Bất cập trong quá trình thu hồi đất
Ngày 26/4/2022, Pháp luật Media – Báo Pháp luật Việt Nam nhận được ‘Đơn kêu cứu khẩn cấp’ của nhiều hộ dân sinh sống tại xóm 15, thôn Ngô Xuyên, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phản ánh về việc quá trình thực hiện Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị công nghiệp Như Quỳnh của Công ty Cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên (công ty Hoàng Vương) nhiều khuất tất. Bên cạnh đó, ý kiến việc chính quyền sở tại chưa lắng nghe và giải quyết những bức xúc của người dân.
Ông Phạm Quý Đôn (đại diện các hộ dân) cho biết: “Chúng tôi là người dân sinh sống tại thôn Ngô Xuyên, thị trấn Như Quỳnh, thuộc diện thu hồi 95-100% đất nông nghiệp để công ty Hoàng Vương thực hiện dự án. Từ khi lựa chọn công ty Hoàng Vương là chủ đầu tư thực hiện dự án, các hộ dân đã được họp thống nhất giá đền bù là 125.000 đồng/m2 và chủ đầu tư hỗ trợ 350 triệu đồng/sào(tức 360m2).
Hồi tháng 5/2020, công ty Hoàng Vương đã cho người đến nhà của từng hộ dân để hỏi mua đất ruộng với giá 350 triệu đồng/sào. Khi đó, nhiều hộ đã đồng ý bán và được hỗ trợ một phần hoa màu. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý bán vì không có gì để canh tác, do vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.
Đến tháng 7/2020, công ty Hoàng Vương đã cho máy vào cào, san ủi mặt bằng sau đó quây tôn, bỏ không đến nay. Nhiều đường nội đồng, kênh mương dẫn nước đã bị phá bỏ không thể canh tác, chúng tôi đã bị thiệt hại toàn bộ hoa màu”.
Lượng lớn rác thải được tập kết trên khu đất thực hiện dự án. |
Ông Hoàng Ngọc Vinh (đại diện các hộ dân) cho biết: “Trước việc làm mập mờ từ công ty Hoàng Vương, chúng tôi đã có ý kiến đến chính quyền địa phương. Tại các cuộc họp đối thoại sau đó, lãnh đạo thị trấn Như Quỳnh và huyện Văn Lâm cũng ghi nhận việc cá nhân, tổ chức nào phá hoa màu của người dân là vi phạm pháp luật, cho biết sẽ điều tra để làm rõ, nhưng đến nay cũng chưa có câu trả lời. Tại cuộc đối thoại, ông Đức chủ tịch huyện cũng khẳng định việc mua bán đất giữa người dân là giao dịch dân sự.
Nếu ngay từ đầu việc mua bán có sự chứng kiến của chính quyền địa phương thì dân chúng tôi đã chấp hành. Chúng tôi chỉ mong muốn được đền bù theo đúng diện tích và đền bù thiệt hại hoa màu không canh tác trong vòng 2 năm qua”.
Chủ đầu tư phủ nhận toàn bộ
Để thông tin đa chiều, phóng viên đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên. Trước những thông tin phản ánh của người dân, đại diện chủ đầu tư đã phủ nhận toàn bộ.
Cụ thể, ông Nguyễn Đình Lâm cho hay: "Không có người nào của công ty mua bán đất với người dân, chúng tôi chỉ phối hợp với địa phương trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc người dân nhận tiền của ai, từ đâu chúng tôi không nắm bắt được".
Dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa được giao đất nhưng chủ đầu tư đã tiến hành dựng rào, quây tôn. |
Một mực khẳng định là vậy, nhưng trên thực tế, công ty Hoàng Vương đã và đang thực hiện dựng rào, quây tôn xung quanh khu đất thực hiện dự án dù hiện chưa được chính quyền địa phương giao đất. Lý giải về việc này, ông Lâm cho biết: “Việc quây tôn để tránh tình trạng lấn chiếm, bảo vệ đất và chỉ dựng những phần đất của các hộ đã chấp thuận (?!)”.
Đề cập đến sự việc xảy ra ngày 2/7/2021, khi xuất hiện nhiều đối tượng cho máy vào san gạt tại khu đất của dự án làm phá hỏng đường nội đồng và hệ thông kênh mương. Ông Nguyễn Đình Lâm tiếp tục khẳng định: “Việc người công ty xuống như người dân nói là không có thật, chúng tôi không tiến hành san gạt. Cũng có nắm bắt được nhưng chưa phải đất của mình lên không rõ”.
Lãnh đạo huyện Văn Lâm nói gì?
Ngày 10/5/2022, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND huyện Văn Lâm. Ông Trần Chu Đức – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đây là dự án thu hồi đất. Trách nhiệm của huyện là công tác thu hồi đất, còn việc bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện là của tỉnh.
Tại các cuộc đối thoại với 20 hộ dân, tôi đã trả lời rất rõ tất cả các câu hỏi của người dân. Còn việc người dân cố tình không đồng ý, cố tình không hiểu thì người dân tiếp tục hỏi và chính quyền tiếp tục trả lời. Đến bây giờ, chỉ còn 12 hộ chưa chấp thuận".
Ông Đức khẳng định: "Về chuyện giao dịch giữa người dân có đất với cá nhân nào là giao dịch dân sự, huyện không chỉ đạo và doanh nghiệp không thông báo việc này. Không có chuyện công ty Hoàng Vương và người dân thỏa thuận mua bán đất.
Nếu công ty có trả tiền trước, đây được hiểu công ty Hoàng Vương ứng tiền cho người dân. Sau này nhà nước phải trả lại cho người dân theo đúng quy định. Công ty Hoàng Vương có trách nhiệm chuyển tiền qua ban quản lý dự án để trả tiền cho người dân.
Đối với những hộ dân chưa đồng thuận thì việc tuyên truyền vận động cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Chúng tôi có cả một ban chỉ đạo về giải phóng mặt bằng do đồng chí Bí thư huyện uỷ làm trưởng ban.
Về việc cá nhân, công ty hay ai đó tự ý đưa máy xúc vào làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân tôi cũng đã giao cho UBND thị trấn Như Quỳnh có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra, tính toán thiệt hại để bồi thường người dân. Và đề nghị phóng viên liên hệ UBND thị trấn Như Quỳnh để làm việc” .
Dự án do công ty Hoàng Vương là chủ đầu tư sử dụng tổng diện tích 370.900 m2, trong đó gần 120.000m2 đất ở. |
Ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Ban Quản lý dự đầu tư xây dựng huyện Văn Lâm cho biết thêm: “Chúng tôi thực hiện đền bù trên cơ sở ‘án tại hồ sơ’, các hồ sơ giấy tờ đầy đủ rồi. Phần đất của người dân sử dụng có thể lớn hơn do có một phần đất công nên người dân phải đóng thuế nhiều hơn. Theo UBND thị trấn báo cáo là phần diện tích không được nhà nước giao. Nhưng người dân lại hiểu qua một thời gian dài thì phần đất canh tác đó thuộc về mình, dẫn tới việc bồi thường các hộ chưa đồng thuận.
Do nguyên nhân khách quan từ việc rất nhiều hộ chưa đồng thuận để huyện ban hành quyết định cưỡng chế là ‘cực chẳng đã’. Là đơn vị được giao chúng tôi đã vận dụng một cách tối đa để vận động các hộ dân. Mong muốn và nhu cầu của người dân thì vô cùng, những mong muốn chính đáng và hợp pháp thì đương nhiên được pháp luật đảm bảo ở mức độ tối đa có thể ”.
Theo phương án cưỡng chế số 03/PA-BCC do UBND huyện Văn Lâm ban hành ngày 8/4/2022, sẽ thực hiện cưỡng chế đối với các hộ dân chưa chấp thuận vào 8 giờ sáng ngày 10/5/2022 nhưng đã không triển khai theo kế hoạch. Về việc này, ông Nguyễn Văn Tứ cho biết: “hiện chúng tôi đang báo cáo Công an tỉnh Hưng Yên thẩm định lại phương án để đảm báo an ninh trật tự. Hiện, phía công an tỉnh chưa phê duyệt nên kế hoạch cưỡng chế theo dự kiến chưa diễn ra”.
Đối với phương án xử lý trong thời gian tới, ông Trần Chu Đức – Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm cho biết: "tới đây chúng tôi sẽ thực hiện cưỡng chế đối với các hộ dân chưa chấp thuận. Huyện đã xin ý kiến của tỉnh, đang đợi chấp thuận và thời gian cụ thể".
Nói về trách nhiệm trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của UBND huyện Văn Lâm gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp của các hộ dân, vị chủ tịch huyện cho rằng, đây là thẩm quyền của huyện và một số Sở. Vì vậy, đề nghị phóng viên liên hệ các Sở liên quan để có thông tin đa chiều.
Dự án “ôm” đất cả thập kỷ
Theo tìm hiểu, Khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm là dự án lựa chọn nhà đầu tư qua tổ chức đấu thầu.
Ngày 15/6/2011, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành văn bản số 910/UBND-KTTH giao Sở Xây dựng tỉnh tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Theo đó, Công ty Cổ phần Hoàng Vương Hưng Yên (địa chỉ: thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) làm chủ đầu tư và thực hiện dự án.
Đến ngày 29/6/2012, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành thông báo số 233/TB-UBND về việc thu hồi diện tích 365.484m2 đất thuộc thị trấn Như Quỳnh và xã Đình Dù để thực hiện dự án. Thông báo nêu rõ trách nhiệm trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của UBND huyện Văn Lâm.
Ngày 26/6/2020, Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị công nghiệp Như Quỳnh được UBND tỉnh Hưng Yên ban hành quyết định số 53/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung giấy chứng nhận đầu tư (cấp lần đầu ngày 25/3/2015) và gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Cụ thể, từ tháng thứ 1 (tính từ ngày 26/6/2020) đến tháng thứ 5 hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tháng thứ 6 đến tháng thứ 24 hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, công trình nhà ở liền kề, biệt thự. Đến tháng thứ 48 (tức ngày 26/6/2022), chủ đầu tư phải hoàn thành tất cả các hạng mục công trình kỹ thuật, đưa dự án vào hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế dự án đến nay chưa thể thực hiện do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đô thị, công nghiệp Như Quỳnh sau nhiều năm chưa thể triển khai, không bị thu hồi để đấu giá mà tiếp tục được điều chỉnh quy hoạch.
Mới đây nhất, ngày 2/7/2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định số 1539/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.