Cô giáo coi việc trường như việc nhà
25 năm trước, Cô Nguyễn Thị Khánh tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau đó, cô chọn ở lại thủ đô để tiếp tục với nghề gieo chữ. Ngôi trường nội trú - Hữu Nghị T78 là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng bắt đầu sự nghiệp của mình khi cô được đồng hành cùng những lứa học sinh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Những năm tháng ấy bộn bề khó khăn, lương giáo viên còn thấp, cơ sở vật chất của trường cũng nhiều thiếu thốn. Những học sinh đến lớp không đồng đều về lứa tuổi, thậm chí có những học sinh bằng hoặc hơn tuổi thầy, cô giáo. Khó khăn là vậy nhưng cô Khánh và đồng nghiệp chẳng hề nao núng tinh thần. Dạy ban ngày chưa đủ, tối đến các thầy cô tiếp tục lên lớp phụ đạo học sinh những bài chưa hiểu. Những hôm rét mướt, những lúc mưa phùn gió bấc, đường trơn trượt nhưng cô và trò ai nấy đều bền lòng vượt qua mọi gian nan.
( Cô Nguyễn Thị Khánh cùng các bạn học sinh T78 đang hăng say học nhóm) |
Nói về nghề, cô Khánh xúc động chia sẻ: “Có một công việc để cống hiến đã là một niềm hạnh phúc nhưng được làm việc và học tập cùng học sinh nó khiến mình trẻ lại thì lại còn hạnh phúc hơn nữa.”
Với đặc thù là trường Dân tộc nội trú, hầu hết các em học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đi lại không thuận tiện, cha mẹ bận mưu sinh thường ít quan tâm đến con em. Nên khi vào học tại trường Hữu Nghị T78, các em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trường (nhà trường hỗ trợ mọi kinh phí học tập, sinh hoạt, ăn uống hàng ngày). Thương các học trò mới 15-16 tuổi phải sống xa cha mẹ, trong công tác chủ nhiệm, chỉ đạo, cô Khánh luôn sát sao quan tâm, động viên từ việc học tập đến chỗ ăn, ở của các em; đồng thời dành thời gian gần gũi, động viên, hỏi han, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có phương pháp giáo dục tốt nhất. Cô Khánh xem việc của trường là việc của nhà mình. Cô dành thời gian buổi tối gần gũi, chuyện trò, động viên các em học sinh mới nhập học xa nhà. Hình ảnh một cô giáo dạy Văn với mái tóc sờn bạc luôn vui vẻ, nhẹ nhàng, tâm lý đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, giáo viên, nhân viên và hàng trăm học sinh trong trường.
Dạy học trò tri thức, học ở trò nghị lực vươn lên!
( Cô Khánh chụp ảnh cùng các cựu học sinh Hữu Nghị T78) |
Bạn Nguyễn Long Nhật, cựu học sinh trường Hữu Nghị T78, hiện tại đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Giang Thành, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi được cô Khánh chủ nhiệm, đối với tôi cô như người mẹ thứ hai vậy! Những năm học cấp ba cô lo cho chúng tôi từ việc học hành cho đến bát cơm, giấc ngủ. Thậm chí thời gian cô ở trường còn nhiều hơn cô ở nhà. Cô thương chúng tôi đi học xa nhà, thèm hơi ấm gia đình, nên thi thoảng đến cuối tuần cô sẽ dẫn cả lớp về nhà cô nấu cơm. Nếu không có cô Khánh động viên và nghiêm khắc dạy dỗ những năm tháng đó chắc tôi cũng không có ngày hôm nay.”
Trong suốt hơn hai chục năm dạy các bạn học sinh dân tộc miền núi từ thế hệ này sang thế hệ khác cô Khánh xúc động chia sẻ về cậu học trò nhỏ người dân tộc Hmông:“ Tên em ấy là Sùng Mí Say, quê Hà Giang. Hoàn cảnh gia đình cực kì khó khăn, bản thân vóc dáng nhỏ bé nhưng em truyền cho tôi nghị lực phi thường vượt lên số phận của em, em cho tôi thêm tình yêu người, nhiệt huyết với nghề, em cho tôi niềm hạnh phúc người thầy... và thật nhiều niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai rộng mở của các em học sinh dân tộc! Và em là một trong rất nhiều học trò của Trường Hữu Nghị T78 đã đi học rất xa để tương lai về gần !”
(Ảnh chụp tháng 9 năm 2017 khi em Sùng Mí Say đỗ Học viện Biên phòng được nhà trường mời về trường khen thưởng trong lễ khai giảng năm học mới.) |
Trên khắp đất nước Việt Nam, có biết bao thầy cô giáo ngày đêm tận tụy với nghề giống như cô Nguyễn Thị Khánh. Những công lao khó nhọc ấy không sao kể hết. Họ chính là người góp phần tạo nên những thế hệ tương lai đạo đức, giỏi giang để xây dựng Tổ quốc thân yêu. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin gửi đến quý thầy cô lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất. Kính chúc quý thầy cô luôn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc để luôn mang đến cho các thế hệ học sinh ngày càng nhiều bài học hay và bổ ích.