Số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng mạnh trong tuần qua

(PLM) - Trong tuần qua, thành phố Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh khi liên tiếp ghi nhận hơn 200 ca dương tính mỗi ngày. 
Số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng mạnh trong tuần qua

Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 26/11, thành phố ghi nhận 264 ca dương tính với Covid-19 thuộc 13 chùm ca bệnh, ổ dịch, chủ yếu phát hiện qua sàng lọc ho sốt và ho sốt thứ phát, trong đó có 130 ca cộng đồng, 111 ca trong khu cách ly, 23 ca trong khu phong tỏa.

Như vậy, đây là ngày thứ 9 liên tiếp, Hà Nội ghi nhận hơn 200 ca dương tính. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 9096 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 3.456 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.640 ca.

Trong tuần qua, Hà Nội liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng. Ảnh: Internet.

Trong tuần qua, Hà Nội liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng. Ảnh: Internet.

Trong tuần qua, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận 802 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 604 cuộc, đạt 75.31%; giải đáp/xử lý/tư vấn 549 cuộc, chuyển các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 55 cuộc (từ ngày 20/8/2021 đến 12h ngày 26/11/2021 đã tiếp nhận 42.057 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 30.618 cuộc, đạt 72,80%. Đã giải đáp/xử lý/tư vấn 28.316 cuộc, chuyển các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xử lý theo thẩm quyền 2.302 cuộc).

Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về phòng, chống dịch trên Tổng đài 1022 (nhánh 4), tài khoản Zalo “Sở Thông tin Truyền thông thành phố Hà Nội” và ứng dụng PC-Covid: 5.808 cuộc gọi, tin nhắn, trong đó đã xử lý 5.748 phản ánh, chuyển các quận, huyện, thị xã 60 phản ánh. Lũy kế từ ngày 22/7/2021 đến ngày 26/11/2021 đã tiếp nhận 195.737 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó, xử lý 189.153 phản ánh, chuyển các quận, huyện, thị xã 6.584 phản ánh.

Về công tác An sinh xã hội, tính đến ngày 25/11/2021, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt và sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở với quyết tâm giúp người dân sớm được thụ hưởng chính sách, chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,073 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 5.908,1 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 5.504,7 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 403,4 tỷ đồng). Đã thực hiện hỗ trợ cho trên 5,033 triệu lượt đối tượng với kinh phí 5.837 tỷ đồng.

Tính đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố đã thực hiện cho 10.388 lao động vay vốn với số tiền 500 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch giải ngân cho người lao động trên địa bàn Thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định số 4026/QĐ-UBND.

Trong tuần qua, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch, với 176 vụ, phạt thành tiền 513.570.000 đồng. Trong đó có 140 vụ không đeo khẩu trang nơi công cộng; 1 vụ không giữ khoảng cách khi tiếp xúc; 5 vụ vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định; 09 vụ không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19; xử phạt 21 vụ hành vi khác.

Trước đó, để ứng phó với dịch COVID-19, UBND TP Hà Nội đã ban hành phương án về đáp ứng thu dung điều trị "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội" với 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 là 10.000 ca mắc, giai đoạn 2 là 40.000 ca mắc và giai đoạn 3 là 100.000 ca.