Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, nhớ về ông tổ nghề buôn Chử Đồng Tử

(PLM) -  Trong các thư tịch cổ của nước ta đều có ghi chép rõ về một trong Tứ bất tử của nước ta, Đức thánh Chử Đồng Tử. Ông là thương nhân đầu tiên của nước Việt và trong tâm thức của người Việt, ông là Thánh tổ của doanh thương, là vị thần linh bảo hộ nghề buôn bán.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, nhớ về ông tổ nghề buôn Chử Đồng Tử

Theo truyền thuyết địa phương, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Chàng trai nghèo họ Chử là kết quả cuộc nhân duyên giữa ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia. Vợ mất sớm, ông Chử Cù Vân ở vậy một mình nuôi con. Không may một lần bị hoả hoạn, hai cha con chỉ còn duy nhất một cái khố, mỗi khi có việc ra ngoài hai cha con phải thay nhau dùng. Chẳng bao lâu Chử Cù Vân bị bệnh nặng, trước khi qua đời, ông dặn Chử Đồng Tử : “Cha chết đi, con giữ cái khố lại mà che thân, cho thiên hạ khỏi chê cười”. Không đành lòng để cha chết trần, chàng vẫn chôn cha cùng với cái khố. Không có quần áo che thân, hằng ngày chàng ngâm mình dưới nước bắt cua, bắt cá để kiếm sống qua ngày.

Thuở ấy, vua Hùng thứ 18 có người con gái nhan sắc tuyệt trần, tên là Tiên Dung. Vào một ngày đẹp trời, thuyền của công chúa Tiên Dung dạo chơi dọc sông Hồng. Lúc đó, Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nhìn thấy từ xa đoàn thuyền dong buồm đi tới, sợ quá chàng liền chạy lên bờ nhằm khóm lau vùi mình xuống cát. Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai tỳ nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau, chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Trước người con gái có thân thể như ngọc như ngà, Chử Đồng Tử sợ hãi định chạy trốn. Ngẫm là chuyện trời định, Tiên Dung bình tĩnh nói: “Ta và chàng tình cờ gặp nhau ở đây, đều mình trần như thế này, âu cũng là nhân duyên do trời sắp đặt”. Liền đó, Tiên Dung truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền. Vua Hùng nghe tin con gái lấy kẻ nghèo hèn thì đùng đùng nổi giận không nhận là con nữa. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống một cuộc sống bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập. Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử. Họ cùng nhau đi khắp vùng Khoái Châu dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ…

Tượng Chử Đồng Tử ở Đền Dạ Trạch

Tượng Chử Đồng Tử ở Đền Dạ Trạch

Tông tích và hành trang của hai nhân vật này được văn bản hóa vào thế kỷ XV trong hai tác phẩm: Lĩnh Nam chích quái và Thiền Uyển tập anh dưới dạng một truyền thuyết về "Đầm một đêm/Nhất dạ trạch". Truyện kể rằng, sau khi kết hôn với Chử Đồng Tử, Tiên Dung không dám trở về vì nghe vua Hùng không thuận việc mình kết kẻ nghèo hèn làm chồng "bèn cùng Chử Đồng Tử mở bến chợ, lập phố xá cùng dân buôn bán, dần dần thành cái chợ lớn (nay là chợ Thám, còn gọi là chợ Hà Lương (Châu Giang, Hải Hưng), bản khác ghi là chợ Hà Trạch. Phú thương ngoại quốc tới buôn bán, thờ Tiên Dung, Đồng Tử làm chúa.

Cũng theo truyền thuyết, có kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với vua Hùng rằng: Vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, vua Hùng sai quan quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (đầm một đêm). Nơi Chử Đồng Tử vùi thân giấu mình nay thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Tương truyền sau khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung hóa (về trời), vua Hùng Duệ Vương đã đến chỗ con gái ở. Hối hận và thương con, nhà vua đã ban tước Chử Công cho Chử Đồng Tử và cho lập đền thờ.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở làng Chử Xá

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở làng Chử Xá

Phải chăng, nói theo ngôn ngữ hiện đại, từ thế kỷ III, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã thành lập một khu kinh tế mở hoạt động buôn bán làm ăn phát đạt. Cứ theo lịch sử mà tính thì doanh nhân đầu tiên của xứ ta có lẽ là vợ chồng Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung - con gái của vua Hùng đời thứ III.

Nội dung chính của thần tích về Chử Đồng Tử chính là việc phong thần cho một hình tượng doanh thương, mở đầu việc mở chợ buôn bán và nhờ doanh thương mà xây dựng được sự nghiệp từ một hoàn cảnh nghèo khổ đến không còn nổi một chiếc khố, phải xin ăn ở bến sông.

Câu chuyện của ông tổ nghề buôn nước ta Chử Đồng Tử, “tay trắng làm nên”, “cứu nhân độ thế” hy vọng sẽ hun đúc thêm tinh thần quyết tâm làm giàu, lòng nhân ái của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là định hướng mục tiêu cho những người con Việt Nam đang trên con đường khởi nghiệp, luôn nhớ về Đức tổ nhân ái, bao dung.