Loạn sản phế quản phổi ở trẻ em: Những kiến thức cần biết

(PLM) - Vừa qua, Trung tâm Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức Hội thảo trực tuyến “Loạn sản phế quản phổi ở trẻ em”. Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm từ gần 200 điểm cầu là các y, bác sĩ, nhân viên y tế đến từ hơn 40 bệnh viện thuộc hệ thống Nhi khoa trên khắp cả nước tham dự.
Loạn sản phế quản phổi ở trẻ em: Những kiến thức cần biết

Phát biểu tại buổi hội thảo, TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Loạn sản phế quản phổi thường gặp ở trẻ sinh non cần được hỗ trợ máy thở và liệu pháp oxy trong quá trình điều trị suy hô hấp cấp tính chiếm tỷ lệ từ 50-68%, tỉ lệ tử vong do loạn sản phế quản phổi trong năm đầu có thể lên đến 40%. Loạn sản phế quản phổi có thể để lại nhiều di chứng lâu dài ở nhiều cơ quan trên cơ thể trẻ. Do vậy, việc nâng cao, cập nhật kiến thức về loạn sản phế quản phổi cho trẻ trong giai đoạn sơ sinh và ngoài sơ sinh cho các cán bộ y tế là rất quan trọng.

Về chiến lược dự phòng loạn sản phế quản phổi ở trẻ đẻ non, ThS.BS Chu Lan Hương – Trưởng khoa Khám bệnh và Cấp cứu Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh nhấn mạnh cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thực hiện ở các giai đoạn trước sinh, tại phòng sinh và tại khoa Sơ sinh hoặc Hồi sức sơ sinh. Song song, cũng cần phải xây dựng chiến lược bảo vệ phổi, bao gồm sử dụng hỗ trợ không xâm lấn, cũng như rút ống nội khí quản sớm đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc bệnh BPD; tuy nhiên, tiên lượng lâu dài còn hạn chế do đó vẫn là một thách thức trong quản lý và gánh nặng ngày càng tăng đối với các hệ thống y tế.

Theo báo cáo của ThS.BS Hoàng Thị Thu Hằng – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi nêu rõ việc quản lý bệnh lý là cung cấp môi trường tối ưu để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi phát triển cho trẻ và phát hiện sớm các biến chứng thường gặp đối với trẻ mắc loạn sản phổi; đồng thời, xây dựng phương án điều trị hỗ trợ bệnh; thực hiện dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ngoại trú.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh Chi – Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, siêu âm tim là một kỹ thuật không xâm lấn và là công cụ hữu ích trong đánh giá và theo dõi điều trị, đánh giá mức độ nặng của tăng áp phổi trong bệnh lý loạn sản phế quản phổi ở trẻ em. Bên cạnh đó, siêu âm tim cũng là một thăm dò về mặt giải phẫu cũng như chức năng của thất phải, giúp cho các bác sĩ có thể can thiệp và tiên lượng điều trị một cách phù hợp.

Ngoài ra, dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và quản lý chứng loạn sản phế quản phổi. Vì thế, cần xác định được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ để ngăn ngừa tình trạng chậm phát triển sau sinh hoặc suy giảm tăng trưởng sau sinh của trẻ non tháng mắc chứng BPD.

Buổi hội thảo là cơ hội để các bác sĩ cập nhật những kiến thức mới, học hỏi các kinh nghiệm từ các đồng nghiệp từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh trẻ em. Đặc biệt còn mang lại nhiều thông tin hữu ích cho thực hành chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phổi ở trẻ em.