Áp lực chồng chất
Tham gia tích cực vào công cuộc chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Thị Thu – Trạm trưởng trạm Y tế phường Vĩnh Tuy chia sẻ nhiều tâm sự sau hành trình gần 3 năm chống dịch. Là nữ cán bộ y tế, lại là cán bộ tuyến đầu, bởi vậy những áp lực, vất vả mà chị phải trải qua là rất lớn.
Phường Vĩnh Tuy hiện nay ghi nhận mỗi ngày có khoảng 100 ca F0 mới. Có ngày cao điểm số F0 lên tới 300 – 400 ca. Chị Thu và đội ngũ cán bộ đã phải căng mình để ghi nhận thông tin bệnh nhân mới, thay phiên nhau hỗ trợ bệnh nhân về thuốc men, chỉ dẫn tự chăm sóc tại nhà,… Những bữa cơm nhà cứ thế ít dần, những cuộc vui gia đình cũng vì thế mà thiếu hẳn. Chị hiểu, dù có thể sẽ thiệt thòi hơn với những đứa con của mình nhưng cuộc chiến chống dịch sẽ tiến được thêm một bước, số lượng người bệnh được chăm sóc sẽ nhiều hơn. Niềm an ủi mà chị nhận được bù lại chính là tấm lòng người bệnh dành cho đội ngũ y bác sĩ. Sự thông cảm, thấu hiểu nỗi vất vả, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, sự chia sẻ của người dân khiến chị và nhiều cán bộ y tế thật sự ấm lòng. Điều đó khích lệ chị nhiều hơn trong cuộc chiến chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu thực hiện công tác tiêm chủng cho người dân |
“Khi mình làm việc mình luôn luôn hướng về người bệnh và tất thảy những cái sự mà niềm vui, niềm hạnh phúc của người bệnh chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình”, chị Thu tâm niệm.
Xác định vaccine là yếu tố cốt lõi, những cán bộ y tế tuyến đầu đã nỗ lực hết mình đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Chị Thu là một trong những bác sĩ tích cực trong chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Trong những ngày Tết, khi người người nhà nhà sum vầy bên những mâm cơm, bên những cuộc vui hạnh phúc thì bản thân chị lại phải xa gia đình, xa các con để thực hiện tiêm chủng cho người dân. Cuộc đoàn tụ của gia đình chỉ thông qua màn hình điện thoại. Những ca trực “4 tại chỗ” ngày Tết, chị chạnh lòng: “Bất cứ ai cũng vậy, cũng là con người và cũng đều mong muốn những niềm hạnh phúc riêng. Khi tất cả mọi người đón Tết ấm cúng bên gia đình, tôi cũng rất mong muốn niềm hạnh phúc ấy. Cuộc chiến này, chúng tôi đã phải gạt đi sự riêng tư, vì lợi ích chung để chống chọi lại đại dịch”.
“Chúng tôi cố gắng vào công tác tiêm chúng để hoàn thành một cách tốt nhất. Khi bước chân vào nghề tôi đã luôn luôn tâm niệm một điều rằng mình làm hết sức vì cộng đồng và tất cả mọi người. Người dân khoẻ mạnh đó chính là niềm vui của nghề chúng tôi”, chị chia sẻ.
Với chị Thu, mong ước đơn giản của chị lúc này là dịch bệnh sớm ngày được kiểm soát, để chị và các đồng nghiệp không còn những ngày tháng công tác 4 tại chỗ, để chị sớm ngày được đoàn tụ cùng các con, không khí mà lẽ ra ai cũng xứng đáng có được trong những ngày Tết. “Những ngày qua, điều tôi mong mỏi nhất là sớm được trở về cùng gia đình, đoàn tụ cùng các con. Những ngày qua, mẹ con chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại, nên nhìn những gia đình đang hạnh phúc sum vầy mà cũng rất chạnh lòng”.
Thấu hiểu, sẻ chia cùng lực lượng tuyến đầu
Là “điểm nóng” dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, phường Nhân Chính mỗi ngày ghi nhận khoảng 400 – 500 ca F0 mới. Trước tình hình dịch phức tạp, bác sĩ Nguyễn Đình Thăng, Trạm trưởng trạm Y tế phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân đã sử dụng chính số điện thoại cá nhân của mình làm đường dây nóng số 2.
Chỉ trong khoảng 30 phút, bác sĩ Thăng đã nhận được hàng chục cuộc gọi liên tiếp để hỗ trợ khai báo F0. “Đây là số điện thoại của cán bộ y tế hỗ trợ người dân các vấn đề dịch bệnh. Chị vui lòng đọc đầy đủ họ tên, năm sinh, tình hình sức khoẻ hiện tại, trong gia đình có bao nhiêu người và bệnh nền để chúng tôi hỗ trợ”, anh trả lời mỗi cuộc gọi như thế.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thăng mỗi ngày nhận được hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn của người bệnh |
Những cuộc gọi đến, anh một tay nghe điện thoại, một tay ghi chép, có những ngày số lượng cuộc gọi, tin nhắn đến số cá nhân lên tới hàng nghìn. Thỉnh thoảng, vì liên tục nghe điện thoại hỗ trợ bệnh nhân F0, lúc buông máy xuống, anh thở dốc và choáng váng. Nghỉ ngơi một lúc, anh lại tiếp tục tiếp nhận thông tin khai báo của những bệnh nhân.
Tình hình dịch bệnh phức tạp, anh cùng đội ngũ y bác sĩ tại đây phải túc trực thường xuyên để bám sát tình hình. Anh chia sẻ, thật may mắn vì các cán bộ làm việc tại đây đều chưa bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, có những nữ bác sĩ có gia đình, người nhà nhiễm bệnh, họ đành phải ở lại đơn vị để công tác. Với những nữ bác sĩ lập gia đình, điều đó thật sự là nỗi vất vả, khó khăn.
Không chỉ hỗ trợ bệnh nhân F0 những vấn đề chuyên môn như các dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc men cần chuẩn bị trong suốt quá trình điều trị, cách ly tại nhà, những bác sĩ tuyến đầu còn đảm nhận thâm nhiệm vụ là người tư vấn tâm lý, hỗ trợ tinh thần cho những bệnh nhân F0. Khi mắc bệnh, tâm lý hoang mang, lo lắng là điều mà ai cũng có, bởi vậy điều họ cần nhất lúc đó chính là sự thông cảm, hỗ trợ kịp thời để trấn an tinh thần bình tình xử lý. Tuy nhiên, có những thời điểm quá tải nhiều người đã không thể được hỗ trợ kịp thời nên dẫn đến tâm lý bức xúc, có những lời lẽ khiếm nhã đến lực lượng tuyến đầu.
“Thực ra nó cũng có rất nhiều các cuộc gọi nhỡ số đường dây nóng vì thường xuyên bận và cuộc gọi đến rất nhiều. Khi nhiều người gọi đến không được, họ mất bình tĩnh và có những lời nói không tốt về chúng tôi”, bác sĩ Thăng cho biết.
Không oán trách, những bác sĩ tuyến đầu ngược lại thêm phần thông cảm và thấu hiểu cho những bênh nhân của mình. Họ hiểu rằng, khi là F0, sự sợ hãi, lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Bác sĩ Thăng bày tỏ: “Trước áp lực đó, thật sự chúng tôi đã rất cố gắng. Tuy nhiên, ca bệnh vẫn ngày một tăng nhưng lực lượng y tế có hạn, chưa thể đáp ứng được ngay. Một số người chưa hiểu hoàn cảnh của chúng tôi và đang trong tâm lý lo lắng nên đã có những lời lẽ trách móc, thậm chí còn phản ánh lên cấp trên. Thật sự đó là những điều rất đáng tiếc và bản thân bác sĩ tuyến đầu cũng không mong muốn điều đó xảy ra”.
Nỗ lực hết mình, những y bác sĩ tuyến đầu đều hy sinh niềm vui riêng. Đi trực xuyên những ngày Tết để đảm bảo công tác tiêm chủng nhanh chóng, thời điểm ấy, bác sĩ Thăng cũng đã quên đi không khí ngày Tết truyền thống. Sáng mồng 2 Tết đi công tác trong tiết trời tạnh ráo, nắng đẹp, anh mới chợt nhớ ra rằng mình đang sống trong những ngày Tết cổ truyền của quê hương. Những nỗi lo lắng dịch bệnh, những cuộc gọi của F0 khiến người bác sĩ tuyến đầu quên đi hết những niềm vui riêng, ngay cả trong những ngày lễ lớn.
Phải đi làm không kể ngày nghỉ hay lễ Tết, bác sĩ Thăng chia sẻ cũng có những niềm vui riêng của nghề: “Những ngày đầu năm, tôi đi làm với tâm trạng thật sự thư thái nhất. Công tác tiêm chủng diễn ra thuận lợi, các cụ già, cháu nhỏ đều gửi lời chúc yêu thương đầu năm đến y bác sĩ. Đó thật sự là những thời khắc rất đẹp, những chi tiết đặc biệt trong công cuộc tiêm chủng này”.
Dù chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều những vất vả, đặc biệt với những người là các y bác sĩ trong lực lượng tuyến đầu, thế nhưng, tất cả đều vững một niềm tin rằng, chiến thắng đang ở gần ngay phía trước, ngày dịch bệnh bị đầy lùi sẽ không còn xa. “Đứng ở góc độ chuyên môn, là người trực tiếp tham gia ở tuyến cơ sở đầu, tôi tin rằng chúng ta đã gần đạt đến đích chiến thắng. Đây chính là thời khắc từ lúc để chúng ta phải vượt qua, có điều nó sẽ vô cùng vất vả”, bác sĩ Thăng nhận định.
Với bác sĩ Thu, chị cũng bày tỏ mong muốn được thấu hiểu và sẻ chia: “Ngành y tế đang làm hết sức mình, nhưng sức người cũng chỉ có giới hạn. Chúng tôi rất mong muốn mọi người cùng đồng lòng, cùng cùng hợp tác với ngành y tế để làm sao cho công cuộc chống dịch sớm ngày thành công”.
Bởi vậy mới thấy, anh hùng không chỉ xuất hiện khi có chiến tranh, anh hùng chính là những người đời thường xung quanh ta, những chiến sĩ áo trắng âm thầm ngày đêm đấu tranh chống dịch. Họ hy sinh hạnh phúc của mình, bỏ qua những lời khiếm nhã để tập trung cho công cuộc chống dịch, chăm lo sức khoẻ cho mọi nhà.