gần đây, đã có không ít các công ty start-up về Proptech được thành lập tại Việt Nam. Cùng với đó là việc ra đời nhiều sản phẩm, giải pháp nhằm giải quyết được các “nỗi đau” của ngành bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu như PwC Việt Nam…thì hiện vẫn còn thiếu nhà cung cấp hệ thống giải pháp một cách toàn diện. Nói cách khác là rất cần một hệ sinh thái công nghệ bất động sản đầy đủ.

Nằm trong hệ sinh thái Proptech Việt Nam, Meey Land được nhắc đến với vai trò tiên phong chuyển đổi số nhằm tăng tính thanh khoản, khai thác tối đa công năng sử dụng bất động sản, góp phần khẳng định trí tuệ Việt – thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, Meey Land đã cho ra mắt nhiều ứng dụng công nghệ được ghi dấu thông qua những giải thưởng danh giá trong lĩnh vực công nghệ như: Sao Khuê, Vietnam Digital Awards, Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam….

Bản đồ thị trường Proptech được xây dựng bởi các chuyên gia Meey Land

Bản đồ thị trường Proptech được xây dựng bởi các chuyên gia Meey Land

Trao đổi làm rõ thêm về hoạt động của doanh nghiệp, ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land chia sẻ: “Đội ngũ nhân sự của Meey Land luôn tuân thủ nguyên tắc lấy sản phẩm công nghệ làm trọng tâm phát triển doanh nghiệp. Hệ sinh thái Công nghệ - Tài chính bất động sản Meey Land rất đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên biệt. Bên cạnh đó, Meey Land luôn cập nhật những công nghệ mới nhằm cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng của sản phẩm.

Tất cả các ứng dụng của Meey Land đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường. Theo số liệu nghiên cứu, tổng hợp từ PwC Việt Nam, trong năm 2021 mảng nhà môi giới bất động sản trên nền tảng công nghệ được rót vốn đầu tư nhiều nhất trong các phân khúc, đạt khoảng 53 triệu USD. Từ đó, chúng ta có thể thấy mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với mảng này là rất lớn. Dự đoán đúng nhu cầu thị trường, Meey Land đã cho ra mắt Meey CRM - Ứng dụng quản lý nhu cầu khách hàng dành riêng cho nhà môi giới bất động sản vào tháng 6/2021 và bước đầu nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Tầm nhìn của Meey CRM là trở thành nhà cung cấp dịch vụ “sàn giao dịch bất động sản trên không gian số” dành cho các sàn giao dịch bất động sản truyền thống và chủ đầu tư. Một công cụ đắc lực giúp cho nhà môi giới quản lý thông tin bất động sản, kết nối với khách hàng và các nhà môi giới khác. Tôi cho rằng việc dự đoán thị trường, nắm bắt thời cơ là vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp và Meey Land đã phần nào làm tốt điều đó.

Dựa vào nghiên cứu, đánh giá của PwC Việt Nam và một số trang tham khảo chuyên ngành, các chuyên gia của Công ty chúng tôi đề xuất bản Proptech Market Map (Bản đồ thị trường công nghệ bất động sản). Trong đó, các sản phẩm thuộc Hệ sinh thái Meey Land đang đóng góp không nhỏ vào bức tranh toàn diện của thị trường. Ví dụ, ở hạng mục Social Network (Mạng xã hội) có Meey Share, Meey TV, Meey Project, Meey Chat; hạng mục Listing (Niêm yết)meeyland.com; hạng mục Digital Broker (Nhà môi giới kỹ thuật số) có Meey CRM, Meey Ads….Mong muốn của Meey Land không chỉ dừng lại ở việc gia tăng giá trị cho ngành mà còn phối hợp, đầu tư với các đơn vị khác xây dựng, phát triển thị trường Proptech, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số chung của đất nước. Bản đồ đang trong quá trình xây dựng, có thể chưa hoàn chỉnh nên rất cần sự tham gia góp ý để liên tục cập nhật trong thời gian tới”.

Giờ đây, công nghệ đã trở thành yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt, nếu doanh nghiệp làm chủ được công nghệ thì sẽ có cơ hội bứt phá và làm chủ thị trường trong nước cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Với nhiều chính sách hỗ trợ và tiềm năng sẵn có, Proptech chắc chắn sẽ có những bước đi nhanh, vững chãi hơn nữa trong tương lai.