Trong năm học 2023-2024 tới đây, ba tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên trong SGK Cánh Diều sẽ được giảng dạy chính thức trên toàn quốc gồm: Truyện ký “Vào chùa gặp lại” (SGK Ngữ văn lớp 11, tập 2), Truyện ký “Chuyện ông Hoàng Cầm” (sách Văn bản đọc hiểu Ngữ văn lớp 11), bút ký “Nhà bác học của ruộng đồng” (SGK Tiếng Việt lớp 4, tập 1).
Chân dung nhà văn Minh Chuyên, người có 3 tác phẩm được giảng dạy trong SGK Cánh Diều. |
Trong đó, tác phẩm “Vào chùa gặp lại” và “Chuyện ông Hoàng Cầm” viết về chiến tranh và hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam; tác phẩm “Nhà bác học của ruộng đồng” viết về giáo sư nông học Lương Định Của, người trí thức đi theo cách mạng, đã dành cả cuộc đời nghiên cứu những giống lúa mới làm lợi cho người nông dân.
Nhà văn Minh Chuyên là người luôn đau đáu về chiến tranh và hậu quả của chiến tranh. Phần nhiều tác phẩm của ông là về đề tài này, với những trải nghiệm của người lính đã chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ trong 10 năm, chất văn của ông luôn mang đến góc nhìn nhân văn về người lính, việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗi đau của những nạn nhân của chất độc màu da cam. Mặt khác, với tư cách là một người làm báo, ông luôn muốn đưa những thông tin chân thật đến với độc giả của mình.
Minh Chuyên là tác giả của hơn 300 tác phẩm (gần 30 cuốn sách bút ký, tiểu thuyết, kịch bản văn học; 255 tập phim tài liệu…). Minh Chuyên viết nhiều thể loại, nhưng thể ký mới là thế mạnh của ông.
Khởi đầu từ bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” xôn xao dư luận cả nước, Minh Chuyên khẳng định hướng đi riêng với hàng loạt bút ký nổi tiếng, như: “Người lang thang không cô đơn”, “Di họa chiến tranh”, “Những linh hồn da cam”, “Người liệt sỹ có nửa linh hồn”, “Mười lần sinh tử”. Bút ký của ông là tư liệu sống, tố cáo tội ác chiến tranh với những di họa chiến tranh trong những người đang sống.
Những cuốn SGK được nhà văn Minh Chuyên dành tặng Đài PTTH Thái Bình. |
Minh Chuyên còn là tác giả biên kịch và đạo diễn nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình, như phim tài liệu “Ông cố vấn” (5 tập), “Huyền thoại tàu không số” (12 tập), “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía” (25 tập), “Bức thông điệp lịch sử” (52 tập), “Bất khuất Côn Đảo” (15 tập)… phát trên sóng truyền hình Quốc gia cũng chủ yếu tập trung vào đề tài “Chiến tranh cách mạng và hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh Việt Nam”. Nhờ những cống hiến cho văn học, ông đã nhận được hơn 60 giải thưởng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, ông đã xây dựng Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh, đây hiện nay có khoảng 2 vạn trang tài liệu, 600 tác phẩm văn học và điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như nỗi đau hậu chiến của bản thân ông và nhiều tác giả là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Hiện nay, mỗi ngày Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên đều có khách đến tham quan, mà nhiều nhất là giáo viên và học sinh các trường học của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.
Với việc có 3 tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong SGK, đã cho thấy tầm vóc của nhà văn Minh Chuyên. Lý do bởi những người làm SGK Cánh Diều rất tâm huyết khi biên soạn SGK; các tác giả được lựa chọn phải là người có chuyên môn cao, tác phẩm gây tiếng vang và nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn. Đặc biệt, tác phẩm của nhà văn Minh Chuyên đã mang được tư tưởng cốt lõi của bộ sách là “Mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học của cuộc sống”.
Mới đây, nhà văn Minh Chuyên được Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã tổ chức gặp mặt đại diện giáo viên Ngữ văn trung học giao lưu cùng tác giả Minh Chuyên. Tham gia hoạt động còn có các giáo sư, phó giáo sư là tác giả của bộ SGK Ngữ văn - Tiếng Việt Cánh Diều. Đồng thời, ông cũng được Đài Phát thanh và Truyền hình mời đến thăm, chia sẻ cảm xúc khi có 3 tác phẩm được lựa chọn giảng dạy trong SGK.