Hội thảo "Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh": Khai mở, hoàn thiện “xương sống” cho thị trường ổn định phát triển

(PLM) - “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” là chủ đề Hội thảo do trường Đại học Luật Hà Nội và Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đồng tổ chức vào sáng ngày 24/11/2023 tại Trường Đại học Luật Hà Nội .
Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” là chủ đề Hội thảo do trường Đại học Luật Hà Nội và Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đồng tổ chức (Ảnh: Minh họa)
Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh” là chủ đề Hội thảo do trường Đại học Luật Hà Nội và Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đồng tổ chức (Ảnh: Minh họa)

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh có những bước tăng trưởng rõ rệt, các giao dịch trên thị trường ngày càng sôi động, đa dạng, tuy nhiên, do thị trường còn mới còn những hạn chế, rào cản đã đặt ra thách thức cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của loại chứng khoán này.

Thị trường chứng khoán phái sinh đặt ra nhiều thách thức

Thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh ở Việt Nam chính thức hoạt động từ tháng 8/2017, đến nay, sau hơn 06 năm hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã có bước tăng trưởng rất tốt và ổn định, bình quân tăng 27,46%/năm (theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội); các giao dịch trên thị trường sôi động và ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Những vai trò quan trọng của TTCK phái sinh Việt Nam đã được ghi nhận như: từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu cho nhà đầu tư; giúp ổn định tâm lý cho nhà đầu tư, làm cho thị trường cân bằng hơn, góp phần hạn chế sự sụt giảm của chỉ số thị trường cơ sở. Hơn nữa, TTCK phái sinh còn là một kênh đầu tư sinh lời cho nhà đầu tư.

Nhìn chung, TTCK phái sinh đã ngày một khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, đáp ứng một trong những điều kiện bắt buộc để TTCK Việt Nam được xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, hàng hoá trên TTCK phái sinh ở Việt Nam còn tương đối đơn giản, hình thức và số lượng chưa phong phú; cơ cấu nhà đầu tư chưa đa dạng; các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng chưa sôi động. Mặt khác, chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh cũng bắt đầu gặp những vấn đề, thách thức đặt ra cho sự tồn tại và phát triển ở thời điểm tương lai, chẳng hạn việc đánh thuế đối với chứng khoán phái sinh để phù hợp với bản chất của loại chứng khoán này, qua đó góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; việc xác định vị trí, vai trò và yêu cầu của các chủ thể kinh doanh trên thị trường; việc tăng cường quản lý, giám sát đối với thị trường nhằm bảo vệ tối ưu quyền và lợi ích của các nhà đầu tư...

Tất cả những vấn đề này đều cần có cái nhìn thấu đáo, đa chiều, từ đó gợi mở, thảo luận để làm rõ những giải pháp có thể đưa ra từ góc độ pháp luật điều chỉnh và góc độ nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể trên thị trường.

17 báo cáo chất lượng sẽ khai mở, hoàn thiện góc cạnh pháp lý

TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Sau quá trình chọn lọc, gửi thẩm định độc lập, Ban Tổ chức Hội thảo chọn lựa được 17 báo cáo có chất lượng tốt để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo, trong đó có 08 báo cáo được trình bày trực tiếp tại Hội thảo, tất cả đều tập trung đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Cùng với những ý kiến phát biểu của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tại phiên thảo luận, Hội thảo sẽ luận bàn và góp ý về nhiều chế định, nhiều khía cạnh của pháp luật điều chỉnh về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội

TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội

TS Đoàn Trung Kiên cho biết thêm, các tham luận tại Hội thảo tập trung vào 02 nhóm vấn đề lớn. Nhóm thứ nhất là những vấn đề lý luận về chứng khoán phái sinh và thực trạng pháp luật hiện hành đối với chứng khoán phái sinh, thị trường chứng khoán phái sinh. Trong nhóm vấn đề này, các bài viết đã tập trung làm rõ các nội dung lớn về: Lý luận đối với chứng khoán phái sinh và bản chất của chứng khoán phái sinh; Sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật về chứng khoán phái sinh; những vấn đề đặt ra đối với thể chế pháp luật hiện hành;…

Nhóm thứ hai tập trung vào việc gợi mở một số giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về TTCK phái sinh. Trong nhóm vấn đề này, các bài tham luận tập trung làm rõ các nội dung lớn về: Giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm: đảm bảo tối đa minh bạch của các giao dịch chứng khoán phái sinh; đảm bảo sự cân bằng giữa mở rộng sự gia nhập của chứng khoán phái sinh và sự kiểm soát chống các hành vi trốn thuế, trục lợi và hoàn thiện pháp luật hướng tới cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với giao dịch chứng khoán phái sinh;…

Hoàn thiện hành lang pháp lý làm “xương sống” cho thị trường chứng khoán phái sinh

GS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng, Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển cho biết: “Những nghiên cứu về thị trường chứng khoán cũng như thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán ở nhiều nước trên thế giới đều cho thấy có nhiều rủi ro đối với các chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh. Các rủi ro rất đa dạng, từ rủi ro thị trường, rủi uy tín, rủi ro giá cho đến rủi ro pháp lý.

Cần phải nhận thấy rằng trong hầu hết các rủi ro đều có dấu ấn của rủi ro pháp lý. Một quy trình phá sản được luật định với việc bỏ qua các cam kết trong giao dịch phái sinh khi có chủ thể phá sản, thiếu cơ chế luật định cho việc ủy quyền, đại diện trong giao dịch chứng khoán phái sinh, những yêu cầu sơ sài về hình thức giao dịch và tài liệu cần phải có đều mang lại rủi ro cho các chủ thể giao dịch chứng khoán. Trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại và toàn cầu hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng thì xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh là không thể cưỡng lại.

GS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng, Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển

GS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng, Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển

Đối với Việt Nam, chỉ đánh giá sơ bộ về phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán trong sự so sánh với một vài quốc gia đã cho thấy có sự lạc hậu quá nhiều. Điều này càng đáng ngạc nhiên là trong khi chứng khoán phái sinh đang có xu hướng phát triển nhưng Luật Chứng khoán mới ban hành 2019 song chưa thể cập nhật được các quy định quốc tế về chứng khoán phái sinh. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu xây dựng Luật riêng về giao dịch chứng khoán phái sinh để thị trường này hoạt động ổn định trong khuôn khổ các quy định của pháp luật”.

Ông Trần Ngọc Hà – Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: Pháp luật về CKPS và TTCK phái sinh là bộ phận pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thị trường chứng khoán phát triển, tăng cơ hội đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực chính sách và pháp luật đến từ nhiều cơ quan, ban ngành, trường đại học trên khắp cả nước.

ông Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

ông Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các quan điểm, ý kiến tại Hội thảo thành văn bản góp ý chung của các đơn vị đồng tổ chức để gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan khác có liên quan, từ đó góp thêm những ý kiến có giá trị, thể hiện trách nhiệm của giới luật học và chính sách trước Đảng, trước Nhân dân đối với sự phát triển của đất nước.

Hội thảo “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh”

Thời gian tổ chức: Từ 8h00 đến 12h00 ngày 24 tháng 11 năm 2023

Địa điểm:

- Trực tiếp tại Phòng A402 nhà A, Trường Đại học Luật Hà Nội, số 87 Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa, Hà Nội.

- Trực tuyến trên nền tảng zoom dành cho các đại biểu không thể đến dự trực tiếp.

Danh sách báo cáo:

1. Chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh - Kỳ vọng và thực trạng (TS. Tạ Thanh Bình)

2. Chứng khoán phái sinh và sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán phái sinh (TS. Nguyễn Minh Hằng - TS. Nguyễn Ngọc Yến)

3. Phạm vi điều chỉnh chứng khoán phái sinh - Góc nhìn so sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật một số quốc gia (GS.TS. Lê Hồng Hạnh)

4. Cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh toán trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam (ThS. Nguyễn Thu Trang - TS. Nguyễn Thị Thanh Tú).

5. Những vấn đề đặt ra đối với pháp luật chứng khoán và pháp luật hợp đồng khi có sự gia nhập của chứng khoán phái sinh trong các giao dịch chứng khoán (TS. Nguyễn Văn Tuyến)

6. Đánh giá sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật một số quốc gia Châu Á trong điều chỉnh thị trường chứng khoán phái sinh (PGS.TS. Bùi Hữu Toàn)

7. Thị trường chứng khoán phái sinh và những vấn đề đang đặt ra đối với thể chế pháp luật hiện hành (ThS.NCS. Lưu Minh Sang)

8. Vai trò của công ty chứng khoán trên thị trường chứng khoán phái sinh - Một số bình luận dưới góc độ pháp luật điều chỉnh (TS. Nguyễn Thị Phương Thảo)

9. Pháp luật về cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán (ThS. Phan Phương Nam)

10. Nhận diện rủi ro tiềm ẩn đối với chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh (ThS. Phạm Hồng Thúy)

11. Thuế đối với chứng khoán - Thực trạng và khả năng vận dụng đối với chứng khoán phái sinh (Nguyễn Văn Phụng)

12. Hoàn thiện các quy định về chủ thể tham gia thị trường chứng khoán phái sinh hướng tới việc mở rộng thị trường chứng khoán (TS. Nguyễn Thị Hương)

13. Pháp luật về hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán ở Việt Nam - Một số bình luận mở (PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu - Diêm Thị Ánh - Trần Hoàng Minh)

14. Đánh giá sự tác động của pháp luật tới sự tham gia của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam (ThS. Hồ Bá Tình - TS. Nguyễn Thị Thanh Tú)

15. Hợp đồng kì hạn và tính thanh khoản, khả năng phòng ngừa rủi ro kinh doanh bất động sản ở Việt Nam - Thực trạng pháp luật và một số kiến nghị (TS. Viên Thế Giang)

16. Vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức về rủi ro pháp lý khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh (ThS. Vũ Văn Hùng)

17. Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trước xu thế hội nhập quốc tế: Hoàn thiện khung pháp lý và giải pháp tăng cường (Lương Thị Hồng Hương)

Cùng chuyên mục