Những hệ lụy đáng buồn
Đằng sau nụ cười hồn nhiên, V.T.K – 16 tuổi đang phải gánh trên vai thiên chức làm mẹ và nỗi lo về cơm áo gạo tiền. Sau một thời gian quen nhau trên mạng, V. T. K và M.A.S quyết định về ở với nhau trên danh nghĩa vợ chồng. “Chúng em đến với nhau năm 15 tuổi, vẫn chưa có đám cưới vì cả hai chưa đủ tuổi. Khi mới lấy chồng về, đôi lúc em cũng cảm thấy tủi thân khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang tuổi học, tuổi chơi, còn mình phải lo việc gia đình, con cái.” – Cô ngậm ngùi chia sẻ.
V.T.K (16 tuổi) mang bầu được 6 tháng tuổi. |
Tới bản Mỹ Á, nhắc đến câu chuyện của G.T.N không ai không khỏi thương cảm. Lấy chồng khi 16 tuổi, đến nay Nhừ đã là mẹ 2 con. Không có bất kì sự hỗ trợ y tế nào, tự tay đỡ đẻ mà không cần sự trợ giúp của bác sỹ, đứa con đầu lòng của Nhừ đã mất ngay sau khi hạ sinh được 5 ngày tuổi.
S.T.D và đứa con đầu lòng 2 tuổi |
Theo chân trưởng thôn Mùa A Lâu đến thăm ngôi nhà sàn trên đỉnh thôn Mỹ Á, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, S.T.D vừa địu con vừa lo cơm trưa bồi hồi chia sẻ hoàn cảnh ngày cặm cụi trên nương rẫy, trưa về lại lo chuyện gia đình, con cái. Cưới chồng được 2 năm nhưng chủ yếu D gặp cảnh “vợ một nơi, chồng một nẻo” do chồng phải đi làm xa, trang trải kinh tế gia đình.
Những người mẹ mất con, những người đàn ông góa vợ,... danh sách các cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi và những câu chuyện đáng buồn vẫn đang tiếp tục nối dài.
Tảo hôn –tương lai mịt mờ, vô định cho người phụ nữ
Những dự định cho tương lai vẫn là điều mịt mờ, vô định, chỉ có niềm hy vọng duy nhất đều nằm ở người chồng, mong cầu kinh tế khá hơn để cuộc sống bớt khổ. S.T.D chia sẻ: “Mỗi khi 2 vợ chồng cãi nhau mình đều cảm thấy tiếc nuối vì đã quyết định lấy chồng sớm. Hiện tại mình chỉ ở nhà làm đồng áng và chăm 2 con. Bây giờ chỉ mong sớm có một cái nghề để không phụ thuộc vào nương rẫy, mưa nắng thất thường vất vả.”
Lấy chồng sớm, phụ nữ vùng cao ít có cơ hội tiếp tục việc học hành, cánh cửa tương lai trở nên hẹp hơn khi họ dần mất cơ hội phát triển, tiếp xúc với tri thức, tự làm chủ kinh tế. Cũng vì lí do đó, bản Mỹ Á nằm trong diện có tỷ lệ hộ nghèo lớn, gây khó khăn cho cân bằng phát triển kinh tế xã hội. Theo thống kê của trạm y tế xã Xuân Sơn – huyện Tân Sơn cho biết: Trong những năm gần đây, tỉ lệ bà mẹ sinh đẻ trong tuổi vị thành niên tăng cao, trong đó có 50% sinh con dị tật, trẻ tử vong 2%. Phụ nữ dưới 15 tuổi khi mang thai dễ dẫn đến nguy cơ tử vong, những đứa trẻ được sinh ra thường suy dinh dưỡng, thể trạng yếu ớt. Nhiều trẻ em gái mất đi cơ hội làm mẹ vì cơ thể phát triển không toàn diện.
Loay hoay giải bài toán tảo hôn tại Mỹ Á
Ông Mùa A Lâu – Trưởng bản thôn Mỹ Á |
Mặc dù nhà nước đã ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm tảo hôn nhưng thực trạng này vẫn đang tiếp diễn. Tại bản Mỹ Á, trưởng bản Mùa A Lâu cho biết “Tại bản, chúng tôi cho thành lập một đội gồm các trưởng, phó họ, làm biên bản hương ước, quy ước riêng, quy định nếu kết hôn khi chưa đủ tuổi sẽ phạt hành chính. Tuy nhiên, đi vào thực tế vẫn chưa có hiệu quả cao vì họ sẵn sàng nộp tiền.” Có thể thấy, chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa triệt để, mức phạt hành chính còn nhẹ chưa đủ sức răn đe.
Theo ghi nhận của Trưởng ban Dân tộc huyện Tân Sơn Nguyễn Thị Hồng Huệ, số liệu nạn tảo hôn vẫn tăng cao và thường không chính xác tuyệt đối do các cặp vợ chồng trẻ thường tự về sống với nhau, chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo luật. Việc quản lý, ngăn cản còn gặp nhiều bất cập khó khăn do hủ tục lâu đời, trình độ văn hóa nhận thức còn hạn chế.
(Tỷ lệ tảo hôn theo thống kê của Unicef) |
Trong những ngôi nhà sạn dựng tạm trên mặt đất, tương lai của những đứa trẻ ra đời từ cặp vợ chồng tảo hôn vẫn khiến chúng ta đặt nhiều dấu chấm hỏi, không ai biết trước đó là niềm hy vọng hay là một vòng luẩn quẩn không có hồi kết.
Bài toán về xóa bỏ nạn tảo hôn vẫn còn cần rất nhiều ở sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức liên quan bằng những hành động thiết thực chứ không phải chỉ nằm ở những trên văn bản, giấy tờ.