Bộ sách giáo khoa Cánh Diều với triết lí xuyên suốt là “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống” thể hiện rõ tinh thần dạy học hướng đến phát triển năng lực cho người học, “học” gắn liền với “hành”. Sau khi ra đời, bộ sách được đón nhận ở các tỉnh thành trên cả nước.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự vui mừng vì kết quả học tập của học sinh vượt mức mong đợi sau khi sử dụng bộ sách giáo khoa Cánh Diều.
Ông Trần Anh Tuấn (phụ huynh học sinh lớp 1D trường Tiểu học Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Khi theo dõi thông tin trên mạng về sách giáo khoa Tiếng Việt Cánh Diều có “sạn”, tôi và một số phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng. Phụ huynh chúng tôi đã gặp gỡ cô giáo trực tiếp giảng dạy, hóa ra sự thật không phải chỉ bộ sách Cánh Diều mới có "sạn". Tuy nhiên, với các lỗi sai, NXB đã đính chính, sửa lại cho hợp lý hơn. Điều kì lạ là, con tôi học đâu biết đấy, không chỉ Tiếng Việt mà các môn khác như Toán, Tiếng Anh, Tự nhiên và Xã hội vv…
Thấy con học tấn tới, nhất là tiếng Việt đọc thông viết thạo, tôi và gia đình an tâm vô cùng. Sơ kết học kì I, nhà trường mời tất cả 145 phụ huynh lớp 1 chúng tôi tham gia dự một tiết dạy của cô giáo, sau đó, đối thoại, trao đổi với nhà trường. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến này của trường Tiểu học Sơn Tây và bày tỏ lòng biết ơn thầy cô, tin tưởng vào chất lượng bộ sách Cánh Diều”.
Đồng quan điểm, chị Trần Thị Hương Thơm (phụ huynh học sinh lớp 1B, trường Tiểu học Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) hết sức vui mừng vì sau khi sơ kết học kì, cả 9 môn con chị đều hoàn thành và hoàn thành tốt. Các kĩ năng ngôn ngữ, tính toán, thẩm mỹ, thể chất đều phát triển theo hướng tích cực.
“Tôi đánh giá cao chương trình, vì chỉ sau một học kì, con tôi tự tin, tự chủ, khác hẳn với khi học mẫu giáo nhút nhát. Lên lớp 1, tôi quan sát thấy con tôi hòa nhập, hợp tác với bạn. Những buổi ở nhà, tôi thấy cháu tự giác học và chủ động trong sinh hoạt cá nhân mà không chờ mẹ nhắc nhở nữa. Vì vậy, tôi đánh giá cao chương trình GDPT 2018. Còn về sách Cánh Diều, tôi mong muốn con tôi tiếp tục được học bộ sách của NXB này khi lên lớp 2” - chị Thơm nói.
Chị Minh Trang, có con học lớp 1 trường Tiểu học Núi Voi, TP Thái Nguyên, cho biết : “ Nội dung SGK Cánh Diều rất dễ hiểu, phù hợp với nhận thức các cháu. Hình thức trình bày của bộ sách đẹp, bắt mắt. Vợ chồng chị không quá mất công sức để kèm cặp con vào buổi tối mà con trai chị vẫn tiếp thu bài nhanh”.
Còn anh Bùi Tiến Hoàng, làm việc tại bệnh viện Gang Thép ( TP Thái Nguyên) phấn khởi : “Lâu nay tôi ít chú ý đến việc dạy bảo con học. Nhưng khi cầm cuốn SGK Tiếng Việt và Toán lên, quả thực tôi thấy thích thú. Việc dạy bảo kèm cặp con trẻ không quá khó như tôi và mọi người thường nghĩ... Các bé thích học bộ sách này cũng đúng thôi”.
"Hai năm tới, cậu con trai thứ hai vào lớp 1, tôi muốn cháu được học tiếp bộ sách Cánh Diều. Vì các cháu nhanh biết đọc biết viết. Và điều quan trọng nhất là các cháu có hứng thú, không bị "sợ học" khi đến trường và khi ngồi làm bài tập." - Anh Bùi Tiến Hoàng chia sẻ thêm.
Sở dĩ bộ sách Cánh Diều được đánh giá cao như vậy là nhờ ngay từ khâu biên soạn các tác giả đã chú ý đẩy mạnh những vấn đề mà phụ huynh nêu trên.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cho biết, sách ngoài việc tập trung phát triển những năng lực đặc thù cho học sinh thì còn chú trọng đẩy mạnh năng lực ngôn ngữ cùng 4 kỹ năng gồm: đọc, viết, nói, nghe. Ngoài ra, sách cũng giúp phát triển những năng lực chung như tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
“Nếu nhìn vào sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều thì sẽ thấy sự kế thừa SGK hiện hành nhiều, do đó tin chắc rằng các thầy cô đang dạy lớp 1 hiện nay khi sử dụng bộ sách có thể dạy được ngay. Thậm chí rất ít cần tập huấn bởi tính kế thừa”, GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều. |
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, điểm phát triển của SGK Tiếng Việt lớp 1 “Cánh Diều” là chủ trương dạy theo nhóm nét chữ cho học sinh dễ học.
“Khác với chương trình hiện hành ngay từ đầu đã dạy những chữ quá khó, ví dụ, chữ e, chữ b,… Chương trình mới sẽ dạy theo nét chữ. Bắt đầu chữ a, c từ những nét cong hở, rồi đến o, ô, ơ, d, đ,… có nét cong kín.
Điểm mới thứ hai là ngay từ đầu, chúng tôi đã tận dụng những chữ mà học sinh đã học được để tạo nên những bài đọc từ 6-7 tiếng đến 20 tiếng và cuối học kỳ 1 là 30 tiếng.
Điểm mới thứ ba là có những bài chính tả ngay từ những tuần thứ 27 và học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe thông qua kể chuyện.
Đặc biệt, ở phần luyện tập tổng hợp vào 9 tuần cuối cùng, mỗi tuần sẽ thiết kế có 2 tiết tự đọc để giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, hình thành nếp đọc sách và năng lực tự học của học sinh. Ở phần luyện tập tổng hợp, mỗi tuần cũng được dành 1 tiết gọi là góc sáng tạo để học sinh có thể vận dụng những điều đã học được vào làm những sản phẩm như bưu thiếp, sưu tầm những hình ảnh về thiên nhiên…” - GS. Nguyễn Minh Thuyết nói thêm.
Về việc tạo hứng thú cho học sinh, GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng, ngay từ những giờ đầu tiên, học sinh đã phải tập đọc nhưng sách được thiết kế kết hợp chữ với hình để các em dễ tiếp thu, tránh tâm lý “sợ”.