Thành phố Cao Bằng kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh/thành bạn thông qua Quốc lộ 3 là Cao Bằng - Bắc Cạn - Thái Nguyên), Quốc lộ 4 là Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh... đặc biệt Thành phố là điểm khởi đầu của ba tuyến du lịch khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nơi chứa đựng nhiều di sản địa chất, địa mạo cổ sinh, di sản văn hóa đậm đà bản sắc, tiêu biểu là danh thắng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình), các Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), Khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Chiến dịch Biên giới 1950 (Thạch An)…
Thành phố Cao Bằng hôm nay đang mang một diện mạo mới, hướng tới một đô thị phát triển hài hòa, đáng sống, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Phố đi bộ Kim Đồng – nhộn nhịp ngày mơ cửa trở lại
Ngày 8/4/2022, sau rất nhiều mong chờ của du khách và người dân địa phương, phố đi bộ Kim Đồng (phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng) đã chính thức mở của trở lại. Ngay trong buổi tối đầu tiên đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng thức nét văn hóa đặc sắc và ẩm thực riêng có của TP nơi miền Đông Bắc Tổ quốc.
.Người dân trong không gian phố đi bộ Kim Đồng ngày đầu mở cửa |
Là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 520 năm (1499-2019) thành lập tỉnh Cao Bằng, phố đi bộ Kim Đồng được đầu tư cải tạo với tổng kinh phí các hạng mục hơn 32 tỉ đồng. Không gian phố đi bộ trải rộng trên diện tích hơn 2 ha, với trục chính là phố Kim Đồng, dài hơn 600 m. Từ 19 giờ đến 23 giờ các ngày thứ sáu và thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, tại phố đi bộ diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ đường phố phục vụ du khách. Một điểm nhấn của phố đi bộ là khu chợ ẩm thực và hàng lưu niệm với các gian hàng phục vụ ăn uống, bán đồ lưu niệm, đặc sản Cao Bằng, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Người dân tham gia hoạt động đọc sách trong không gian phố đi bộ Kim Đồng |
Chị Thu Huyền, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: sau những tháng ngày căng thẳng vì dịch bệnh thì Cao Bằng là lựa chọn của đại gia đình chị trong dịp nghỉ Lễ giỗ tổ 10/3 âm lịch năm nay. Có mặt tại phố Kim Đồng ngay trong ngày đầu mở của trở lại, chị rất vui khi được tham quan, mua sắm các sản vật của cả tỉnh Cao Bằng đã hội tụ về đây như thạch đen của huyện Thạch An; gạo nếp Pì pất - xã Hưng Đạo; các loại măng rừng; lạp xường, thịt hun khói, miến dong….
Còn chồng chị Huyền và các con thì lại rất thích thú khi được hòa mình vào các hoạt động giao lưu văn hóa, các trò chơi dân gian truyền thống như đi cà kheo, nhảy dây, nhảy sạp… mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho cả chuyến đi.
Người dân xem triển lãm ảnh trong không gian phố đi bộ Kim Đồng |
Phó Chủ tịch UBND TP Cao Bằng Vũ Văn Đệ cho biết: Chính thức hoạt động trở lại sau 1 năm tạm dừng do dịch COVID-19, phố đi bộ Kim Đồng được kỳ vọng sẽ là không gian vui chơi an toàn cho người dân và khách du lịch dịp cuối tuần.
Cũng theo ông Đệ, để mở lại phố đi bộ Kim Đồng, UBND thành phố đã triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát lại tổng thể các hệ thống cơ sở vật chất như: hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng trang trí, hệ thống loa, khu vực trưng bày hoa, cây cảnh, đảm bảo tổ chức các trò chơi, các hoạt động văn nghệ, an ninh trật tự. Đồng thời rà soát lại đội ngũ nhân sự phục vụ cho các hoạt động trong đó bao gồm tổ văn nghệ, tổ trò chơi, công tác an ninh trật tự. Thành phố đã tiến hành sửa chữa, chỉnh trang lại toàn bộ các hệ thống hạ tầng để đảm bảo phố đi bộ Kim Đồng thực sự “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Người dân chơi trò chơi dân gian trong không gian phố đi bộ Kim Đồng |
Đặc biệt, đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhằm tránh lây lan dịch bệnh, thành phố tập trung tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, truyền thông đại chúng để nâng cao ý thức của người dân thực hiện tốt thông điệp 5K khi tham gia không gian phố đi bộ Kim Đồng với phương châm “Không đeo khẩu trang không vào phố đi bộ”. Cùng với đó, UBND phường Hợp Giang cũng tăng cường lực lượng kiểm tra nhắc nhở các trường hợp không chấp hành và kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính nếu cố tình vi phạm các quy định vệ phòng chống dịch bệnh.
Cùng với việc cả nước mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, UBND thành phố Cao Bằng cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động của phố đi bộ Kim Đồng trong năm 2022, nhằm thu hút khách thập phương. Trong đó, thành phố tập trung vào các hoạt động mới mang dấu ấn văn hóa địa phương, gắn các hoạt động với kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển thành phố Cao Bằng.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
TP Cao Bằng cuốn hút du khách không chỉ bới vẻ đẹp, thơ mộng của một thành phố trẻ miền biên viễn Đông Bắc mà còn rất nhiều điểm đến để du khách có những trải nghiệm không quên.
Vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến trẩy hội Đền Kỳ Sầm nằm ở Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, cách trung tâm Thành phố Cao Bằng khoảng 5 km. Lễ hội Đền Kỳ Sầm là một trong các lễ hội lớn của tỉnh Cao Bằng.
Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao (1025 - 1055), người dân tộc Tày, một người có tài thao lược, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giữ nước thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI). Ông được vua phong tước Thái Bảo, được lưu danh trong lịch sử, là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Sau khi ông mất, Vua lại sắc phong Khâu Sầm Đại Vương và cho lập đền thờ. Đền Kỳ Sầm được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993.
Đặc sản của Cao Bằng |
Cách trung tâm TP Cao Bằng khoảng 6 km, du khách sẽ có dịp đến thăm Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại làng Nà Toàn, phường Đề Thám. Đây là địa điểm gắn liền với thời niên thiếu của đồng chí Hoàng Đình Giong - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng.
Khu tưởng niệm được xây dựng trên một khu đất rộng 1.500m2 với các hạng mục, như: khuôn viên, tượng đài chiến sĩ Hoàng Đình Giong, nhà lưu niệm là nơi bảo tồn, lưu giữ những kỷ vật quý báu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của chiến sĩ Hoàng Đình Giong.
Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1926 cho đến lúc hy sinh (năm 1947), người chiến sĩ cộng sản Hoàng Đình Giong đã lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng: Bí thư Chi bộ hải ngoại Long Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I) phụ trách xứ ủy Bắc Kỳ, Chính ủy Quân giải phóng Nam bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 6, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu 9. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Đình Giong gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc, đất nước. Năm 1998, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nghiêu Sơn Lĩnh cũng là một điểm đến thu hút du khách khi đến TP. Đây là một ngọn núi cao có phong cảnh hữu tình nằm tại hữu ngạn dòng sông Bằng hiền hòa thuộc ba xã Hồng Việt, Hoàng Tung, Bế Triều. Từ núi Nghiêu Sơn Lĩnh có thể nhìn thấy toàn cảnh thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh.
Đây không chỉ là vùng sơn cước với cảnh sắc sơn thủy hữu tình mà còn là nơi gắn liền với lịch sử của vùng đất Cao Bằng Trước đây Nghiêu Sơn Lĩnh là chiến trường của nghĩa quân Bế Khắc Thiệu chống lại 50.000 quân Minh. Nghiêu Sơn Lĩnh có 2 đỉnh núi là Khau Thước và Khau Khiêu. Lọt thỏm giữa hai ngọn núi này là tòa thành Nà Lữ và những triền dốc cực hiểm trở. Hiện nay, Nghiêu Sơn Lĩnh chỉ còn một đoạn thành rộng 15m chạy dài quanh chân núi.
Du khách đến với TP Cao Bằng chắc chắn sẽ thích thú với ẩm thực riêng có của miền biên viến như vịt quay, lạp xường, thịt lợn hun khói, thịt bò khô, phở chua, bánh cuốn; áp chao…rồi rau rừng, các loại rượu ngô hạ thổ, rượu nho rừng, rượu ong, rượu thuốc … Chắc không du khách nào có thể thờ ơ trước các sản phẩm địa phương như miến dong đen; mật ong rừng; lạp xường; măng khô; măng ớp; mộc nhĩ; nấm hương; chè sạch; thịt lợn hun khói, thịt bò khô; bánh khảo rồi cácđồ dùng chế biến từ trúc vừa đẹp vừa mang hơi thở thiên nhiên như chiếu; bàn; ghế; chén; đũa …, các sản phẩm thổ cẩm…
Hãy xách ba lô lên và đi thôi. TP Cao Bằng xinh đẹp và nên thơ, con người ấm áp, mộc mạc và chân tình đang chờ đón bạn.