Thanh Hóa: Triệt xóa ổ nhóm "tín dụng đen"

(PLM) - Ngày 18/11, Công an huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thông tin đã phá chuyên án, triệt xóa ổ nhóm tội phạm hoạt động "tín dụng đen" phức tạp trên địa bàn các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc do Trịnh Anh Xuân, sinh năm 1987 ở thị trấn Hậu Lộc cầm đầu.
Các đối tượng bị bắt giữ (Ảnh Báo Công an Nhân dân).
Các đối tượng bị bắt giữ (Ảnh Báo Công an Nhân dân).

Hiện, cơ quan CSĐT Công an huyện Hậu Lộc đã bắt giữ 6 đối tượng trong ổ nhóm tội phạm này gồm: Trịnh Anh Xuân; Trương Minh Đăng (sinh năm 1992 ở thị trấn Hậu Lộc); Trần Cao Hải sinh năm 1985; Trần Văn Cấp sinh năm 1986 cùng trú tại xã Minh Lộc; Lê Ngọc Nam sinh năm 1987 và Phạm Văn Dũng sinh năm 1986 đều ở xã Tiến Lộc. Đây đều là các đối tượng hình sự chuyên cho vay nặng lãi và chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Vào tháng 5/2020, các đối tượng trên đã cùng nhau góp vốn mở cửa hàng mua bán xe ô tô và tư vấn tài chính, cầm cố tài sản tại xã Triệu Lộc (sau đó chuyển văn phòng về thị trấn Hậu Lộc) nhưng thực chất là để "núp bóng" hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng.

Với phương thức hoạt động khi cho vay, Trịnh Anh Xuân yêu cầu người vay phải viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận bằng hình thức tín chấp để người vay ký nhận hoặc điểm chỉ, sau đó các đối tượng dùng điện thoại di động chụp ảnh lưu lại để khi người vay không trả nợ đúng hạn, bọn chúng sẽ đăng tải lên mạng xã hội nhằm hạ uy tín hoặc uy hiếp gia đình, người thân của người vay.

Với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày tương đương với 194%, Trịnh Anh Xuân đã cho nhiều cá nhân trên địa bàn các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc vay tiền qua đó thu lợi bất chính với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Công an huyện Hậu Lộc đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, mặc dù năm qua, toàn quốc đã phát hiện 1.772 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố 573 vụ, 1.336 bị can trong đó có cả các đối tượng là người nước ngoài. Tuy nhiên, loại tội phạm này vẫn có những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, gây ra không ít khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...”.

Điều 201 – Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định trường hợp cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất 20%/năm (tức là trên 100%/năm) và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Trao đổi trên Báo điện tử VOV, Luật sư Đỗ Minh Hiển – Văn phòng luật sư JVN cho biết: “Đối với khoản tiền người phạm tội cho vay (tiền gốc), được xác định là phương tiện phạm tội, bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Đối với khoản tiền lãi tương ứng với 20%/năm cũng bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người vay tiền được xác định là có một phần lỗi khi tham gia giao dịch trái pháp luật, cho nên số tiền lãi người vay tiền phải trả không được coi là tài sản bị chiếm đoạt. Do đó, người vay tiền tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự ( không phải là người bị hại)”.

Cùng chuyên mục