Tham dự buổi đối thoại, về phía UBND quận Hai Bà Trưng có ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng, cùng các lãnh đạo UBND phường Nguyễn Du, phòng, ban liên quan và các hộ dân.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ khó khăn với các hộ dân bị giải phóng mặt bằng, đồng thời khẳng định UBND thành phố Hà Nội và UBND quận Hai Bà Trưng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo tối đa quyền lợi của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi.
Liên quan việc triển khai dự án, vấn đề được các hộ dân quan tâm đặt câu hỏi gồm tính pháp lý của dự án và đặc biệt là phương án hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi.
Trước các ý kiến của công dân, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng đã trao đổi, làm rõ từng vấn đề người dân quan tâm. Đồng thời, đại diện UBND quận tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến kiến nghị của người dân để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đa số các hộ dân thắc mắc, kiến nghị về phương án hỗ trợ, bồi thường khi bị thu hồi đất thực hiện dự án |
Theo thông báo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, đến thời điểm hiện tại có 22/60 chủ sử dụng nhà, đất đã đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng. Có 07/60 trường hợp đã phối hợp cho đo đạc, kiểm đếm, xác định diện tích đất và tài sản trên đất. Còn 31/60 chủ sử dụng nhà, đất chưa phối hợp với Tổ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện đo đạc, kiểm đếm và có kiến nghị về chính sách bồi thường.
Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu được Liên Xô viện trợ, đầu tư xây dựng từ năm 1976. Đến nay mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Công trình nằm xen kẹt với khu đông dân cư, tường rào trụ sở liền kề với nhà dân, từ bên ngoài có thể quan sát được các hoạt động diễn ra bên trong trụ sở. Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước, lộ lọt thông tin triển khai các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an bên trong trụ sở là rất cao nếu không nằm độc lập, tách biệt với khu dân cư, ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Trong khi đó, trụ sở tại số 47 Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng vào năm 2010 nhưng phần lớn diện tích tại đây phải chuyển đổi công năng sử dụng để phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư nên không thể di chuyển trụ sở ra 47 Phạm Văn Đồng.
Do vậy, việc hiện đại hóa, đầu tư xây dựng, mở rộng trụ sở Bộ Công an số 44 Yết giữ vai trò là trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, điều hành toàn diện, mọi mặt công tác Công an, là biểu tượng sức mạnh chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Theo Thông báo của UBND quận Hai Bà Trưng, Dự án Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là dự án vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia, trong trường hợp hộ dân không đồng thuận, vẫn cố tình không chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng, sau khi đủ thời gian 180 ngày theo quy định (26/12/2023), UBND quận sẽ ban hành Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và tiến hành biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật đất đai năm 2013. Đồng thời theo quy định khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất các hộ dân sẽ phải di chuyển về quỹ nhà cưỡng chế tại Xuân Nộn, Đông Anh do Sở Xây dựng Hà Nội bố trí và các khoản tiền bồi thường chi phí di chuyển, thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sẽ không được áp dụng.