Ngữ liệu phản cảm: Biết rồi... nói mãi?
Tháng 11/2020, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (NXBGDVN) đã tự phát hiện ra lỗi và có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép sửa 37 lỗi SGK lớp 1. Trong đó, lỗi Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống nhiều hơn cả. Đó là lỗi vi phạm bản quyền (vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ), lỗi về ngữ liệu phản cảm, không có tính giáo dục, không phù hợp với độ tuổi và địa phương... Năm nay, đối chiếu với công văn xin sửa lỗi do chính ông Chủ tịch hội đồng thành viên Nguyễn Đức Thái cam kết, thì SGK lớp 1 của NXBGDVN chỉ sửa một số lỗi rất tượng trưng. Tức là công văn một đằng, việc thực hiện một nẻo. Rất tiếc việc Bộ GD&ĐT cũng không giám sát việc sửa lỗi của NXB, đã khiến cho học sinh trong toàn quốc khi học bộ sách này rơi vào tình trạng thầy cô vừa dạy, vừa tự sửa lỗi rất vất vả.
Với việc SGK lớp 2 cũng còn quá nhiều “sạn” như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây, thầy Đào Quốc Vịnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) cho biết : “Tôi vừa chỉ đạo Phó Hiệu trưởng chuyên môn triển khai tới giáo viên một việc chưa có tiền lệ. Khi dạy sách Tiếng Việt 2 tập 1, với ba câu chuyện Niềm vui của Bi và Bống, Chúng mình là bạn, Ăn gì trước, sách do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng chủ biên, giáo viên phải soạn thêm câu hỏi để sửa sai cho sách. Ai đời sách lại giáo dục cho trẻ em tính khôn vặt, tham lam, dễ làm khó bỏ bao giờ... Chọn ngữ liệu như thế thì làm khổ giáo viên, làm lệch lạc nhận thức của học sinh...”.
Thầy Đào Quốc Vịnh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) |
Vi phạm bản quyền vẫn tiếp diễn
Bản quyền trong SGK là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay. Đối với các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới, người biên soạn SGK phải ghi rõ nguồn. Năm ngoái, dư luận nóng lên, ồn ào, cũng về sự vi phạm bản quyền của sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Trích dẫn câu thơ của Nguyễn Khuyến trong bài Thu điếu, Chủ biên cũng... bỏ quên tên tác giả, quên dẫn nguồn. Con quạ thông minh không ghi tên tác giả Ê-dốp, truyện Búp bê và dế mèn không ghi tên tác giả Nguyễn Kiên, truyện Hai người bạn và con gấu không ghi tên tác giả Lép Tôn-xtôi v.v… Nhiều câu chuyện kể trong SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã và đang gây những hiệu ứng tiêu cực, bởi sự vi phạm trắng trợn Luật sở hữu trí tuệ.
Gần đây là ngữ liệu Tôi đi học, Tổng chủ biên kiêm Chủ biên Bùi Mạnh Hùng và nhóm làm sách Ngữ văn lớp 6 cũng... tự “chế biến lại” theo cách của mình, khiến đứa con tinh thần nổi tiếng qua nhiều thập kỷ của nhà văn Thanh Tịnh bị biến dạng, khi “hồn cảm xúc” lìa khỏi “xác ngôn từ". Đây là sự vi phạm bản quyền nghiêm trọng của Tổng chủ biên và nhóm biên soạn SGK.
Bài thơ "Bắt nạt" đang gây ra tranh cãi khi được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 mới |
Ngữ liệu không phù hợp cũng là vấn đề nhận được nhiều phản ánh từ các giáo viên và công luận. Như bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 6 trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Bài thơ phi nghệ thuật và không có tính tư tưởng tích cực, dễ khiến trẻ em cam chịu bắt nạt... đã được nhiều nhà giáo góp ý, đề nghị nên rút khỏi SGK. Đưa bài thơ “không chỉ là dở, mà là rất dở” (như rất nhiều nhà giáo, nhà thơ lên tiếng) vào SGK cho học sinh học, nhóm biên soạn đã thành công trong việc hướng các em đến một thế giới mù màu về nghệ thuật, nội dung phản cảm.
Tuy nhiên, trước những ý kiến đóng góp tích cực và thẳng thắn, NXBGDVN vẫn chưa hề lên tiếng, Bộ GD&ĐT cũng chẳng có phản hồi. Chỉ duy nhất, gần đây, trong lần trả lời phỏng vấn trên trang của Hội Nhà văn Việt Nam, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đã cho rằng, “xã hội cần cởi mở hơn với cái mới” mà tuyệt nhiên không trả lời vào vấn đề chính là những lỗi sai trên SGK mà công luận phản ánh; cũng chưa thấy ông thực sự lắng nghe, cầu thị, với tư cách của một nhà khoa học giáo dục chân chính.
Sách Tiếng Việt và Ngữ văn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống: Tại sao lỗi chồng lỗi?
Khi báo chí lên tiếng về việc Tổng chủ biên Bùi Mạnh Hùng làm SGK cẩu thả, nhiều sai sót trong ngữ liệu và lệch chương trình của Bộ GD&ĐT, dẫn tới việc thầy trò khó khăn trong tiếp nhận thì nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa là ông Bùi Mạnh Hùng có “năng lực siêu phàm”, làm Tổng Chủ biên (TCB), Chủ biến (CB), tác giả của gần 50 quyển sách ở các cấp học, với thời gian chỉ từ 2020 - 2021 ( !?!).
Trong lịch sử biên soạn SGK của ngành giáo dục Việt Nam, đây là hiện tượng “độc nhất vô nhị”, “vô tiền khoáng hậu”, bởi trong một thời gian ngắn, có một PGS.TS có thể đảm nhận một khối lượng công việc khổng lồ đến như vậy.
Công chúng, vì thế, không thể không đặt nghi vấn về những sai sót nghiêm trọng trong biên soạn SGK, khi “cha đẻ” của những cuốn sách lại thờ ơ với chính “đứa con” của mình.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống |
Năm 2021 , ông làm TCB và CB sách Tiếng Việt 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, với số đầu sách tương tự như lớp 1, đồng thời làm TCB sách Ngữ văn 6 ( ít nhất 6 quyển sách) . Còn với SGK hệ THPT, hiện chúng tôi chưa biết PGS.TS Bùi Mạnh Hùng có làm TCB và CB thông suốt các cấp học hay không. Nếu ông làm TCB, CB liên thông cả ba cấp học, thì quả là con người siêu phàm.
Điều đáng nói, hiện nay ông Bùi Mạnh Hùng đang là giảng viên chính thức của khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Một lúc làm nhiều việc có thể đã dẫn đến sự “quá tải” khi trong chưa đầy hai năm, ông đảm đương trách nhiệm làm sách “siêu phàm” với gần 50 quyển sách.
Có thể nói, không phải cứ muốn là làm được SGK, người làm SGK cần có năng lực chuyên môn, cần có cái tâm và cái tầm thực sự.
"Dục tốc bất đạt", người xưa đã răng dạy chúng ta như vậy. Việc làm SKG lại cần cẩn trọng hơn bao giờ hết vì nó liên quan đến sự phát triển tư duy, trí tuệ và nhân cách của rất nhiều thế hệ học trò sau này.
Ảnh minh họa |