Quảng Trị: Đảo Cồn Cỏ hướng đến điểm du lịch hấp dẫn

(PLM) - Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ với nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái biển đảo. Những năm qua, để phát huy thế mạnh sẵn có, huyện đảo Cồn Cỏ đã xác định cơ cấu kinh tế trọng tâm là du lịch – dịch vụ - thủy sản. Hướng đến điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng Trị đang được Cồn Cỏ dồn sức thực hiện.
Quảng Trị: Đảo Cồn Cỏ hướng đến điểm du lịch hấp dẫn

Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung.

Do được được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa nên đảo có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát... Cồn Cỏ có lợi thế với nhiều loại hình du lịch sinh thái và văn hóa, như: Nghỉ dưỡng, câu cá giải trí và bắt hải sản, ẩm thực, tắm biến, lặn biển, du thuyền, du ngoạn xuyên rừng, thăm các di sản núi lửa bazan, các di tích lịch sử…

Cách đây 5 năm, từ năm 2017, huyện đã triển khai đề án mở tuyến du lịch ra đảo. Lượng du khách đến đảo (giai đoạn 2017-2021) trung bình hàng năm chiếm 103,95%, tăng cao so với giai đoạn trước, doanh thu từ du lịch, dịch vụ ước đạt khoảng 21,6 tỷ đồng. Dù năm qua dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến du lịch của cả nước nhưng lượng khách du lịch đến với Cồn Cỏ vẫn đạt trên 80% kế hoạch cả năm của huyện. Điều này càng khẳng định sức hút ngày càng lớn của hòn đảo này.

Cột cờ Tổ Quốc

Cột cờ Tổ Quốc

Cồn Cỏ cách Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 17 hải lý. Chỉ mất 50 phút ngồi tàu cao tốc, du khách đã đặt chân lên Cồn Cỏ. Được kiến tạo từ ngọn núi lửa cổ giữa biển khơi triệu năm về trước, Cồn Cỏ như là một bảo tàng tự nhiên hiếm có. Hòn đảo này hiện được phủ xanh phần lớn diện tích bởi rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú. Đáy biển Cồn Cỏ có đến 109 loài san hô, nhiều loại quý hiếm, nhất là san hô đỏ và san hô đen; ngoài ra còn có hơn 50 loài rong biển có giá trị cao.

Với diện tích khoảng 2,3 km2, trong đó hơn 70% là diện tích rừng nguyên sinh, đảo Cồn Cỏ là một số ít nơi đây tại Việt Nam còn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Bởi vậy, một trong những trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến thăm Cồn Cỏ là thăm quan rừng nguyên sinh giữa biển khơi, tận hưởng bầu không khí trong lành và khám phá hệ động, thực vật phong phú trên đảo.

Lễ chào cờ dưới chân cột cờ Tổ Quốc tại đảo Cồn Cỏ
Lễ chào cờ dưới chân cột cờ Tổ Quốc tại đảo Cồn Cỏ

Nổi tiếng là hòn đảo thép trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ hấp dẫn với du khách là các điểm tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng như: Nhà truyền thống đảo Cồn Cỏ, nơi lưu giữ kỷ vật tái hiện lịch sử hào hùng của quân và dân huyện đảo, dâng hương tại Đài tưởng niệm tôn vinh những người lính anh dũng đã hy sinh để bảo vệ biển đảo Tổ Quốc, hay ghé thăm nhiều điểm thăm quan hấp dẫn như: Cột cờ Tổ Quốc, ngọn Hải Đăng đảo Cồn Cỏ, Bến Nghè, Bến Tranh, hầm Quân y tự nhiên thời kháng chiến chống Mỹ, Đài quan sát Thái Văn A...

Du khách đến Cồn Cỏ rất thích thú với các tour khám phá, tham quan dã ngoại rừng nguyên sinh Cồn Cỏ, ngắm toàn cảnh đảo Cồn Cỏ từ ngọn Hải Đăng trên đỉnh đồi 63 cao nhất đảo, tham quan Công viên cây xanh…cùng với nhiều loại hình du lịch biển kết hợp du lịch sinh thái trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.Thời gian đến du lịch ở đảo Cồn Cỏ thích hợp nhất là mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, trong đó tháng 5, 6 và 7 là thời điểm thời tiết sóng lặng biển êm.

Ngọn Hải Đăng ở Đảo Cồn Cỏ
Ngọn Hải Đăng ở Đảo Cồn Cỏ

Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Võ Viết Cường rất trăn trở với các giải pháp để thực hiện mục tiêu đưa hòn đảo xinh đẹp này thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình thăm Quảng Trị của du khách. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn năm 2030, tỉnh Quảng Trị và huyện Cồn Cỏ thu hút các nhà đầu tư xây dựng các công trình trung hạn đã được phê duyệt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; trong đó, tập trung vào hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú đạt chuẩn. Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết phát triển du lịch, dịch vụ, hậu cần nghề cá... Đã có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến khảo sát đầu tư như: Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Mai; Công ty Du thuyền TP Hồ Chí Minh; Công ty xây lắp Công nghiệp Hà Nội; Nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhà tỷ phú Thái Lan, Tập đoàn FLC...

Cổng chào đảo Cồn Cỏ
Cổng chào đảo Cồn Cỏ

Để tạo điểm thuận lợi cho khách du lịch, huyện đã khuyến khích nhiều hộ dân trên đảo đầu tư xây dựng nhà nghỉ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách về chỗ ở. Đồng thời nâng cấp nhà hàng, địa điểm để phục vụ du khách tốt hơn. Hiện nay, trên đảo có 20 hộ dân với 80 nhân khẩu, những hộ này khi ra đảo đều được hưởng chế độ như: được cấp 1 ngôi nhà rộng 42 m2 trên nền đất 200 m2 và các hỗ trợ khác... Các hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến sinh sống lâu dài ở huyện đảo Cồn Cỏ, có các nghành nghề phù hợp với tình hình thực tế trên đảo như nghề ngư nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá, có khả năng nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ-du lịch, dịch vụ ăn uống, kinh doanh..., thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn chặt với đảm bảo an ninh nơi biển đảo.

Tàu cao tốc Cồn Cỏ
Tàu cao tốc Cồn Cỏ

Cồn Cỏ đặt ra mục tiêu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn, phấn đấu phát triển thành một đỉnh tam giác du lịch “Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ” của tỉnh Quảng Trị.

Một góc đảo Cồn Cỏ
Một góc đảo Cồn Cỏ

Mục tiêu cụ thể Cồn Cỏ phấn đấu là thu hút lượng khách du lịch bình quân tăng 25 - 30% khách/năm; đến 2025 lượng khách du lịch đến đảo 15.000 lượt khách/năm, đến năm 2030 đạt 25.000 lượt khách/năm. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ: Năm 2022: khoảng 8,4 tỷ đồng; Năm 2023: Khoảng 9,6 tỷ đồng; Năm 2024: Khoảng 10,8 tỷ đồng; Năm 2025: 12 tỷ đồng.

Tàu thuyền neo đậu tại đảo Cồn Cỏ
Tàu thuyền neo đậu tại đảo Cồn Cỏ

Theo ông Võ Viết Cường, để những con số trên sớm trở thành hiện thực, Cồn Cỏ sẽ tập trung vào một loạt các giải pháp. Trước hết đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ và cơ quan chuyên môn trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch. Tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện theo hướng hiện đại, an toàn, văn minh. Đồng thời huyện tiếp tục kiến nghị những chính sách thu hút đầu tư; chính sách xã hội hóa trong du lịch; xây dựng quy chế tổ chức quản lý các địa điểm du lịch, dịch vụ trên đảo. Kiến nghị có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Huyện sẽ đẩy mạnh kêu gọi, huy động hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; trong đó, ưu tiên cho hạ tầng du lịch, dịch vụ, dịch vụ (khách sạn từ 3 sao trở lên, khu nghỉ dưỡng, bãi tắm nhân tạo...) hậu cần nghề cá, thủy sản. Phấn đấu thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch trên địa bàn.

Đảo Cồn Cỏ có nhiều cảnh quan bờ biển đặc sắc
Đảo Cồn Cỏ có nhiều cảnh quan bờ biển đặc sắc

Huyện cũng xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới như phục hồi, khai thác bền vững con cua đá đảo Cồn Cỏ; nâng cao chất lượng, xây dựng một số sản phẩm mang thương hiệu Cồn Cỏ như: Nước mắm, cá khô, mực khô, thực phẩm sạch...

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Cồn Cỏ sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng thiết yếu, dịch vụ còn thiếu và hạn chế. Bên cạnh đó là việc đầu tư du lịch tại Cồn Cỏ luôn phải gắn với việc đảm bảo mục tiêu giữ vững quốc phòng – an ninh… Do vậy cùng với nỗ lực nội tại, Cồn Cỏ cần được các cấp, ngành trung ương và tỉnh quan tâm, ưu tiên dành nhiều nguồn lực hơn. Đó là xem xét vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, tập đoàn kinh tế đến đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo quy hoạch mà tỉnh đã phê duyệt.

Hy vọng, với những giải pháp và sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực của huyện, hòn đảo xinh đẹp này sẽ sớm trở thành một ‘thiên đường” du lịch ở khúc ruột miền Trung.